Cử tri ý kiến về chi trả tiền thừa giờ của GV, UBND tỉnh Tuyên Quang trả lời

04/07/2023 11:04
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc thanh toán tiền dạy thêm giờ cho giáo viên còn vướng mắc trong áp dụng quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TT-BGDĐT-BNV-BTC.

Trang thông tin điện tử Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã đăng tải nội dung Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề về lĩnh vực giáo dục và đào tạo trước kỳ họp thứ VI, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XIX.

Theo đó, những vấn đề trọng tâm được cử tri nêu ra là kiến nghị về việc tổ chức, biên chế giáo viên; Kiến nghị về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; Kiến nghị về chế độ, chính sách của giáo viên, học sinh và kiến nghị về việc thực hiện các khoản thu.

Trong những nội dung trên, kiến nghị về việc tổ chức, biên chế giáo viên được cử tri nêu bật cụ thể.

Đề nghị bổ sung 4.603 giáo viên

Về đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế ngành giáo dục để đảm bảo định mức giáo viên/lớp, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang thông tin, năm học 2022-2023, tỉnh đã thực hiện giao 13.177 người làm việc cho các cấp học, trong đó đã bổ sung tăng 1.246 người làm việc so với năm học 2021-2022 (số biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung).

"Tuy nhiên, số lượng người làm việc này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu theo định mức giáo viên của tỉnh", Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang nêu.

Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, địa phương đề nghị bổ sung 4.603 giáo viên giai đoạn 2022-2026.

"Tỉnh đề nghị Trung ương bổ sung tiếp 1.156 người làm việc còn lại trong số lượng bổ sung cho tỉnh giai đoạn 2022-2026 và 3.447 người làm việc còn thiếu theo định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm học 2023-2024", Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang thông tin.

Trường Trung học phổ thông Tân Trào (Thành phố Tuyên Quang) tổ chức ôn tập cho học sinh lớp (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang)

Trường Trung học phổ thông Tân Trào (Thành phố Tuyên Quang) tổ chức ôn tập cho học sinh lớp (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang)

Đối với đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi tuyển viên chức cho ngành giáo dục và xem xét bổ sung biên chế kế toán cho các trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang thông tin, năm 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2023.

Tổng số chỉ tiêu kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2023 là 1.498 chỉ tiêu (Vị trí việc làm giáo viên là 1.447 chỉ tiêu; vị trí việc làm kế toán, y tế, thiết bị, thư viên là 51 chỉ tiêu). Dự kiến hoàn thành tuyển dụng viên chức vào quý III năm nay.

Tinh giản biên chế lĩnh vực giáo dục thấp hơn lĩnh vực khác

Đó là chủ trương trong giai đoạn 2022-2026 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang nhằm khắc phục việc thiếu giáo viên.

Về đề nghị xem xét không tinh giản biên chế đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Ủy ban Nhân tỉnh thông tin, chủ trương tinh giản biên chế là chủ trương chung của Trung ương được xác định tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Theo đó, tại Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định đến năm 2025 giảm 10% biên chế sự nghiệp so với năm 2021. Tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 28/7/2022 của Bộ Chính trị, giao biên chế sự nghiệp khối Nhà nước cho tỉnh đến năm 2026 là 13.548 người, giảm 1.505 người so với năm 2021, tỷ lệ 10%.

Thực hiện chủ trương trên, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục khó khăn do thiếu giáo viên.

Cụ thể, giai đoạn 2015-2021, tỉnh tinh giản 793 người/1.484 người theo kế hoạch, không thực hiện giảm 691 người.

Giai đoạn 2022-2026, tỉnh ban hành Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

"Đề án đã xác định thực hiện tinh giản biên chế cao hơn ở các lĩnh vực khác để giảm áp lực cho ngành giáo dục.

Lĩnh vực giáo dục thực hiện tinh giản 616 người, chiếm 5,16%, thấp hơn tỷ lệ tinh giản chung là 4,4% và chủ yếu tập trung về những năm cuối giai đoạn (năm 2022, 2023 không tinh giản; năm 2024: 94 người; năm 2025: 185 người; năm 2026: 337 người).

Đồng thời đề xuất với Trung ương không thực hiện tinh giản biên chế sự nghiệp giáo dục để đảm bảo công tác dạy và học trên địa bàn tỉnh", Ủy ban Nhân dân tỉnh thông tin.

Về đề nghị chi trả tiền dạy thừa giờ của giáo viên

Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương về việc thanh toán tiền lương dạy thêm giờ cho giáo viên, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Kết quả chi trả tiền dạy thừa giờ của giáo viên: Năm học 2020-2021: Số giờ giáo viên dạy vượt định mức theo quy định là 162.815 giờ; số giờ đã được thanh toán là 132.245 giờ; số giờ chưa được thanh toán là 30.570 giờ. Năm học 2021-2022: Số giờ giáo viên dạy vượt định mức theo quy định là 270.847 giờ; số giờ đã được thanh toán là 132.245 giờ; số giờ chưa được thanh toán là 187.697 giờ. Năm học 2022-2023: Dự kiến là 119.731 giờ, hiện chưa thẩm định thanh toán.

Tuy nhiên khi giải quyết thì còn có khó khăn, vướng mắc đó là việc thanh toán tiền dạy thêm giờ cho giáo viên còn vướng mắc trong áp dụng quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TT-BGDĐT-BNV-BTC: "Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Để giải quyết vấn đề trên, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh có cơ chế, chính sách bố trí nguồn ngân sách nhà nước thanh toán chế độ tiền lương dạy thêm giờ thực tế của giáo viên theo quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chế độ tiền lương dạy thêm giờ của giáo viên theo đúng quy định.

Về đề xuất bổ sung biên chế kế toán cho các trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh thông tin, việc quy định về định mức nhân viên kế toán phụ thuộc vào số lượng người làm việc được giao (tổng số lượng người làm việc của tỉnh không được tăng thêm khi sửa đổi các định mức kế toán, địa phương tự cân đối trong số lượng người đang được giao);

Yêu cầu tiết kiệm biên chế nhân viên; số lượng biên chế thực hiện tinh giản giai đoạn 2022-2026 và phù hợp theo vị trí việc làm. Hiện nay, Sở Nội vụ đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổng hợp, đề xuất sửa đổi định mức kế toán trường học tại Văn bản số 513/UBND-NC ngày 06/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về bố trí kế toán kiêm nhiệm các đơn vị trường học.

Theo đó, đề xuất tăng định mức kế toán so với định mức quy định tại Văn bản số 513/UBND-NC ngày 06/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh từ 176 người lên 237 người, tăng 61 người. Đồng thời giao Ủy ban nhân dân huyện, thành phố căn cứ tổng số lượng kế toán được bố trí, thưc hiện rà soát, giao biên chế kế toán cho các trường phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm đảm bảo không vượt tổng số lượng kế toán được bố trí của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

Mạnh Đoàn