Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý khiển trách với ông Nguyễn Đức Sơn là quá nhẹ. |
Sau gần 1 tháng, kể từ sau sự việc rùm beng, ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội dùng gậy gofl “gõ nhẹ” vào đầu caddie (nhân viên kéo gậy) tại sân golf Tam Đảo (Vĩnh Phúc) làm nhân viên này ngất xỉu; UBND TP Hà Nội đã ra quyết định kỷ luật “nghiêm khắc” với ông “giám đốc công ích” này bằng hình thức… khiển trách.
Theo nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức được Chính phủ ban hành ngày 17/5/2011 thì đây là hình thức nhẹ nhất trong 04 hình thức kỷ luật là: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và bãi nhiệm.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long “định hướng dư luận và răn dạy xã hội rằng": “Tinh thần kỷ luật đưa ra là để giáo dục, là bài học sâu sắc trong ứng xử đối với các mối quan hệ, chứ kỷ luật không phải để trù dập”; “Nhẹ hay nặng do nhận thức của mỗi người. Với người trọng danh dự thì chỉ cần một lời phê bình nhẹ thôi cũng đã đủ để họ nhận thức được nhiều điều…”; “Với tinh thần vị tha, chúng ta cũng không nên xem xét ở góc độ kỷ luật nặng hay nhẹ nữa, vấn đề là anh Sơn sẽ sửa chữa thế nào” vv và vv…
Nghe chuyện, những người hiểu việc, hiểu đời cũng chỉ biết ngửa mặt lên trời, cười cái hậc mà than, mà thấm thía câu cửa miệng “Hà Nội không vội được đâu!”. Vụ việc từng được cả Thành ủy, Ủy ban cùng “quyết liệt” chỉ đạo mà cũng chỉ dừng ở mức độ “khiển trách” (tức là “sâu sắc rút kinh nghiệm”). Thế mới biết cái khó của những người đứng đầu một hệ thống "bôi mà không trơn". Và thế mới hiểu ra rằng, với Hà Nội đừng nhìn chỉ đạo mà đoán… kết luận.
Trở lại câu chuyện dẫn đến hình thức kỷ luật “nghiêm khắc” đối với ông Sơn.
Theo tường trình của ông này, đại ý, sáng ngày 15-9, ông cùng hai người bạn đến sân golf Tam Đảo đánh golf theo lịch “rèn luyện sức khỏe”. Sau nửa ngày quần thảo, đã nóng và bực mình thì chớ, gã phục vụ (caddie) của bạn chơi lại còn “bép xép” về cái việc ông “ăn gian hay không ăn gian” ; cáu tiết, ông liền “gõ nhẹ” vào đầu cậu ta và “ôn tồn” bảo: “Phục vụ người nào thì báo người đó, không nói linh tinh”. Khi hành động thế, ông cũng chỉ có ý “trêu đùa, nhắc nhở”, chẳng ngờ “gặp thời tiết nắng nóng, oi bức” lại do “tuổi trẻ sức yếu” nên cậu caddie đã lăn đùng ra ngất, phải đưa đi cấp cứu.
Sự việc cũng… chỉ có thế, ông cũng đã xin lỗi và đền tiền rồi, vậy mà báo chí cứ làm ầm lên. Ông than rằng, nếu mình không phải là Tổng giám đốc, nếu mình chỉ là người bình thường thì có lẽ sự việc đã không đến mức ầm ĩ như vậy, đã không bị người ta “độc mồm độc miệng”, “bé xé ra to”.
Người ta “xé to” đến nỗi, sân golf Tam Đảo còn ra hẳn thông báo chính thức “cấm cửa” ông Sơn không được “bén mảng” chơi ở đó nữa mặc dù ông luôn là khách chịu chi, phải mua thẻ thành viên cả tiền tỷ đồng và mỗi lần chơi cũng sẵn lòng chi thêm vài ba triệu bạc (chưa kể chi phí khác).
Cũng không chỉ có thế, ngay sau đó, Hiệp hội golf Việt Nam đã có văn bản đề nghị các sân golf trên toàn quốc “cấm tiệt”, không được chấp nhận ông Sơn được “ra sân”, vì cho rằng hành vi này “vi phạm nghiêm trọng quy tắc ứng xử trên sân golf”; dù rằng giữa thời “gạo châu cửi quế” hiện nay, tìm được một người say mê môn thể thao quý tộc này chẳng hề dễ.
Cách đây tròn 2 năm; tháng 10.2011; Bộ trưởng Đinh La Thăng, khi đó mới về nhậm chức “tư lệnh ngành” Giao thông đã ban một lệnh rất mất lòng cấp dưới là yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước và cán bộ từ cấp cục vụ viện trở lên, thuộc diện Bộ quản lý, không chơi golf, không tổ chức hoặc tham gia các giải golf, để tập trung chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh và giải quyết công việc chuyên môn được giao…
Khi đó, văn bản này đã nhận được cả “rổ đá” của các cơ quan chức năng; nhưng ông Thăng chỉ bình thản bảo rằng “Chơi thể thao nói chung, chơi golf nói riêng là tốt, song trong bối cảnh đất nước khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp còn khó khăn thì cần phải tập trung trí tuệ, thời gian cho công việc”. Và ông bảo "Anh muốn tự do là người dân bình thường thì không làm lãnh đạo nữa, khi anh đã làm lãnh đạo thì anh phải chấp nhận ngoài những quy định của pháp luật, anh còn phải chấp nhận theo các quy định riêng của cơ quan, đơn vị mình". Chia sẻ ấy của ông Thăng khiến nhiều quan chức bực dọc nhưng dân chúng thì vỗ tay nhiệt tình.
Một vụ việc khác, gần hơn, cách đây chỉ 1 tháng; Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã thẳng tay “trảm” nặng, khai trừ Đảng, thu hồi tiền, buộc thôi việc với hàng loạt các lãnh đạo những công ty công ích nhận lương khủng… Hành động nghiêm túc nhận lỗi và nghiêm khắc kỷ luật này đã làm nức lòng dân; tạo lập lại niềm tin yêu rất lớn của nhân dân với Đảng và Chính quyền Thành phố.
Thôi không bàn, không hỏi, một công chức, viên chức nhà nước như ông Sơn lấy đâu ra tiền mà chơi môn thể thao tiền tỷ (vì ông Long đã trả lời rồi: “Nếu nhìn vào thu nhập của công chức thì khó có thể chơi golf được, nhưng bên cạnh đó công chức có thể còn có nhiều nguồn thu nhập khác như buôn bán đầu tư chứng khoán, đất đai, hay thừa kế tài sản… Cá nhân tôi cho rằng việc chơi golf thuộc sở thích của mỗi người. Dù chơi golf hay chơi gì chăng nữa thì quan trọng là phải không vi phạm phẩm chất đạo đức và phù hợp với quy định của pháp luật…”).
Tuy nhiên, nếu xét về văn hóa hành xử của một “cán bộ nhà nước”, tư cách đạo đức và quy định về những điều Đảng viên không được làm; đồng thời đặt chuyện này với chuyện của Bộ GTVT và chuyện của TP. HCM kể trên thì sẽ thấy không khỏi đắng lòng. Nói trắng ra, liệu ở đâu đó có những dấu hiệu, biểu hiện của bao che, “đóng cửa bảo nhau” trong kỷ luật cán bộ công chức thì Hà Nội, dẫu có muốn “vội” phát triển thì cũng… còn lâu mới vội được!
Phạm Nguyễn