LTS: Đầu tháng 11/2024, tại trụ sở Chính phủ diễn ra phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo. Phiên họp nhằm cho ý kiến về “Định hướng giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW khoá XII ”. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam.
Nhằm ghi nhận ý kiến từ phía cơ sở đào tạo về vấn đề vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng.
Phóng viên: Từ thực tiễn, thầy đánh giá như thế nào về làn gió mới khi có sự tham gia của giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại Việt Nam?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu: Sự tham gia của giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại Việt Nam sẽ mang đến một không khí khác biệt cho các cơ sở giáo dục đại học nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung. Thực tế cho thấy rằng, giáo dục Việt Nam trong giai đoạn gần đây có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều ngành, lĩnh vực, kết quả đạt chuẩn trình độ khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, xét trên phương diện tổng thể, các cơ sở giáo dục trong nước đang rất cần quốc tế hoá chính họ trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức. Các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài sẽ làm chuyển biến nhận thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học để từ đó nâng tầm vị thế, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học này còn có vai trò hỗ trợ, dẫn dắt cho các cơ sở giáo dục đại học trong một số lĩnh vực mới, khó và thiếu hụt đội ngũ chuyên gia trong nước giúp các cơ sở giáo dục đại học rút ngắn khoảng cách, bắt kịp xu thế với thế giới.
Ngoài ra, việc các nhà khoa học đến làm việc tại Việt Nam sẽ giúp kết nối mạng lưới đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức, tạo ra một cầu nối quan trọng giữa cơ sở giáo dục Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học, cộng đồng khoa học quốc tế được thường xuyên, bền vững, góp phần kiến tạo một nền giáo dục Việt Nam chất lượng và có vị thế cao trong cộng đồng quốc tế.
Phóng viên: Hiện nay, Luật Viên chức chỉ điều chỉnh đối với những nhà giáo Việt Nam (viên chức là công dân Việt Nam), chưa có quy định riêng biệt, đặc thù đối với nhà giáo nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy. Điều này dẫn đến các cơ sở giáo dục gặp khó khi áp dụng và triển khai quy trình tuyển dụng, tiếp nhận nhà giáo nước ngoài. Thầy có thể chia sẻ khó khăn này nhìn từ quá trình triển khai của nhà trường?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu: Hiện nay việc tiếp nhận giảng viên người nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các chế độ về tài chính chưa thực sự hấp dẫn để thu hút giảng viên nước ngoài đến giảng dạy, thủ tục xin giấy phép lao động để tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Do đó, số lượng giảng viên người nước ngoài làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam là rất nhỏ so với giảng viên là công dân Việt Nam.
Trong Luật Viên chức điều chỉnh không có quy định riêng biệt, đặc thù và không có cơ chế gỡ khó cho việc xin giấy phép lao động thì việc tiếp nhận người nước ngoài trong tương lai sẽ tiếp tục lặp lại kịch bản như trước đó, thậm chí khó khăn hơn. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng giảng viên nước ngoài của các cơ sở giáo dục đại học cùng với sự phát triển hiện nay là rất lớn.
Chính vì vậy, trong thời gian tới cần có những hướng dẫn, điều chỉnh các quy định theo hướng tạo ra sự đột phá trong các thủ tục tiếp nhận giảng viên người nước ngoài, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học chất lượng cao.
Phóng viên: Quy định về việc cán bộ phải có 3-5 năm kinh nghiệm giảng dạy trong cùng ngành, điều này "xung đột" với thực tế là nhiều ngành rất mới xuất hiện, thậm chí bản thân ngành đó xuất hiện cũng chưa đủ thời gian đó. Việc đòi hỏi giảng viên có số năm kinh nghiệm giảng dạy cùng ngành như vậy có đang là rào cản đối với các cơ sở giáo dục đại học trong nước không, thưa thầy?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu: Ngày 7/6/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành danh mục về các ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học. Việc ban hành này thể hiện sự cập nhật đối với xu thế phát triển của giáo dục đại học thế giới và thực tiễn đất nước.
Việc phát triển các ngành thí điểm cũng có nhiều “điểm mở” tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội. Quy định cán bộ phải có 3-5 năm kinh nghiệm giảng dạy trong cùng ngành với những ngành “mới” ở Việt Nam có thể tạo ra những rào cản, khó khăn nhất định trong việc đào tạo các ngành mới đáp ứng nhu cầu của xã hội của các cơ sở giáo dục đại học có nguyện vọng “tiên phong”.
Đối với vấn đề này cần phải xem xét thực tiễn nhu cầu của đất nước để có những tháo gỡ phù hợp như cập nhật bổ sung danh mục ngành mới vào danh mục các ngành đào tạo hiện hành, “mở” hơn về yêu cầu kinh nghiệm giảng dạy và yêu cầu đội ngũ giảng viên. Với các ngành mới có thể yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học trong mở ngành cần có chiến lược phát triển đội ngũ hợp lý trên cơ sở đội ngũ hiện tại để vừa giám sát chất lượng, vừa đáp ứng yêu cầu cần mở các ngành mới đào tạo nhân lực cho đất nước.
Phóng viên: Vừa qua, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam. Theo thầy, khi xây dựng đề án này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung vào những nội dung nào?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu: Đối với các cơ sở giáo dục đại học, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án này sẽ tạo ra được một động lực mạnh mẽ, một cú hích quan trọng trong tiến trình quốc tế hoá giáo dục đại học. Đề án sẽ biến các chính sách, cách làm cụ thể, riêng biệt của từng cơ sở giáo dục đại học trước đây thành một chiến lược, chương trình hành động và các cơ sở pháp lý tổng thể kèm theo.
Đặc biệt, đề án sẽ “cởi trói” giúp cho các cơ sở giáo dục đại học tiếp nhận được nhiều chuyên gia, nhà khoa học có chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực ngành nghề đào tạo mới, đòi hỏi phải các nhà khoa học tiên phong, xây dựng các nhóm nghiên cứu quốc tế, góp phần đưa các cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đạt chuẩn trên thế giới. Từ đó góp phần vào hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 29.
Đối với Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, nhà trường ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực cho phát triển hợp tác quốc tế, coi đây là một trụ cột quan trọng trong chiến lược. Nếu đề án được triển khai sẽ mang đến nhiều làn gió mới trong quốc tế hoá giáo dục đại học của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng trên nhiều phương diện.
Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cũng như các cơ sở giáo dục đại học khác được “cởi trói”, phá bỏ rào cản từ các cơ chế còn vướng mắc trước đây để thu hút mạnh mẽ các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài từ đó góp phần vào nâng cao chất lượng đào các ngành thuộc các bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của nhà trường, đặc biệt là các ngành đào tạo giáo viên, khoa học cơ bản tiệm cận và đạt chuẩn khu vực và trên thế giới.
Thông qua đề án thu hút này, nhà trường sẽ “khớp nối” giữa định hướng thu hút của Nhà trường với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thu hút các chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam, người nước ngoài đến làm việc. Từ đó góp phần thực hiện mục tiêu trở thành trường sư phạm trọng điểm quốc gia, đào tạo và nghiên cứu đạt chuẩn khu vực Đông Nam Á và đóng góp trực tiếp chiến lược quốc tế hoá giáo dục đại học của Việt Nam, hiện thực hoá Nghị quyết 29-NQ/TW trong giáo dục đại học.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu!