Cô nuôi mầm non 3 tháng không lương/năm, Quảng Trị mong có hướng dẫn gỡ khó

25/06/2023 08:39
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Địa phương muốn tham mưu, thực hiện chính sách cho các cô giáo nhưng khó khăn vì vướng nhiều quy định

Từ năm 2019, chế độ dành cho người lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các trường mầm non công lập tại tỉnh Quảng Trị được thực hiện theo Nghị quyết số 35/2018/NĐ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị.

Theo đó, người lao động được hưởng tiền lương và được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội 9 tháng/người/năm.

Nghị quyết đã giúp giáo dục mầm non của Quảng Trị có nhiều khởi sắc, tuy nhiên, sau thời gian áp dụng, khối lượng, áp lực công việc và đặc biệt phải nghỉ đến 3 tháng không lương, không bảo hiểm khiến người lao động gặp nhiều khó khăn.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với bà Võ Thị Loan – Phó phòng Phòng Giáo dục Tiểu học- Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị để rõ những khó khăn và những giải pháp nào cần làm nhằm gỡ vấn đề trên.

Cô nuôi ở trường mầm non Tân Hợp (Hướng Hóa) chia cơm cho các con. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Cô nuôi ở trường mầm non Tân Hợp (Hướng Hóa) chia cơm cho các con. Ảnh: Giáo viên cung cấp

Bà Võ Thị Loan cho biết: “Trước hết cần phải khẳng định, giáo dục mầm non là cấp học nền tảng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển giáo dục phổ thông và chiến lược phát triển con người.

Những năm qua, ở Quảng Trị, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, bậc học mầm non đã có những bước tiến rõ rệt, đã huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất; việc đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên; xây dựng hệ thống trường trọng điểm chất lượng cao được chú trọng.

Tuy nhiên, theo yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, để đáp ứng với sự đi lên của xã hội và nhu cầu của nhân dân, giáo dục mầm non còn nhiều khó khăn, bất cập như cơ sở vật chất còn chưa hoàn thiện, trường lớp còn thiếu khang trang, trang thiết bị còn thiếu đồng bộ...

Trong đó, có khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ là đội ngũ làm nhiệm vụ nấu ăn chưa được quan tâm đúng mức, chưa được xếp vào vị trí việc làm bắt buộc ở trường mầm non, chưa được đảm bảo các chế độ lao động, dẫn đến tình trạng thiếu người nấu ăn và những người nấu ăn đang làm việc thì không yên tâm công tác.

Từ đó, làm ảnh hưởng đến các hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng trẻ trong nhà trường”.

Các cô nuôi ở trường Mầm non Xy (Hướng Hóa) chuẩn bị nấu ăn. Ảnh: Trường mầm non Xy

Các cô nuôi ở trường Mầm non Xy (Hướng Hóa) chuẩn bị nấu ăn. Ảnh: Trường mầm non Xy

Nói về việc người lao động làm việc ở vị trí nấu ăn trong các trường mầm non có 3 tháng không lương trong 1 năm khi học sinh nghỉ, bà Võ Thị Loan cho biết:

“Ngay từ khi bắt đầu làm công tác tham mưu để cho ra nghị quyết 35/2018/HĐND, ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã trình trả lương, hỗ trợ bảo hiểm 12 tháng cho các nhân sự làm công tác nấu ăn trong các trường mầm non công lập.

Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến và tham khảo các Sở ngành đồng thời thẩm tra lại thì thấy không đúng với luật bảo hiểm.

Do vậy, sau 3 lần sửa đổi và lấy thêm ý kiến, dự thảo mới được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Bên cạnh đó, mức lương cho nhân sự nấu ăn trong các trường mầm non cũng được Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị trong dự thảo trình cũng cao hơn mức hiện tại của Nghị quyết ban hành. Thời điểm đó, Sở Giáo dục và Đào tạo muốn lấy mức lương cơ sở để thực hiện chi trả cho các cô nuôi mầm non.

Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách của tỉnh, địa phương và khả năng xã hội hóa của người dân ở vùng thuận lợi cũng khó nên để đảm bảo quyền lợi cô nuôi tại thời điểm đó, sau gần hai năm với 3 lần trình, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thống nhất ban hành ở mức lương hiện tại và được tính theo mức lương tối thiểu vùng.

Về phía địa phương, tỉnh Quảng Trị ban hành được Nghị quyết như vậy là một sự quan tâm rất kịp thời đối với giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức lương và mức hỗ trợ các khoản bảo hiểm cho cô nuôi cũng đang rất thấp trong khi công việc ngày càng vất vả và áp lực".

Đường đến điểm bản của các cô nuôi mầm non ở Quảng Trị quá vất vả, khó khăn. Ảnh: Cô nuôi ở Trường mầm non ở Hướng Hóa cung cấp.

Đường đến điểm bản của các cô nuôi mầm non ở Quảng Trị quá vất vả, khó khăn. Ảnh: Cô nuôi ở Trường mầm non ở Hướng Hóa cung cấp.

Nói về vai trò của các cô nuôi trong trường mầm non, Phó trưởng phòng Giáo dục Tiểu học – Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị bày tỏ:

“Nhiệm vụ nuôi dưỡng trong các trường mầm non đóng vai trò rất quan trọng, ngành giáo dục Quảng Trị mong sẽ có cơ chế chính sách cho cô nuôi từ phía Trung ương để tháo gỡ được những khó khăn này và tạo điều kiện cho các cô nuôi có thêm điều kiện yên tâm công tác hơn”.

“Giáo dục mầm non có tính đặc thù hơn so với giáo dục phổ thông. Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng giáo dục mầm non phải đứng bằng 2 chân là “chăm sóc” và “giáo dục”.

Trong thông tư 01/VBHN-BGDĐT ngày 24/1/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã quy định về chương trình giáo dục mầm non.

Theo đó, "chương trình giáo dục mầm non vừa phải đảm bảo tính khoa học, tính vừa sức và nguyên tắc đồng tâm phát triển từ dễ đến khó; đảm bảo tính liên thông giữa các độ tuổi, giữa nhà trẻ, mẫu giáo và cấp tiểu học; thống nhất giữa nội dung giáo dục với cuộc sống hiện thực, gắn với cuộc sống và kinh nghiệm của trẻ, chuẩn bị cho trẻ từng bước hoà nhập vào cuộc sống".

Đồng thời, "chương trình giáo dục mầm non phải phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em, hài hoà giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục; giúp trẻ em phát triển cơ thể cân đối, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn; cung cấp kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi; giúp trẻ em biết kính trọng, yêu mến, lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy giáo, cô giáo; yêu quý anh, chị, em, bạn bè; thật thà, mạnh dạn, tự tin và hồn nhiên, yêu thích cái đẹp; ham hiểu biết, thích đi học".

Cô nuôi ở trường Mầm non Tân Liên chia cơm ở điểm trường Cheng. Ảnh: LC

Cô nuôi ở trường Mầm non Tân Liên chia cơm ở điểm trường Cheng. Ảnh: LC

Thực tế cho thấy, chúng ta đang mới chỉ phát triển mảng “giáo dục” chứ chưa làm tốt mảng “chăm sóc”.

Việc này, tại các diễn đàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo chúng tôi cũng đã có ý kiến, tuy nhiên, để thay đổi cũng không thể một sớm một chiều.

Chúng ta không thể chăm sóc trẻ mầm non tốt khi không có nhân sự có chuyên môn về nuôi dưỡng để trẻ có thể “phát triển cơ thể cân đối, khỏe mạnh, nhanh nhẹn…” như trong quy định của chương trình giáo dục mầm non quy định được.

Với nhân sự nấu ăn trong trường mầm non, hiện còn thiếu và yếu do nhiều điều kiện khác nhau, đồng thời cũng chưa được xã hội quan tâm đúng mức.

Nhà nước đã có Nghị định 06/2018/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.

Đồng thời lao động thực hiện nhiệm vụ nấu ăn trong các trường mầm non được ký kết hợp động lao động dựa theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc dinh dưỡng cho trẻ mầm non không chỉ đơn thuần là cho trẻ ăn no mà còn đòi hỏi khoa học về dinh dưỡng mới có thể nâng cao thể chất cho trẻ.

Chính vì vị trí nấu ăn trong trường mầm non có vai trò không kém gì các cô giáo mầm non.

Để phát huy được vai trò của các cô nuôi trong trường mầm non, Quảng Trị đề nghị Trung ương nên có chính sách cụ thể, hướng dẫn địa phương thực hiện tránh vướng nhiều luật, cơ sở khiến địa phương muốn làm, muốn giúp đỡ nâng cao đời sống các cô nuôi mầm non cũng không thể thực hiện được vì vướng”.

Trần Phương