Có GV được cử đi học nước ngoài, học xong về nước thì bị dôi dư vì trường ít SV

05/07/2023 06:39
Trịnh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Nhiều công ty đến xin người từ lúc chưa tốt nghiệp mà khoa đành chịu vì không có sinh viên để giới thiệu”, Tiến sĩ Dư Ngọc Thành cho biết.

Nước ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng. Thực tế, hiện nhiều doanh nghiệp cũng đang rất “khát” nhân lực trong lĩnh vực môi trường.

Xác định đây là lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước, nhiều cơ sở giáo dục đại học từ lâu đã đưa các ngành môi trường vào chương trình đào tạo.

Nhiều đơn vị sở hữu đội ngũ giảng viên trình độ cao, cơ sở vật chất hiện đại, có mạng lưới liên kết rộng khắp với các doanh nghiệp. Thế nhưng, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, số lượng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đăng ký vào các ngành môi trường vẫn còn thấp.

Có năm chỉ tuyển được 2 sinh viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Dư Ngọc Thành, Trưởng bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên cho biết, hiện Khoa đang đào tạo hai ngành liên quan đến môi trường là ngành Khoa học môi trường và ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường.

Theo thầy Thành, vào thời điểm Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập năm 2002, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực môi trường tăng lên nhanh chóng. Tại Khoa, ngành Khoa học môi trường được mở năm 2004 và ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường được mở năm 2017.

Có thời điểm, tính riêng ngành Khoa học môi trường, mỗi năm, Khoa tuyển được 3- 4 lớp, mỗi lớp có 50 - 70 sinh viên. Khi ấy, các ngành liên quan đến môi trường thu hút nhiều sự quan tâm, chú ý của các học sinh.

Tiến sĩ Dư Ngọc Thành và các sinh viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên trong giờ thực hành. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiến sĩ Dư Ngọc Thành và các sinh viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên trong giờ thực hành. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Thế nhưng, khoảng 5 năm trở lại đây, lượng sinh viên đăng ký vào hai ngành môi trường giảm rất nhanh. Số thí sinh trúng tuyển đang từ 50-60 em, xuống còn 20-30 em, rồi xuống tiếp 8 em, 4 em và năm 2022 chỉ tuyển được 2 em”, thầy Thành cho biết.

Trước tình hình đó, việc sắp xếp học tại Khoa cũng phải điều chỉnh. Với các môn chuyên ngành, Khoa phải dồn lớp, gộp lớp để mở được lớp môn học, lớp sĩ số ít phải theo lịch học của lớp sĩ số đông.

Việc tính số giờ giảng dạy cho giảng viên cũng phải thay đổi. Bởi nếu lớp môn học dưới 20 sinh viên thì 1 giờ dạy được tính là 0.7 giờ, từ 5 đến 10 sinh viên được tính là 0.5 giờ và dưới 5 sinh viên thì không thể mở lớp.

Do đó, để đạt đủ định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên theo quy định, trên thực tế giảng viên phải vất vả hơn rất nhiều.

Hiện Khoa Môi trường có 12 giảng viên cơ hữu trong đó 2/3 là tiến sĩ tốt nghiệp từ các quốc gia phát triển như Đức, Nhật, Úc, Nga… Một số giảng viên được cử đi học tại nước ngoài, về nước lại gặp khó khi bị dôi dư do tuyển sinh kém, thiếu sinh viên.

Về cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm, phòng thực hành của Khoa hiện vẫn đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Sinh viên của Khoa còn có các địa điểm thực hành khác tại trường như Viện Khoa học sự sống, Trung tâm giống cây trồng, Trung tâm Nông học.

Để nâng cao chất lượng đào tạo và tay nghề của sinh viên, nhà trường đã đưa sinh viên đi thực tập, rèn nghề tại những công trình, nhà máy của các đơn vị có liên kết với Khoa trong thời gian 1-2 tháng.

Cũng theo thầy Thành, công việc kỹ sư môi trường tại các công ty tư nhân thường xuyên phải đi tư vấn, giám sát ở xa. Điều này gây nên nhiều hạn chế, nhất là nữ giới.

Khi mới ra trường, các bạn trẻ có thể sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của công việc. Nhưng sau khi lập gia đình, cần ổn định cuộc sống thì ít người tiếp tục gắn bó với nghề.

Trong khi đó, doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn đối với các vị trí liên quan đến ngành môi trường. Mức lương khởi điểm của một kỹ sư môi trường hiện nay là từ 8-12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tạo được nhiều sức hút.

“Nhiều công ty đến tuyển dụng từ lúc sinh viên chưa tốt nghiệp nhưng Khoa đành chịu vì không có sinh viên để giới thiệu. Ví dụ như công ty khai thác khoáng sản ở Núi Pháo (Thái Nguyên), Quảng Ninh, nhà máy- khu công nghiệp ở Bắc Giang, doanh nghiệp ở Hà Nội, hay các trang trại chăn nuôi quy mô lớn cũng hỏi”, thầy Thành cho biết.

Để hỗ trợ sinh viên đang theo học các ngành môi trường, Khoa đã và đang thực hiện nhiều hoạt động như: đẩy mạnh công tác tuyển sinh, miễn phí tiền ở ký túc xá năm đầu tiên, tìm kiếm học bổng từ các doanh nghiệp, cam kết việc làm cho sinh viên…

Cần có hỗ trợ tài chính đặc biệt cho sinh viên ngành môi trường

Cùng bàn luận về vấn đề trên, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hương Giang, Phó Trưởng khoa Khoa Hoá học và Môi trường, Trường Đại học Đà Lạt chia sẻ:

“Từ thực tế tại các cơ quan và doanh nghiệp có kết nối với Khoa, chúng tôi nhận thấy nhu cầu về nhân lực chất lượng cao trong ngành môi trường là khá lớn. Nhiều doanh nghiệp thường xuyên tuyển dụng nhân viên, nhưng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự phù hợp.”

Giảng viên và sinh viên Khoa Hoá học và Môi trường, Trường Đại học Đà Lạt trong giờ thực hành. Ảnh: Khoa cung cấp

Giảng viên và sinh viên Khoa Hoá học và Môi trường, Trường Đại học Đà Lạt trong giờ thực hành. Ảnh: Khoa cung cấp

Từ năm 2000, Khoa Hoá học và Môi trường, Trường Đại học Đà Lạt bắt đầu đào tạo bậc đại học ngành Khoa học môi trường. Đến năm 2021, Khoa chính thức tuyển sinh ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường trình độ đại học.

Về đội ngũ tham gia giảng dạy, phần lớn giảng viên của Khoa đều trẻ, năng động, có trình độ, cụ thể có 1 phó giáo sư, 4 tiến sĩ, 2 nghiên cứu sinh và 4 thạc sĩ.

Tiến sĩ Hương Giang chia sẻ thêm, quá trình phát triển kinh tế - xã hội không thể tránh khỏi việc gây ra các vấn đề ô nhiễm môi trường và suy giảm tài nguyên. Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng nhằm đảm bảo các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra với ít tác động tiêu cực lên môi trường. Đồng thời bảo vệ các nguồn tài nguyên, duy trì cân bằng sinh thái và đảm bảo chất lượng môi trường để góp phần trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường cung cấp cơ hội cho sự đổi mới công nghệ và phát triển các công nghệ sạch, tạo ra việc làm và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Do đó, bảo vệ môi trường là không thể thiếu trong việc tiến tới phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Trong bối cảnh các vấn đề môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, đang tăng cường quan tâm đến bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững.

Cùng với xu thế phát triển chung của thế giới, các nghề nghiệp trong lĩnh vực môi trường sẽ trở thành một trong những nghề nghiệp xanh (green job) ngày càng được quan tâm và chú trọng.

Theo đó, nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong lĩnh vực này cũng sẽ ngày càng tăng cao.

Để hỗ trợ các sinh viên đang theo học hai ngành Khoa học môi trường và Công nghệ kỹ thuật môi trường, hiện Khoa đang có nhiều ưu tiên như:

Học bổng dành cho tân sinh viên được tài trợ bởi các đối tác và cựu sinh viên của Khoa; Cơ hội được nhận việc làm tại các doanh nghiệp có kết nối với Khoa;

Cơ hội thực tập, trải nghiệm thực tế tại các cơ quan, doanh nghiệp có kết nối với Khoa; Cơ hội giao lưu, trao đổi học thuật với các trường đại học uy tín ở nước ngoài...

Tuy nhiên, để có thể thu hút được nhiều hơn số người học các ngành môi trường, đặc biệt là các sinh viên giỏi, cô Hương Giang có đưa ra một số đề xuất.

"Cần xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính đặc biệt cho người học theo học ngành môi trường. Điều này giúp giảm áp lực tài chính và tạo cơ hội cho các sinh viên tài năng để theo đuổi con đường nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cũng là một giải pháp. Giải pháp này giúp người học cảm thấy an tâm về khả năng có được một công việc tốt và ổn định sau khi tốt nghiệp. Từ đó, tăng thêm động lực cho người học để theo đuổi ngành học", Tiến sĩ Nguyễn Trần Hương Giang, Phó Trưởng khoa Khoa Hoá học và Môi trường, Trường Đại học Đà Lạt đề xuất

Trịnh Trang