Chuyên gia kiến nghị có chính sách đặc biệt đối với những nhà khoa học đầu ngành

24/05/2023 06:39
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mục tiêu của giáo dục là đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Theo các chuyên gia, muốn hòa nhập vào cuộc cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề then chốt. Điều quan trọng là cần cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo để tạo ra những công dân toàn cầu.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Quang Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, giảng viên Học viện Chính trị Khu vực II, cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thách thức rất lớn với giáo dục đại học, đòi hỏi các trường phải thay đổi chương trình đào tạo để đáp ứng được yêu cầu của nền công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, sự xuất hiện những loại hình đào tạo mới đang đặt ra yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học phải đẩy mạnh nghiên cứu, một mặt phát triển các công nghệ mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp 4.0, một mặt phải tự thay đổi để phù hợp với nền công nghiệp mới.

Tiến sĩ Bùi Quang Xuân - Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Bùi Quang Xuân - Ảnh: NVCC

“Hiện nay, muốn hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vào nền kinh tế số, yếu tố then chốt là nguồn nhân lực. Việt Nam cần cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo.

Sự thay đổi về quan niệm, tư duy của quá trình dạy và học là một trong những yếu tố then chốt để tiến tới đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nói chung và đổi mới theo hướng giáo dục 4.0 nói riêng” Tiến sĩ Bùi Quang Xuân nhận định.

Giáo dục 4.0 sẽ giúp thay đổi tư duy và cách tiếp cận về mô hình đại học. Trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang giá trị cho xã hội.

Trường không chỉ đóng khung trong các bức tường của giảng đường, lớp học hay phòng thí nghiệm, mà phải mở rộng kết hợp với các doanh nghiệp, với thị trường lao động để trở thành một hệ sinh thái giáo dục.

Các trường cần có phương pháp tiếp cận việc dạy học để tìm ra những điểm hạn chế và liên tục cải thiện, liên tục theo dõi, quan sát phản hồi, thái độ của sinh viên về việc học tập.

Tiến sĩ Xuân cho hay: “Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.

Nhưng ngành giáo dục Việt Nam hiện nay chưa có nhiều hành động hay chiến lược cụ thể nào cho tiến trình công nghệ hóa giáo dục sắp tới”.

Nâng cao vai trò của Nhà nước trong phát triển nhân lực chất lượng cao

Theo Tiến sĩ Bùi Quang Xuân, giáo dục Việt Nam cần chuyển từ chỉ chú trọng giáo dục nhân cách nói chung sang kết hợp giáo dục nhân cách với phát huy tốt nhất tiềm năng cá nhân; chuyển đổi cách thức giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, tổ chức một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp.

Cùng với đó, phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng cả số lượng, chất lượng và hiệu quả.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ đặt các trường đại học đứng trước thách thức rất lớn, cạnh tranh nguồn lực chất lượng cao không chỉ trong nước mà nó còn mang tính toàn cầu.

Để có được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường, các trường đại học cần giảng dạy những kiến thức tích hợp giữa nhiều kiến thức, đồng thời rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tự học, biết cách tìm hiểu và tra cứu tài liệu, biết cách xử lý thông tin để trở thành tri thức của mình.

Ảnh minh hoạ: Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam.

Ảnh minh hoạ: Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam.

Cụ thể, cần áp dụng mô hình giáo dục mới như phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo… dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh; tạo điều kiện và yêu cầu sinh viên từ năm thứ 3 phải tham gia các nhóm nghiên cứu, và các đề tài này phải gắn liền với giải quyết một vấn đề cụ thể trong chuyên môn, hoặc hoặc trong đời sống kinh tế, xã hội...

Đối với việc học, cần chuyển từ học thuộc, nhớ nhiều sang hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập.

Không chỉ học chỉ trong sách vở, qua tài liệu mà phải học qua nhiều hình thức khác như qua trò chơi, liên hệ tương tác, cung ứng đám đông, học bằng dự án.

Đặc biệt, với học sinh, sinh viên là người lao động trong tương lai cần thay đổi suy nghĩ học một lần cho cả đời bằng việc học cả đời để làm việc cả đời.

Như vậy, nền giáo dục cần chuyển đổi cách thức giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Trên cơ sở đó, chương trình giáo dục phổ thông mới cần xác định các chuẩn năng lực chung và năng lực chuyên môn; các hình thức tích hợp hoặc phân hóa trong chương trình dạy học tùy theo cấp học.

Tức là phương pháp giáo dục cũng phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong việc tổ chức giáo dục qua Internet. Qua đó, hình thức giáo dục sẽ linh hoạt về thời gian, không gian, phù hợp với điều kiện và nhu cầu cá nhân phát triển E-learning hay sử dụng ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cho phép người dạy có thể cung cấp tài liệu học tập cho người học và thu thập lại các kết quả của quá trình dạy học từ phía người học một cách liên tục và linh hoạt.

Cụ thể, cần áp dụng mô hình giáo dục mới như phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo… dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh; tạo điều kiện và yêu cầu sinh viên từ năm thứ 3 phải tham gia các nhóm nghiên cứu.

Đồng thời, các đề tài này phải gắn liền với giải quyết một vấn đề cụ thể trong chuyên môn, hoặc hoặc trong đời sống kinh tế, xã hội...

Theo Tiến sĩ Bùi Quang Xuân, thời gian tới, hệ thống giáo dục đại học nước ta cần tập trung thực hiện 5 vấn đề then chốt.

Thứ nhất, cần tiếp tục gia cố những yếu tố nền móng, đổi mới tư duy về phát triển giáo dục trong tổng thể chiến lược phát triển của quốc gia.

Mục tiêu của giáo dục là đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, trong đó có cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phải chuyển từ biệt lập, tự phát nặng về số lượng sang chất lượng, có kết nối giữa đào tạo và sử dụng, từ cách đào tạo làm cho người học thụ động sang chủ động sáng tạo, không ngại đương đầu với khó khăn thách thức.

Thứ hai, nâng cao vai trò của Nhà nước trong mối quan hệ tương tác với thị trường, tạo động lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về phía Nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý tạo môi trường thuận lợi phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao; thị trường sản phẩm khoa học công nghệ phải phản ánh đầy đủ quan hệ cung - cầu và qua đó, làm căn cứ hoạch định chiến lược và chính sách.

Sử dụng cơ chế thị trường để đánh giá, tuyển chọn, sử dụng và đãi ngộ thỏa đáng. Có chính sách đặc biệt đối với những nhà khoa học đầu ngành.

Thứ ba, cần hoàn thiện cơ chế, bộ máy quản lý về giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, các trường đại học quốc tế để xây dựng các phòng thí nghiệm theo hình thức hợp tác công - tư.

Các phòng thí nghiệm này không chỉ là nơi để sinh viên thực hành mà còn là trung tâm nghiên cứu chuyên sâu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức cao.

Thứ tư, cần chuyển đổi nhanh phương thức đào tạo. Trước hết, cần chuyển đổi nhanh phương thức đào tạo theo tín chỉ thay cho phương thức đào tạo theo niên chế phù hợp với điều kiện chung của xã hội và khả năng, điều kiện của từng trường.

Cần thay đổi tư duy dạy và học theo phương pháp mới để người học vừa lĩnh hội được kiến thức, vừa biết vận dụng sáng tạo, đổi mới và hiệu quả vào thực tiễn. Đồng thời, vận dụng các phương pháp gắn với công nghệ hiện đại như dạy học trực tuyến E-learning, phương pháp giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (giáo dục STEM), các phương pháp mô phỏng, số hóa bài giảng,…

Muốn vậy, nhà trường phải nâng cao vai trò của người thầy. Vai trò của người thầy cần được tiếp tục thay đổi từ địa vị người dạy sang người thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý bằng các biện pháp như tập huấn sử dụng công nghệ hiện đại phục vụ dạy học và quản lý ứng dụng các hình thức tiên tiến, mô hình trực tuyến, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ ngoại ngữ… Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Đầu tư phát triển thư viện điện tử hiện đại. Với sự vận dụng những thành tựu của công nghệ, người học ở bất cứ đâu đều có thể truy cập vào thư viện của nhà trường để tự học, tự nghiên cứu.

Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường.

Bên cạnh việc tiếp tục phát huy tác dụng các trang thiết bị công nghệ hiện có như máy vi tính, máy ảnh, máy quay phim, trang thiết bị âm thanh, lắp đặt camera, các trường cần đầu tư trang bị hệ thống máy chủ cấu hình cao, nâng cấp hệ thống mạng LAN và wifi kết nối internet toàn trường.

Nghiên cứu, xây dựng và phát triển các phần mềm ứng dụng phục vụ cho công tác quản lý và đào tạo.

Tăng cường quản lý, phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ như: bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất hỗ trợ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên; tăng cường tạo động lực cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và đào tạo,…

Nguyên Phương