Chuyên gia đề xuất mô hình quản trị ĐH trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh

10/05/2025 06:09
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đóng góp, chia sẻ ý kiến về mô hình quản trị đại học phù hợp, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ, AI phát triển nhanh chóng.

Tại Hội thảo Khoa học quốc gia về "Quản trị đại học gắn với nghiên cứu khoa học trong bối cảnh mới" do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức vào ngày 09/05/2025 đã diễn ra 04 phiên báo cáo với sự trình bày, chia sẻ ý kiến từ nhiều chuyên gia, đại diện cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Mô hình quản trị linh hoạt sẽ phù hợp, đáp ứng với sự vận động của thực tiễn

Phiên họp thứ nhất do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo (Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương) và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam làm ban chủ tọa.

Trình bày báo cáo tại hội thảo, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến đã trình bày báo cáo tham luận về Quản trị đại học theo phương thức quản trị linh hoạt trước yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Theo thầy Tiến, khái niệm về giáo dục đại học cần hiểu theo đúng định nghĩa trên thế giới là bao gồm 4 trình độ đào tạo là cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Và thầy Tiến tin rằng, trong sửa đổi Luật giáo dục đại học sắp tới sẽ làm rõ lại về vấn đề này, thay vì tách rời trình độ cao đẳng ra khỏi giáo dục đại học.

Còn đối với phương thức quản trị linh hoạt trong giáo dục đại học, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến thông tin, vấn đề này xuất phát từ chủ trương trong Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là: “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm"… Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra”.

Đây là chủ trương rất đúng đắn, thể hiện tư duy đột phá. Bởi, trong bối cảnh hiện nay, rất cần thiết phải chuyển từ mô hình quản trị truyền thống sang mô hình quản trị mới – quản trị linh hoạt để tiệm cận với quản trị đại học trên thế giới.

_DSC0574.JPG
Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến nhấn mạnh về tầm quan trọng của mô hình quản trị linh hoạt đối với giáo dục đại học . Ảnh: Trà My.

Theo thầy Tiến, quản trị linh hoạt hình thành đầu tiên trên thế giới vào năm 2001 với lĩnh vực Phát triển phần mềm. Có thể thấy, quản trị linh hoạt là một đổi mới quan trọng cả trong cơ cấu, thể chế, chính sách quản trị, quy trình thực hiện, … và đặc biệt là trong sử dụng công nghệ. Công nghệ vừa là yếu tố thúc đẩy quản trị linh hoạt ra đời, vừa là yếu tố để quản trị linh hoạt hoạt động hiệu quả.

Do đó, giáo dục đại học đang là bậc đào tạo đứng trước nhiều thách thức nhất trong hệ thống giáo dục hiện nay. Nếu không chuyển đổi cơ cấu quản trị, tất yếu giáo dục đại học sẽ bị “chết cứng” trước bối cảnh xã hội đang vận động, thay đổi không ngừng.

Với mô hình quản trị linh hoạt sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Đặc biệt, mô hình này còn giúp tạo ra một văn hóa hợp tác chặt chẽ, cùng hướng tới sự đổi mới, xây dựng môi trường năng động trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập tại các nhà trường.

Tuy nhiên, quản trị linh hoạt lại đang đứng trước 3 thách thức cơ bản. Đó là sự kháng cự không tránh khỏi; thách thức về nguồn lực (đòi hỏi những nguồn lực mới không chỉ về công nghệ mà còn về con người, thời gian, …) và phải có hạ tầng công nghệ, dữ liệu tốt để phát triển.

Do vậy, Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến đưa ra một số khuyến nghị về quản trị linh hoạt trong nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học như: Cần thiết phải đơn giản hóa quy trình phê duyệt nghiên cứu bằng cách sử dụng nền tảng AI trợ giúp; có cơ chế tài chính linh hoạt cho hoạt động nghiên cứu khoa học; hình thành hệ sinh thái khoa học công nghệ, trong đó nhà trường được tự chủ hoàn toàn trong đãi ngộ với các nhà nghiên cứu, môi trường nghiên cứu. Phải làm sao để nhà nghiên cứu phải là trung tâm của hoạt động nghiên cứu. Đó mới là lối đi đúng đắn.

Ngoài ra, cần xây dựng nền tảng số nghiên cứu quốc gia, trong đó phải phát triển được các dữ liệu số để đưa ra quyết định chính xác trong nghiên cứu; đảm bảo an toàn trong chia sẻ dữ liệu thông tin. Đồng thời, sử dụng AI để trợ giúp trong định hướng nghiên cứu, phát triển các dự đoán xu thế nghiên cứu.

Và cần xây dựng cổng thông tin quốc gia, tạo môi trường thông tin minh bạch và cập nhật về cung-cầu cũng như phát triển các công cụ chính sách linh hoạt để tạo động lực cho nhà trường và doanh nghiệp đến với nhau; yêu cầu về năng lực linh hoạt trong các nhà trường, …

Đặc biệt, cần chuyển từ quy định mang tính khát vọng và cứng nhắc hiện nay sang mô hình “hộp cát chính sách” (đơn cử như nền tảng học tập dựa trên AI); tăng cường hợp tác với các bên liên quan gồm các Bộ, ban ngành, các cơ sở giáo dục đại học, … trong thiết kế chính sách; Thành lập cổng chính sách giáo dục số quốc gia.

Cần thay đổi tư duy lãnh đạo trong các trường đại học để thúc đẩy văn hóa quản trị hiện đại

Cũng trong phiên báo cáo thứ nhất, Giáo sư,Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ đã trình bày báo cáo về tam giác phát triển giáo dục đại học Việt Nam với triết lý khai phóng, tinh thần doanh nhân, quản trị hiện đại.

Theo đó, Giáo sư Vận đề cập đến mô hình quản trị đại học hiện đại. Đây là mô hình không chỉ đơn thuần là quản lý hành chính mà còn hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đảm bảo tính tự chủ, minh bạch và hiệu quả trong vận hành.

_DSC0589.JPG
Giáo sư,Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận trình bày báo cáo tại Hội thảo. Ảnh: Trà My.

Với mô hình này, quản trị hiện đại chuyển từ mô hình hành chính-tập trung sang mô hình tự chủ-trách nhiệm giải trình. Hội đồng trường là trung tâm của quản trị đại học hiện đại, trở thành cơ quan ra quyết định chiến lược, thay vì chỉ là cơ quan tư vấn, giám sát. Quản trị tài chính sẽ diễn ra theo hướng đa dạng hóa nguồn thu, giảm phụ thuộc ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, đổi mới đào tạo, ứng dụng công nghệ trong quản trị đại học, minh bạch tài chính cũng là một đặc trưng của quản trị hiện đại.

Mô hình này cũng nhằm hướng tới mô hình giáo dục khai phóng và tinh thần doanh nhân, tập trung vào tư duy phản biện, sáng tạo trong chương trình đào tạo.

Thầy Vận thông tin, hiện có 3 mô hình quản trị hiện đại phổ biến hiện nay trên thế giới gồm: Mô hình đại học tự chủ (Autonomous University) với hội đồng trường mạnh; Mô hình đại học doanh nghiệp (Entrepreneurial University) với đặc điểm là trường đại học hoạt động như một doanh nghiệp nhưng vẫn giữ sứ mệnh giáo dục; Mô hình đại học hệ sinh thái mở (Open Innovation University).

Mỗi mô hình đều có những ưu và nhược điểm riêng, tuy nhiên, hiện tại, mô hình đại học tự chủ với hội đồng trường mạnh có thể là lựa chọn khả thi nhất. Bởi, nó giúp tạo ra sự linh hoạt trong quản lý, không quá phụ thuộc vào nhà nước; khuyến khích hợp tác với doanh nghiệp, đầu tư vào nghiên cứu ứng dụng và duy trì được tính học thuật nhưng vẫn thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, nên kết hợp thêm yếu tố của mô hình đại học hệ sinh thái mở để tận dụng công nghệ số, kết nối rộng rãi hơn với xã hội. Trong dài hạn, nếu muốn phát triển mạnh hơn về đổi mới sáng tạo, có thể hướng tới mô hình đại học doanh nghiệp với nhiều startup sinh viên, thương mại hóa nghiên cứu khoa học.

Để nâng cao hiệu quả quản trị đại học tại Việt Nam, Giáo sư Đặng Ứng Vận cho rằng, cần hoàn thiện khung pháp lý để trao quyền thực chất cho hội đồng trường. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về quyền hạn của hội đồng trường, đảm bảo hội đồng trường có thể quyết định các vấn đề lớn như chiến lược phát triển, tài chính, nhân sự cấp cao mà không bị phụ thuộc vào cơ quan quản lý.

Hơn nữa, cần thay đổi tư duy lãnh đạo trong các trường đại học để thúc đẩy văn hóa quản trị hiện đại, trong đó hội đồng trường là trung tâm của quá trình ra quyết định, chứ không phải chỉ có hiệu trưởng/giám đốc hay ban giám hiệu/ban giám đốc.

Trước thực trạng trên, thầy Vận đã đề xuất một mô hình phát triển giáo dục đại học Việt Nam dựa trên tam giác phát triển: khai phóng về triết lý (liberal education philosophy), doanh nhân về tinh thần (entrepreneurial spirit) và hiện đại về quản trị (modern higher education governance).

Trao đổi trong phiên thảo luận thứ nhất, Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ, hiện nay vấn đề then chốt của quản trị đại học không chỉ đơn thuần liên quan đến nghiên cứu khoa học mà là đáp ứng những biến đổi mạnh mẽ trước sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ cũng như chính sách lớn của nhà nước liên quan đến sự phát triển của quốc gia trong thời gian qua.

Và thách thức lớn nhất chi phối hoạt động quản trị của các trường đại học hiện nay chính là sự phát triển nhanh chóng của AI. Thực trạng này đòi hỏi các trường đại học, bản thân những giảng viên, sinh viên phải có thay đổi lớn để có cách thức dạy và học phù hợp.

_DSC0600.JPG
Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ ý kiến tại Hội thảo. Ảnh: Trà My

Ngay từ trong giai đoạn đầu, một số trường đại học trên thế giới đã ra lệnh cấm sử dụng Chat GPT trong nhà trường nhưng cuối cùng cũng phải gỡ bỏ lệnh cấm bởi nó là một thành tựu khoa học công nghệ tất yếu, bắt buộc và kể cả có cấm cũng khó có cách thức kiểm soát được người học có sử dụng AI hay không. Do đó, cuối cùng thì việc sử dụng AI hầu như phải chấp nhận, tận dụng và xem đó là một ưu thế đối với người học.

Đáng nói, đứng trước bối cảnh AI đang thay đổi rất nhanh và rất khó hình dung được sự thay đổi của nó, đã dẫn tới mô hình quản trị tất yếu phải có sự thay đổi nhanh để đáp ứng được. Trường Đại học FPT đã và đang thực hiện mục tiêu để làm sao đào tạo được số lượng lớn đội ngũ nhân lực có kỹ năng, năng lực công nghệ thông tin để phục vụ lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số, quản trị doanh nghiệp, … Từ đó, tham gia vào đội xung kích thực hiện những nhiệm vụ quan trọng của theo Nghị quyết 57.

Cần trao quyền tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm cho hội đồng trường

Tham gia báo cáo ở phiên thảo luận số 2, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã trình bày về “Tái cấu trúc và đổi mới phương thức quản trị hệ thống giáo dục quốc dân phải được xem là hai trong những giải pháp then chốt để giải quyết bài toán phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

_DSC0030.JPG
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trình bày báo cáo tại Hội thảo.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, để quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo ở Việt Nam, trước hết cần tư duy chủ đạo cho phát triển giáo dục và đào tạo ở Việt Nam, từ các nghị quyết của các Đại hội Đảng và hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng có thể thấy, cùng với khoa học và công nghệ được ưu tiên phát triển, giáo dục và đào tạo phải được xem là quốc sách hàng đầu.

Bên cạnh đó, chiến lược giáo dục của Việt Nam cần theo nguyên tắc giáo dục đi trước một bước. Chúng ta cần chấp nhận nguồn lực hạn hẹp để tạo ra nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển.

Hơn nữa, ngành giáo dục và đào tạo không nên tập trung mọi nỗ lực nhằm thỏa mãn tối đa các mục tiêu dân trí. Theo đó, cần xem xét lại cơ chế phân bổ ngân sách giáo dục và nguồn lực huy động từ xã hội theo hướng ưu tiên đầu tư đồng thời vào 3 mục tiêu phổ cập giáo dục cơ bản; đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề; ưu tiên phát triển hợp lý đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong một số ngành công nghệ mũi nhọn.

Không những vậy, cần phải tạo ra được sự chuyển dịch nhanh của cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng ở các khu vực công nghiệp và dịch vụ; đồng thời với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, có cơ chế, chính sách rõ ràng để định hướng cho sự phát triển hài hòa và ổn định của toàn hệ thống giáo dục đại học và chuyên nghiệp. Để làm được, cần thiết lập cơ chế mở, liên thông đào tạo, khuyến khích hình thành các cụm trường liên kết, kiên quyết xóa bỏ tình trạng khép kín, cát cứ, tư tưởng cục bộ ở từng trường hoặc từng ngành trong hệ thống như hiện nay.

Đồng thời, trong lĩnh vực quản lý giáo dục cần kiên quyết xóa bỏ ngay cơ chế “xin - cho”, thực hiện quyền tự chủ - trách nhiệm giải trình thực sự của các cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thiết lập cơ chế hội đồng trường “đích thực”, tiến tới xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản”.

Ngoài ra, cần thực hiện triệt để chủ trương xã hội hóa giáo dục. Đối với lĩnh vực giáo dục đại học, Nhà nước cần sớm làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, cơ chế chính sách phù hợp... như đã nêu tại Nghị quyết 05/2005/NQ-CP của Chính phủ.

Cũng trong phiên thảo luận thứ hai, Tiến sĩ Đặng Văn Định – Trưởng ban Nghiên cứu và phân tích chính sách, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã trình bày báo cáo về “Một số vấn đề đặt ra khi thực hiện luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật giáo dục đại học”.

_DSC0654.JPG
Tiến sĩ Đặng Văn Định – Trưởng ban Nghiên cứu và phân tích chính sách, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trình bày báo cáo tại hội thảo. Ảnh: Trà My.

Trong đó, Tiến sĩ Định đặc biệt nhấn mạnh về rào cản đối với hội đồng trường hiện nay. Hơn 5 năm thực hiện Luật Giáo dục đại học, dường như các cơ sở giáo dục đại học tư thục không phát sinh những vướng mắc về hoạt động của hội đồng trường. Những tranh luận ở tầm quốc gia (đặc biệt khi bàn về sửa Nghị định 99 hướng dẫn Luật Giáo dục đại học) tập trung vào tổ chức và hoạt động của hội đồng trường ở các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Hiện nay, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã thành lập hội đồng trường. Dẫu vậy, nhiều ý kiến cho rằng hội đồng trường ở một số cơ sở giáo dục đại học công lập ít phát huy tác dụng do chưa thực quyền, trong khi đó hội đồng trường của các cơ sở giáo dục đại học tư thục đang hoạt động tốt.

Trước những nội dung từ các báo cáo tại phiên báo cáo thứ hai, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngữ - Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hòa Bình - chủ tọa phiên báo cáo bày tỏ, các báo cáo đã nói rất đúng và trúng với thực tế hiện nay. Thầy Ngữ mong rằng, sau buổi hội thảo, các chuyên gia sẽ cùng tham gia để góp ý, sửa đổi luật giáo dục đại học sao cho đảm bảo tính thực tiễn ngay.

_DSC0039.JPG
Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hòa Bình (bên trái) và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngạn – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Quy Nhơn (bên phải) làm chủ tọa ở phiên thứ 2. Ảnh: Trà My

Theo thầy Ngữ, trước những thay đổi trong thời gian gần đây về hệ thống quản lý giáo dục, rõ ràng phải có sự thay đổi về thể chế để phù hợp với những biến động đó. Và một trong những vấn đề cần phải sửa ngay đó là hệ thống quản trị trường đại học.

Cùng trong ban chủ tọa phiên báo cáo thứ hai, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngạn – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Quy Nhơn cũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến từ các báo cáo viên.

Theo thầy Ngạn, đúng là trên thực tế, mô hình quản trị đại học của hội đồng trường tư đang hoạt động rất hiệu quả, một phần do tính thực quyền trong việc quản lý tài sản công, quyền quyết định phân bổ nguồn lực.

Thế nhưng, hội đồng trường tại trường công vướng rất nhiều quy định về cơ chế và văn bản quản lý.

Chia sẻ ý kiến tại phiên thảo luận thứ hai, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Báu – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức bày tỏ, các báo cáo tại hội thảo mang nhiều giá trị ý nghĩa với quản trị đại học. Tuy nhiên thầy Báu trăn trở, tự chủ vốn là bản chất của một trường đại học. Và một trường đại học muốn thực hiện giáo dục khai phóng tất yếu phải được trao quyền này.

Thế nhưng, hiện nay chúng ta đang giao quyền quản trị cho hội đồng trường nhưng lại không cho quyền phân bổ nguồn lực, nguồn tài chính, không được quyết định cơ cấu tổ chức của nhà trường. Điều này đã làm hạn chế quyền tự chủ của giáo dục đại học, dẫn tới hạn chế sự phát triển của các nhà trường.

Thầy Báu mong rằng, trong lần sửa đổi Luật Giáo dục đại học tới đây sẽ hướng tới việc trao quyền quản lý cho hội đồng trường được tự quyết, tự làm và tự chịu trách nhiệm.

Tường San