Chuyện cô giáo xúc gạo cho học sinh và “bài thuốc kỳ diệu” trị ghẻ bất đắc dĩ

05/02/2023 06:38
Diệu Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đi vận động học sinh ra lớp, cô Giang thường xúc gạo mang cho vì thương học trò; sau một lần trị ghẻ cho học sinh, bà con xúm đến hỏi thăm “bài thuốc kỳ diệu”.

Cô giáo với “sổ tay ngôn ngữ” từ học sinh

Đã gắn bó và cống hiến 33 năm với giáo dục vùng khó, nhận nhiệm vụ ở nhiều cơ sở giáo dục khác nhau, cô giáo Lệnh Kim Giang (sinh năm 1969) cho biết, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Thài Phìn Tủng (xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn, Hà Giang) chính là điểm dừng chân cuối cùng.

Cô giáo Lệnh Kim Giang gắn bó với giáo dục vùng khó suốt 33 năm qua. Ảnh: Diệu Phương.

Cô giáo Lệnh Kim Giang gắn bó với giáo dục vùng khó suốt 33 năm qua. Ảnh: Diệu Phương.

Mặc dù sinh ra và lớn lên ở huyện Quản Bạ (Hà Giang), nhưng khi đặt chân đến huyện Đồng Văn, đối với cô Giang vẫn là một trải nghiệm chưa từng có.

Thài Phìn Tủng là xã nằm ở vùng cao nguyên đá vôi thuộc huyện biên giới cực bắc Đồng Văn (tỉnh Hà Giang). Thài Phìn Tủng tiếng Mông nghĩa là “nhà trên hố nước”. Vào mùa mưa, khi lượng mưa lớn, nước chảy tràn, ngập bề mặt địa hình tại đây, nhưng sau đó, nước liền nhanh chóng bị hút vào lòng đất (gọi là các hố kar-xtơ). Do không thể tích trữ lại, vì vậy vào mùa khô, Thài Phìn Tủng rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng, có khi phải đi xa đến cả chục cây số mới lấy được nước.

Đó là hình ảnh trong một phần ký ức của cô giáo Lệnh Kim Giang cũng như hầu hết thầy cô cắm bản nơi đây.

Một điểm trường cũ tại Đồng Văn (Hà Giang), xung quanh trường, đâu đâu cũng chỉ thấy đá với đá. Ảnh: Diệu Phương.

Một điểm trường cũ tại Đồng Văn (Hà Giang), xung quanh trường, đâu đâu cũng chỉ thấy đá với đá. Ảnh: Diệu Phương.

“Những năm mới đi dạy, tôi nhớ nhất là điều kiện sinh hoạt ở các điểm trường, kể cả ở điểm trường chính. Thiếu thốn lớn nhất chính là về nước, chúng tôi phải đi gùi nước, cõng nước, ở điểm trường nào may mắn gần nhà dân thì việc xin nước xem ra có vẻ nhẹ nhàng hơn. Nước ở đây “quý hơn vàng”, nên mỗi lần xách được một can 20 lít về, các thầy cô ở điểm trường sẽ tận dụng để nấu nướng trong khoảng một tuần, thực sự phải siêu tiết kiệm...

Thuở ấy, thôn bản ở đây cũng chưa có điện, sau một ngày lên lớp, giáo viên sẽ tranh thủ soạn bài khi trời còn chút ánh sáng, nếu không, phải thắp đèn dầu mỗi tối. Có những điểm trường rất heo hút, tối đến, xung quanh vắng lặng như tờ, nhưng nhiều hôm, thầy cô vẫn phải cặm cụi đến 12 giờ khuya mới xong việc để đi ngủ...” - cô Giang nhớ lại.

Cũng chính vì ở lại những điểm trường yên ắng ấy, cô Giang chia sẻ, cũng có những lúc xong việc sớm, không biết làm gì cho khuây khỏa, cô lại tự tìm niềm vui cho chính bản thân: “Hồi ấy, tôi thường dùng những tờ giấy còn thừa, khâu thành những cuốn sổ nhỏ, vừa để viết nhật ký cho đỡ nhớ nhà, vừa chép bài hát như một sở thích được ưa chuộng lúc bấy giờ. Đôi khi còn vừa chép bài hát vừa lẩm nhẩm hát theo... ấy là những lúc tự vẽ cho tâm hồn mình những khoảng ký ức tươi đẹp”.

Mặc dù có những lúc khó khăn, thiếu thốn, cũng có những lúc buồn vì nhớ nhà, nhưng chưa khi nào, nữ giáo viên này muốn dừng lại công việc.

“Ngày ấy, khó khăn bộn bề, nhiều người cứ nghĩ, về thăm nhà là có khi không muốn lên lại điểm trường... Nhưng thực ra, vì tôi đã say mê nghề giáo, mê từ khi còn rất nhỏ. Còn nhớ, ngày học cấp 2, tôi thường lượm lại những mẩu phấn vụn của thầy cô về, viết lên tường, lên cửa những dòng chữ nắn nót, dạy cho các em nhỏ... Có lẽ vì yêu, mà tôi theo đuổi đến tận bây giờ” - gương mặt cô bỗng rạng rỡ hẳn lên khi nhắc đến kỷ niệm một thời.

Đã bước sang năm thứ 33 dạy học sinh tiểu học, nhưng phần lớn thời gian đứng lớp của cô giáo Lệnh Kim Giang gắn liền với các em học sinh lớp 1, có lẽ vì cô đã có quá nhiều kinh nghiệm với lớp 1, nên luôn được nhà trường giao trọng trách đón các em từ mẫu giáo lên và uốn nắn từ những bước đi đầu đời.

Cô Giang không ngần ngại chia sẻ: “Thực ra, những kiến thức ở lớp 1 không có gì khó hay phức tạp, nhưng đòi hỏi lớn nhất đối với của giáo viên dạy lớp 1 chính là sự quan tâm, sát sao, kiên nhẫn, vừa dạy vừa chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận...

Có những em từ mẫu giáo lên còn chưa nhớ hết mặt chữ cái, cũng chưa biết cách cầm bút sao cho đúng, lên tôi luôn dành thời gian cầm tay các em, hướng dẫn lại từ cách đặt bút viết như thế nào... Đặc biệt, luôn dùng những lời khích lệ, động viên đối với những em chậm hơn các bạn, để nhanh chóng bắt kịp cả lớp”.

Vốn là cô giáo người Tày, nên khi đứng lớp với 100% học sinh người Mông, ban đầu cô Giang gặp rất nhiều khó khăn bởi rào cản ngôn ngữ. Nhất là những khi cắm bản, cần mượn cái chổi, cái búa, hay xin lửa... của bà con, cô giáo trẻ khi ấy không ít lần phải vận dụng tối đa ngôn ngữ hình thể mà vẫn không thể diễn tả chính xác.

Học sinh chủ yếu là dân tộc Mông, khiến cô giáo người Tày gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu lên lớp. Ảnh: NVCC.

Học sinh chủ yếu là dân tộc Mông, khiến cô giáo người Tày gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu lên lớp. Ảnh: NVCC.

Cô Giang nghĩ ra cách, học từ học sinh những “từ mới” trong tiếng Mông, để tự tạo cho mình một cuốn “từ điển” riêng: “Tôi vẽ hình ảnh những đồ vật, hay hoạt động lên giấy, đưa cho học sinh xem, để học sinh gọi tên hình ảnh đó bằng tiếng Mông, rồi ghi chép lại vào cuốn sổ tay của mình. Sau đó mới dạy cho các em tiếng phổ thông được nói như thế nào... Cứ như vậy, sổ tay của tôi mỗi ngày một dày lên, và dần trở thành vật bất li thân của tôi mỗi khi cần giao tiếp với bà con trong thôn. Phải mất vài năm, tôi mới có thể tự tin giao tiếp mà không cần đến cuốn sổ tay ấy nữa”.

Được yêu mến nhờ... trị ghẻ cho học sinh

Suốt nhiều năm miệt mài “gieo chữ”, cô giáo Lệnh Kim Giang đã có không ít kỷ niệm gắn bó với nơi được mệnh danh là “vùng đá khát” này. Song, có lẽ ấn tượng đáng nhớ nhất chính là những năm tháng dạy học ở điểm trường Thài Phìn Tủng.

Cô Giang tâm sự: “Tôi nhớ nhất kỷ niệm những năm học 2003-2004, khi tôi vừa nhận công tác ở điểm trường mới, có một học sinh tên Và, bị ghẻ toàn thân, ngày nào em đi học cũng gãi sột soạt, nhìn rất thương. Điều kiện sinh hoạt của bà con dân bản khi đó còn rất khó khăn, eo hẹp, cũng không có nhiều cơ hội được tiếp cận với thuốc tây, nên hầu như ở đó ai cũng bị ghẻ nhưng không ai biết cách chữa trị.

Thế là tôi quyết định trị giúp, cầm theo một chiếc xoong lớn ở nhà đi, sáng nào cũng dậy thật sớm, vừa đi đường vừa hái lá đào, mang vào điểm trường. Sau đó, tôi đun một xoong lớn nước lá đào với muối, lấy khăn xô nhúng nước và tắm cho em học sinh ấy. Tôi cũng bỏ tiền túi mua thuốc để bôi cho học sinh. Sáng nào cũng vậy, tôi tắm cho Và, hong khô người rồi bôi thuốc, cứ như vậy độ hơn một tuần thì khỏi”.

Thế là bỗng dưng, cô Giang nổi danh với “bài thuốc” trị ghẻ bất đắc dĩ cho học sinh: “Người dân ở đó hiếu kỳ không biết cô giáo có “bài thuốc kỳ diệu” gì mà chữa được bệnh ghẻ, tíu tít đến hỏi thăm, nhờ tôi mua thuốc. Tôi không ở thị trấn nên cũng không trực tiếp mua thuốc được, mà phải nhờ đồng nghiệp mua gửi vào, tôi cũng đã chỉ cho bà con cách để trị triệt để bệnh ghẻ...”.

Cô Giang tâm sự, vì luôn coi các em học sinh như con em của mình, giống như người thân trong gia đình, nên lúc nào cũng thật nhẹ nhàng với các em. Ảnh: NVCC.

Cô Giang tâm sự, vì luôn coi các em học sinh như con em của mình, giống như người thân trong gia đình, nên lúc nào cũng thật nhẹ nhàng với các em. Ảnh: NVCC.

“Ngày đó, phải đi vận động học sinh, rất vất vả, vì nhiều gia đình cũng không muốn cho con đi học, thay vào đó là ở nhà phụ giúp bố mẹ trông em, nấu cơm, làm việc lặt vặt... Thuyết phục mãi không xong, đã có lúc, tôi phải dùng “chiêu hù dọa"... Tôi cắp theo một quyển vở học sinh với một cây bút, đến nhà vận động mãi mà phụ huynh vẫn không muốn cho con đi học, tôi giả vờ vừa mở quyển vở ra vừa nói: “Thôi, bây giờ mà gia đình không cho con đi học thì cô giáo lập biên bản, nhờ chính quyền xã xử lý...”. Thế mà cuối cùng lại hiệu quả mới hay, gia đình đồng ý cho con đi học vì sợ bị “lập biên bản” và từ hôm ấy phụ huynh cho con đi học rất đầy đủ” - cô giáo nhớ lại.

Cũng tại xóm nghèo ấy, trong những lần đi vận động học sinh, cô giáo Lệnh Kim Giang chứng kiến những hoàn cảnh éo le của gia đình các em học sinh. Có những khi, đến nhà vận động học sinh nhưng không gặp được phụ huynh, chỉ thấy mấy đứa trẻ sàn sàn tuổi tự chơi ở sân, đứa lớn trông đứa nhỏ, cô Giang ngồi chờ mãi đến tối muộn vẫn chưa thấy bố mẹ các em đi nương về...

“Nhìn vào trong bếp, cũng không thấy có đồ ăn, cả nhà chỉ trông vào mấy bì ngô được xếp trong góc, nhìn đến là thương... Mỗi lần như vậy, tôi lại không cầm lòng được, về nhà xúc gạo mang đến cho các em.

Nhưng có lẽ, cũng vì như vậy, phụ huynh quý cô giáo hơn, cho con đi học đầy đủ, thỉnh thoảng lại tặng cô giáo mớ rau... Lâu lâu đi ngang qua, lại nghe thấy tiếng của mẹ các bạn ấy gọi: “Cô giáo ơi, ăn rau này, rau ở nhà nhiều lắm!.

Với cô giáo Lệnh Kim Giang, những tình cảm của phụ huynh, học sinh luôn là món quà quý giá, là động lực tiếp bước trong sự nghiệp “trồng người”. Ảnh: Diệu Phương.

Với cô giáo Lệnh Kim Giang, những tình cảm của phụ huynh, học sinh luôn là món quà quý giá, là động lực tiếp bước trong sự nghiệp “trồng người”. Ảnh: Diệu Phương.

Đấy chính là những món quà rất quý giá đối với chúng tôi ở đây, mà có lẽ cũng là những kỷ niệm đẹp nhất, là tấm lòng của phụ huynh học sinh dành cho chúng tôi trong suốt những năm tháng bám trường, bám bản, giúp chúng tôi kiên trì với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng khó” - khép lại cuộc trò chuyện, cô Giang nở một nụ cười hiền hậu.

Diệu Phương