Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị công nghệ giáo dục có gì đặc biệt?

10/04/2025 06:36
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Điểm khác biệt của chương trình Thạc sĩ Quản trị công nghệ giáo dục so với chương trình Cử nhân cùng ngành nằm ở độ sâu, tính hệ thống và năng lực cốt lõi.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ đang định hình lại mọi mặt đời sống xã hội, giáo dục số trở thành một xu hướng tất yếu và phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nắm bắt xu thế đó, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiên phong ra mắt và quyết định triển khai chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Quản trị công nghệ giáo dục.

Bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024, đây được xem là bước đi chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng làm chủ và dẫn dắt quá trình chuyển đổi số về lĩnh vực giáo dục, gắn với nhu cầu thực tiễn của xã hội trong thời đại kỷ nguyên số.

3 trụ cột tư duy được nghiên cứu và thiết kế trong một chương trình đào tạo

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Tôn Quang Cường - Trưởng khoa Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Có thể nói, chúng ta đang chứng kiến một cuộc cách mạng thực sự trong giáo dục, nơi công nghệ không còn là yếu tố bổ trợ mà đã trở thành động lực cốt lõi. Giáo dục số, học tập trực tuyến, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn,… đang mở ra những chân trời mới, nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cấp bách về những chuyên gia không chỉ sử dụng được công nghệ, mà phải hiểu sâu sắc và quản trị hiệu quả việc tích hợp đó".

88485b80-1cdd-4a80-905d-54ceaf421d95.jpg
Tiến sĩ Tôn Quang Cường - Trưởng khoa Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Chương trình Thạc sĩ ngành Quản trị công nghệ giáo dục của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội ra đời chính là để đáp ứng sứ mệnh này. Về tổng thể, chương trình đào tạo được nghiên cứu và thiết kế dựa trên sự hội tụ của 3 trụ cột tư duy, bao gồm: tư duy giáo dục, tư duy công nghệ và tư duy quản trị.

Vai trò của chương trình đào tạo này không đơn thuần là cung cấp kiến thức, mà còn nhằm mục đích đào tạo ra những nhà quản trị hệ thống thông minh, những nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ giáo dục. Học viên tốt nghiệp chương trình thạc sĩ sẽ có đủ năng lực để dẫn dắt quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục và tổ chức đào tạo. Người học sẽ có khả năng xây dựng chiến lược, thiết kế, triển khai và quản trị các hệ thống công nghệ giáo dục hiện đại, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học, tạo ra môi trường học tập linh hoạt, cá nhân hóa, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học và xã hội.

"Hơn nữa, với định hướng nghiên cứu rõ nét được thể hiện trong Quyết định 3311/QĐ-ĐHQGHN, chương trình đào tạo còn thúc đẩy năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Học viên có thể phát triển các giải pháp công nghệ giáo dục mới, giải quyết những thách thức thực tiễn của ngành, đồng thời trở thành cầu nối lan tỏa tri thức khoa học tiên tiến đến với cộng đồng, kết nối giữa cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp phát triển EdTech. Nói cách khác, nhà trường đang kiến tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những hạt nhân then chốt để khai thác tối đa sức mạnh công nghệ, nâng tầm giáo dục Việt Nam trong kỷ nguyên số", Tiến sĩ Tôn Quang Cường nhấn mạnh.

485334611_1168834688368787_4001348648242432197_n.jpg
Các báo cáo về chủ đề "Những công nghệ của Cách mạng Công nghệ 4.0 từ những nghiên cứu đến ứng dụng trong giáo dục" nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, các thầy cô, nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Về thị trường lao động, có thể thấy rằng, hiện nay nguồn cung nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản ở trình độ Thạc sĩ về Quản trị công nghệ giáo dục còn khá hạn chế, gần như là khoảng trống lớn. Trong khi đó, nhu cầu từ xã hội lại rất lớn và ngày càng tăng cao do áp lực và xu thế chuyển đổi số tất yếu trong giáo dục. Quyết định mở ngành đào tạo thí điểm của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chính là bước đi đón đầu, nhằm cung cấp nguồn nhân lực mà thị trường đang thiếu hụt.

Phương pháp giảng dạy tiên tiến, tăng cường tính tương tác và thực hành

Với sứ mệnh là cơ sở giáo dục đại học đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao và trình độ cao trong khoa học giáo dục và công nghệ giáo dục, ứng dụng cho đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý và các nhóm nhân lực khác trong lĩnh vực giáo dục, Trường Đại học Giáo dục là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học giáo dục hàng đầu trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, hội tụ đủ các yếu tố để triển khai thành công chương trình Thạc sĩ ngành Quản trị công nghệ giáo dục. Nhà trường xác định rõ chương trình định hướng nghiên cứu là trọng tâm, ứng dụng và phát triển giải pháp là cơ bản.

Điều này có nghĩa, bên cạnh việc trang bị kiến thức chuyên môn sâu rộng với 62 tín chỉ, chương trình đào tạo đặc biệt chú trọng rèn luyện tư duy phản biện, phương pháp luận nghiên cứu khoa học vững chắc và khả năng thực hiện các công trình nghiên cứu độc lập, sáng tạo gắn với phát triển các hệ thống nền tảng và giải pháp mới của công nghệ giáo dục.

Trưởng khoa Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đối với chương trình này, nhà trường áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, tăng cường tính tương tác và thực hành như: học tập dựa trên dự án, nghiên cứu tình huống, seminar chuyên đề, trải nghiệm thực tế,… Học viên không chỉ học lý thuyết mà còn được tham gia trực tiếp vào các dự án nghiên cứu thực tế của Khoa và Trường, được tiếp cận và làm việc cùng các chuyên gia đầu ngành trong môi trường giàu công nghệ.

Khoa Cong nghe GD.jpg
Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội định hướng áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, tăng cường tính tương tác và thực hành cho người học. Ảnh: NTCC.

Điểm đặc sắc của chương trình chính là các phương án triển khai đào tạo linh hoạt gắn với thực tiễn. Sự kết nối chặt chẽ, phối hợp cùng đào tạo giữa Khoa và các EdTech làm tăng cơ hội trải nghiệm học tập, tương tác với những vấn đề đang diễn ra trong giáo dục và cơ hội rèn nghề nâng cao. Học viên có thể được nhận ngay các đề tài nghiên cứu trong quá trình học tập, tham gia cùng với các EdTech phát triển về giải pháp, quản trị các hệ thống công nghệ, tích hợp các kết quả thực hiện trong xây dựng đề tài và phát triển thành luận văn tốt nghiệp trong thời gian phù hợp với lộ trình cá nhân.

Nội dung chương trình được thiết kế khoa học, bám sát thực tiễn và liên tục cập nhật, bao gồm các khối kiến thức vững chắc từ triết học, ngoại ngữ học thuật đến các học phần cốt lõi như lý luận và công nghệ dạy học hiện đại, phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục và tâm lý, khoa học nhận thức, các nền tảng số trong giáo dục, quản trị dự án, và đặc biệt là các chuyên đề chuyên sâu về Trí tuệ nhân tạo, khai thác dữ liệu giáo dục, thiết kế môi trường học tập số, quản trị hệ thống công nghệ trong nhà trường,... Một số nội dung phù hợp sẽ được lựa chọn từ các nền tảng học tập trực tuyến đại trà mở (MOOCs) giúp gia tăng cơ hội lựa chọn và chuyển đổi cho học viên.

Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội và Công ty Cổ phần Tích hợp Công nghệ Truyền thông và Tri Thức Mới NKG ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ giáo dục. Ảnh: NTCC.
Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội và Công ty Cổ phần Tích hợp Công nghệ Truyền thông và Tri Thức Mới NKG ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ giáo dục. Ảnh: NTCC.

Đặc biệt, điểm khác biệt căn bản so với chương trình đào tạo cử nhân cùng ngành nằm ở độ sâu, tính hệ thống và năng lực cốt lõi. Chương trình được thiết kế, phát triển theo trục nâng cao và mở rộng hơn so với chương trình đào tạo đại học. Hệ thống các năng lực thích ứng của người học trước sự thay đổi và phát triển như vũ bão của công nghệ giáo dục cũng vì lẽ đó được phát triển theo chiều dọc và rẽ nhánh tạo cơ hội linh hoạt cho người học trong đổi mới sáng tạo và sáng nghiệp.

Nếu bậc cử nhân tập trung vào kiến thức nền tảng và kỹ năng ứng dụng cơ bản, thì chương trình Thạc sĩ đi sâu vào các học thuyết quản trị, công nghệ tiên tiến, và đặc biệt là năng lực nghiên cứu, phát triển giải pháp mới, nhấn mạnh tầm nhìn chiến lược, khả năng quản lý, đánh giá và cải tiến hệ thống công nghệ giáo dục trong một tổ chức cũng như năng lực tự định hướng, lãnh đạo và tư vấn chuyên môn. Đây là sự nâng tầm về chất, để đào tạo ra những chuyên gia có khả năng dẫn dắt sự thay đổi.

Giải mã "cơn khát" nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Quản trị công nghệ giáo dục

Cánh cửa cơ hội nghề nghiệp dành cho Thạc sĩ ngành Quản trị công nghệ giáo dục được đánh giá rộng mở và đa dạng. Học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo Thạc sĩ có thể đảm nhiệm các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như: chuyên viên/quản trị viên cao cấp của hệ thống công nghệ giáo dục tại các trường học, cơ sở giáo dục đại học; chuyên gia thiết kế học liệu số, phát triển chương trình; giảng viên, nghiên cứu viên về công nghệ giáo dục; chuyên viên hoạch định chính sách tại các cơ quan quản lý; nghiên cứu viên tại các viện, trung tâm R&D; chuyên gia phát triển sản phẩm, quản lý dự án, tư vấn giải pháp tại các doanh nghiệp EdTech, tập đoàn công nghệ; thậm chí là tự khởi nghiệp trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.

Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục không ngừng mở rộng hợp tác và tích cực làm việc cùng các chuyên gia đầu ngành trong môi trường giàu công nghệ. Ảnh: NTCC.

Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục không ngừng mở rộng hợp tác và tích cực làm việc cùng các chuyên gia đầu ngành trong môi trường giàu công nghệ. Ảnh: NTCC.

Theo Tiến sĩ Tôn Quang Cường, trong bối cảnh hiện nay, không khó để nhận thấy những cơ hội thuận lợi rõ rệt trong lĩnh vực này. Bởi lẽ, chuyển đổi số trong giáo dục đã và đang là xu thế tất yếu và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các chính sách của Nhà nước. Bên cạnh đó, sự phát triển không ngừng của các công nghệ mới liên tục mang đến những công cụ ngày càng hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động dạy và học. Đồng thời, nhu cầu học tập theo hướng hiện đại, linh hoạt từ phía người học ngày càng gia tăng và dần trở thành nhu cầu thiết yếu của “học tập suốt đời” trong xã hội học tập số.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận không ít những thách thức đối với bối cảnh giáo dục hiện nay. Đó là tốc độ thay đổi công nghệ diễn ra nhanh như vũ bão, đòi hỏi người làm nghề phải học tập suốt đời. Mặt khác, vấn đề đầu tư hạ tầng và bài toán chi phí cũng là một trở ngại không nhỏ; năng lực số của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cần được nâng cao một cách đồng bộ.

Tọa đàm khoa học "Trí tuệ nhân tạo và học máy trong giáo dục" đánh dấu bước tiến của Khoa Công nghệ Giáo dục trong hành trình không ngừng đổi mới và sáng tạo nhằm ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh: NTCC.

Tọa đàm khoa học "Trí tuệ nhân tạo và học máy trong giáo dục" đánh dấu bước tiến của Khoa Công nghệ Giáo dục trong hành trình không ngừng đổi mới và sáng tạo nhằm ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh: NTCC.

Ngoài ra, các vấn đề phức tạp liên quan đến đạo đức, pháp lý trong môi trường số và “ứng xử với trí tuệ nhân tạo - AI” cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới. Trên hết, thách thức quan trọng nhất là làm sao để tích hợp công nghệ một cách thực sự có ý nghĩa và hiệu quả, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chứ không chỉ là mang tính hình thức.

Chính vì vậy, chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Quản trị công nghệ giáo dục của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội được thiết kế để trang bị cho học viên không chỉ kiến thức, kỹ năng mà còn cả năng lực tư duy để nhận diện, phân tích và tìm kiếm giải pháp cho những thách thức đó.

"Chúng tôi tin tưởng đây sẽ là một “sand box” tạo bệ phóng vững chắc cho những ai tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đam mê công nghệ và mong muốn trở thành những người tiên phong, góp phần kiến tạo tương lai giáo dục số của Việt Nam", thầy Cường bày tỏ.

Thông tin tuyển sinh chương trình đào tạo Thạc sĩ ngành Quản trị công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Điều kiện và đối tượng dự thi: Thí sinh dự tuyển vào chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị công nghệ giáo dục phải tốt nghiệp đại học ngành phù hợp với ngành dự thi.

Danh mục ngành phù hợp không phải học bổ sung kiến thức:

Screenshot 2025-04-09 113910.png

Danh mục ngành phù hợp phải học bổ sung kiến thức trước khi đăng ký dự thi:

Screenshot 2025-04-09 113916.png

Danh mục các học phần bổ sung kiến thức:

Screenshot 2025-04-09 113922.png

Xét tuyển thẳng: Đợt 1 trước ngày 10/5/2025; Đợt 2 trước ngày 4/10/2025.

Xét tuyển thạc sĩ: Đợt 1: Xét hồ sơ trước ngày 14/05/2025, Phỏng vấn ngày 17 – 18/5/2025; Đợt 2: Xét hồ sơ trước ngày 7/10/2025, phỏng vấn ngày 11-12/10/2025.

Thông tin liên hệ

Hotline: 0865 964 905

Máy bàn: (024) 7301 7123 (máy lẻ: 1102 & 1104)

Mail: educatinon@vnu.edu.vn

Website: https://education.vnu.edu.vn

Facebook: https://www.facebook.com/education.vnu.edu.vn

Địa chỉ: Tòa nhà G7, số 144 Xuân Thủy.

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại đây.

Lưu Diễm