Năm học 2023-2024 chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa học sinh sẽ chính thức bước vào năm học thứ 3 của chương trình mới nhưng những ý kiến trái chiều về 2 môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở vẫn còn. Nhiều giáo viên vẫn mơ “lối cũ ta về” như 5 môn học độc lập ở chương trình 2006.
Việc bồi dưỡng cho giáo viên ở một số địa phương theo hướng dẫn của Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT của Bộ để về giảng dạy 2 môn học: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở vẫn đang được thực hiện.
Có tỉnh, mới vừa xong lớp bồi dưỡng kiến thức 2 môn tích hợp khóa đầu tiên. Nghĩa là 2 năm qua dạy lớp 6 và lớp 7 chưa có giáo viên tích hợp nào. Năm học tới đây, có lẽ nhiều trường học trung học cơ sở công lập vẫn phải bố trí giáo viên dạy theo đơn môn.
Hai môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn) |
Những bất cập đã được bàn luận từ lâu
Những khó khăn về nhân sự, về quá trình thực hiện giảng dạy 2 môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở vẫn còn bất cập và chưa chứng minh được tính ưu việt khi gộp 5 môn học độc lập ở chương trình 2006 thành 2 môn học “tích hợp” ở cấp trung học cơ sở trong 2 năm học vừa qua.
Thực tế, thời gian qua, Tạp chí cũng đã có nhiều bài viết phân tích những bất cập, hạn chế khi “tích hợp” 5 môn học độc lập thành 2 môn học tích hợp từ khi Bộ mới công bố dự thảo Chương trình tổng thể; dự thảo Chương trình môn học. Rồi, khi triển khai giảng dạy ở các nhà trường từ năm học 2021-2022 ở lớp 6, giáo viên lại tiếp tục phân tích những rối rắm khi phân công giảng dạy; sắp xếp thời khóa biểu; giảng dạy trên lớp; kiểm tra, đánh giá; vào điểm…
Trong khi đó, đầu mỗi năm học, Bộ hướng dẫn việc thực hiện 2 môn học tích hợp rất nhẹ nhàng, điều này được thể hiện qua Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH và Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH như sau: “Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên”.
Mỗi phân môn trong 2 môn học tích hợp ở chương trình giáo dục phổ thông 2018 là kiến thức của mỗi môn học độc lập ở chương trình 2006 nên những trường mà hiện nay chưa có giáo viên tích hợp vẫn đang bố trí phân môn của giáo viên nào, giáo viên đó dạy.
Vì thế, 1 môn học tích hợp ở lớp 6 và lớp 7 nhưng đang có tới 2-3 giáo viên cùng dạy ở các thời điểm khác nhau. Kiến thức từng phân môn gián đoạn, gây khó khăn cho cả người dạy, người học- đó là một thực tế ở các nhà trường trong thời gian vừa qua.
2 môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở có thật sự là môn học…tích hợp?
Thực tế cho thấy, sách giáo khoa lớp 6 và lớp 7 đã giảng dạy trong các năm học vừa qua cơ bản là gộp 2-3 môn học độc lập vào một cuốn sách giáo khoa. Thậm chí, môn Lịch sử và Địa lý đang bố trí kiến thức 2 môn môn đứng hoàn toàn độc lập, một phân môn ở đầu sách, một phân môn ở cuối sách. Đội ngũ tác giả cũng bố trí đứng riêng lẻ, ai chủ biên phân môn nào cũng được chú thích kĩ càng, cẩn thận ngay ở bìa sách giáo khoa.
Mỗi cuốn sách giáo khoa tích hợp ở cấp trung học cơ sở đang có từ 10-15 tác giả và thông thường các Tổng chủ biên sách giáo khoa cũng là Tổng chủ biên môn học hoặc thành viên của Ban soạn thảo chương trình tổng thể; chương trình môn học.
Mang tiếng là môn học “tích hợp” nhưng môn Lịch sử và Địa lý ở lớp 6 chưa có chủ đề chung, đến lớp 7 mới có 2 chủ đề đầu tiên. Tham khảo sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý 7 (Bộ Chân trời sáng tạo), người viết thấy có 196 trang.
Nội dung phần Lịch sử (bố trí riêng) từ trang 8 đến trang 95, có 21 bài học; phần Địa lý từ trang 95 đến trang 180, có 23 bài học. Phần cuối sách được bố trí 2 chủ đề, đó là: Các cuộc phát kiến địa lý; Đô thị: Lịch sử và hiện tại từ trang 181 đến trang 192. Như vậy, 2 chủ đề chỉ có 11 trang/ 196 trang, chiếm 6,61% số trang trong cuốn sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 7.
Vậy có cần phải “tích hợp” 2 môn học vào 1 sách giáo khoa để 2 năm học (lớp 6 và lớp 7) chỉ có 11 trang sách dành cho 2 chủ đề đầu tiên? Và, theo Chương trình môn học Lịch sử và Địa lý, cả cấp trung học cơ sở sẽ có 4 chủ đề chung.
Thời gian qua, các địa phương đã bố trí một số thầy cô đi học lớp bồi dưỡng để có chứng chỉ tích hợp theo hướng dẫn của Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT với số lượng từ 20-36 tín chỉ để về giảng dạy 2 môn tích hợp.
Tuy nhiên, những giảng viên giảng dạy cho giáo viên cũng đang dạy riêng lẻ từng phân môn, giáo trình cũng riêng từng phân môn.
Điều này cho thấy, gần như mọi thứ đang được thực hiện riêng biệt từ đội ngũ viết chương trình, viết sách giáo khoa; nội dung sách giáo khoa; nội dung bồi dưỡng chứng chỉ và ngay cả việc bố trí giảng dạy, kiểm tra ở các nhà trường cũng đang khá độc lập với nhau.
Rất khó đòi hỏi những thầy cô đang dạy 5 môn học độc lập: Lịch sử; Địa lý; Hóa học; Sinh học; Vật lí hiện nay sau khi đi bồi dưỡng vài tháng về sẽ dạy tốt được 1-2 phân môn còn lại của môn học tích hợp.
Cuối năm lớp 9, nếu học sinh muốn thi vào các trường trung học phổ thông chuyên đối với các môn chuyên Lịch sử; Địa lý; Hóa học; Sinh học; Vật lí thì nhà trường sẽ dạy ra sao, thi ra sao? Bởi học tích hợp nhiều phân môn như vậy rất khó để học sinh có những định hướng tốt cho khi bước vào giai đoạn giáo dục nghề nghiệp ở cấp trung học phổ thông.
Rõ ràng, số phận 2 môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở vẫn đang đặt ra nhiều câu hỏi và rất khó trả lời.
Thực tế, nếu môn tích hợp quay về lại như 5 môn học độc lập trước đây cũng nảy sinh khá nhiều vấn đề. Đồng thời, các trường sư phạm đã đào tạo giáo viên đối với 2 ngành học này nhiều năm qua sẽ thế nào? Một loạt vấn đề sẽ tiếp tục phát sinh nhiều bất cập, hạn chế và hiệu quả cũng sẽ khó đạt được như mong muốn vì nhiều nguyên nhân, lý do khác nhau.
Vì thế, lúc này, các thầy là Tổng chủ biên chương trình 2018; Tổng chủ biên chương trình môn học Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý cũng cần lên tiếng để sẻ chia khó khăn với cơ sở và tìm ra một giải pháp phù hợp nhất cho 2 môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.