Chưa nhiều SV học ngành Dinh dưỡng vì nghĩ ra trường phải nấu cháo dinh dưỡng

24/06/2024 06:23
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Bắc Hà, cơ hội việc làm của ngành Dinh dưỡng mở rộng và ít chịu rủi ro hơn nhiều so với các ngành thuộc khối sức khoẻ.

Hiện nay trên toàn quốc, nguồn nhân lực có chuyên môn về dinh dưỡng tại các cơ sở y tế còn rất hạn chế so với các ngành khác.

Theo Thông tư 18/2020/TT-BYT của Bộ Y tế Quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện yêu cầu, bệnh viện có quy mô từ 100 giường bệnh trở lên phải thành lập khoa dinh dưỡng; cứ 100 giường bệnh phải có tối thiểu một người làm chuyên môn về dinh dưỡng.

Tuy nhiên, hiện nay, nhân lực ngành dinh dưỡng lại chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại các bệnh viện.

Trong bối cảnh xã hội thiếu hụt nhân sự có chuyên môn bài bản về Dinh dưỡng, ngành học này được đánh giá là đầy tiềm năng và cơ hội việc làm rộng mở.

Còn có quan niệm sai lầm về ngành Dinh dưỡng

Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Bắc Hà, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Trường Đại học Đông Á chia sẻ, trong ngày hội tuyển sinh của Trường Đại học Đông Á, một số học sinh có băn khoăn rằng “học ngành Dinh dưỡng để ra trường đi nấu cháo dinh dưỡng”. Đó là một quan điểm sai lầm, bởi thực tế cơ hội nghề nghiệp của ngành Dinh dưỡng rộng mở hơn rất nhiều.

cô Hà.jpeg
Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Bắc Hà, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Trường Đại học Đông Á.

Tại Trường Đại học Đông Á, tỉ lệ sinh viên ngành Dinh dưỡng có việc làm sau khi ra trường là 100%. Thu nhập phụ thuộc vào vị trí việc làm và năng lực của sinh viên. Mức lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường từ 8.000.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, công tác tuyển sinh ngành Dinh dưỡng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vì dưới góc nhìn của xã hội, nhiều thí sinh và phụ huynh hướng nghiệp cho con chưa hiểu rõ về công việc dinh dưỡng và cơ hội phát triển nghề nghiệp của ngành.

Về đặc thù của ngành, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Bắc Hà thông tin, Dinh dưỡng là một ngành thuộc khối ngành sức khỏe, tuy nhiên có một số điểm khác biệt so với các ngành khác.

Ngành Dược học nghiên cứu dược tính của thực phẩm, tác dụng dược lý của thuốc lên cơ thể người bệnh. Trong khi đó, ngành Dinh dưỡng nghiên cứu thành phần các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm và mối quan hệ giữa các chất dinh dưỡng với cơ thể. Ví dụ, khi chúng ta ăn, thức ăn sẽ được tiêu hóa, hấp thu chuyển hóa như thế nào, sử dụng các dưỡng chất có lợi ra sao...

Trong bệnh viện, sau khi bác sĩ kê thuốc cho bệnh nhân, dinh dưỡng viên sẽ khám, đánh giá và can thiệp bằng chế độ dinh dưỡng. Trong trường hợp trường hợp bệnh nhân suy thận, phải điều trị chạy thận nhân tạo, dinh dưỡng viên sẽ can thiệp. Bởi nếu bệnh nhân ăn sai cách, thay vì chạy thận hai lần/tuần, có thể sẽ tăng lên ba lần/tuần. Với những người bị bệnh tiểu đường, biến chứng sẽ đến sớm hơn.

Theo cô Hà nhận định, cơ hội việc làm của ngành Dinh dưỡng mở rộng và ít chịu rủi ro hơn rất nhiều so với các ngành thuộc khối ngành sức khoẻ. Công việc của bác sĩ vất vả hơn, chịu rủi ro nhiều hơn, bởi nhiều trường hợp là bệnh cấp cứu, các biến chứng xảy ra thường xuyên.

Trên thực tế, rất hiếm trường hợp xảy ra các vấn đề tai biến về dinh dưỡng. Nếu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, việc ăn uống khó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng và nặng nề cho người bệnh.

Cơ hội việc làm rộng mở với cử nhân Dinh dưỡng

Thạc sĩ Đặng Thị Hoàng Khuê, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực hoạt động trong ngành Dinh dưỡng sẽ ngày càng tăng lên, đặc biệt ở các bệnh viện từ tuyến Trung ương đến tuyến cơ sở của các thành phố lớn.

thạc si (1).jpeg
Thạc sĩ Đặng Thị Hoàng Khuê, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Ảnh: NVCC

Từ đó, cơ hội việc cho sinh viên đang theo học ngành Dinh dưỡng trở nên rộng mở. Không chỉ làm việc tại các cơ sở bệnh viện, các bạn có thể làm dinh dưỡng cộng đồng tại các trường học có suất ăn bán trú, các công ty về thực phẩm,…

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam hiện đang tiếp nhận 10 sinh viên thực tập ngành Dinh dưỡng của Trường Đại học Đông Á. Sinh viên được thực hành các công việc như sàng lọc và đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho người bệnh nội trú, lập kế hoạch can thiệp và xây dựng khẩu phần ăn bệnh lý, tư vấn truyền thông dinh dưỡng cho người bệnh, giám sát hoạt động an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình chế biến suất ăn, xây dựng thực đơn và chế biến thức ăn qua sonde cho bệnh nhân nặng tại các khoa như Hồi sức tích cực, Nội tổng hợp, Nội tim mạch,…

sv1.jpeg
Sinh viên ngành Dinh dưỡng Trường Đại học Đông Á học cách chỉ định can thiệp dinh dưỡng và quy trình pha chế sản phẩm nuôi dưỡng người bệnh. Ảnh: NTCC

Thạc sĩ Đặng Thị Hoàng Khuê đánh giá, sinh viên của Trường Đại học Đông Á đều chăm chỉ, kỷ luật, luôn có tinh thần học hỏi và có các kỹ năng làm việc nhóm. Các bạn được trang bị khá tốt các kiến thức về chuyên môn, luôn chủ động hoàn thành tốt các công việc được giao.

Về cơ hội việc làm của ngành Dinh dưỡng, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Bắc Hà chia sẻ, sinh viên học ngành Dinh dưỡng ra trường có hai vị trí việc làm lớn nhất, bao gồm vị trí việc làm tại bệnh viện và vị trí việc làm tại cộng đồng.

Vị trí việc làm của dinh dưỡng viên trong bệnh viện liên quan đến tất cả các vấn đề bệnh lý trong bệnh viện. Cụ thể là đánh giá, theo dõi tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân trong thời gian nằm viện, hướng dẫn, cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp bệnh lý trong thời gian nằm viện.

Vị trí việc làm ở ngoài cộng đồng rất phong phú. Sinh viên có thể làm cán bộ điều tra về dinh dưỡng cộng đồng tại các trung tâm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh, hoặc giám sát an toàn thực phẩm, xử lý những vụ ngộ độc thực phẩm lớn. Cụ thể là lưu các mẫu thức ăn, kiểm tra, kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm ở các nhà hàng, công sở.

Sinh viên còn có cơ hội trở thành các chuyên viên dinh dưỡng trong các trường học, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho từng lứa tuổi trẻ em.

Ngoài ra, cử nhân Dinh dưỡng có thể giảng dạy ở viện nghiên cứu, trường đại học, hoặc làm cho các tổ chức phi chính phủ, các công ty sản xuất, chế biến thực phẩm chuyên về mảng dinh dưỡng, cụ thể là tạo ra công thức dinh dưỡng để sản xuất, chế biến phù hợp với các đối tượng trong xã hội.

Sinh viên được học 5 mô-đun về dinh dưỡng từ cơ bản đến chuyên sâu

Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Bắc Hà cho biết, trong chương trình đào tạo ngành Dinh dưỡng ở Trường Đại học Đông Á, sinh viên sẽ được học 5 mô-đun đi từ cơ bản đến chuyên sâu.

Thứ nhất là mô-đun dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể là những vấn đề cơ bản về các chất dinh dưỡng, tiêu hóa, hấp thu và chuyển hóa các chất dinh dưỡng, các vấn đề về an toàn thực phẩm. Những chất gây ngộ độc thực phẩm là gì, cách chúng ta phòng chống, xử lý và giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong đó, kiến thức về giải pháp xử lý là quan trọng nhất.

Thứ hai là mô-đun dinh dưỡng cộng đồng. Sinh viên sẽ học được cách theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng qua khám bệnh, điều tra các khẩu phần ăn trên diện rộng, các vấn đề dịch tễ về dinh dưỡng. Ví dụ khu vực dân cư thường có những bệnh gì liên quan đến dinh dưỡng, và đưa ra các giải pháp can thiệp cho cộng đồng.

Trong mô-đun này, sinh viên có thể làm truyền thông, giáo dục dinh dưỡng cho các tập thể hoặc nhóm, thậm chí hướng dẫn dinh dưỡng cho cá thể với điều kiện chưa có bệnh lý quá nặng nề.

sv2.jpeg
Sinh viên ngành Dinh dưỡng, Trường Đại học Đông Á học cách làm quen với mô hình thực phẩm, ứng dụng trong điều tra khẩu phần ăn. Ảnh: NTCC.

Thứ ba là mô-đun về dinh dưỡng học đường. Từ mô-đun này trở đi là những kiến thức chuyên sâu của Đại học Đông Á mà các trường khác rất ít đào tạo.

Trong khi nhiều trường khác chỉ học một, hai tiết học về dinh dưỡng học đường, tại Trường Đại học Đông Á, sinh viên được học trọn vẹn một mô-đun.

Sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức chăm sóc dinh dưỡng cho bào thai khi còn trong bụng mẹ đến lúc trưởng thành. Trong suốt quá trình như vậy, vấn đề dinh dưỡng cho các lứa tuổi, từ giai đoạn sơ sinh, ăn dặm đến cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều được chú trọng với mục tiêu phát triển tốt cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Bên cạnh đó, giai đoạn dậy thì, tiền dậy thì cũng rất cần được quan tâm. Sinh viên sẽ được tìm hiểu các kiến thức như khoảng thời gian nào trẻ em dậy thì, các vấn đề ảnh hưởng đến dậy thì ở trẻ em.

Thứ 4 là mô-đun về dinh dưỡng lâm sàng, tức là tất cả bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng.

Dinh dưỡng lâm sàng ở trong bệnh viện là một loại can thiệp, qua đó đánh giá được người bệnh có suy dinh dưỡng hay có nguy cơ suy dinh dưỡng không. Sau đó sẽ dùng các biện pháp can thiệp, chế độ ăn riêng với mỗi bệnh lý.

Thứ 5 là mô-đun quản lý dinh dưỡng trong bệnh viện. Đây là một vấn đề khó mà hiện nay Bộ Y tế đang rất quan tâm, làm thế nào quản lý được dinh dưỡng trong bệnh viện và phát triển dinh dưỡng lâm sàng trong bệnh viện.

Chương trình đào tạo cử nhân Dinh dưỡng tại Đại học Đông Á có 70% thời lượng là thực hành. Trong đó, đặc biệt tập trung vào thực hành tại các cơ sở khám, chữa bệnh như Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện 199 (Bộ Công an), Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Ung Bướu, các trung tâm y tế ở trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng như quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Hoà Vang, Liên Chiểu,....

Bên cạnh đó, sinh viên cũng được đi thực tập nghề nghiệp ở một số trường mầm non, các trường phổ thông bán trú. Đặc biệt tại Trường Đại học Đông Á, sinh viên sẽ có cơ hội đi thực tập nghề nghiệp ở Nhật Bản 1 năm với chương trình đào tạo "3+1", nghĩa là học 3 năm ở Việt Nam và 1 năm Intership ở Nhật Bản. Sinh viên vừa được học kiến thức, vừa có cơ hội trải nghiệm văn hóa nước bạn và nâng cao thu nhập của bản thân.

Sinh viên Nguyễn Thị Khánh Linh, lớp NT22A, Trường Đại học Đông Á cho rằng, tư duy và thái độ tốt sẽ là yếu tố giúp sinh viên học tập hiệu quả nhất. Trường Đại học Đông Á rất chú trọng đến rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên, nên ngoài kiến thức chuyên ngành, sinh viên còn được học kỹ năng giao tiếp và thuyết trình, kỹ năng viết truyền thông, tư duy thiết kế và giải quyết vấn đề,…

“Học phần em thấy thử thách nhất là Bệnh học Nội - Dinh dưỡng lâm sàng Nội khoa, vì lượng kiến thức y khoa cần học khá nhiều. Tuy nhiên, em cảm thấy may mắn vì được cô giáo hướng dẫn tỉ mỉ, cho làm đánh giá các “case study” sau mỗi bài học nên đã giúp em nắm bài tốt hơn.” – Khánh Linh chia sẻ.

Hiện tại, Khánh Linh đang thực tập tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng. Trong quá trình thực tập vừa qua, bạn đã làm các công việc như cân đo, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi, tư vấn chế độ ăn cho người cao tuổi.

sv3.jpeg
Sinh viên Nguyễn Thị Khánh Linh sử dụng cân Tanita, thước dây và thước kẹp Caliper để đánh giá các chỉ số nhân trắc cho người cao tuổi. Ảnh: NVCC

Bạn Nguyễn Hà Phương Vy, cựu sinh viên ngành Dinh dưỡng, Trường Đại học Đông Á chia sẻ, trong quá trình ngồi trên ghế giảng đường, Phương Vy được đào tạo theo lộ trình rất chỉnh chu, cung cấp đủ các kiến thức, không chỉ lý thuyết mà còn ứng dụng vào thực tiễn rất chặt chẽ.

Bên cạnh đó, Phương Vy còn được thực tập tại các cơ sở y tế, trường học, các trường hợp giả định,… giúp bạn có những bước đệm cơ bản có thể tự tin làm việc thực tế.

Ngoài những kiến thức chuyên môn được trang bị trên ghế nhà trường, Phương Vy đưa ra lời khuyên với sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường: “Các bạn sẽ thuận lợi trong nghề hơn khi có một tinh thần tự tin, dám thử thách bản thân, khả năng thích nghi với môi trường mới và giao tiếp tốt. Ngoài ra, bạn cần xác định được mục tiêu nghề nghiệp và tinh thần bền bỉ để theo nghề.”

Thạc sĩ Đặng Thị Hoàng Khuê chia sẻ, để hoàn thành tốt công việc được giao, sinh viên cần trang bị cho bản thân một số kỹ năng. Thứ nhất, khả năng phát hiện vấn đề dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trong bệnh viện.

Thứ hai là khả năng lập kế hoạch, tổ chức giám sát an toàn thực phẩm.

Thứ ba là khả năng tổ chức truyền thông giáo dục, tư vấn dinh dưỡng trong bệnh viện.

Thứ tư là khả năng tham gia nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng.

Đối với công tác đào tạo của nhà trường, Thạc sĩ Đặng Thị Hoàng Khuê cũng đưa ra một số góp ý để nâng cao chất lượng đào tạo ngành Dinh dưỡng.

Thứ nhất, cập nhật chương trình học, đảm bảo rằng chương trình đào tạo phản ánh những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực dinh dưỡng, bao gồm cả các nghiên cứu và công nghệ mới. Chương trình nên bao gồm cả kiến thức cơ bản và ứng dụng thực tiễn.

Thứ hai, đào tạo và nâng cao năng lực giảng viên. Giảng viên cần có kiến thức chuyên sâu về dinh dưỡng tại bệnh viện, cộng đồng.

Thứ ba, tạo điều kiện cho sinh viên được “học đi đôi với hành", tiếp cận với các kỹ năng thực hành, bao gồm cả các khóa học thực tế, thực tập tại các bệnh viện, phòng thí nghiệm và cơ sở sản xuất thực phẩm.

Thứ tư, liên kết với công ty sản xuất thực phẩm để cung cấp cơ hội thực tập, việc làm và các dự án nghiên cứu chung.

Bích Ngọc