Chủ trương biên soạn sách chữ nổi của NXBGDVN rất ý nghĩa với học sinh khiếm thị

23/10/2024 09:59
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Nếu có một bộ sách chữ nổi đại trà do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với tất cả học sinh khiếm thị trên toàn quốc.

Trong kế hoạch nhiệm vụ năm 2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đặt ra mục tiêu Xây dựng kế hoạch biên soạn bộ sách chữ nổi Braille.

Chia sẻ từ một số cơ sở giáo dục đặc biệt đang đào tạo trẻ khiếm thị cho hay, hiện nay công tác làm sách chữ nổi cho học sinh hầu hết chỉ dừng lại ở phạm vi trong mỗi nhà trường. Chính vì vậy, nếu có một bộ sách chữ nổi đại trà do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với tất cả học sinh cũng như trường đào tạo trẻ khiếm thị trên toàn quốc.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thanh Huệ - Hiệu trưởng Trường Phổ Thông Đặc Biệt Nguyễn Đình Chiểu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay sách chữ nổi cho học sinh khiếm thị của Nhà trường là do trường tự làm sách tài liệu với nội dung kiến thức được chuyển từ sách giáo khoa đại trà của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Theo cô Huệ, sách chữ nổi này hiện đang được lưu hành nội bộ và được cấp miễn phí cho học sinh khiếm thị trong trường, để đáp ứng đầy đủ cho học sinh ở tất cả các khối lớp. Thường vào mỗi mùa hè, các giáo viên Nhà trường sẽ tập trung thời gian để làm bộ sách chữ nổi này cho các em. Kinh phí làm sách được Nhà trường lấy chủ yếu từ hình thức xã hội hóa.

Cô Huệ cho rằng, nếu như sách chữ nổi được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn thành một bộ sách giáo khoa sử dụng đại trà như sách giáo khoa cho học sinh thông thường khác chắc chắn sẽ thuận lợi hơn. Bởi, không phải trường đào tạo trẻ đặc biệt nào cũng có đủ điều kiện về nhân lực, trang thiết bị, máy móc cũng như kinh phí để làm sách chữ nổi cho học sinh giống Trường Phổ Thông Đặc Biệt Nguyễn Đình Chiểu Thành phố Hồ Chí Minh.

Do vậy, nếu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sớm biên soạn bộ sách giáo khoa chữ nổi Braille sẽ có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc đối với tất cả các học sinh khiếm thị trên toàn quốc. Việc làm này sẽ kịp thời đáp ứng nhu cầu có sách để học theo chương trình giáo dục phổ thông mới của nhiều em học sinh khiếm thị và trường phổ thông đặc biệt.

z5819026457229b800a6448e4f36eb2baac6e7c4d1ec72_119202411.jpg
Học sinh Trường Phổ Thông Đặc Biệt Nguyễn Đình Chiểu Thành phố Hồ Chí Minh đọc sách tại thư viện (Ảnh: Website nhà trường).

Tuy nhiên, việc biên soạn sách giáo khoa chữ nổi không phải đơn giản. Theo cô Huệ, 1 trang sách chữ sáng bằng khoảng 3 đến 4 trang sách chữ nổi nên kinh phí để làm ra sách chữ nổi sẽ rất tốn kém. Đồng thời, nguồn lực để làm ra sách chữ nổi cũng còn hạn chế.

Cũng theo cô Huệ, hiện nay mỗi trường lại đang giảng dạy một bộ sách khác nhau nên việc biên soạn sách chữ nổi đối với các giáo viên là rất vất vả. Đơn cử, khi Trường Phổ Thông Đặc Biệt Nguyễn Đình Chiểu Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ học sinh khiếm thị của một số cơ sở đào tạo khác trên địa bàn chỉ chủ yếu hỗ trợ được sách Toán, tiếng Anh, do có quá nhiều đầu sách không thể làm kịp. Những môn học khác các em phải học qua sách nói.

Chia sẻ từ thầy Phạm Văn Hưng - Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ em Khiếm thị Hải Phòng cho biết, theo chức năng và nhiệm vụ, Nhà trường đang thực hiện công tác dạy học và đào tạo cho học sinh cấp tiểu học.

Hiện, sách chữ nổi cho học sinh khiếm thị của Nhà trường có một số quyển do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cấp và một số sách do Nhà trường tự chuyển đổi từ bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với kinh phí do thành phố cấp, học sinh không phải bỏ tiền mua sách. Có thể nói, Nhà trường cũng như địa phương luôn cố gắng đảm bảo cho tất cả các em học sinh của trường đều có sách chữ nổi để đảm bảo việc học tập.

Thầy Hưng cho rằng, chủ trương biên soạn bộ sách giáo khoa chữ nổi Braille của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là vô cùng ý nghĩa đối với mỗi học sinh khiếm thị. Bởi sách là người bạn đồng hành với mỗi học sinh. Có bộ sách giáo khoa chất lượng sẽ đảm bảo được việc tiếp cận tri thức cho các em.

Đồng thời, việc làm này cũng giúp giảm thiểu quá trình biên soạn vất vả, riêng lẻ ở mỗi đơn vị trường học (mỗi trường dùng một bộ riêng) hiện nay và đỡ tốn kém cho ngân sách của địa phương, của xã hội. Trên thực tế, nguồn kinh phí biên soạn sách chữ nổi rất tốn kém bởi phải sử dụng giấy chuyên dụng, máy móc, trang thiết bị có chi phí hàng trăm triệu đồng trở lên,..

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ sách giáo khoa chữ sáng sang sách chữ nổi có phần hơi vất vả đối với các giáo viên Nhà trường, nhất là với những môn tự nhiên do 1 quyển sách chữ nổi tương đương khoảng 3,4 quyển sách chữ sáng. Có thời điểm, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) có in và hỗ trợ cấp sách cho trường nhưng nhưng không kịp đáp ứng do nguồn lực còn hạn chế. Như vậy, việc hỗ trợ sách chữ nổi hiện nay vẫn chưa thể bao khắp được thực tế sử dụng của học sinh khiếm thị.

Thầy Hưng mong rằng, công tác biên soạn bộ sách giáo khoa chữ nổi Braille của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ sớm được triển khai, thực hiện để đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận kiến thức đối với các em học sinh khiếm thị.

chuyen-de_29320242241 (1).png
Học sinh Trường Nuôi dạy trẻ em Khiếm thị Hải Phòng tại buổi Chuyên đề dạy học môn Toán lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh khiếm thị (Ảnh: Website Nhà trường).

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thúy – Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ Khiếm Thị Hữu Nghị, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện tại kinh phí để mua sách chữ nổi cho học sinh khiếm thị rất khó khăn.

Trên thực tế, chi phí cho một bộ sách chữ nổi là khá lớn với khoảng trên 20 triệu đồng, hầu hết các gia đình đều không thể có khả năng mua. Đáng nói, với học sinh khiếm thị mới làm quen với chữ nổi mà không có sách sẽ rất khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức. Do vậy, vừa qua, Nhà trường chỉ chọn một số sách mà học sinh bắt buộc phải có để mua còn lại sẽ truyền tải kiến thức qua cách thức đọc. Trong đó, một số cuốn được Nhà trường mua của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo), một số cuốn đặt bên Mái ấm Nhật Hồng (dù chất lượng giấy không bằng phía Viện nhưng giá thành tiết kiệm hơn).

Chính vì vậy, cô Thúy cho rằng, chủ trương biên soạn bộ sách giáo khoa chữ nổi Braille của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là rất nhân văn và nếu làm được sẽ là niềm vui lớn, tạo động lực học tập cho các em học sinh khiếm thị của Nhà trường nói riêng và cả nước nói chung.

Còn theo cô Dương Thị Thủy - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên, hiện tại sách chữ nổi theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Nhà trường chưa có đủ. Cụ thể, Nhà trường chỉ có một số đầu sách chữ nổi chính cho học sinh cấp tiểu học, còn cấp trung học cơ sở là chưa có. Với thực tế đó, cô Thủy cho biết, các giáo viên tương đối vất vả trong công tác giảng dạy cho trẻ khiếm thị.

Vậy nên, cô Thủy cũng mong Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sớm triển khai chủ trương kế hoạch biên soạn bộ sách giáo khoa chữ nổi Braille để phát triển được các kỹ năng cần thiết và quan trọng cho học sinh khiếm thị.

Tường San