ChatGPT giúp SV hoàn thành luận văn, trường ĐH ở Việt Nam ứng phó ra sao?

11/02/2023 06:44
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu sử dụng ChatGPT vào mục đích gian lận thì trường đại học sẽ có phương án phòng chống, xử lý kịp thời.

Những ngày qua, câu chuyện một sinh viên Trường Đại học Nhân văn Nga sử dụng ChatGPT để hoàn thành luận văn tốt nghiệp đã gây nên làn sóng tranh cãi trong dư luận.

Cụ thể, sinh viên này chia sẻ trên Twitter về việc bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp với sự hỗ trợ nhanh chóng của ChatGPT và được hội đồng thông qua với đánh giá “đạt yêu cầu” khi chương trình chống đạo văn xác nhận tính nguyên bản đến 82%. Hiện, Trường Đại học Nhân văn Nga đã đề xuất các cơ sở giáo dục hạn chế quyền truy cập vào ChatGPT.

Việc sử dụng hệ thống mạng nơ-ron và trí tuệ nhân tạo đang được xem là một thách thức mới trong các hoạt động khoa học và giáo dục. Một số trường đại học cũng đặt ra sự cần thiết phải phát triển các công cụ để nhận biết việc sử dụng mạng nơ-ron trong các luận văn và cũng như tăng các nhiệm vụ mà sinh viên chỉ có thể tự hoàn thành.

ChatGPT cán mốc 100 triệu người/tháng chỉ 2 tháng sau khi trình làng. Ảnh minh hoạ: nguồn Báo Long An

ChatGPT cán mốc 100 triệu người/tháng chỉ 2 tháng sau khi trình làng. Ảnh minh hoạ: nguồn Báo Long An

Trước lo ngại ChatGPT thay thế sinh viên làm luận văn, luận án, thực hiện hành vi gian lận thi cử, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với một số trường đại học về mức độ ảnh hưởng, phương án xây dựng kịch bản ứng phó với ChatGPT đối với sinh viên.

Trường có phương án phòng chống nếu sinh viên sử dụng ChatGPT cho hành vi gian lận

Chia sẻ với phóng viên, một vị Phó Hiệu trưởng trường đại học đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông ở Hà Nội cho biết, ChatGPT cũng tương tự như Google. Tuy nhiên, khi nhập tìm kiếm, Google sẽ trả lại rất nhiều kết quả và người dùng phải đọc, lọc xem kết quả nào là phù hợp nhất với mục đích tìm kiếm.

“ChatGPT thông minh hơn Google ở chỗ hiểu khá tốt nội dung tìm kiếm, kết quả trả về cho người dùng không phải một danh sách mà là một câu trả lời sát nhất với câu hỏi", vị này cho biết.

Về việc một số trường đại học nước ngoài hạn chế quyền truy cập vào ChatGPT, theo vị này, yêu cầu hạn chế quyền truy cập vào ChatGPT hay cấm sử dụng cũng tương tự như cấm gian lận, quay cop trong thi cử. Tức là, trong học tập, thi cử, cứ những gì không xuất phát từ tự thân làm bài của học sinh, sinh viên mà sử dụng một công cụ hỗ trợ khác để hoàn thành, lấy làm kết quả của mình thì đều bị cấm.

"Khi chưa có ChatGPT, muốn tìm kiếm thông tin, người dùng sẽ sử dụng Google để chắt lọc, ghép nối nội dung của nhiều bài viết thành bài của mình. ChatGPT ra đời sẽ giảm bớt công sức tìm kiếm cho người dùng vì cho ra đáp án sát, tương đối chính xác và sử dụng được. Đây cũng là một dạng quay cop, đạo văn.

Tôi không bàn đến chuyện cấm ChatGPT của một số trường là hợp lý hay không. Chúng ta nên hiểu, trong thi cử, bất kể một thiết bị nào hỗ trợ dẫn đến hành vi gian lận, quay cop thì các trường cấm sử dụng là yêu cầu hết sức bình thường", vị này chia sẻ.

Hiện ChatGPT cũng mới xuất hiện ở Việt Nam nên nhà trường chưa nghiên cứu sâu vào việc sinh viên sẽ sử dụng ứng dụng này như thế nào. Trong thời gian tới, nếu ChatGPT ảnh hưởng nhiều đến sinh viên thì nhà trường sẽ có phương án ứng phó cụ thể.

"Nếu sinh viên sử dụng ChatGPT vào mục đích trải nghiệm, khám phá được những điều hay ho thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu sử dụng vào mục đích gian lận thì trường sẽ có phương án phòng chống, xử lý kịp thời”, vị Phó Hiệu trưởng nhận định.

Cùng bàn về vấn đề này, một cán bộ quản lý giáo dục hiện đang công tác tại trường đại học có quy mô đào tạo lớn về khối ngành công nghệ kỹ thuật cho biết, trước sự ra đời của ChatGPT, các ngành thuộc nhóm công nghệ thông tin như: Lập trình, Phân tích dữ liệu… sẽ chịu tác động khá lớn.

“Đây thực sự là vấn đề cần quan tâm, khi một vài năm gần đây ngành/nghề này được đông đảo các bạn trẻ theo đuổi”, vị này chia sẻ.

Ngoài ra, Insider cũng đã tổng hợp các ngành nghề có thể bị gián đoạn bởi các công cụ AI như ChatGPT, gồm có: Nhóm các ngành nghề liên quan đến truyền thông, quảng cáo, tiếp thị, các ngành thuộc về nhóm tư vấn, hỗ trợ khách hàng (tư vấn pháp lý, dịch vụ khách hàng), các ngành về phân tích (tài chính, thị trường…) và các ngành sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện (giáo viên, báo chí…).

“ChatGPT cũng như các Bot AI đang gây ra sự lo ngại đáng kể cho các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, đây thực sự là xu hướng của công nghệ trong thời đại 4.0. Một số trường đại học đưa ra các biện pháp đối phó với tình huống mới này, trong đó có việc cấm người học sử dụng vào các mục đích thực hiện các bài luận, bài kiểm tra. Đây là cách xử lý dễ hiểu khi các nhà trường đang bị đặt trước những vấn đề mới, phức tạp và chưa có cách xử lý thích hợp.

Tuy nhiên, về lâu dài, tôi không cho rằng đây là cách xử lý tối ưu vì những gì đã trở thành xu hướng thì không nên và không thể né tránh hoặc cấm cản. Điều cần thiết là tìm ra các giải pháp phù hợp, có hiệu quả để ứng xử với sự xuất hiện của ChatGPT hay bất kể một ứng dụng công nghệ trí tuệ nào mới sẽ tiếp tục ra đời”, vị cán bộ quản lý nêu quan điểm.

Sẵn sàng kịch bản ứng phó ChatGPT

Tiếp cận dưới góc độ cá nhân, vị cán bộ chia sẻ rằng cảm thấy hứng thú nhiều hơn là lo ngại trước sự xuất hiện của ChatGPT. Vì đây là công cụ có khả năng hỗ trợ rất tốt cho học tập và nghiên cứu trong các trường đại học. Việc khai thác đúng công cụ này sẽ giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục và đào tạo trong các nhà trường. Hoạt động tự học, tự nghiên cứu của sinh viên sẽ vô cùng thuận lợi, môi trường học tập sẽ được mở rộng vượt ra phạm vi của nhà trường, lớp học.

Trước vấn đề phát sinh như ChatGPT có thể thay sinh viên làm luận văn, luận án, khóa luận, vị cán bộ quản lý giáo dục trường đại học không coi đây là vấn đề quá nghiêm trọng.

Cụ thể, thứ nhất, để ChatGPT cho ra được một sản phẩm hoàn thiện như luận văn tốt nghiệp, sinh viên phải biết “hỏi” – nghĩa là đặt được vấn đề, chọn từ khóa phù hợp cho vấn đề nghiên cứu của mình.

Để xác định được những nội dung này, sinh viên phải thực sự hiểu được những vấn đề mà mình cần hướng đến, đây cũng là một cách học.

Thêm nữa, dù là công cụ mạnh nhưng sản phẩm của ChatGPT cũng chưa thể sử dụng được ngay mà vẫn cần quá trình biên tập và chỉnh sửa nhất định. Do vậy, sinh viên cũng cần phải có kiến thức, kỹ năng cần thiết để xử lý mà ChatGPT đưa ra.

Thứ hai, ChatGPT có khả năng tổng hợp rất nhanh từ những dữ liệu có sẵn và khả năng nội suy. Hay nói cách khác, ChatGPT có khả năng rất mạnh trong tìm kiếm thông tin, viết báo cáo tổng hợp, viết các văn bản dựa vào năng lực tổng hợp thông tin, cũng như đưa ra các suy luận từ các quy luật và nội dung đã có sẵn.

Tuy nhiên, ChatGPT không có khả năng hoặc không thực sự mạnh với những yêu cầu nằm ngoài cơ sở dữ liệu của nó thu thập được, hay những vấn đề có tính thực tiễn, thời sự hoặc đòi hỏi sáng tạo chỉ có ở con người.

“Do vậy, chỉ cần có thêm các yêu cầu mang tính sáng tạo hoặc giải quyết những vấn đề thực tiễn trong các yêu cầu, đề tài giao cho sinh viên thì việc sử dụng ChatGPT cũng sẽ không thay thế được sinh viên trong thực hiện các công trình này”, vị cán bộ cho biết.

Thứ ba, với cách đánh giá luận văn, khóa luận của sinh viên hiện nay, các nhà trường không chỉ dựa vào tài liệu sinh viên nộp mà sinh viên còn phải bảo vệ những luận điểm, nội dung được đưa ra trong bài luận của mình trước thầy, cô hoặc cả một hội đồng. Do vậy, sinh viên không đơn giản vượt qua được hình thức đánh giá này chỉ nhờ sự hỗ trợ của công nghệ ChatGPT mà không có năng lực thực sự.

Như vậy, để ứng phó hiệu quả với những hệ lụy có thể có từ việc xuất hiện các Bot AI, ChatGPT, các nhà trường cần quan tâm lúc này:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các thành viên trong nhà trường về ý nghĩa của “thực học” và tác hại của việc đối phó với các kỳ thi.

Hai là, cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng chuyển dần từ dạy cái đã xảy ra sang dạy cái sẽ xảy ra.

Ba là, đổi mới phương pháp đánh giá, đưa các yêu cầu đánh giá năng lực thực sự của người học như khả năng sáng tạo, áp dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn… Tăng cường đánh giá quá trình đối với hoạt động học tập thay cho việc tập trung vào đánh giá kết thúc. Đa dạng hóa yêu cầu đối với sản phẩm ghi nhận kết quả học tập thay cho một bài luận hoặc khóa luận mang tính lý thuyết.

Bốn là, sử dụng một số công cụ công nghệ hỗ trợ giúp xác định nội dung hình thành bởi Bot AI, ChatGPT… như GPTZero, OpenAI’s AI Text Classifier… để kiểm tra, rà soát các bài luận, khóa luận của sinh viên.

Ngọc Mai