Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.
Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý tại dự thảo là đưa ra 2 phương án về quy định về nguồn hình thành học bổng khuyến khích học tập đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập (sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 4, Điều 8 Nghị định 84/2020/NĐ-CP). Cụ thể:
Phương án 1: Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 5% nguồn thu học phí (với trường công lập) và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục.
Theo phương án này, dự thảo Nghị định không có sự phân biệt học sinh, sinh viên học chương trình chính quy với người học chương trình vừa làm vừa học, đào tạo từ xa.
Phương án 2: Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học: Học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí hệ chính quy (với trường công lập) và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục.
Dự thảo hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các cơ sở giáo dục đại học, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ phương án 1 của dự thảo.
Góp phần cân đối thu – chi trong bối cảnh mức trần học phí còn thấp
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hùng - Trưởng Phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Học viện Chính sách và Phát triển đánh giá: Đề xuất giảm mức tối thiểu nguồn thu học phí cho học bổng khuyến khích học tập từ 8% (theo Nghị định số 84/2020/NĐ-CP) xuống 5% là phù hợp và thiết thực trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học thực hiện lộ trình tự chủ đại học theo mục tiêu đã đề ra.
Đề xuất này giúp giảm tải áp lực cho các trường đại học công lập về việc cân đối thu – chi trong bối cảnh mức trần học phí còn thấp so với thực tế của chi phí đãi ngộ đội ngũ nhà giáo, nâng cao chất lượng đào tạo và chuyển đổi số thành đại học thông minh.
Việc giảm mức tối thiểu nguồn thu học phí dành cho học bổng khuyến khích học tập sẽ giúp các trường có thêm nguồn lực tài chính để thực hiện các hoạt động giáo dục, nghiên cứu và phát triển, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thu học phí, đặc biệt trong bối cảnh mức học phí vẫn còn bị giới hạn so với thực tế chi phí cần thiết để duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, nhu cầu thực tế đặt ra ở đây là làm thế nào để các trường đại học vừa có nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển, vừa hỗ trợ và kích thích được người học thi đua, phấn đấu trong học tập. Đây là giải pháp tình huống vì cách thức giảm chi mức học bổng khuyến khích học tập đối với người học để tăng nguồn lực cho nhà trường, trong khi quy mô tài chính còn hạn chế, không tăng từ các nguồn thu khác. Thông qua việc trích phần trăm quỹ học bổng khuyến khích học tập, tăng chất lượng suất học bổng khuyến khích học tập, điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo động lực để người học cố gắng nỗ lực.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Ngọc Toàn - Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên cho biết, nhà trường ủng hộ và đồng tình với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đối với Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên, từ trước đến nay vẫn luôn áp dụng quy định về học bổng theo Nghị định 84/2020/NĐ-CP. Việc xây dựng quy định học bổng khuyến khích học tập được thực hiện một cách cân đối, nghiêm túc, đầy đủ, trích khoảng 8% tổng nguồn thu.
Mặt khác, ngoài học bổng khuyến khích học tập từ học phí, các trường còn có nguồn học bổng khác cho sinh viên như từ doanh nghiệp, cựu sinh viên,… Đối với các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cũng có học bổng để hỗ trợ các em thuộc diện này.
Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên cũng nhấn mạnh: Nguồn học bổng khuyến khích học tập sẽ tạo động lực cho học viên, sinh viên phấn đấu hơn trong học tập, nghiên cứu, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục, và giảm bớt gánh nặng tài chính cho những sinh viên có thành tích học tập tốt nhưng gặp khó khăn về vấn đề tiền bạc.
Có thể thấy, học bổng là một phần vô cùng quan trọng trong chính sách của trường, nó có thể góp phần nâng cao uy tín của cơ sở giáo dục, thu hút được nhiều người học xuất sắc, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Nên ưu tiên chi học bổng từ ngân sách Nhà nước cho các ngành khó tuyển sinh
Theo phương án 1, dự thảo Nghị định không có sự phân biệt sinh viên học chương trình chính quy với người học chương trình vừa làm vừa học, đào tạo từ xa. Theo Nghị định 84, học bổng được bố trí dựa trên tỷ lệ phần trăm từ tổng nguồn thu học phí của sinh viên các hệ đào tạo (chính quy, từ xa, vừa làm vừa học) nhưng đối tượng thụ hưởng học bổng chỉ có sinh viên chính quy.
Bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hùng nhận định, đây là đề xuất tốt và phù hợp, có thể tạo công bằng cho mọi đối tượng người học ở các trình độ và hình thức đào tạo khác nhau. Đề xuất sinh viên học hệ vừa làm vừa học, đào tạo từ xa cũng được xét, cấp học bổng như sinh viên chính quy cũng là một cách để thúc đẩy tinh thần học tập. Từ đó, chúng ta cần xem xét, cân đối và tính toán một cách kỹ lưỡng để giảm tải gánh nặng tài chính cho hầu hết các trường khi nguồn thu chủ yếu từ học phí.
Trưởng Phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Học viện Chính sách và Phát triển cũng đề xuất, việc ưu tiên chi học bổng từ ngân sách Nhà nước cho các ngành mới, ngành khó tuyển sinh để không khu biệt, dàn trải là điều hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh tự chủ đại học còn bộc lộ nhiều bất cập so với yêu cầu của thực tiễn hiện nay.
Còn theo lãnh đạo của một trường đại học ở phía Nam, đề xuất xét cấp học bổng cho sinh viên hệ vừa làm vừa học và đào tạo từ xa giống như đối với sinh viên chính quy là một cách hiệu quả để thúc đẩy động lực cho người học cống hiến và phát huy khả năng học tập, nghiên cứu, sáng tạo, phát triển nghề nghiệp của mình.
Hơn nữa, cũng nên ưu tiên chi học bổng từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các ngành mới, ngành đặc thù, ngành khó tuyển sinh cũng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đại học nói riêng, giúp tăng tính công bằng trong hệ thống giáo dục nói chung. Đây cũng là một cách thức nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng giảng dạy, xây dựng chương trình học linh hoạt, hỗ trợ tốt hơn cho các sinh viên, học viên.
Tuy nhiên, quy trình đánh giá xét học bổng cho các hệ đào tạo khác nhau cần đảm bảo tính công bằng, minh bạch và khách quan trong việc lựa chọn đối tượng nhận học bổng. Nếu lấy quy chế xét tặng học bổng khuyến khích học tập với sinh viên chính quy để áp dụng cho sinh viên hệ đào tạo từ xa, vừa làm vừa học sẽ chưa thực chất bởi hoàn cảnh và tính chất học tập của hai hệ này khác nhau.
Đối với hệ đào tạo chính quy, công tác đánh giá xét học bổng khuyến khích học tập có phần dễ dàng và thuận lợi hơn, vì sinh viên hệ chính quy thường học toàn thời gian tại trường, có thể tham gia trực tiếp các hoạt động nghiên cứu, thi cử và trao đổi với giảng viên.
Trong khi đó, sinh viên hệ đào tạo từ xa và vừa làm vừa học lại có lịch học linh hoạt hơn, phần lớn thời gian học tập diễn ra ngoài lớp học chính thức, chủ yếu qua các phương tiện điện tử, học online và tự học. Vì vậy, nếu áp dụng quy chế xét học bổng của sinh viên chính quy cho nhóm sinh viên này, sẽ có thể chưa phản ánh đúng những khó khăn, nỗ lực và sự khác biệt trong quá trình học tập của họ.
Do đó, chúng ta cần phải xây dựng một quy chế xét học bổng riêng biệt hoặc có sự điều chỉnh hợp lý để đảm bảo công bằng, khuyến khích và động viên đúng mức cho các học viên, sinh viên của các hệ đào tạo khác nhau, thông qua các hình thức kiểm tra, bài tập, dự án nghiên cứu hay những tiêu chí đánh giá phù hợp.