Cần nghiên cứu đề xuất trao quyền bổ nhiệm nhân sự theo ngành dọc cho Bộ GD&ĐT

06/03/2024 09:08
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Bộ Giáo dục và Đào tạo không bổ nhiệm được hệ thống dọc, không điều động giáo viên từ địa phương này sang địa phương khác.

Hiện nay, về giáo viên, ngành dọc là Bộ Nội vụ quản lý. Bộ Giáo dục và Đào tạo không có thẩm quyền điều động giáo viên từ tỉnh này sang tỉnh khác, tương tự kể cả Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ở địa phương cũng không có quyền điều động giáo viên từ huyện này sang huyện khác.

Bộ Giáo dục và Đào tạo không bổ nhiệm được hệ thống dọc, không điều động giáo viên từ địa phương này sang địa phương khác. Vì vậy, có một thực tế diễn ra là chỗ thiếu giáo viên thì vẫn cứ thiếu mà chỗ thừa thì vẫn cứ thừa. Bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ bao nhiêu năm qua vẫn là bài toán khó với ngành giáo dục.

Quy trình tuyển dụng giáo viên đang thực hiện ra sao?

Chia sẻ về việc tuyển dụng biên chế giáo viên tại tỉnh Hòa Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Thị Kim Tuyến cho hay, quy trình tuyển dụng giáo viên trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 và Thông tư 06/2020/TT-BNV ngày 02/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; Nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Căn cứ vào chỉ tiêu biên chế đã được Sở Nội vụ thẩm định, Hội đồng tuyển dụng Thông báo công khai Kế hoạch tuyển dụng theo quy định trên phương tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử và niêm yết công khai tại cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng cần tuyển, thời hạn và địa điểm tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển của người đăng ký dự tuyển và tổ chức tuyển dụng.

"Năm 2023, số lượng biên chế được Sở Nội vụ thẩm định là 94,7% theo nhu cầu; chỉ tiêu còn thiếu theo định mức là 877 biên chế...", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay.

Về quy trình tuyển dụng giáo viên tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được thực hiện theo hình thức là xét tuyển gồm 2 vòng thi (vòng 1 kiểm tra phiếu đăng ký dự tuyển theo vị trí việc làm; vòng 2 kiểm tra sát hạch nghiệp vụ chuyên ngành hình thức phỏng vấn, nội dung: Kiểm tra về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu biết của người dự tuyển theo yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng).

Về ngân sách phân bổ, Tiến sĩ Bùi Thị Kim Tuyến cho biết, theo phân cấp quản lý nhà nước, ngân sách phân bổ cho các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện;

Ngân sách phân bổ các trường phổ thông dân tộc nội trú, các trường trung học phổ thông, trường cao đẳng sư phạm, trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh được giao Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện.

"Hằng năm trên cơ sở hướng dẫn của Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các đơn vị lập dự toán ngân sách nhà nước, tổng hợp gửi Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định giao dự toán ngân sách cho Sở Giáo dục và Đào tạo", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hoà Bình chia sẻ thêm, về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện từ 2 nguồn chính là nguồn kế hoạch đầu tư công ngân sách tỉnh và hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; Nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục từ kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên hàng năm giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo và Uỷ ban nhân dân các huyện thành phố.

Cụ thể, đối với nguồn kế hoạch đầu tư công ngân sách tỉnh và hỗ trợ từ ngân sách Trung ương được thực hiện theo từng giai đoạn (5 năm), tại đầu thời kỳ kế hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các đơn vị tổ chức rà soát nhu cầu, xây dựng kế hoạch, danh mục đầu tư cơ sở vật chất gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Sau khi được phê duyệt danh mục trên, cơ sở cân đối kinh phí hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các danh mục đầu tư theo kinh phí giao.

Đối với nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục được thực hiện theo năm dự toán trên cơ sở kinh phí giao đảm bảo chất lượng, chi khác (bao gồm cả hoạt động phục vụ công tác lựa chọn sách giáo khoa, bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới) cho từng biên chế theo định mức quy định tại Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND ngày ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hoà Bình và chi thực hiện chế độ chính sách theo quy định của nhà nước bao gồm cả chi phí bồi dưỡng, phần tiết kiệm còn lại Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường trực thuộc thực hiện đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học, sửa chữa bảo dưỡng tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy đổi mới giáo dục phổ thông.

Cần sớm nghiên cứu đánh giá về việc trao thêm quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo

Trước ý kiến đề xuất trao quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo được tổ chức, quản lý thống nhất theo ngành dọc, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho hay, bà đồng tình với đề xuất cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý theo ngành dọc nhưng trước khi thực hiện đề xuất này, các cơ quan tham mưu của Chính phủ cần nghiên cứu rõ về chính sách chế độ cho các đối tượng, từ đó trao thêm quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

"Trước khi trao quyền bổ nhiệm nhân sự, tuyển dụng giáo viên cho Bộ Giáo dục và Đào tạo theo ngành dọc, tôi đề nghị tất cả cơ quan của Chính phủ cần xem xét, đánh giá. Nếu ngoài tầm của Chính phủ, thì có kiến nghị tới Quốc hội quyết định để trao quản lý một đầu mối", bà An chia sẻ.

Về nội dung trên, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ, hiện nay, Quốc hội và Chính phủ có chủ trương về việc phân cấp, phân quyền quản lý về nhân sự, tài chính cho địa phương còn Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý về nghiệp vụ, chuyên môn.

Về việc phân bổ ngân sách cho địa phương, ông Hòa lấy ví dụ về tỉnh A khi nhận ngân sách 10 tỷ đồng, sẽ được thông qua Hội đồng Nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí cho các huyện, Sở, ngành. Từ đó, Sở Giáo dục và Đào tạo mới phân bổ cho các trường trung học phổ thông, còn Ủy ban Nhân dân cấp huyện sẽ phân bổ kinh phí cho Phòng Giáo dục và Đào tạo.

gdvn_giang-chu-phin-meo-vac (7).JPG
Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Theo ông Hòa, hiện nay cả nước có hàng triệu giáo viên, vì vậy ông cho rằng cần đánh giá, tính toán kỹ.

Tuy nhiên ông cũng cho rằng việc phân công chức năng nhiệm vụ cho phòng giáo dục và đào tạo là chưa hợp lí.

Cụ thể, hiện nay ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý việc tuyển dụng nhân sự từ cấp mầm non đến trung học cơ sở, còn phòng giáo dục và đào tạo quản lý về chuyên môn.

Theo quy trình, nếu trường A thiếu giáo viên, nhà trường sẽ đề xuất với phòng giáo dục và đào tạo. Tiếp đó, phòng giáo dục và đào tạo báo cáo với phòng nội vụ và ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ là đơn vị thành lập hội đồng tuyển dụng giáo viên.

"Tôi cho rằng quy trình như trên là rắc rối, vì vậy nên phân cấp quản lý tuyển giáo viên giao cho phòng giáo dục và đào tạo. Sau khi tuyển chọn xong, ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ ra quyết định tuyển dụng với giáo viên trúng tuyển", ông Hoà nêu quan điểm

Mạnh Đoàn