Cần hành động gấp để cứu những mầm non của đất nước

15/04/2019 06:42
Phan Tuyết
(GDVN) - Cứ nghe lời chia sẻ của một nhà thầu về việc chia hoa hồng chúng ta đủ hiểu, để vào được trường cung cấp thức ăn, chính nhà thầu phải qua nhiều “cửa ải” quá.

Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại một số trường học trên cả nước đã gây hoang mang cho nhiều phụ huynh khi có con học bán trú ở trường.

Đây không phải là lần đầu tiên phụ huynh học sinh của Trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) lo lắng vì thực phẩm kém chất lượng. Ảnh: VP.
Đây không phải là lần đầu tiên phụ huynh học sinh của Trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) lo lắng vì thực phẩm kém chất lượng. Ảnh: VP.

Có thể kể ra những vụ ngộ độc thực phẩm điển hình như:

Ngày 5/10/2018 hơn 350 em học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng tỉnh Ninh Bình nhập viện sau bữa trưa tại trường với triệu chứng buồn nôn.

Ngày 15/11/2018 hơn 200 trẻ Trường Mầm non Xuân Nội ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cũng sau bữa ăn ở trường.

Ngày 6/3/2019 hơn 400 em học sinh Trường Mầm non Thanh Khương tỉnh Bắc Ninh phải nghỉ học vì nhà trường cho các em ăn thịt lợn nghi nhiễm sán.

Ngày 3/4/2019 phụ huynh phát hiện 35 kg thịt gà ôi thiu đang chuyển vào Trường Tiểu học Chu Văn An quận Hoàng Mai thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 6/4/2019 có 100 em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định Quận 12 thành phố Hồ Chí Minh nhập viện cấp cứu nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn tại trường.

Phụ huynh ngăn chặn thịt gà ôi thiu tuồn vào Trường Tiểu học Chu Văn An

Và còn nhiều, rất nhiều những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại nhiều trường học khác.

Vai trò của dinh dưỡng với sức khỏe của học sinh

Ai cũng biết, dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng việc nâng cao thể lực, trí lực cho con người.

Ông Nguyễn Hùng Long - Phó cục trưởng Cục an toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết:

“Trẻ em đang ở độ tuổi nhạy cảm về sức khỏe. Xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến thể chất tinh thần, tâm lý không chỉ cho chính các em mà còn cho cả cha mẹ.

Điều nguy hiểm là ngộ độc thực phẩm để lại di chứng cái đáng sợ là không nhìn thấy ngay hậu quả mà theo thời gian sau mới biết”.

Với các em học sinh thì vai trò của dinh dưỡng càng quan trọng hơn nhiều.

Bởi lứa tuổi của các em, đang trong giai đoạn đầu của thời kì phát triển về mọi mặt.

Nếu có được trí lực tốt, phải có một sức khỏe tốt. Mà sức khỏe lại phụ thuộc rất nhiều vào dinh dưỡng.

Một sức khỏe có vấn đề sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển trí lực của các em sau này.

Vậy nên, tại các trường học tổ chức bán trú, chất lượng bữa ăn cho học sinh luôn được phụ huynh quan tâm đặc biệt.

Ngoài những vụ việc bị phát hiện, cũng không ai dám chắc những trường học bán trú còn lại nguồn thực phẩm vào trường đều đảm bảo an toàn.

Gửi con vào trường, phụ huynh đã đặt niềm tin của mình trong ấy. Thế nên, để xảy ra những vụ ngộ độc ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng

Học sinh nghi bị nhiễm sán và trách nhiệm của quản lí nhà nước

Hợp đồng cung cấp thực phẩm cho nhà trường đương nhiên do hiệu trưởng kí.

Bởi thế, chính hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất trong chuyện để học sinh trong trường bị ngộ độc thực phẩm.

Về lý thuyết là thế, nhưng đằng sau những hợp đồng ấy còn có khá nhiều chuyện đáng nói.

Không phải hiệu trưởng nào cũng có được quyền tối thượng là chọn nhà thầu và kí hợp đồng.

Nhiều nhà thầu được chỉ định từ phòng giáo dục các quận huyện.

Trong thực tế, ai chẳng hiểu khi được chỉ định, nhà thầu đã phải bỏ ra một khoản tiền không ít để “lót đường”.

Càng qua nhiều “cầu” số tiền lót đường càng nhiều, và tất cả những tiền phí ấy đều đổ vào từng suất ăn của học trò gánh chịu.

Hãy nghe một nhà cung cấp thực phẩm cho trường học chia sẻ:

"Quả trứng các cháu ăn 2000  đồng thành 4000 đồng. Lý do vì sao như vậy? Vì phải trừ chi phí vận chuyển, nặng nhất là tiền chạy các cửa từ Quận cho đến các trường thông qua bao nhiêu cầu.

Làm nghề này phải quyết tâm, phải có tiền, phải biết cách ngoại giao, quan hệ.

Trưởng Quận bao nhiêu tiền, tách phần trăm ra, hiệu trưởng, phụ trách bếp đều có phần trăm. Giá chiết khấu là giá nhập thực phẩm đã cộng thêm phần trăm cho các hiệu trường, bếp ăn.

Nhiều trưởng các đầu mối phải chi cho hiệu trưởng 10% - 30% tổng giá trị đơn hàng.

Đối với phòng giáo dục các công ty và đầu mối chủ yếu chạy tiền mặt.

Liên minh ma quỷ trong các bếp ăn trường học (2): Phù phép thực phẩm bẩn

"Có công ty nó mua toàn bộ các trường khoảng 1,1 tỷ đồng, mỗi trường 100 triệu đồng".

Với những cầu và phí lót tay như vậy thử hỏi nếu nhập thực phẩm chuẩn thì chỉ có lỗ thôi".

"Em bảo với giá thành và chi phí như thế thì buộc mình phải làm ăn một cách dối trá.

Các công ty chỉ đứng trung gian, tội vạ đầu tiên là đầu mối cung cấp phải chịu trách nhiệm trong trường hợp các cháu bị ngộ độc.

Chị đã từng biết người ta nhập 300 tấn mực tàu cho các cháu ăn, tội các cháu.

Nói đưa mực ta mà toàn đưa mực thối, còn dùng hóa chất để tẩy trắng".{1}

Nhìn vào mức chi hoa hồng, có thể thấy học sinh chỉ còn ăn phân nửa số tiền mà mình bỏ ra. Vậy hỏi sao các em không phải ăn đồ bẩn, đồ ôi thiêu?

Có hiệu trưởng tiết lộ “Nhà thầu do cấp trên chỉ xuống nếu mình không đồng ý cũng khó mà sống với họ”.

Dù biết vậy, người chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường chính là hiệu trưởng.

Cấp trung gian ăn đậm trong việc chỉ nhà thầu nhưng lại không bị tội khi có chuyện xấu xảy ra. Điều này cũng khó mà quy trách nhiệm ngoài tòa án lương tâm bào mòn, phán xét.

Phụ huynh giám sát bữa ăn của trẻ đã ổn chưa?

Ban phụ huynh cũng có trách nhiệm khi để con trẻ bị bớt xén và cho ăn đồ bẩn

Trước tình trạng nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học xảy ra như thời gian vừa qua, không ít phụ huynh hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của con cháu mình.

Có gia đình cương quyết không cho con ăn bán trú ở trường. Gia đình lại gửi riêng đồ ăn cho con…một số gia đình khác, các phụ huynh cắt cử nhau đến kiểm tra hằng ngày và đột xuất các bếp ăn trong trường.

Thế nhưng phụ huynh có đủ thời gian để làm công việc này? Đây chắc chắn cũng chưa phải là biện pháp tối ưu.

Cứ nghe lời chia sẻ của một nhà thầu về việc chia hoa hồng chúng ta đủ hiểu, để vào được trường cung cấp thức ăn, chính nhà thầu phải qua nhiều “cửa ải” quá.

Số tiền phải chi càng lớn, bữa ăn của các em càng bị bớt xén nhiều, hạn chế tình trạng này bằng cách:

Tất cả các đoàn thể trong nhà trường (đoàn thanh niên, công đoàn, thanh tra, chi bộ…) và Hội cha mẹ học sinh cùng chung tay chọn nhà thầu một cách công khai.

Đầu tiên là thông báo rộng rãi việc bỏ thầu trên các phương tiện truyền thông, tuyệt đối không thỏa hiệp những nhà thầu do cấp trên chỉ xuống.

Sau đó, tổ chức đấu thầu một cách công khai và chọn ra nhà cung cấp thực phẩm tiềm năng.

Nhà trường thành lập tổ giám sát bao gồm các đoàn thể và đại diện cha mẹ học sinh thực hiện giám sát hằng ngày hoặc đột xuất.

Làm điều này chắc chắn tránh được việc phải chi hoa hồng cho các “cầu” quá lớn.

Khi hạn chế được việc này, nhà thầu chắc chắn sẽ cung cấp thực phẩm tươi ngon để giữ uy tín của mình.

Và lúc đó mới mong từng bữa ăn của trẻ được sạch sẽ và an toàn.

Tài liệu tham khảo:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tiet-lo-choang-vang-cua-mot-dau-moi-cung-cap-thuc-pham-trong-truong-hoc-post196644.gd{1}

Phan Tuyết