Cấm HS mang, sử dụng đồ ăn trong nhà trường: chưa phải là giáo dục tích cực

04/01/2023 06:35
Nam Bình
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chuyện học sinh mang đồ ăn vào trường học tưởng "nhỏ" nhưng nếu xử lý không khéo léo sẽ hóa thành nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tâm lý của các em. 

Nội quy trường học là một trong những công việc mà ngay từ đầu năm học, các trường phổ thông phải tiến hành soạn thảo và lấy ý kiến từ đội ngũ giáo viên, chủ yếu là giáo viên làm công tác chủ nhiệm.

Đây là một trong những nội dung tốn nhiều thời gian, công sức của giáo viên làm công tác chủ nhiệm và của Đoàn trường (thường là cơ quan thực hiện việc xây dựng nội quy, lấy ý kiến đóng góp theo phân công nhiệm vụ của Ban giám hiệu). Bởi lẽ, mỗi một yêu cầu cụ thể đều liên quan đến điểm trừ, điểm cộng của từng lớp. Mỗi mục trong bảng thi đua lại chia ra nhiều ý nhỏ và các ý này được quy ước bằng điểm số khác nhau.

Giữa các lớp lại có sự khác nhau trong vận dụng thang điểm vì ngay từ đầu năm, nhà trường đã phân chia ra lớp chọn, lớp cơ bản. Vì vậy, để có sự thống nhất cao đòi hỏi phải có thời gian để trao đổi, sửa chữa.

Bảng biểu chấm thi đua cũng là một trong những điều kiện quan trọng để xếp loại thi đua các tập thể lớp. Với giáo viên làm công tác chủ nhiệm, vị trí xếp hạng của lớp chủ nhiệm được phân công ảnh hưởng không nhỏ đến việc xét thi đua, xếp loại viên chức cuối năm.

Hướng dẫn chấm thi đua của một trường trung học phổ thông.

Hướng dẫn chấm thi đua của một trường trung học phổ thông.

Hướng dẫn về nền nếp, tác phong của học sinh, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 15 tháng 9 năm 2020 đã nêu cụ thể:

Điều 37. Các hành vi học sinh không được làm

1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.

2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.

3. Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ.

4. Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

5. Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.

6. Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.

7. Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy rằng, trong 7 nội dung cụ thể quy định cấm học sinh không được làm, không có nội dung nào đề cập đến việc mang, sử dụng đồ ăn, thức uống vào trong khuôn viên trường học, lớp học.

Nếu trước đây, hầu hết học sinh đều ăn sáng tại nhà trước khi đến trường và chỉ mang theo nước lọc để uống thì những năm gần đây, khi kinh tế các gia đình khởi sắc hơn, học sinh được cho tiền ăn sáng bên ngoài và nhu cầu về nước uống cũng rất phong phú với nhiều sự lựa chọn: nước uống có ga, sữa, nước ngọt… Vì vậy, chuyện các em mang đồ ăn, thức uống vào ngay trong phòng học của lớp mình là điều thường thấy.

Việc này làm phát sinh các tình huống không mong muốn, có thể do ý thức, hoặc cũng có thể do bất cẩn, có những em làm rơi vãi thức ăn, đổ nước uống lên bàn, xuống nền của phòng học, ảnh hưởng đến vệ sinh chung của lớp học, ảnh hưởng đến giờ học.

Vì thế, không ít giáo viên đề nghị cấm học sinh ăn uống, mang đồ ăn vào phòng học.

Quy định cấm này đương nhiên cũng nhận được ý kiến trái chiều. Có học sinh, giáo viên cho rằng cấm là biểu hiện của sự cứng nhắc, bởi trong một số trường hợp, gia đình quá bận rộn, di chuyển xa và từ sớm để đi học, các em chưa kịp ăn từ nhà trước khi đến lớp. Cần có biện pháp tuyên truyền, giáo dục học sinh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường học tập, không nên đưa ra quy định cấm, nếu chưa kịp ăn sáng, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe học tập của các em.

Ở một chiều khác, cũng có ý kiến cho rằng cần phải cấm triệt để, xử phạt thật nặng, trừ điểm thi đua thật nhiều để học sinh... sợ, không ăn uống vô tội vạ trong trường nữa.

Thực tế là cũng có nhiều trường đã đưa quy định cấm này, đặt mức điểm trừ rất cao nếu học sinh vi phạm. Có trường còn vận động gắn camera vào mỗi lớp để theo dõi. Với những trường chưa đủ kinh phí gắn camera, Đoàn trường phân công lực lượng cờ đỏ, các đoàn viên là học sinh thuộc Ban chấp hành đoàn trường theo dõi. Những học sinh này được phép sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi để quay phim, chụp hình những học sinh vi phạm. Sau đó, hình ảnh, clip sẽ được báo lại cho bộ phận thi đua để xử lí.

Đương nhiên, học sinh vi phạm sẽ bị phê bình trong giờ sinh hoạt lớp. Có em, vì vi phạm nhiều lần còn nhận được yêu cầu mời phụ huynh lên trao đổi, xem xét hạ một bậc hạnh kiểm.

Đồ ăn có khi để dưới ngăn bàn, nhưng cũng có khi được đặt “lộ liễu” trên bàn…

Đồ ăn có khi để dưới ngăn bàn, nhưng cũng có khi được đặt “lộ liễu” trên bàn…

Cách xử lý như trên, không phải là không gây ra những hậu quả đằng sau đó. Có học sinh cảm thấy khó "cam tâm" khi việc ăn uống của mình bị phát hiện và nhắc nhở. Vì thế, các em khó chịu với những người bạn đã "tố" mình, phát sinh mâu thuẫn, nặng hơn là phát sinh bạo lực học đường trong và ngoài cánh cổng nhà trường.

Vỏ từ đồ ăn bị vứt lẫn lộn vào giỏ rác trong mỗi phòng học

Vỏ từ đồ ăn bị vứt lẫn lộn vào giỏ rác trong mỗi phòng học

Thiết nghĩ, việc cấm học sinh ăn uống rồi dùng hình ảnh ghi lại hoặc phân công học sinh "theo dõi" phát hiện nhau, chỉ là giải pháp ở phần ngọn. Về lâu dài, phương pháp này không có tác dụng tích cực trong việc giáo dục học sinh.

Điều 22, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo có ghi rõ về cách giáo dục, đánh giá học sinh “...coi trọng việc động viên khuyến khích học sinh tiến bộ; chú trọng đánh giá quá trình học tập của học sinh; đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau…”.

Giáo dục học sinh hiện nay đề cao việc rèn luyện học sinh hình thành các năng lực: năng lực nhận thức, năng lực hành vi... để học sinh có thể vận dụng vào thực tế cuộc sống sau khi rời khỏi mái trường trung học phổ thông. Gốc rễ của việc giáo dục không chỉ là cấm đoán mà phải giúp các em có kĩ năng nhận thức những biểu hiện phức tạp trong cuộc sống và có phương pháp xử lí cho phù hợp.

Những hình ảnh về cổ động viên Nhật Bản ở lại dọn rác tại sân vận động quốc tế Khalifa ở Qatar sau trận đấu giữa Nhật Bản và Đức đã cho thấy được hành động đẹp của người dân nước này. Hành động đẹp đó chắc chắn không phải do sự bắt buộc mà xuất phát từ văn hoá nền tảng đã được rèn luyện qua giáo dục, qua nhận thức.

Dẫn ra điều này để cho thấy, giáo dục ý thức của học sinh phải bắt nguồn từ việc giúp các em có ý thức chịu trách nhiệm về việc làm, hành vi của mình chứ không phải là sự cấm đoán. Mọi sự cấm đoán chỉ có tác dụng nhất thời, phục vụ cho một mục đích nhất thời mà không hề giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, những văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua cũng nhấn mạnh việc tăng cường, nâng cao đổi mới phương pháp giáo dục nhằm phát huy năng lực làm chủ của học sinh.

Vì vậy, nên chăng cần thay đổi phương pháp, cách thức để học sinh khi ăn uống trong phòng học vào giờ ra chơi phải có ý thức trong việc bảo vệ môi trường lớp học sạch sẽ, không để lớp học bị vấy bẩn, có khi, chuyện nhỏ mà chỉ vì chữ "cấm" lại hóa chuyện lớn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nam Bình