Cách ra đề thi môn Ngữ Văn như hiện nay đã lỗi thời

07/11/2019 06:28
Vũ Ninh
(GDVN) - Người ra đề thi môn Ngữ Văn thường ngại ra đề mở vì khi chấm sẽ khó. Tuy nhiên cách ra đề kiểu này đã lỗi thời, không bắt kịp xu thế của thời đại.

Đề thi môn Ngữ Văn cần thoáng hơn, đa chiều hơn

Thời gian gần đây môn Ngữ Văn nói riêng và các môn học khác thường lồng ghép những sự kiện thời sự hay còn được gọi là hot trend vào trong đề thi. Điều này liệu có giúp học sinh hứng thú hơn trong việc làm bài?

Liên quan đến cách ra đề thi môn Văn trong các kỳ thi, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô giáo Phạm Thái Lê, trường Marie Curie (thành phố Hà Nội).

Theo cô Lê đánh giá: Cấu trúc đề thi môn Ngữ Văn hiện nay chưa phù hợp với xu thế của thời đại, đề thi cần thoáng hơn, mở hơn và đa chiều hơn.

Môn Ngữ Văn kém hấp dẫn vì học sinh không được nói, viết suy nghĩ thật của mình
Môn Ngữ Văn kém hấp dẫn vì học sinh không được nói, viết suy nghĩ thật của mình

Cô Phạm Thái Lê nói: “Theo tôi nhớ không lầm thì hiện nay cấu trúc của đề thi môn Ngữ Văn Trung học Phổ thông Quốc gia dành 70-80% cho nghị luận văn học, còn lại là nghị luận xã hội. 

Cấu trúc và tỷ lệ như thế này không hợp lý và không bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại.

Nhìn ra các nước xung quanh có nền giáo dục phát triển hoặc các nước láng giềng như Trung Quốc chúng ta thấy đề của họ 100% là đề nghị luận xã hội. Có rất nhiều bài luận của học sinh nước ngoài Âu – Mỹ là nghị luận xã hội.

Thông qua nghị luận xã hội mới có thể đánh giá hết được năng lực viết, năng lực tư duy cũng như khả năng diễn đạt ngôn ngữ của học sinh. 

Điều này phản ánh toàn bộ hiệu quả của việc dạy và học Văn chứ không còn mang tính giáo điều”.

Theo cô Phạm Thái Lê: Cần thay đổi cấu trúc đề thi môn Văn hiện nay theo hướng tăng phần nghị luận xã hội, giảm phần nghị luận văn học:

“Tôi mong muốn nếu không thay đổi được một cách đột ngột thì chúng ta cũng nên từng bước thay đổi để bắt kịp xu hướng thời đại. 

Cấu trúc đề thi môn Văn phải có ít nhất 50% nghị luận xã hội, 20% kiểm tra kiến thức và 30% phần nghị luận văn học.

Riêng phần nghị luận văn học ngữ liệu cũng phải thoát khỏi những cái dập khuôn trong sách giáo khoa. 

Ví dụ khi nói về tác giả Nguyễn Minh Châu chúng ta không nói về Chiếc thuyền ngoài xa mà lấy một tác phẩm khác. Ngữ liệu cần linh hoạt hơn để tránh tình trạng học tủ, học lệch như hiện nay”.

Cô Phạm Thái Lê phân tích vì sao môn Ngữ Văn ngày càng kém hấp dẫn (Ảnh:NVCC)
Cô Phạm Thái Lê phân tích vì sao môn Ngữ Văn ngày càng kém hấp dẫn (Ảnh:NVCC)

Cũng theo cô Phạm Thái Lê cấu trúc đề thi như vậy giáo viên cũng sẽ dạy thoáng hơn và học sinh cũng rèn luyện được khả năng tư duy diễn đạt. Bên cạnh đó cô Lê cũng chỉ ra rằng: Cách ra đề văn như hiện nay là lỗi thời.

Cô Lê nói: “Khoảng độ 5-7 năm trở lại đây mới thêm phần nghị luận xã hội một cách khiêm tốn vào trong đề thi. Tôi nghĩ chắc người ra đề quan niệm rằng: Môn Văn là một môn liên quan đến tác phẩm văn học.

Người ta đánh giá một kỳ thi là kiểm tra những cái gì mà học sinh đã học. Cách ra đề như vậy là lỗi thời bởi năng lực văn chương không thể chỉ đánh giá qua một tác phẩm văn học mà cần phải mở rộng ra hơn phù hợp với điều kiện thực tiễn và sự phát triển của thời đại”.

Theo cô Phạm Thái Lê học sinh cũng cảm thấy hứng thú hơn với các đề thi mở, đề nghị luận xã hội: “Trước các kỳ thi học sinh giỏi hay thi Quốc gia trong các nhóm đội tuyển của tôi các bạn chỉ lo lắng về phần nghị luận văn học. 

Bởi không biết phần nghị luận văn học sẽ rơi vào tác phẩm nào. Riêng phần nghị luận xã hội thì các bạn lại không lo lắng và cũng không phải chuẩn bị gì nhiều.

Phần nghị luận xã hội thể hiện năng lực văn chương của mỗi cá nhân, các bạn sẽ diễn đạt những gì mình nghĩ  bằng năng lực ngôn ngữ.

Do vậy học sinh cũng hứng thú và chủ động hơn trong việc ôn thi phần nghị luận xã hội. Đó cũng là cách tiếp cận với một nền giáo dục tiến bộ”. 

Đề thi môn Ngữ Văn càng thông thoáng, càng mở học sinh càng hứng thú (Ảnh minh họa:Báo Nhân Dân)
Đề thi môn Ngữ Văn càng thông thoáng, càng mở học sinh càng hứng thú (Ảnh minh họa:Báo Nhân Dân)

Trong một vài năm gần đây, đang có xu hướng lồng ghép các sự kiện thời sự vào đề thi môn Văn. 

Đánh giá về cách ra đề này cô Lê cho biết: Bản thân tôi ủng hộ cách lồng ghép các sự kiện thời sự vào trong đề văn nhưng cần chú ý chọn lọc ngữ liệu đưa vào.

Cô Lê phân tích: “Tôi ủng hộ việc đưa các ngữ liệu đời sống và các sự kiện xã hội vào trong đề văn. Cách ra đề như thế này sẽ khiến người làm bài cảm thấy hứng thú hơn.

Bởi đối tượng ở đây là học sinh, các bạn trẻ cho nên các em sẽ dễ dàng tiếp nhận những vấn đề liên quan, gần gũi đến mình chứ không phải là những vấn đề cao siêu, xa vời.

Tuy nhiên việc chọn lọc ngữ liệu đưa vào đề Văn cũng cần thận trọng tránh tình trạng quá đà. Mình dùng ngôn ngữ thường ngày gọi là đú theo trend”.

Trong quan niệm của cô Lê: Đề Văn hay là để học sinh được nói tiếng nói của mình:

“Thời gian trước đây xã hội lên án đề thi của Hải Phòng hoặc đề học sinh giỏi nhưng tôi thấy các đề ấy khá là hay. 

Học sinh phải được quyền nói lên tiếng nói của mình, các bạn có quyền được nói mặt trái, mặt xấu của một vấn đề chứ không nhất nhất là phải tốt, phải lý tưởng.

Do vậy phải có nhiều đáp án, nhiều hướng đánh giá để chấm chứ không chỉ theo một cách đánh giá đơn thuần được. 

Người ta ngại ra đề mở vì đề mở thường khó chấm nhưng đề thi phải có tính nhân văn, có chiều sâu để học sinh bộc lộ tư duy.

Có những đề Văn người học sinh nhớ mãi. Chẳng hạn nhà văn Thạch Quý thầy vẫn nhớ đề Văn từ hồi đi học mà thầy năm nay 70 tuổi rồi. 

Đề thi ấy gây ấn tượng mạnh bởi nó bàn được 2 mặt của vấn đề, cho cái nhìn đa chiều.

Những đề thi hay cần phải có tính khái quát cao, đưa được vấn đề có tính nhân văn lâu dài. 

Những đề thi đó vừa có tính thời sự lại mang giá trị, hơi thở của thời đại, không bị lỗi thời”.

Thay đổi cấu trúc đề Văn mới thay đổi được phương pháp dạy học (Ảnh minh họa: Báo Bình Định)
Thay đổi cấu trúc đề Văn mới thay đổi được phương pháp dạy học (Ảnh minh họa: Báo Bình Định)

Theo cô Lê: Cách ra đề chứng minh nhân định, câu nói của nhà phê bình bằng một tác phẩm văn học là lỗi thời.

“Mẫu ra đề đưa nhận định của nhà phê bình nào đấy và chứng minh bằng một tác phẩm là cách ra đề theo lối tư duy cũ. 

Bởi vì một câu nói của cá nhân, nhân vật nó chỉ là một góc hẹp không thể áp đặt cho người khác, tác phẩm khác. Cách ra đề như này vừa lỗi thời, vừa áp đặt, chủ quan”.

Cuối cùng theo cô Lê, cấu trúc đề thi sẽ ảnh hưởng đến phương pháp dạy và cách học của học sinh:

“Xu hướng ra đề của những nền giáo dục hiện đại hoặc bài luận tiếng Anh hiện nay đều hướng đến tính mở hơn, thoáng hơn và đòi hỏi sự tư duy độc lập và không bị áp đặt cách nghĩ của người lớn vào trong đấy. 

Muốn môn Văn trở nên hấp dẫn hơn, phương pháp dạy hay hơn, học sinh hứng thú hơn thì trước tiên phải thay đổi cấu trúc và cách ra đề thi”.

Văn học không phải là thứ đẹp đẽ để trưng bày mà cần đi vào cuộc sống

Nói về môn Ngữ Văn, theo cô Lê quan niệm đánh giá: Môn Ngữ Văn là một môn không đòi hỏi sự tư duy là một quan niệm sai lầm.

Cô Lê bày tỏ: “Đã đến lúc mọi người cần thay đổi quan niệm và cách đánh giá về môn Ngữ Văn. Môn Văn không chỉ đòi hỏi năng lực cảm thụ mà còn đòi hỏi cả tư duy.

Nhiều bạn theo học khối C nhưng có tư duy rất tốt ngược lại cũng có những bạn học tự nhiên có năng lực văn chương các bạn diễn đạt rất hay.

Thủ tướng: Dạy chữ đã quan trọng, dạy người càng quan trọng hơn
Thủ tướng: Dạy chữ đã quan trọng, dạy người càng quan trọng hơn

Học Văn hiện nay không phải là cách học thuần túy theo kiểu văn chương trước đây đề cao lối viết ủy mị, sến súa dùng nhiều mỹ từ.

Học Văn hiện nay là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội, cách viết, ngôn từ, cách diễn đạt cần giản dị nhưng sâu sắc hơn, lập luận có tính tư duy hơn”.

Trong con mắt của cô giáo Lê: Văn học không chỉ gói gọn trong các tác phẩm, trong trường học mà còn phải đi vào thực tiễn cuộc sống:

“Trong một tình huống ngoài đời nếu các bạn dùng năng lực văn chương, ngôn ngữ, lập luận để bảo vệ điều đúng đắn, bảo vệ lẽ phải thì đó là giá trị của văn học.

Văn học bây giờ không còn là thứ đẹp đẽ được trưng bày trong tủ kính nữa mà văn học cần đi vào cuộc sống.

Con người dùng văn học để diễn đạt những điều mình nghĩ, tạo lập những văn bản phục vụ công việc của mình, dùng văn học để lập luận, tư duy khúc chiết các vấn đề của cuộc sống.

Đối với những ai có năng lực thẩm thấu văn chương thì đó là năng khiếu. Mình chỉ nên đào tạo những gì đào tạo được.

Cho nên môn văn trong nhà trường cần phải đi vào tư duy văn học, đó cũng là xu thế. Những giáo dục của mình chưa bắt kịp được”.

Xây dựng bầu khí quyển của thời đại, tác phẩm trước khi giảng dạy để môn học này hấp dẫn hơn (Ảnh:Khánh Văn)
Xây dựng bầu khí quyển của thời đại, tác phẩm trước khi giảng dạy để môn học này hấp dẫn hơn (Ảnh:Khánh Văn)

Theo đánh giá của cô Lê: Môn Văn rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi người: “Môn Văn rất quan trọng, những người thành công trong cuộc sống họ đánh giá rất cao môn Văn.

Nhiều người nói giá như trước đây chăm chỉ học Văn hơn thì học còn thành công hơn nữa.

Môn Văn dạy học sinh 3 kỹ năng rất quan trọng: nói, viết, đọc cảm. Những kỹ năng này phục vụ công việc, cuộc sống sau này. 

Việc bạn trình bày một văn bản, một bài phát biểu như thế nào cũng thể hiện được tư duy của người học Văn”.

Cô Lê cũng cho rằng: Để dạy môn Ngữ Văn tốt trong trường học cần phải linh hoạt trong các giảng dạy cũng như tạo được một bầu khí quyển mang hơi thở của tác phẩm trước khi dạy để học sinh cảm nhận và tư duy được.

Vũ Ninh