Bức tranh giáo dục mầm non năm học 2023 - 2024 qua những con số

23/08/2024 08:10
Minh Quân
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trong năm học 2023 - 2024, tỷ lệ huy động trẻ đến trường của bậc giáo dục mầm non đạt 72,6%.

Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học này, giáo dục mầm non đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như mở rộng hệ thống trường lớp, tăng số lượng và tỷ lệ huy động trẻ đến trường, chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được duy trì,...

Tuy nhiên, một số tồn tại trong việc tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục mầm non; thiếu giáo viên; tỷ lệ kiên cố hóa phòng học tại một số địa phương còn thấp;... tiếp tục là những thách thức mà cấp học này cần nỗ lực giải quyết trong thời gian tới.

100% đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023 - 2024, cả nước có 15.256 cơ sở giáo dục mầm non (trong đó có 12.072 trường công lập và 3.184 trường ngoài công lập), với 18.115 điểm trường lẻ và hơn 17.000 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục, dân lập.

So với năm học trước, số điểm trường lẻ đã giảm gần 1.300 điểm. Các tỉnh, thành phố có số điểm trường lẻ giảm nhiều nhất gồm: Đồng Nai, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Hậu Giang, Đắk Nông, Hà Nội,...

Các địa phương đã quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả công tác huy động trẻ đến trường. Do vậy, số lượng và tỷ lệ huy động trẻ em đến trường tăng dần hằng năm.

Đến nay, tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 72,6% (tăng 2,2% so với năm học trước). Cụ thể, tỷ lệ trẻ nhà trẻ đạt 34,6% (tăng 2,5% so với năm học trước); tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 93,6% (tăng 0,5% so với năm học trước).

So với mục tiêu về phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025, hiện đã có 27/63 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu về huy động trẻ nhà trẻ và 35/63 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu về huy động trẻ mẫu giáo; trong đó có 25/63 tỉnh, thành phố đạt cả 02 mục tiêu trên.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ rất thấp so với mức trung bình của cả nước như Cà Mau (5,4%); An Giang (8,1%), Trà Vinh (10,9%),...

Made with Flourish

Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi tiếp tục được các địa phương quan tâm với nhiều giải pháp tích cực để củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Đến nay, cả nước có 100% đơn vị cấp tỉnh; 99,9% đơn vị cấp huyện và 99,95% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và trình Chính phủ báo cáo kết quả nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi nhằm cung cấp cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học và kinh nghiệm quốc tế cho việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và đề xuất một số nội dung của dự thảo Nghị quyết để xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời, gửi xin ý kiến góp ý các bộ, ngành, địa phương đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Một số địa phương hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng để xây trường mầm non

Căn cứ các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã triển khai thực hiện hiệu quả công tác nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em theo quy định của chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Theo đó, chất lượng bữa ăn tại trường/lớp được quản lý chặt chẽ đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm; triển khai mô hình bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp hoạt động vận động thể lực trong cơ sở giáo dục; có giải pháp hỗ trợ nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ em ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; phối hợp với gia đình xây dựng chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý đối với trẻ để phòng chống suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì, dự phòng các bệnh không lây nhiễm; huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng phục vụ việc tổ chức bữa ăn bán trú và các công trình vệ sinh nước sạch.

Đến nay, cả nước có 100% trẻ nhà trẻ và 99,4% trẻ mẫu giáo được học 02 buổi/ngày; 100% trẻ nhà trẻ và 95% trẻ mẫu giáo được tổ chức ăn bán trú. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi; tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở nhóm trẻ nhà trẻ và mẫu giáo đều giảm.

Made with Flourish

Về việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non, tính đến cuối năm học 2023 - 2024, cả nước có 15.129 cơ sở giáo dục mầm non và 14.274 cơ sở nhóm trẻ, nhóm mẫu giáo độc lập đạt tiêu chuẩn trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025”, Chuyên đề “Đẩy mạnh phòng chống bạo hành trẻ em”, Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025, Chương trình “Tôi yêu Việt Nam”,...

Bộ cũng đã tổ chức sơ kết thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025 và công tác huy động trẻ mẫu giáo, nâng chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; khảo sát việc chuẩn bị cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1, đáp ứng yêu cầu liên thông chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng việc chuẩn bị cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1 đáp ứng yêu cầu liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các cơ sở giáo dục mầm non; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về công tác đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, trang bị kiến thức về phòng cháy và chữa cháy;…

2-9475.jpg
Sắp tới sẽ có Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. (Ảnh: Lã Tiến)

Trên cơ sở đó, các địa phương đã tích cực triển khai hiệu quả các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó, tập trung xây dựng môi trường xanh - an toàn - thân thiện và đổi mới phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ thông qua các phong trào thi đua như: Phong trào tất cả các cơ sở giáo dục mầm non xây dựng môi trường giáo dục hướng đến “trường học xanh”, hội thi “Tìm hiểu về dinh dưỡng và sức khỏe cho trẻ em mẫu giáo”, “Xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm trong các cơ sở giáo dục mầm non”; …

Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng các dự án chất lượng cao thuộc lĩnh vực giáo dục được ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chấp thuận đầu tư tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; đẩy mạnh chính sách khuyến khích xã hội hoá giáo dục để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập như: hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng trong ranh giới thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt, hỗ trợ tín dụng, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng để xây dựng trường mầm non, miễn thuế thuê đất trong suốt thời gian thực hiện dự án, tạo môi trường thông thoáng để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non.

Các địa phương này bao gồm Bắc Giang, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,...

Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất đáp ứng nhu cầu của công nhân, người lao động được quan tâm, một số địa phương đã đầu tư xây dựng các trường mầm non công lập trên địa bàn khu công nghiệp; một số doanh nghiệp đã xây dựng trường mầm non hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận, gắn với khu nhà ở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ con công nhân lao động...

Gần 18% số phòng học trên cả nước chưa được kiên cố hóa

Bên cạnh những kết quả đã được trong năm học 2023 - 2024, giáo dục mầm non của cả nước vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Cụ thể, công tác quy hoạch, đầu tư tại nhiều địa phương chưa theo kịp nhu cầu phát triển và nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân; tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường ở một số địa phương như Cà Mau, An Giang, Trà Vinh còn thấp; còn có sự chênh lệch về cơ hội tiếp cận giáo dục và điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non giữa các địa phương và giữa các đối tượng.

Việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non còn bất cập, một số cơ sở giáo dục mầm non có quy mô quá lớn, các điểm trường ở cách xa nhau gây khó khăn cho công tác quản lí; việc dồn lớp, sáp nhập hoặc xoá các điểm trường, sáp nhập điểm trường vào trường chính làm tăng tỉ lệ trẻ em/nhóm, lớp, tăng số lượng trẻ em tại điểm trường chính trong khi thiếu nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục; tại một số địa bàn dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi đến trường của trẻ. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non trước sáp nhập đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, sau khi sáp nhập không còn đạt chuẩn.

Made with Flourish

Việc đảm bảo các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường lớp để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ phòng học kiên cố chung cả nước đạt 82,2%; một số tỉnh/thành phố có tỷ lệ kiên cố hóa đạt 100%, tuy nhiên vẫn còn các địa phương có tỷ lệ kiên cố hóa dưới 40%.

Tỷ lệ giáo viên/lớp cả nước đạt 1,86; tuy nhiên, một số tỉnh đã có tỷ lệ đạt trên 2,0 nhưng vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ chưa đạt 1,5 giáo viên/lớp.

Minh Quân