Chủ trương xây dựng “Trường học hạnh phúc” luôn là nỗi trăn trở của mỗi nhà giáo. Đây cũng chính là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục đang đặt ra trong những năm gần đây, đòi hỏi từ lãnh đạo, giáo viên, học sinh và phụ huynh đều phải phấn đấu thực hiện.
Mặc dù được phần lớn các trường ủng hộ và có những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây, việc xây dựng trường học hạnh phúc vẫn chưa được một bộ phận nhà giáo hiểu đúng. Chính vì thế, nhiều thầy cô gặp khó khăn trong việc áp dụng, triển khai.
Liệu thực hiện chủ trương “Trường học hạnh phúc” có làm mất đi quyền của các giáo viên, khiến bục giảng trở thành “ghế nóng”, “bàn chông” như một số người từng đề cập?
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục để có thêm góc nhìn khách quan về vấn đề này.
Thưa ông, xây dựng trường học hạnh phúc là một chủ trương quan trọng, được dư luận quan tâm. Chủ thể trung tâm của trường học hạnh phúc là học sinh. Liệu như vậy có công bằng với các thầy, cô giáo hay không?
Tiến sĩ Hoàng Trung Học: Chủ trương xây dựng trường học hạnh phúc xuất hiện từ năm 2017, khi chúng ta mong muốn xây dựng một môi trường học tập, phát triển tích cực, nhân văn cho những đứa trẻ, trên cơ sở mối quan hệ tích cực giữa thầy và trò. Tuy nhiên, hiểu trường học hạnh phúc là chỉ hướng tới học sinh là không đúng.
Để xây dựng trường học hạnh phúc, chúng ta phải thúc đẩy cảm giác tích cực của cả ba thành tố: thầy cô, học sinh và các thành viên trong nhà trường.
Thường người ta nghĩ trường học hạnh phúc là học sinh hạnh phúc nhưng không phải như vậy! Muốn học sinh hạnh phúc, có trường học hạnh phúc thì trước tiên, nhà giáo phải có được cảm giác hạnh phúc và thái độ tích cực với nghề.
Người ta thường nói: “Thầy/cô hạnh phúc thay đổi cả thế giới”. Điều này đúng! Trường học hạnh phúc trước hết phải bắt đầu từ hạnh phúc của người thầy. Thầy/cô hạnh phúc thì học trò mới hạnh phúc, phụ huynh mới thỏa mãn và lúc đó mới có trường học hạnh phúc.
Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục. Ảnh: Cao Kim Anh. |
Theo ông, quy định mới về kỷ luật học đường có thể áp dụng đối với tất cả học sinh được không, nhất là đối với những học sinh cá biệt?
Tiến sĩ Hoàng Trung Học: Cần khẳng định, Thông tư 32 ra đời không triệt tiêu kỷ luật học đường. Như tôi đã nhấn mạnh nhiều lần, tất cả các nhà trường đều cần phải có kỷ luật. Nếu không có kỷ luật thì nhà trường còn đâu tính nghiêm minh! Không còn kỷ cương, nhà trường lấy gì để giáo dục con người? Tuy nhiên, kỷ luật như thế nào lại là vấn đề khác.
Theo cách làm cũ, kỷ luật thường nặng về trừng phạt. Kỷ luật học đường theo tiếp cận này không quan tâm nhiều đến cảm xúc và phẩm cách của học trò, đặc biệt là cách thức hỗ trợ các em tiến bộ. Do đó, tính nhân bản, giáo hóa còn hạn chế. Kỷ luật theo thông tư 32 là hình thức kỷ luật đề cao tính nhân văn, nhấn mạnh đến kế hoạch hỗ trợ học sinh tiến bộ.
Kỷ luật hướng tới mục tiêu giúp đứa trẻ hiểu mà thay đổi, nhà giáo tập trung giúp đỡ trẻ tiến bộ chứ không tập trung vào việc trừng phạt, hạ thấp nhân phẩm học trò.
Thông tư ra đời thì sẽ áp dụng với tất cả các học trò, không có tiêu chuẩn kép. Dù là học trò ngoan hay chưa ngoan thì nguyên lý kỷ luật chỉ có 1: giúp các em hiểu mà thay đổi, được giúp đỡ để thay đổi trên cơ sở học sinh vẫn phải chịu trách nhiệm cho những lỗi lầm và hành vi lệch chuẩn của mình.
Trường học hạnh phúc không có nghĩa là thầy cô không được thể hiện cảm xúc tiêu cực, lúc nào cũng phải động viên, khích lệ hoc trò. Động viên, khích lệ học trò là tốt, là đúng, nhưng trước những vấn đề sai trái thì phải nghiêm khắc thể hiện thái độ không đồng tình và xử lý theo quy định.
Thầy/cô hoàn toàn có thể thể hiện những cảm xúc âm tính, nghiêm khắc của mình một cách quyết liệt trong giáo dục. Thậm chí, khi học trò gặp những lỗi lầm nghiêm trọng, thầy/cô cần thể hiện thái độ giận dữ gay gắt.
Tuy nhiên, sự giận dữ ở đây không đồng nhất với việc sỉ nhục học trò. Sự giận dữ đúng lúc là cần thiết vì đó là một phương tiện giáo dục.
Ranh giới giữa việc thể hiện cảm xúc của mình với việc chúng ta phê bình, chì chiết, xúc phạm nhân phẩm của học trò rất mong manh. Các nhà giáo phải có đủ nhạy cảm, tình yêu thương, trách nhiệm với học trò mới phân biệt rõ ràng được.
Các thầy, cô được giao rất nhiều loại chỉ tiêu, vất vả với rất nhiều công việc và nay theo định hướng “trường học hạnh phúc”, kỷ luật lại cũng phải “tích cực”. Liệu điều này có mâu thuẫn và gây áp lực thêm cho các thầy, cô?
Tiến sĩ Hoàng Trung Học: Những vấn đề này không hề mâu thuẫn mà chính là một hệ thống, có logic chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau.
Thành tích học tập, phương pháp kỷ luật tích cực, xây dựng trường học hạnh phúc, chính là những vấn đề phản ánh mục tiêu, phương pháp giáo dục và cách thức thực hiện, vận hành nhà trường hướng tới những giá trị nhân văn.
Thông tư 32 ra đời cung cấp hướng dẫn kỷ luật tích cực với các hành vi vi phạm trong nhà trường, giúp kỷ luật trở thành một phương tiện, phương pháp giáo dục con người theo hướng nhân văn, hướng tới trường học hạnh phúc.
Trường học hạnh phúc khi được xây dựng thì mối quan hệ thầy - trò sẽ trở nên tích cực. Mối quan hệ này tích cực, cả thầy, trò đều chủ động, sáng tạo trong việc dạy, học. Nhờ vậy, thành tích học tập mới cao, các chỉ tiêu được giao sẽ được hoàn thành.
Đó là mối quan hệ logic giữa phương pháp giáo dục, cách thức giáo dục xử lý hành vi lệch chuẩn một cách nhân văn. Trong nhà trường, ba thành tố này cần được triển khai đồng bộ thì kết quả giáo dục sẽ tích cực.
Để trường học mà cả thầy cô và học trò cùng hạnh phúc, theo ông cần có những biện pháp nào?
Tiến sĩ Hoàng Trung Học: Biện pháp thì nhiều nhưng để có được trường học hạnh phúc, cần đặc biệt chú ý đến những vấn đề sau:
Thứ nhất, muốn thầy, trò hạnh phúc thì trước hết nhà trường, phụ huynh, dư luận phải quan tâm, bảo vệ người thầy, giải phóng người thầy, thể hiện sự tôn trọng cao nhất đối với người thầy để các nhà giáo cảm thấy vinh dự, tự tại, trong công việc và mỗi ngày đến trường.
Nếu như một người thầy không yêu nghề, luôn lo sợ phụ huynh kiện tụng, báo chí moi móc, bị áp đặt, từ đó chỉ làm cho xong thì không bao giờ có trường học hạnh phúc.
Thứ hai, học trò bên cạnh được tuyên truyền, giáo dục quyền lợi được bảo vệ thì cũng cần được dạy về các nghĩa vụ, trách nhiệm của học sinh trong mỗi ngày đến trường.
Thứ ba, phải huy động toàn bộ sự nỗ lực của phụ huynh, của các lực lượng xã hội cùng đồng lòng, nhất tâm cùng nhà trường xây dựng trường học hạnh phúc và củng cố kỷ cương học đường. Phụ huynh, các lực lượng xã hội cần hỗ trợ tâm lực, vật lực, tài lực, thời gian cùng thầy cô, nhà trường xây dựng trường học hạnh phúc.
Thứ tư, các thầy cô phải được tập huấn về phương pháp giảng dạy, kỹ năng quản lý lớp học, tập huấn về kỷ luật tích cực, tập huấn thiết lập, duy trì mối quan hệ xã hội trong công tác giáo dục học sinh.
Những biện pháp này cần được thực hiện cùng với những chính sách vĩ mô nhằm nâng cao đời sống của nhà giáo và sự ủng hộ mạnh mẽ của truyền thông. Chỉ khi đó, mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc mới trở thành hiện thực, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao.
Trân trọng cảm ơn thầy!