LTS: Tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn sáng 17/11, Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) tiếp tục nêu quan điểm về “văn hóa từ chức" (câu hỏi mà ông đã từng chất vấn người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ trước) khi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Một số quan điểm cho rằng, để tạo tiền lệ hình thành “văn hóa từ chức” không phải là chuyện một sớm một chiều có thể làm được.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 20/11, dưới góc nhìn của một nhà phân tích, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa sẽ cho độc giả góc nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.
PV: Theo ông, vì sao "văn hóa từ chức” trong đời sống chính trị nước ta lại khó trở thành phong trào đến vậy?
Ông Lê Văn Cuông: Xây dựng “văn hóa từ chức” ở Việt Nam là vô cùng khó khăn, bởi lẽ, thực trạng chạy chức, chạy quyền ở nước ta hiện nay đang diễn ra rất phổ biến.
"Phong trào" chạy chức, chạy quyền đã lan rộng, có khi đến chức trưởng thôn cũng phải... chạy ấy chứ!
Trên thực tế, khi người ta có chức vị cao thì bổng lộc càng lớn. Do đó, khi vật chất do chức tước mang lại càng lớn thì người ta càng khó từ bỏ vị trí, chức vụ.
Điều này sẽ dẫn tới việc, một số cán bộ không gương mẫu và có biểu hiện tham quyền, cố vị.
Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa (ảnh đăng trên Báo điện tử VTC). |
Mặt khác, chức tước còn gắn liền với danh dự, danh tiếng của bản thân con người, của dòng tộc, quê hương.
Rồi khi người ta có chức vị, thì một người làm quan thì cả họ sẽ được nhờ. Do đó, chả ai dại gì từ bỏ danh, lợi cho chức vị mang lại.
Nhìn rộng ra, cái "văn hóa từ chức" ở Việt Nam khác rất nhiều nước trên thế giới.
Đã có rất nhiều nguyên thủ thế giới từ chức vì những sự
Cựu sinh viên bị cán bộ thuế lừa phỉnh, nguy cơ mất 300 triệu đồng để chạy việc |
việc đáng tiếc xảy trong phạm vi, trách nhiệm quản lý của họ.
Họ từ chức vì họ có lòng tự trọng rất cao và cũng do áp lực của dư luận...
Mặt khác, đối với quan chức nước ngoài, họ xem việc từ chức rất nhẹ nhàng, bởi lẽ tham nhũng và quyền lợi của cán bộ khi giữ chức vụ không lớn.
Ví dụ, Tổng thống Mỹ nhận lương một năm chỉ 400.000 USD. Ngoài ra tất cả các khoản thu khác (nếu có) đều phải công khai, bị kiểm soát.
Ở Việt Nam thì có khi lại hoàn toàn khác. Ngoài lương, thì người ta hay nói tới "bổng lộc"-dù không ai chỉ ra được đó là gì- PV- người ta nhận được còn lớn hơn nhiều. Có cán bộ lại muốn kéo dài tuổi hưu bằng cách, sửa chữa hồ sơ, “chạy” cả tuổi để bám ghế, hưởng lộc.
Mặt khác, ở nước ngoài, sau khi từ chức, người ta rất dễ xin việc khác để làm, nhưng Việt Nam thì có vẻ không dễ dàng như vậy.
Có ý kiến cho rằng, trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước có sự chồng chéo chức năng, dẫn tới việc làm rõ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa được đầy đủ. Việc tồn tại "cơ chế chịu trách nhiệm tập thể” có ảnh hưởng lớn tới việc từ chức của cán bộ. Quan điểm của ông ra sao?
Ông Lê Văn Cuông: Việc này có lỗi từ khi xây dựng luật, nghị định...
Có thể thấy rất rõ, hiện nay, nhiều vấn đề liên quan tới luật về quản lý Nhà nước còn rất chung chung.
Nhiều khi trách nhiệm xử lý vụ việc phát sinh tại địa phương, đáng ra thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cấp chính quyền sở tại, nhưng vì một số lý do nào đó, Chính phủ lại phải "ra tay" chỉ đạo, xử lý.
Trên lý thuyết người ta vẫn thường nói xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm.
Nhưng thực tế, chế độ làm việc tập thể, phân công phân nhiệm, trách nhiệm quản lý từng lĩnh vực không rõ ràng, dẫn tới việc khi có tội thì cùng chịu. Lỗi này có tính hệ thống.
Do đó, có rất nhiều người không hoàn thành nhiệm vụ hoặc để ra những sai phạm lớn, vẫn rất khó xử lý trách nhiệm.
Hay nói cách khác, khi đề cập tới trách nhiệm, vẫn còn mang tính chung chung, hoặc được ẩn nấp dưới “cái ô” của tập thể.
Theo ông, làm thế nào để "văn hóa từ chức" trở thành tiền lệ, phong trào trong đời sống chính trị nước ta?
Ông Lê Văn Cuông: Ở Việt Nam, để cán bộ có liên quan tới vi phạm, tự nguyện từ chức là rất khó.
Do đó, để tạo tiền đề cho "văn hóa từ chức", trước hết phải áp dụng các chế tài có liên quan tới việc xử lý trách nhiệm cán bộ.
Để làm được điều này cần phải quy định rõ ràng, chi tiết hơn về vị trí, việc làm, trách nhiệm của cán bộ trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Khi để xảy ra sự cố, phải áp dụng chế tài, "soi" vào vị trí, trách nhiệm của người ta đang đảm nhiệm để quy trách nhiệm.
Chế tài đó còn để buộc người ta phải rời bỏ vị trí (từ chức) nếu không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc có liên quan tới vi phạm (tùy theo mức độ).