Những năm gần đây, việc nở rộ các phương thức xét tuyển sớm gây tác động tiêu cực đến quá trình học tập và ôn luyện của học sinh trung học phổ thông ở giai đoạn cuối lớp 12. Trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến siết chỉ tiêu xét tuyển sớm còn 20%. Thậm chí, nhiều chuyên gia giáo dục đề xuất bỏ hẳn hình thức xét tuyển này thu hút sự quan tâm của dư luận.
Giảm sự phân tán trong việc học tập của học sinh và tạo sự công bằng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) nhận định: “Mỗi hình thức xét tuyển đều có tính ưu điểm và nhược điểm riêng. Xét tuyển sớm giúp giảm áp lực cho học sinh, tuy nhiên, khi đã đỗ bằng các phương thức xét tuyển sớm như xét tuyển học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, chứng chỉ IELTS, giải thưởng quốc tế..., một số em học sinh không tiếp tục cố gắng trong học tập. Đối với Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý, những năm gần đây các em học sinh ít sử dụng hình thức này để xét tuyển vào đại học, vì vậy, tôi ủng hộ việc bỏ xét tuyển sớm”.
Thầy Bình nêu quan điểm, việc bỏ xét tuyển sớm giúp các em học sinh tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, việc này giúp nâng cao chất lượng của kỳ thi. Các em học sinh sẽ không bị phân tâm bởi các kỳ thi khác, từ đó kết quả thi sẽ được cải thiện và chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng được nâng cao hơn.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý còn cho rằng, việc bỏ hình thức xét tuyển sớm giúp tạo sự công bằng cho các em học sinh, nhất là học sinh ở các tỉnh miền núi, các vùng khó khăn đang bị thiệt thòi hơn vì ít có điều kiện tiếp cận với nhiều loại hình ôn tập khác nhau để tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực hay thi chứng chỉ ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình nhận định, thời gian qua, chỉ tiêu xét tuyển sớm trong nhiều trường đại học đang chiếm tỷ lệ khá cao. Việc bỏ xét tuyển sớm và chỉ sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ giúp phân hóa học sinh một cách rõ rệt hơn, phần nào giúp nâng cao chất lượng đầu vào cho các trường đại học, cao đẳng.
Đồng tình với quan điểm này, Thạc sĩ Đỗ Thị Thúy Vinh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bạch Đằng (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) cho rằng, mặc dù việc xét tuyển sớm có thể mang lại lợi ích về tâm lý cho học sinh, giúp các em yên tâm và giảm bớt lo lắng khi biết kết quả đỗ đại học từ sớm, nhưng mặt trái của hình thức này là một số học sinh sau khi đã đỗ xét tuyển sớm dễ mất động lực học tập, dẫn đến việc không chú trọng vào việc ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc bỏ hình thức xét tuyển sớm sẽ giúp hạn chế tình trạng này.
Cô Vinh cũng cho hay, việc bỏ hẳn hình thức xét tuyển sớm đồng thời giúp giảm áp lực cho học sinh, khi các em không còn phải tập trung vào các kỳ thi khác ngoài kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nhiều ý kiến cho rằng việc bỏ xét tuyển sớm có thể giúp nhà trường tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy và chuẩn bị tốt hơn cho học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Theo cô Đỗ Thị Thúy Vinh, những em học sinh trúng tuyển bằng hình thức xét tuyển sớm thường là những em có kết quả học tập tốt, vậy nên các em khó có thể trượt tốt nghiệp. Tuy nhiên việc các em không quá chú trọng ôn tập cho kỳ thi này khiến kết quả không cao, điều này vô tình làm ảnh hưởng tới mặt bằng điểm chung của nhà trường.
Vì vậy, cô Vinh cho rằng nếu bỏ xét tuyển sớm, nhà trường sẽ dễ dàng hơn trong việc tập trung vào mục tiêu giáo dục chính, đó là chuẩn bị tốt cho học sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bạch Đằng nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cân nhắc kỹ lưỡng và tìm ra giải pháp hợp lý để vừa đảm bảo giảm thiểu tác động tiêu cực của hình thức xét tuyển sớm vừa tạo sự công bằng trong công tác tuyển sinh.
Bàn về việc giảm hoặc loại bỏ hình thức xét tuyển sớm, thầy Nguyễn Hữu Thanh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thuận Thành 1, Bắc Ninh chia sẻ: Việc triển khai xét tuyển sớm trong những năm qua đã có nhiều tác động đến việc tổ chức giảng dạy cũng như ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở các nhà trường. Khi có quá nhiều phương thức xét tuyển sớm học sinh có thể có tâm lý lo sợ hết chỉ tiêu tuyển sinh hay dành nhiều thời gian cho việc ôn thi lấy chứng chỉ quốc tế, tham gia nhiều đợt thi đánh giá năng lực mà bỏ qua việc ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Bên cạnh đó, thầy Nguyễn Hữu Thanh còn cho rằng, hiện đang có quá nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, Bộ nên thống nhất sử dụng một vài phương thức tuyển sinh để học sinh không bị hoang mang giữa quá nhiều phương thức khác nhau và đảm bảo đạt được kết quả tốt nhất. Đồng thời, các nhà trường cũng thuận lợi hơn trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và ôn thi cho các em.
Bỏ hình thức xét tuyển sớm không làm ảnh hưởng đến kế hoạch của trường phổ thông
Trong thời gian tới, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ hình thức xét tuyển sớm, thầy Nguyễn Hữu Thanh cho biết, nhà trường sẽ tập trung xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp, cũng như xây dựng các tổ hợp môn học phù hợp với công tác tuyển sinh của các trường đại học. Đồng thời, nhà trường sẽ phối hợp với cha mẹ học sinh để nâng cao hiệu quả tư vấn, hướng nghiệp cho các em. Điều này không chỉ giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng mà còn giúp các em tự tin lựa chọn con đường phù hợp với năng lực và sở thích cá nhân.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thuận Thành 1 còn cho hay, nhà trường sẽ nâng cao chất lượng dạy học trên lớp, tăng cường tổ chức khảo sát, thi thử để học sinh có thể có kỹ năng tốt khi làm bài theo cấu trúc đề thi mới. Điều này tạo thuận lợi cho học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp thích ứng với nhiều phương thức tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng. Việc tăng cường các bài thi thử cũng giúp học sinh làm quen với áp lực và phương thức thi mới, từ đó cải thiện kỹ năng làm bài và cách quản lý thời gian hợp lý trong kỳ thi thực tế.
Trong khi đó, cô Đỗ Thị Thúy Vinh cho rằng, việc bỏ hẳn hình thức xét tuyển sớm sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới hoạt động dạy và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của nhà trường, bởi nhà trường luôn trong tâm thế tổ chức, tăng cường công tác hướng nghiệp và trang bị thật tốt cho các em học sinh.
Nếu không còn hình thức xét tuyển sớm nhà trường vẫn cam kết đảm bảo chất lượng dạy học, giúp các em học sinh không chỉ chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà còn có đủ sự tự tin khi lựa chọn ngành nghề trong tương lai.
Về phía Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý, thầy Nguyễn Thanh Bình cho hay, trong trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến tới hình thức xét tuyển sớm, nhà trường sẽ có kế hoạch điều chỉnh phù hợp.
Thầy Bình nhấn mạnh rằng, mặc dù có thể có nhiều sự thay đổi trong tuyển sinh đại học năm 2025, nhưng nhà trường sẽ tiếp tục tạo ra môi trường học tập tích cực, khuyến khích học sinh phát triển toàn diện cả về kiến thức lẫn kỹ năng sống, để các em bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với sự chuẩn bị chu đáo nhất.
Trường Trung học phổ thông Cẩm Lý đang duy trì các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tạo điều kiện cho các em học sinh hiểu rõ hơn về nhiều ngành nghề và các hình thức xét tuyển đại học.
Ngoài ra, nhà trường cũng hướng dẫn quy trình chuẩn bị hồ sơ, giúp các em học sinh có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc xét tuyển vào đại học. Những hoạt động này góp phần không nhỏ vào việc giảm bớt lo lắng và áp lực cho học sinh, giúp các em cảm thấy vững vàng hơn trong quá trình lựa chọn con đường học vấn.