Ngày 6/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 23/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
Theo đó, đối với tiêu chuẩn người biên soạn sách giáo khoa, ngoài phải có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với sách giáo khoa được biên soạn…, Thông tư 23/2020/TT-BGDĐT bổ sung tiêu chuẩn phải là công dân Việt Nam.
ảnh minh họa: Thùy Linh |
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận hồ sơ để tổ chức thẩm định sách giáo khoa nhiều nhất hai đợt trong một năm; trong mỗi đợt thẩm định, một bản mẫu sách giáo khoa được thẩm định nhiều nhất hai vòng, mỗi vòng 5 ngày.
Trường hợp bản mẫu sách giáo khoa được Hội đồng đánh giá “Đạt nhưng cần sửa chữa” tại vòng thẩm định thứ nhất thì đơn vị tổ chức thẩm định trình Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo văn bản thông báo cho đơn vị đề nghị thâm định sách giáo khoa thực hiện việc chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ gửi Bộ đề nghị thẩm định lại theo quy định.
Thời gian chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ tối đa là 30 ngày, tính từ ngày ban hành thông báo kết qua thẩm định của đơn vị tổ chức thẩm định.
Trường hợp bản mẫu sách giáo khoa được Hội đồng đánh giá “Không đạt” tại vòng thẩm định thứ nhất, “Không đạt” hoặc “Đạt nhưng cần sửa chữa” tại vòng thẩm định thứ hai thì đơn vị tổ chức thẩm định thông báo kết quả thẩm định cho đơn vị đề nghị thẩm định sách giáo khoa.
Nếu tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tiếp tục biên soạn cách giáo khoa thì bản mẫu sách giáo khoa phải được xây dựng lại để tổ chức thẩm định, như thẩm định lần đầu.
Thông tư này có hiệu lực từ 21/9/2020.