Bộ Giáo dục có nên làm bộ sách giáo khoa cho chương trình mới nữa không?

03/03/2019 06:15
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Thời gian áp dụng sách giáo khoa mới đã cận kề nhưng xem chừng việc chuẩn bị của Bộ Giáo dục cho bộ sách giáo khoa của mình đang còn quá nhiều vấn đề phải làm.

Nghị quyết 88 của Quốc hội đã cho phép chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện“một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” tưởng chừng sẽ băng băng về đích theo lộ trình đã được Bộ Giáo dục định sẵn.

Thế nhưng, mấy ngày nay thì dư luận lại xới lên vấn đề này. Thời gian áp dụng sách giáo khoa mới đã cận kề nhưng xem chừng việc chuẩn bị của Bộ Giáo dục cho bộ sách giáo khoa của mình đang còn quá nhiều vấn đề phải làm.

Có lẽ vì thế, điều tốt nhất là Bộ Giáo dục không nên làm bộ sách cho riêng mình sẽ có lợi hơn cho ngành giáo dục mà nó sẽ tạo được sự cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức làm sách giáo khoa mới.

Điều đặc biệt là ngân sách không phải đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho việc viết sách giáo khoa mới.

Sách giáo khoa cho chương trình mới cần có sự cạnh tranh công bằng (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Sách giáo khoa cho chương trình mới cần có sự cạnh tranh công bằng (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Vấn đề Bộ không nên làm sách giáo khoa đã được nhiều người đề cập. Còn nhớ, ngày 10/11/2014, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- hiện là Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới đã từng nêu ý kiến như sau:

Theo tôi Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên trực tiếp đứng ra biên soạn sách giáo khoa.

Bộ là cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, có nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, soạn các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, chứ không làm thay các nhà chuyên môn, nhà xuất bản và các trường…

…Bộ Giáo dục và Đào tạo có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị thuộc quyền quản lý của mình, tốt nhất là giao việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa cho đơn vị đó.

Như vậy vừa phù hợp với chức năng, vừa tạo điều kiện để họ thực hiện công việc này bình đẳng với các tổ chức, cá nhân, các nhà xuất bản khác.

Nhà xuất bản Giáo dục hay các Nhà xuất bản khác muốn làm sách giáo khoa thì tự bỏ tiền ra làm, nếu thiếu kinh phí có thể vay vốn Nhà nước rồi hoàn lại bằng tiền bán sách.

Còn nếu Bộ đứng ra làm thì tất nhiên ngân sách nhà nước phải cấp, chắc chắn sẽ không có hiệu quả bằng việc các Nhà xuất bản bỏ tiền túi ra làm”. [1]

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng từng băn khoăn: "Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo làm ra một bộ sách mà các trường lại không chọn dùng thì hóa ra bao nhiêu tỷ đồng Nhà nước cấp cho Bộ lại bị bỏ phí hay sao?". [1]

 Những chia sẻ này, chúng ta thấy hoàn toàn hợp lý bởi khi chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” mà Bộ đứng ra làm một bộ sách thì e rằng sự cạnh tranh sẽ không công bằng cho việc lựa chọn bộ sách giáo khoa của chương trình mới tới đây.

Bộ Giáo dục có nên làm bộ sách giáo khoa cho chương trình mới nữa không? ảnh 2Sửng sốt với con số 1000 tỷ đồng/năm để mua sách giáo khoa sau đó bán giấy vụn

Một khi, sách giáo khoa của Bộ được thực hiện mà Bộ lại ra đề thi, các văn bản hướng dẫn thực hiện chuyên môn Bộ ban hành, thanh- kiểm tra chuyên môn là chức năng của ngành giáo dục.

Chính vì thế, trường nào, địa phương nào lại không sử dụng sách của Bộ cho lợi cả đôi đường mà lại không bị phiền toái.

Ngày 02/3/2019, trên Báo Vietnamnet có bài phỏng vấn Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng - nguyên là Điều phối viên chính, của Ban Phát triển Chương trình Giáo dục Phổ thông - Bộ Giáo dục và Đào tạo thì giáo sư Bùi Mạnh Hùng cho hay:

Đến nay, chúng ta không còn có cơ hội để tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ theo đúng nghĩa của nó.

Đúng nghĩa có nghĩa là tác giả của bộ sách này phải là tác giả của Bộ, trong khi hiện nay, gần như tất cả các nhà giáo, nhà chuyên môn có khả năng biên soạn sách giáo khoa mới đều đã thuộc về các nhóm biên soạn sách giáo khoa cho các nhà xuất bản và tổ chức đầu tư khác nhau.

Công việc biên soạn, biên tập, thiết kế đã triển khai hơn một năm nay.

Cho nên, việc thành lập một nhóm tác giả mới hoàn toàn, độc lập với lợi ích của các nhà đầu tư là điều không thể vì không có đủ tác giả có năng lực soạn một bộ sách giáo khoa”. [2]

Những chia sẻ của giáo sư Bùi Mạnh Hùng cho thấy việc triển khai bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục có lẽ... chưa bắt đầu.

Vấn đề mấu chốt là nhân sự có đủ “khả năng” làm sách giáo khoa đã đầu quân cho các đơn vị khác cả rồi. Điều này cũng đồng nghĩa Bộ Giáo dục đã “chậm chân” hơn các tổ chức, cá nhân khác.

Bây giờ muốn viết một bộ sách giáo khoa riêng thì việc tìm người chắc là đã rất khó khăn. Song, có lẽ điều này lại tốt cho ngành giáo dục nước nhà trong tương lai.

Theo thông tin từ lãnh đạo Bộ cho biết, để chuẩn bị cho việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới thì Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã cam kết tài trợ cho một khoản tín dụng ưu đãi trị giá tương đương 77 triệu USD để thực hiện mục tiêu của dự án.

Bộ Giáo dục có nên làm bộ sách giáo khoa cho chương trình mới nữa không? ảnh 3Cần mấy bộ sách giáo khoa cho chương trình mới?

Kinh phí dành cho biên soạn một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện là 16.068.150 USD.

Đây thực sự là một số tiền rất lớn nhưng nếu không hiệu quả sẽ trở thành sự lãng phí cho đất nước.

Bởi, ngân sách nhà nước đầu tư cho làm bộ sách giáo khoa phải đi vay. Trong khi đó, cứ nhìn bộ sách giáo khoa hiện hành (năm 2000) chúng ta sẽ thấy vô vàn bất cập và tốn kém vô cùng.

Tiền làm sách giáo khoa thì được lấy từ ngân sách nhà nước, do nhà nước đầu tư nhưng hàng năm thì phụ huynh lại bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng mua sách, lợi nhuận quy về cho Nhà Xuất bản Giáo dục- đơn vị trực thuộc của Bộ Giáo dục.

Vô tình, tiền đầu tư của nhà nước mà dân không được hưởng, nhà nước không được lợi mà phải gánh những khoản nợ đã đầu tư.

Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ Bộ Giáo dục nên buông bỏ việc làm sách giáo khoa sẽ tạo nên sự cạnh tranh công bằng cho việc thực hiện chương trình mới tới đây.

Một khi Bộ chỉ đóng vai trò kiến tạo chương trình, ban hành chính sách vĩ mô để cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các bộ sách giáo khoa thì đương nhiên sẽ có nhiều cái lợi.

Nhà nước không cần phải đầu tư kinh phí làm sách. Hàng năm không phải cấp thêm tiền để bổ sung, chỉnh sửa sách và kéo theo việc tập huấn triền miên của giáo viên dưới cơ sở.

Khi các tổ chức, cá nhân thực hiện các bộ sách cho riêng mình, Bộ chỉ cần thẩm định nội dung nếu thấy ổn, phù hợp thì cho phát hành và bán ra thị trường.

Việc lựa chọn sách giáo khoa là do ngành giáo dục địa phương kết hợp với nhà trường, phụ huynh đảm trách.

Khi đó, quyền tự chủ trong chuyên môn của ngành giáo dục cũng được tăng lên mà Bộ cũng đỡ phải “ôm” quá nhiều việc như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/giao-duc/bon-cau-hoi-ve-de-an-doi-moi-chuong-trinh-sach-giao-khoa-3104517.html

[2] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/mot-so-sach-giao-khoa-cho-mot-mon-hoc-bo-giao-duc-can-ro-rang-va-thuyet-phuc-hon-511030.html

NGUYỄN CAO