Bộ GD triển khai nhiệm vụ phát triển hệ thống bảo đảm, kiểm định chất lượng GDĐH

15/03/2024 06:29
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch triển khai Chương trình phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục với giáo dục ĐH, CĐSP năm 2024, 2025.

Ngày 14/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 814/QĐ-BGDĐT về Kế hoạch triển khai Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 14/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030” năm 2024, 2025 (sau đây gọi là Kế hoạch).

Theo đó, Kế hoạch được ban hành nhằm mục đích triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 – 2030” kèm theo Quyết định số 78/QĐ-TTg (Chương trình);

Đồng thời, xác định các nhiệm vụ cụ thể, nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và phân công cụ thể của các đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024, 2025;

Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm bằng cơ chế chính sách và hành lang pháp lý về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; nâng cao năng lực hệ thống, đặc biệt là đội ngũ làm việc tại các vị trí về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; tăng cường hợp tác quốc tế trong triển khai bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

SA 750x500 - 5.jpg
Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh minh họa: USTH

Kế hoạch bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai thực hiện kế hoạch đã đề ra; phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị có liên quan, khai thác tốt các nguồn lực để tổ chức thực hiện Chương trình.

Các nhiệm vụ triển khai Quyết định số 78/QĐ-TTg được phân chia cụ thể, với thời gian thực hiện trong 2 năm 2024 và 2025. Trong đó, nhiệm vụ được phân chia cho các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức kiểm định cùng các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch đề ra 3 nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm:

Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; văn bản phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục gồm nâng cao năng lực của hệ thống bảo đảm chất lượng cơ sở giáo dục và của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Thứ hai, nhóm nhiệm vụ tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác xây dựng chính sách về bảo đảm và kiểm định chất lượng; nâng cao chất lượng và bảo đảm về số lượng kiểm định viên đáp ứng theo các tiêu chuẩn quốc gia và tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba, nhóm nhiệm vụ tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, sự tham gia của các bên liên quan, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục.

Đối với tổ chức kiểm định và cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu xây dựng và thực hiện kế hoạch triển khai Quyết định số 78/QĐ-TTg. Đồng thời, rà soát và điều chỉnh kế hoạch thực hiện năm 2024, 2025.

Trong đó, nổi bật một số nhiệm vụ như thực hiện sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong việc quản trị và phát triển bộ máy; trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng, công khai minh bạch thông tin về bảo đảm chất lượng cơ sở giáo dục và một số điều khác có liên quan tại Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Thời gian hoàn thành là quý II/2024.

Nhiệm vụ xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học và sau đại học trong việc triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Thời gian hoàn thành từ năm 2024-2025.

Sát hạch kiểm định viên để bổ sung đội ngũ kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Đồng thời, tổ chức Hội nghị tổng kết công tác sát hạch kiểm định viên năm 2023 - 2024. Thời gian hoàn thành - năm 2024.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động nổi bật khác như giám sát và đánh giá hoạt động của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo đúng quy định của pháp luật theo Quy định của Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT; Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý chất lượng năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 khối các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm, trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục; Báo cáo sơ kết kết quả thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2022-2025 và đề xuất nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 2026-2030,...

Để thực hiện Kế hoạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao Cục quản lý chất lượng là đơn vị chủ trì tham mưu lãnh đạo Bộ về việc phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ tổ chức triển khai Kế hoạch; Hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng có đào tạo giáo viên triển khai thực hiện Quyết định số 78/QĐ-TTg. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá, báo cáo việc triển khai các nội dung của Kế hoạch.

Vụ Kế hoạch - Tài chính là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định dự toán kinh phí triển khai của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ theo quy định hiện hành, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Với các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng kế hoạch của đơn vị về triển khai Quyết định số 78/QĐ-TTg năm 2024, 2025; Đồng thời, báo cáo sơ kết việc thực hiện Quyết định số 78/QĐ-TTg trong tháng 12/2024 và kết quả thực hiện giai đoạn 2022 - 2025 trong tháng 12/2025 về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Quản lý chất lượng).

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam  Thiết kế Doãn Nhàn (1).png

Trước đó, ngày 14/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 78/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030”.

Chương trình xác định mục tiêu phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng Khung bảo đảm chất lượng ASEAN, góp phần quan trọng thúc đẩy tự chủ giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030” gồm 2 giai đoạn thực hiện: giai đoạn 2022 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 với những mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể.

Quyết định số 78/QĐ-TTg đặt mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025:

Hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo) được cơ bản hoàn thành; năng lực hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm được nâng cao, cụ thể:

a) 100% cơ sở đào tạo hoàn thành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong với mục tiêu, chính sách, nguồn lực, nhiệm vụ, kế hoạch, các quy trình bảo đảm chất lượng và hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng được xác định rõ ràng phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở đào tạo trong từng giai đoạn trên cơ sở các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trong nước và nước ngoài;

b) 100% cơ sở đào tạo hoàn thành tự đánh giá, 95% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định lần thứ nhất; 70% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định lần thứ hai;

c) 35% số chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chu kỳ kiểm định lần thứ nhất; trong đó có ít nhất 10% số chương trình đào tạo đạt theo tiêu chuẩn nước ngoài (sau đây gọi là kiểm định quốc tế), 100% số chương trình đào tạo giáo viên các trình độ đạt tiêu chuẩn chất lượng;

d) 100% các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt tiêu chuẩn đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 10% các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt theo tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế;

đ) 50% tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước tham gia vào mạng lưới các tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế hoặc có thoả thuận hợp tác quốc tế trong việc công nhận kết quả kiểm định lẫn nhau;

e) Có ít nhất 750 người được cấp thẻ kiểm định viên; 100% kiểm định viên được bồi dưỡng chuyên sâu về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục trong đó có 5% kiểm định viên có chứng nhận và tham gia hoạt động kiểm định quốc tế;

g) 90% công chức và 70% viên chức, người lao động trong cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở đào tạo làm việc ở các vị trí về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục được bồi dưỡng chuyên sâu nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu tham mưu xây dựng và thực thi chính sách, quy định về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; trong đó có 20% được tập huấn, đào tạo bởi chuyên gia quốc tế và khu vực.

Doãn Nhàn