BHYT học sinh tại vùng đặc biệt khó khăn là "phao cứu sinh" cho các gia đình

17/11/2022 06:27
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tại những vùng khó khăn, bảo hiểm y tế học sinh đã giúp phụ huynh bớt được gánh nặng về kinh tế khi đỡ chi phí khám chữa bệnh cho con cái. 

Tỉnh Tuyên Quang là địa phương vùng núi còn nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, xã hội. Nơi đây có nhiều xã thuộc vùng III (vùng đặc biệt khó khăn), người dân được nhà nước hỗ trợ chính sách để ổn định cuộc sống.

Trong đó, con em của địa phương vùng III được nhà nước hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế, điều này đã giúp các gia đình bớt được gánh nặng về kinh tế, cũng như chi phí khám chữa bệnh cho con cái nếu bị ốm đau.

Mặc dù diện học sinh trên được nhà nước chi trả bảo hiểm y tế nhưng về phía nhà trường, các thầy cô vẫn luôn thực hiện đều đặn công tác tuyên truyền về lợi ích từ bảo hiểm y tế, để phụ huynh và học sinh hiểu về quyền lợi.

Chia sẻ thêm về nội dung trên, thầy Phạm Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học - trung học cơ sở Hồng Thái (Na Hang, Tuyên Quang) cho hay, trường có những học sinh là đối tượng được nhà nước hỗ trợ (ở 2 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng 3), còn lại những học sinh ở thôn khác phải đóng bảo hiểm y tế.

"Luật bảo hiểm y tế đã quy định tất cả học sinh phải tham gia bảo hiểm y tế. Về phía nhà trường, học sinh tham gia tương đối đủ. Học sinh trong trường thường ốm đau ở mức độ nhẹ và khi khám chữa bệnh thì được bảo hiểm y tế chi trả", thầy Dũng nói.

Tuy nhiên thầy Dũng cho hay, bên cạnh thuận lợi trong việc tuyên truyền về quyền lợi từ bảo hiểm y tế, nhà trường vẫn còn khó khăn trong việc vận động học sinh tham gia bảo hiểm thân thể. Điều này là do điều kiện kinh tế của các hộ gia đình tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn.

Cũng công tác tại vùng khó khăn của tỉnh Tuyên Quang, cô Lê Thị Hiền (giáo viên Trường Trung học phổ thông Xuân Vân, Yên Sơn, Tuyên Quang) cho hay, thực tế hiện nay, ngoài bảo hiểm y tế còn có bảo hiểm của các doanh nghiệp với chế độ chi trả cao hơn, nên có một số phụ huynh không thích cho con tham bảo hiểm y tế học sinh.

Trước vấn đề trên, cô Hiền cho biết, giáo viên thường sẽ tuyên truyền rằng: "Tham gia bảo hiểm y tế là thực hiện theo quy định của nhà nước và là một trong những nghĩa vụ của mỗi người dân".

Trường Trung học phổ thông Xuân Vân. (Ảnh: NVCC)

Trường Trung học phổ thông Xuân Vân. (Ảnh: NVCC)

Cô Hiền cho rằng, hiện nay dịch vụ khám chữa tại các bệnh viện cũng đã được nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở khám chữa bệnh ngoài nhà nước cũng chấp nhận thẻ bảo hiểm y tế để giảm chi phí cho người bệnh, cũng hỗ trợ rất nhiều cho người dân.

Tại khu vực trường của cô Hiền giảng dạy có một số thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, nên học sinh được nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế.

Số còn lại, nếu các em phải nằm viện mà không có bảo hiểm sẽ là chi phí lớn đối với gia đình, bởi đời sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn.

"Rủi ro về bệnh tật, tai nạn là điều không mong muốn, nên khi có bảo hiểm y tế sẽ gánh đỡ kinh tế cho các gia đình rất nhiều", cô Hiền nói.

Nữ giáo viên chia sẻ thêm về một trường hợp học tại lớp cô, đó là học sinh nữ bị mắc bệnh tiểu đường từ khi 5 tuổi, đến nay mắt đã bị giảm thị lực do bệnh tật.

Hằng ngày, em này phải tiêm 4 mũi thuốc điều trị, nếu không có bảo hiểm, mỗi tháng gia đình em phải chi trả khoảng 2 triệu đồng.

Những năm gần đây, tập thể đội ngũ cán bộ giáo viên trong Trường Trung học phổ thông Xuân Vân vận động, tuyên truyền được gần đạt 100% số lượng học sinh tham gia bảo hiểm y tế (Ảnh: NVCC)

Những năm gần đây, tập thể đội ngũ cán bộ giáo viên trong Trường Trung học phổ thông Xuân Vân vận động, tuyên truyền được gần đạt 100% số lượng học sinh tham gia bảo hiểm y tế (Ảnh: NVCC)

"Gia đình chia sẻ với tôi rằng, nhờ có bảo hiểm y tế học sinh chi trả tiền thuốc men nên mỗi tháng gia đình chỉ mất khoảng vài trăm nghìn đồng", cô Hiền nói và cho hay, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng nữ học sinh trên cũng rất cố gắng trong học tập và là học sinh giỏi.

Còn tại Hà Giang, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Chung (Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú - trung học cơ sở Tân Lập, Bắc Quang, Hà Giang) cho hay, địa phương là khu vực III (xã đặc biệt khó khăn) với 3 dân tộc thiểu số nên học sinh trong trường được nhà nước hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế học sinh.

Trường phổ thông dân tộc bán trú - trung học cơ sở Tân Lập. (Ảnh: NVCC)

Trường phổ thông dân tộc bán trú - trung học cơ sở Tân Lập. (Ảnh: NVCC)

Hằng năm nhà trường vẫn tổ chức kế hoạch tuyên truyền về quyền lợi bảo hiểm y tế học sinh để các em biết.

"Chúng tôi tuyên truyền vào đầu năm học, qua đó các em sẽ hiểu bản thân thuộc diện được nhà nước quan tâm ra sao, bên cạnh đó là quyền lợi khi được bảo hiểm chi trả", cô Chung chia sẻ.

Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú - trung học cơ sở Tân Lập chia sẻ thêm, thực tế, người dân địa phương hầu hết đều làm nông nghiệp, lâm nghiệp nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Việc nhà nước chi trả bảo hiểm y tế cho các em đã giúp giảm một phần gánh nặng cho các gia đình.

"Được bảo hiểm y tế chi trả nên học sinh cũng thường xuyên khám sức khỏe, phụ huynh rất ủng hộ về chủ trương này. Với trường hợp bị đau ốm, phụ huynh thường đưa các em đến trạm y tế xã để khám chữa bệnh, nếu có trường hợp bệnh nặng như nghi bị đau ruột thừa sẽ được đưa lên tuyến huyện để điều trị", cô Chung chia sẻ.

Nhà trường phối hợp với trạm y tế để kiểm tra, test Covid-19 cho học sinh giai đoạn dịch bùng phát vào tháng 2/2022. (Ảnh: NVCC)

Nhà trường phối hợp với trạm y tế để kiểm tra, test Covid-19 cho học sinh giai đoạn dịch bùng phát vào tháng 2/2022. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ thêm về quyền lợi và lợi ích từ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, cô Nguyễn Thị Lệ Hường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình cho hay, vào đầu năm học nhà trường có thông báo về bảo hiểm y tế đến sinh viên. Bên cạnh đó là tuyên truyền qua tuần giáo dục công dân, hoặc thông qua giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên, hội sinh viên.

"Chúng tôi sẽ có thông báo cho sinh viên vào lúc mới nhập học. Tỷ lệ sinh viên trong trường tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%", cô Hường chia sẻ.

Mạnh Đoàn