Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh. Dự thảo có nhiều điểm mới về hình thức khen thưởng, kỷ luật học sinh so với Thông tư số 08/TT năm 1988. Tuy nhiên, người viết có một số băn khoăn khi áp dụng hình thức kỷ luật học sinh trên lớp.
Băn khoăn về hình thức kỷ luật tạm dừng học tập trên lớp
Khoản 1, Điều 11 dự thảo Thông tư quy định, có 4 hình thức kỷ luật học sinh như: Khiển trách; Cảnh cáo; Tạm dừng học tập trên lớp; Đình chỉ học tập có thời hạn (không quá 01 năm). Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ, không áp dụng các hình thức kỷ luật quy định tại khoản 1 Điều này đối với học sinh cấp tiểu học. Chỉ áp dụng hình thức kỷ luật quy định tại khoản 1 điểm d Điều này đối với học sinh từ đủ 16 tuổi trở lên.
Hình thức kỷ luật học sinh tại dự thảo Thông tư là tạm dừng học tập trên lớp và đình chỉ học tập có thời hạn (không quá 01 năm) có điểm tương đồng với 2 hình thức kỷ luật học sinh đã được quy định trong Thông tư 08 đang có hiệu lực hiện nay. Đó là: Đuổi học một tuần lễ và đuổi học 1 năm.
Hình thức đình chỉ học tập có thời hạn (không quá 01 năm) ở dự thảo Thông tư hay là đuổi học 1 năm theo Thông tư 08 căn bản là hợp lý. Vì khi áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất như này cũng rất ít xảy ra, phải là những vi phạm nghiêm trọng. Sau một năm, nếu còn nhu cầu học tập thì những học sinh này sẽ học lại khối lớp đã nghỉ.
Tuy nhiên, điều làm không ít thầy cô giáo băn khoăn nhất là hình thức dự thảo Thông tư là tạm dừng học tập trên lớp, gần giống với đuổi học một tuần lễ theo Thông tư 08 hiện nay đã và đang bộc lộ khá nhiều vấn đề bất cập cần được thông tư mới tháo gỡ.
Có nên áp dụng hình thức tạm dừng học tập trên lớp?
Hình thức kỷ luật tạm dừng học trên lớp, theo người viết có thể nặng hơn nhiều lần hình thức kỷ luật đuổi học một tuần lễ. Bởi, đuổi một tuần lễ là có thời hạn cố định. Sau thời gian này, học sinh sẽ trở lại lớp bình thường. Còn tạm dừng học trên lớp có thể là vài ngày nhưng cũng có thể là vài tuần, vài tháng?
Vấn đề là, tạm dừng học trên lớp những học sinh này sẽ học ở đâu? Học ở nhà ai sẽ dạy các em học đủ các môn học? Học ở trường thì nhà trường phân công giáo viên dạy thế nào?
Thầy cô giáo nào cũng đã dạy đủ tiêu chuẩn, đủ định mức, thời gian nào sẽ giảng dạy riêng cho các em? Nếu thầy cô phải dạy thì chế độ với giáo viên ra sao?
Áp dụng hình thức kỷ luật, ai cũng mong muốn học trò nhận ra sai lầm để sửa chữa một cách tốt hơn. Tuy nhiên, nếu áp dụng hình thức kỷ luật cho xong như không cho ngồi học trên lớp mà cho xuống thư viện ngồi đọc sách, viết bản tự kiểm điểm, lao động công ích như một số trường học đang áp dụng cũng không phải là cách tốt nhất để giáo dục học sinh.
Không có người dạy phụ đạo thêm, khi trở lại lớp với những kiến thức đã qua thì các em sẽ tiếp tục học như thế nào?
Là giáo viên, người viết đã chứng kiến không ít trường hợp học sinh bị đuổi học 1 tuần. Một số em vẫn đi học như thường, do không được vào lớp nên lang thang, chơi bên ngoài cổng và chọc phá các bạn.
Khi chán, những học sinh này lại kéo nhau vào quán nét ngồi và vẫn vô tư tham gia các trò chơi. Có em còn ra vẻ vui mừng và cho rằng mình đã may mắn được "xả hơi" một thời gian. Hết thời gian kỷ luật, vào lớp, thầy cô nào cũng ca thán vì các em ngồi học và bị tụt lại do nhiều kiến thức không biết.
Vì vậy, người viết và nhiều giáo viên khá băn khoăn là với hình thức tạm dừng học tập trên lớp thì các giải pháp đi kèm để việc kỷ luật thực sự mang lại hiệu quả sẽ như thế nào?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.