3 công khai ghi "thu khác" thay vì "nguồn thu hợp pháp khác", trường ĐH lý giải

26/02/2024 06:34
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Việc ghi cụm từ “Thu khác” thay vì “nguồn thu hợp pháp khác” Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) sẽ rút kinh nghiệm.

Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) được thành lập theo Quyết định số 136/2004/QĐ-TTg ngày 02/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại các đơn vị đào tạo thuộc lĩnh vực Kinh tế, Quản lý và Quản trị kinh doanh trong Đại học Thái Nguyên.

Theo đó, sứ mệnh của trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, tư vấn, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội vùng trung du, miền núi phía Bắc và cả nước.

Về tầm nhìn, trường có định hướng trở thành một trường đại học hàng đầu trong nước và khu vực về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý.

Hiện Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Anh Tài là Chủ tịch Hội đồng Trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Hồng Linh là Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường; Tiến sĩ Đỗ Đình Long, Tiến sĩ Bùi Nữ Hoàng Anh là Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên (Ảnh: Website nhà trường).

Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên (Ảnh: Website nhà trường).

Qua thông tin từ báo cáo công khai tài chính 2 năm học gần đây nhất (năm học 2022-2023 và năm học 2021-2022) cho thấy, nguồn thu từ học phí của trường đang có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2021, nguồn thu này đạt 72,267 tỷ đồng nhưng đến năm 2022 chỉ còn 61,502 tỷ đồng.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Đình Long – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) cho hay: "Nguồn thu học phí vào năm 2021 là 72,267 tỷ đồng do quy mô sinh viên tuyển mới năm 2021 của trường đạt 1.740 sinh viên; năm 2022 là 61,502 tỷ đồng do quy mô sinh viên tuyển sinh tuyển mới của năm đó chỉ đạt 1.482 sinh viên.

Trên thực tế, tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch đào tạo của năm học 2021-2022 với học kỳ 1 được kéo dài từ tháng 9/2021 đến tháng 1/2022.

Tuy nhiên, học phí vốn quy định là thu vào năm nào sẽ được phản ảnh vào nguồn thu tài chính của năm đó và thường người học nộp học phí một lần vào thời điểm đầu học kỳ. Chính vì vậy, nguồn thu học phí năm 2022 của trường có giảm so với nguồn thu học phí năm 2021 do hầu hết người học đã nộp học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 vào năm 2021".

Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của phóng viên, báo cáo công khai tài chính cho thấy, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường không ổn định khi giảm từ 6,204 tỷ đồng (năm 2020) xuống 1,675 tỷ đồng (năm 2021) rồi lại tăng lên 5,627 tỷ đồng (năm 2022).

Đối với nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thầy Long cho biết: "Nguồn thu này chủ yếu đến từ các đề tài, dự án khoa học công nghệ do nhà trường kí kết hợp đồng với các địa phương.

Do vậy, việc tăng giảm nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phụ thuộc vào tiến độ giải ngân kinh phí do ngân sách nhà nước cấp cho các đề tài, dự án của các địa phương.

Mỗi dự án, đề tài này thường kéo dài khoảng 2 năm nhưng đôi khi cũng có những đề tài, dự án cần phải được gia hạn thêm 6 tháng mới hoàn thành và kinh phí thực hiện có thể được cấp thành nhiều lần trong suốt quá trình thực hiện.

Do đó, có một số đề tài, dự án của năm 2021 nhưng nguồn kinh phí lại cấp vào năm 2022 nên đã làm giảm nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường vào năm 2021 và tăng nguồn thu này vào năm 2022".

Cũng tại báo cáo công khai tài chính cho thấy, nguồn thu khác của trường đang có xu hướng giảm mạnh, từ 9,571 tỷ đồng (năm 2020) xuống 5,562 tỷ đồng (năm 2021) rồi xuống 0,381 tỷ đồng (năm 2022).

Theo thầy Long, nguồn thu khác của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) chủ yếu là khoản thu được từ các hoạt động tập huấn ngắn hạn cho các cán bộ của những địa phương được tổ chức tại nhà trường.

"Năm 2020 và năm 2021, nguồn thu từ các hợp đồng thực hiện những khóa tập huấn ngắn hạn này được nhà trường hạch toán là doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng dẫn của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 107/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, đến năm 2022, sau khi nghiên cứu tính chất của khoản thu này, nhà trường nhận thấy rằng, đây là khoản kinh phí do các địa phương chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các địa phương và được quy định cụ thể theo từng hạng mục chi theo hợp đồng.

Theo đó, nhà trường không được thay đổi hay điều chỉnh nội dung trong hợp đồng và chỉ được thay mặt địa phương để chi trả kinh phí cho giảng viên giảng dạy, cho các bên cung cấp dịch vụ như văn phòng phẩm, in ấn tài liệu, … theo các hạng mục được chi đúng như hợp đồng đã ký kết.

Vì vậy, trong năm 2022, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) đã hạch toán khoản thu này là khoản thu hộ, chi hộ và không hạch toán vào khoản thu hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ như năm 2020 và năm 2021 nên nguồn thu khác của trường có giảm như trong số liệu tại báo cáo 3 công khai đã đăng tải trên website nhà trường", Tiến sĩ Đỗ Đình Long nêu.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại khoản 3, Điều 7 của Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nguồn thu ngoài học phí bao gồm: các nguồn thu từ các hợp đồng đào tạo nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất, tư vấn và các nguồn thu hợp pháp khác. Tuy nhiên, trong báo cáo công khai tài chính các năm, phóng viên thấy rằng, trường lại ghi là “Thu khác” chứ không phải “Nguồn thu hợp pháp khác” theo như Thông tư 36 ghi.

Ảnh chụp màn hình tổng thu năm 2022 tại báo cáo tài chính năm học 2022-2023 của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên).

Ảnh chụp màn hình tổng thu năm 2022 tại báo cáo tài chính năm học 2022-2023 của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên).

Về vấn đề này, thầy Long lý giải: "Số liệu tại báo cáo công khai tài chính của nhà trường thực hiện theo mẫu biểu 21 của Thông tư 36/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và dựa trên cơ sở dữ liệu của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán hàng năm của Nhà trường.

Trong đó, chỉ tiêu các nguồn thu được dựa trên số liệu của báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh gồm nguồn thu do ngân sách nhà nước cấp; doanh thu tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ; nguồn thu học phí và nguồn thu khác (không bao gồm thu hộ, chi hộ).

Nguồn thu khác được ghi nhận tại báo cáo 3 công khai chính là nguồn thu hợp pháp khác của nhà trường.

Việc sử dụng cụm từ “Thu khác” thay vì “Nguồn thu hợp pháp khác”, nhà trường sẽ rút kinh nghiệm khi sử dụng cụm từ này trong báo cáo công khai của những năm học tới để có sự điều chỉnh lại cho chuẩn với thuật ngữ, tránh gây ra những hiểu lầm không đáng có".

Tường San