Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho thấy, tính đến năm 2022, cả nước có 196 cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, tăng 1,66 lần so với năm học 2014-2015 (theo số liệu báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2015-2016 khối đại học, cao đẳng, số cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ tiến sĩ là 118 đơn vị), trong đó có 157 cơ sở giáo dục đại học và 39 viện nghiên cứu, trường của tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang và trường của bộ, ngành.
Có tổng số 267 ngành và 1.110 lượt ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, được phân theo 7 khối ngành đào tạo: Khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; Khối ngành II: Nghệ thuật; Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, Pháp luật; Khối ngành IV: Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên; Khối ngành V: Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và Xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y; Khối ngành VI: Sức khỏe; Khối ngành VII: Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Khách sạn – du lịch – thể thao và dịch vụ cá nhân, Dịch vụ vận tải, Môi trường, An ninh quốc phòng.
Căn cứ các quy định hướng dẫn ở từng thời điểm, theo đánh giá của đoàn giám sát, các cơ sở đào tạo xây dựng đề án mở ngành theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật; nhiều cơ sở xây dựng quy trình mở ngành khá chặt chẽ, khoa học. Số lượng ngành đào tạo do các cơ sở đào tạo tự chủ quyết định tăng lên đáng kể. Trong 03 năm gần đây (từ 2020 - 8/2022), việc mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ phần lớn vẫn do Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt (49/72 ngành đào tạo tiến sĩ mở mới).
Tuy nhiên, việc mở mới ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ở những lĩnh vực ngành nghề theo xu thế phát triển của khu vực và thế giới (như năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ mới…) còn hạn chế. Công tác tuyển nghiên cứu sinh đối với một số ngành hẹp, kể cả các lĩnh vực rất cần thiết cho đất nước (như ngành Khí tượng thủy văn, Hải dương học, Vật lý địa cầu – Địa vật lý (cảnh báo sóng thần), Ký sinh trùng,…) gặp nhiều khó khăn. Nhiều ngành có nguy cơ phải đóng ngành vì không tuyển được nghiên cứu sinh sau thời gian 5 năm theo quy định, gây lãng phí các nguồn lực xã hội.
Quy mô ngành đào tạo của các cơ sở còn khá nhỏ và phân tán. Có tới trên 70,1% cơ sở đào tạo hiện đang tổ chức đào tạo dưới 05 ngành/chuyên ngành, trong đó có tới 32% chỉ mới đào tạo 01 ngành (18 viện nghiên cứu và 44 cơ sở giáo dục đại học). Có 08 cơ sở hiện có trên 20 ngành đào tạo, chiếm tỉ lệ 4,12%.
Công tác kiểm tra, giám sát đối với các ngành mở mới chưa được chú trọng đúng mức. Hoạt động kiểm tra, theo dõi, giám sát việc duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng ngành đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện lồng ghép với công tác kiểm tra tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo các trình độ giáo dục đại học hằng năm, chưa được thực hiện thường xuyên theo chuyên đề riêng.
Tỉ lệ ứng tuyển và được xét trúng tuyển thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh
Theo đánh giá của đoàn giám sát, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, các cơ sở đào tạo chủ động xây dựng và ban hành đề án tuyển sinh của đơn vị; đăng tải công khai thông báo tuyển sinh; kế hoạch, đối tượng, điều kiện, hồ sơ và phương thức tuyển sinh; chuẩn đầu ra và các điều kiện bảo đảm chất lượng của các chương trình đào tạo được triển khai. Phương thức tuyển sinh chủ yếu là xét tuyển dựa trên hồ sơ năng lực và đề cương nghiên cứu của thí sinh. Một số cơ sở kết hợp xét tuyển hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp nhằm xác định năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu và khả năng sử dụng ngoại ngữ của ứng viên dự tuyển.
Về cơ cấu tuyển sinh, hầu hết ứng viên dự tuyển đều tốt nghiệp trình độ thạc sĩ, trong đó khoảng 60-70% thí sinh đến từ các cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ quan nghiên cứu. Có khoảng gần 30% thí sinh đang công tác tại các cơ quan quản lý, hành chính sự nghiệp; thí sinh là các đối tượng khác như doanh nghiệp tư nhân hoặc đơn vị khác chiếm tỉ lệ không đáng kể.
Về quy mô tuyển sinh và đào tạo, giai đoạn 2000-2022, các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ (không bao gồm các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trường của tổ chức chính trị) đã thực hiện tuyển mới được 32.517 nghiên cứu sinh; tỉ lệ tuyển mới tăng gần 5,5 lần (từ 303 nghiên cứu sinh năm học 2000-2001 lên 1.661 người năm học 2021-2022). Quy mô đào tạo tăng gần 6 lần vào thời điểm cao nhất (năm học 2017-2018) và hiện gấp khoảng 3,5 lần so với thời điểm năm học 2000-2001. Số lượng nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình, được công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ hằng năm ở giai đoạn này cũng tăng hơn 10,5 lần.
Tuy nhiên, tỉ lệ thí sinh ứng tuyển và được xét trúng tuyển thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh , trung bình những năm gần đây chỉ đạt khoảng trên 32%. Cụ thể, năm học 2019-2020, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ là 5.111; thực tuyển là 1.274 người (tỉ lệ 24,93%). Năm học 2020-2021, chỉ tiêu là 5.056; thực tuyển 1.735 (34,32%). Năm học 2021-2022, con số này lần lượt là 5.143 và 1.661 nghiên cứu sinh (32,3%) còn năm học 2022-2023, chỉ tiêu xác định là 5.795 trong khi số lượng thực tuyển chỉ đạt 41,86% với 2.426 người.
Do số lượng ứng viên thấp, để tránh việc phải dừng ngành đào tạo, có trường hợp chưa bảo đảm chặt chẽ trong tuyển chọn đầu vào, nhất là các yêu cầu là về năng lực nghiên cứu chuyên môn.
Quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực (chưa bằng 1/3 so với Malaysia, Thái Lan, bằng 1/2 so với Singapore, Philippines) và các nước quốc gia phát triển thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD. Cơ cấu ngành trong tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ có sự mất cân đối, tập trung nhiều vào các khối ngành Kinh doanh và quản lý, Kỹ thuật, Máy tính và công nghệ thông tin. Các ngành đào tạo lĩnh vực nghệ thuật và một số ngành khoa học (khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, nông lâm thủy sản…) gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh, mặc dù đây là những ngành truyền thống, thế mạnh của nhiều cơ sở đào tạo có uy tín và rất cần cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hút nghiên cứu sinh quốc tế còn rất hạn chế.