2 năm tổng thu giống nhau, Khoa Quốc tế nói "tài chính ĐH Thái Nguyên quản lý"

20/02/2024 06:26
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Theo tìm hiểu đề án tuyển sinh 3 năm gần nhất, sinh viên nhập học ngành Quản lý tài nguyên - môi trường thấp, có năm chỉ 1 em.

Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên có địa chỉ tại phường Tân Thịnh, Thành phố Thái Nguyên, được thành lập theo Quyết định số 487/QĐ-ĐHTN ngày 16/6/2011 của Giám đốc Đại học Thái Nguyên. Khoa Quốc tế là đơn vị đào tạo trực thuộc Đại học Thái Nguyên có chức năng đào tạo đại học, sau đại học thuộc các lĩnh vực khoa học kinh tế, quản lý, khoa học xã hội, sự sống và quản lý tài nguyên - môi trường.

Khoa có sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và tư vấn quốc tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng núi phía Bắc và cả nước.

Khoa Quốc tế do Tiến sĩ Hà Xuân Linh làm Trưởng Khoa; Thạc sĩ Trần Lưu Hùng là Phó Trưởng khoa.

Quy mô đào tạo giảm

Qua tìm hiểu báo cáo 3 công khai (năm học 2020 - 2021; 2021 - 2022; 2022 - 2023) của Khoa Quốc tế (Đại học Thái Nguyên) cho thấy, quy mô đào tạo hệ đại học chính quy có nhiều biến động.

Khoa Quốc tế (Đại học Thái Nguyên) đào tạo các ngành thuộc hai khối ngành cụ thể như sau:

Khối ngành III: ngành Kinh doanh quốc tế; Quản trị kinh doanh; Kế toán

Khối ngành VII: ngành Quản lý tài nguyên và môi trường.

Năm học 2020 - 2021, quy mô đào tạo của Khoa là 659 người. Năm học 2021 - 2022, quy mô đào tạo tăng lên 69 người so với năm học 2020 - 2021 (tương đương với 10,47%) nâng tổng quy mô đào tạo là 728 người.

Đến năm học 2022 - 2023, quy mô đào tạo chỉ còn 352 người, giảm 376 người so với năm học 2021 - 2022. Cùng năm này, Khoa đào tạo hệ sau đại học trình độ thạc sĩ là 10 người.

Quy mô đào tạo của Khoa Quốc tế (Đại học Thái Nguyên) theo báo cáo 3 công khai.

Quy mô đào tạo của Khoa Quốc tế (Đại học Thái Nguyên) theo báo cáo 3 công khai.

Trong văn bản trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trần Lưu Hùng - Phó Trưởng khoa Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên lý giải nguyên nhân khiến quy mô đào tạo hệ đại học chính quy của Khoa giảm mạnh ở năm học 2022 - 2023. Thầy Hùng cho biết, trong 2 năm học (2020 - 2021 và 2021 - 2022), khi tính quy mô sinh viên, Khoa tính tất cả các sinh viên đã hoàn thiện chương trình đào tạo của khóa tuyển sinh năm 2016 và 2017 nhưng chưa đủ điều kiện xét tốt nghiệp, vì sinh viên có thiếu điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ (Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).

Đến năm học 2022 - 2023, số liệu quy mô đào tạo 337 sinh viên là đã trừ đi số lượng sinh viên trúng tuyển của khóa tuyển sinh năm 2016 và 2017, do vậy số lượng sinh viên giảm 376 người.

Bên cạnh đó, trong 2 năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023, số lượng tuyển sinh giảm hơn so với các năm trước, dẫn đến khi tính quy mô (bao gồm cả trừ đi số lượng sinh viên đã hoàn thành chương trình đào tạo) có sự biến động lớn như vậy.

Có ngành chỉ 1 sinh viên nhập học

Tìm hiểu tại đề án tuyển sinh của Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên trong 3 năm gần đây, số sinh viên trúng tuyển nhập học thấp hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh đã được phê duyệt và có xu hướng giảm qua các năm.

Năm 2019, chỉ tiêu tuyển sinh của Khoa là 220 nhưng chỉ có 132 sinh viên trúng tuyển nhập học (tương đương với 60%).

Năm 2020, chỉ tiêu là 200 nhưng chỉ có 118 sinh viên trúng tuyển nhập học (tương đương với 59%).

Năm 2021, chỉ có 87 sinh viên trúng tuyển nhập học trên tổng số 240 chỉ tiêu tuyển sinh (tương đương với 36,25%).

Sinh viên nhập học Khoa Quốc tế (Đại học Thái Nguyên) theo đề án tuyển sinh năm 2021, 2022, 2023.

Sinh viên nhập học Khoa Quốc tế (Đại học Thái Nguyên) theo đề án tuyển sinh năm 2021, 2022, 2023.

Lý giải về số sinh viên trúng tuyển nhập học thấp, Thạc sĩ Trần Lưu Hùng thông tin: Thứ nhất, do đúng vào đợt dịch Covid - 19, việc tuyển sinh và tư vấn tại các trường trung học phổ thông không thực hiện được dẫn đến việc tiếp cận học sinh lớp 12 gặp nhiều khó khăn hơn so với các năm khác.

Thứ hai, chương trình đào tạo của Khoa được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, vì vậy, việc tiếp cận sinh viên vùng núi phía Bắc gặp khó, bởi, trình độ tiếng Anh của học sinh lớp 12 khu vực này chưa cao.

Theo tìm hiểu của phóng viên về lịch sử hình thành được đăng tải trên website, Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên là đơn vị đào tạo trực thuộc Đại học Thái Nguyên có chức năng đào tạo đại học, sau đại học thuộc các lĩnh vực khoa học kinh tế, quản lý, khoa học xã hội, sự sống và quản lý tài nguyên - môi trường.

Tuy nhiên, theo thống kê, ngành Quản lý tài nguyên - môi trường trong 3 năm liên tiếp (2019, 2020, 2021) có dưới 10 sinh viên nhập học. Cụ thể, năm 2019, có 1 sinh viên trúng tuyển nhập học trên 40 chỉ tiêu tuyển sinh (tương đương 2,5%). Năm 2020, chỉ tiêu của ngành là 40 người nhưng chỉ có 9 sinh viên nhập học (tương đương 22,5%). Năm 2021, chỉ tiêu là 80 người nhưng chỉ có 6 sinh viên nhập học (tương đương 7,5%).

Phản hồi về nội dung mà phóng viên Tạp chí đề cập, thầy Hùng cho biết, việc tuyển sinh các ngành đào tạo phụ thuộc vào sở thích và xu hướng ngành nghề mà học sinh lớp 12 lựa chọn.

Đối với ngành Quản lý tài nguyên - môi trường, quy mô tuyển sinh không chỉ của Khoa mà của các đơn vị khác cũng giảm. Hiện tại, học sinh trung học phổ thông không có xu hướng chọn ngành nghề về môi trường mặc dù nhu cầu việc làm của thị trường vẫn cao, và Khoa có cam kết giới thiệu việc làm với mức lương tốt cho sinh viên tốt nghiệp ngành này.

Dù khó khăn trong đào tạo khi quy mô tuyển sinh thấp, Khoa vẫn có những chiến lược duy trì ngành và tổ chức đào tạo theo đúng quy định của Đại học Thái Nguyên để đảm bảo quyền lợi của người học.

Theo tìm hiểu của phóng viên tại thời điểm ngày 21/12/2023, Đề án tuyển sinh năm 2023 không đề cập đến thông tin điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất là 2021, 2022 mà thay vào đó là số liệu của năm 2020, 2021.

Mặt khác, đối chiếu số liệu điểm trúng tuyển của năm 2020, 2021 trong đề án tuyển sinh 2022 không khớp với số liệu năm 2023.

Trả lời về thông tin này, Thạc sĩ Trần Lưu Hùng cho hay, sau khi kiểm tra đề án tuyển sinh năm 2023, bản đăng trên website tại thời điểm phóng viên phản ánh, Khoa không đề cập đến thông tin điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất là 2021, 2022 mà thay vào đó là số liệu của năm 2020, 2021. Lỗi này là do việc đăng tải thông tin và do ghi nhầm số năm.

Còn đề án đăng tải trên hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, website của Đại học Thái Nguyên đảm bảo thông tin chính xác. Khoa đã cập nhật thay đổi sau khi có phản ánh của phóng viên.

Số liệu về chỉ tiêu tuyển sinh của Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên không khớp tại đề án tuyển sinh năm 2022 và 2023.

Số liệu về chỉ tiêu tuyển sinh của Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên không khớp tại đề án tuyển sinh năm 2022 và 2023.

Tuy nhiên, đến ngày 19/2/2024, theo tìm hiểu của phóng viên, thông tin này chưa được Khoa cập nhật và hiệu chỉnh lại.

khoa qte đh tn.PNG
Điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất (2020, 2021) Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên theo đề án tuyển sinh 2023 cập nhật ngày 19/2/2024. Ảnh chụp màn hình.

Theo thống kê báo cáo 3 công khai 3 năm học gần nhất, tại mục công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở giáo dục đại học, số sinh viên tốt nghiệp của Khoa có nhiều biến động.

Năm học 2020 - 2021, Khoa có 65 sinh viên tốt nghiệp. Năm học 2021 - 2022, số sinh viên tốt nghiệp của Khoa là 26 người, giảm 39 người so với năm học 2020 - 2021. Năm học 2022 - 2023, sinh viên tốt nghiệp là 44 người, tăng 18 người so với năm học 2021 - 2022.

Chia sẻ lý do vì sao số sinh viên tốt nghiệp thấp, thầy Hùng cho biết, năm học 2019 - 2020, Khoa có 55 sinh viên tốt nghiệp. Năm học 2020 - 2021, Khoa có 65 sinh viên tốt nghiệp (số liệu cập nhật đến tháng 10/2021). Năm học 2021 - 2022, số sinh viên tốt nghiệp là 26 người (số liệu cập nhật đến tháng 6/2022), số liệu này mới chỉ tính được 1 đợt xét tốt nghiệp trong năm 2022. Sau đợt thực tập năm 2022, Khoa có 64 sinh viên tốt nghiệp. Số lượng sinh viên tốt nghiệp phụ thuộc vào số lượng tuyển sinh đầu vào.

Tổng nguồn thu hợp pháp 2 năm "y hệt nhau"

Theo đề án tuyển sinh, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của Khoa năm 2022 giảm hơn 2,8 tỷ đồng so với năm 2021. Đồng thời, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của Khoa năm 2022, 2023 giống nhau, cụ thể là 8.954.242.142 đồng.

Tổng nguồn thu hợp pháp/năm của Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên theo đề án tuyển sinh 2021, 2022, 2023.

Tổng nguồn thu hợp pháp/năm của Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên theo đề án tuyển sinh 2021, 2022, 2023.

Phóng viên Tạp chí đã gửi nội dung câu hỏi tới Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên như sau: Vì sao tổng nguồn thu hợp pháp/năm của Khoa năm 2022 giảm 2.838.593.858 đồng so với năm 2021? Xin Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên cho biết lý do vì sao tổng nguồn nguồn thu hợp pháp/năm của Khoa trong 2 năm liên tiếp có số liệu giống nhau?

Thạc sĩ Trần Lưu Hùng phản hồi rằng, theo Quy chế tổ chức hoạt động của Đại học Thái Nguyên, Khoa Quốc tế là đơn vị thuộc Đại học Thái Nguyên, do vậy toàn bộ hoạt động tài chính do Đại học Thái Nguyên quản lý.

Xây dựng đề án trở thành trường thuộc Đại học Thái Nguyên

Theo báo cáo 3 công khai ở mục công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở giáo dục đại học năm 2021, Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên thực hiện 13 đề tài nghiên cứu khoa học. Năm 2022, Khoa thực hiện 15 đề tài nghiên cứu khoa học. Năm 2023, Khoa có 10 đề tài nghiên cứu khoa học.

Chia sẻ về hoạt động nghiên cứu khoa học, Phó Trưởng khoa Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên cho hay: Năm 2021, Khoa có 13 đề tài cấp cơ sở và 1 đề tài cấp tỉnh Thái Nguyên.

Năm 2022, Khoa có 15 đề tài, trong đó có 2 đề tài cấp Bộ và 1 đề tài cấp tỉnh.

Năm 2023, Khoa có 12 đề tài, trong đó, có 2 đề tài cấp Bộ chuyển tiếp từ năm trước, 1 đề tài cấp Bộ thực hiện mới, 1 đề tài cấp tỉnh thực hiện mới và 8 đề tài cấp cơ sở.

Bên cạnh đó, cán bộ, giảng viên của Khoa đã thực hiện nhiều công bố khoa học và xuất bản sách. Năm học 2020 - 2021, Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên có 53 công bố khoa học, trong đó có 6 công bố thuộc danh mục ISI.

Năm học 2021 - 2022, Khoa có 38 công bố khoa học, trong đó, 10 công bố thuộc danh mục ISI. Năm học 2022 - 2023, Khoa có 41 công bố khoa học, trong đó, 13 công bố thuộc danh mục ISI.

Theo Thạc sĩ Trần Lưu Hùng, Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên đang xây dựng đề án chiến lược để trở thành Trường Quốc tế - Đại học Thái Nguyên vào năm 2030. Hiện tại, Khoa đang trong quá trình chuẩn bị về nguồn lực cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình đào tạo và tài chính.

Linh Trang