10 năm nữa, 85% công việc mà nhân loại làm thì hiện chưa tồn tại

11/12/2020 06:10
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo các tập đoàn Viettel, VNPT, FPT đưa ra nhiều đề xuất giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy nhanh chuyển đổi số.

Tại hội thảo "Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 9/12, ông Lê Đăng Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết:

Ngay từ năm 2014, Viettel đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đồng hành triển khai nhiều giải pháp công nghệ thông tin cho ngành như phối hợp triển khai tập huấn cho gần 1 triệu giáo viên theo chương trình mới, hỗ trợ 26.000 nhà trường dạy học trực tuyến trong thời gian Covid-19...

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đánh giá giáo dục và đào tạo là ngành đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn bất cập, làm chậm quá trình chuyển đổi số của ngành.

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chuẩn kết nối, chuẩn cơ sở dữ liệu từ năm 2019 nhưng các quy chuẩn này vẫn chưa đầy đủ dẫn đến cơ sở dữ liệu của các địa phương chưa thực sự kết nối hoàn toàn với cơ sở dữ liệu của Bộ. Do đó, việc rà soát, xây dựng lại hệ thống đồng bộ cơ sở dữ liệu của Bộ đồng thời chuẩn hóa của địa phương là cần thiết.

Thứ hai, các ứng dụng phần mềm triển khai nhiều ở cấp trường, có khoảng 16 phần mềm ở một nhà trường, nhưng rời rạc gây bất tiện cho người dùng. Các hệ thống không liên thông, kế thừa dữ liệu dẫn đến số liệu báo cáo thiếu chính xác, gây ảnh hưởng đến hoạt động điều hành, chỉ đạo. Vì vậy, hiện nay rất cần xây dựng nền tảng chuẩn để triển khai đồng bộ nhà trường thông minh.

Ông Lê Đăng Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel (ảnh: Bộ giáo dục và Đào tạo)

Ông Lê Đăng Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel (ảnh: Bộ giáo dục và Đào tạo)

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cho ngành giáo dục trong giai đoạn tiếp theo, ông Dũng đề xuất, Bộ cần sớm ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 cho ngành, đồng thời ban hành quy chuẩn công nghệ, kiến trúc thiết kế, yêu cầu nghiệp vụ với các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo và nhà trường lựa chọn để triển khai. Các quy chuẩn này cũng cần được cập nhật kịp thời để công bố công khai trên Cổng thông tin của Bộ.

Với vai trò nhạc trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần điều phối các doanh nghiệp trong nước hợp tác nghiên cứu phát triển, tránh chồng chéo, tránh cạnh tranh không cần thiết, tăng cường sử dụng sản phẩm của nhau.

"Bộ cũng cần nhanh chóng nghiên cứu, sớm ban hành khung pháp lý để công nhận kết quả học tập trên môi trường số và chính thức áp dụng, sử dụng học bạ điện tử cho ngành", ông Dũng nói.

Đánh giá cao việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục nhưng cũng cho rằng còn nhiều việc phải làm, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT kêu gọi cộng đồng công nghệ thông tin dốc lực cùng thực hiện.

Ông nhấn mạnh việc chuyển đổi số cần "thần tốc" bởi thực tế không chỉ Việt Nam mà nhân loại đang đứng trước những thách thức chưa từng có ập đến với tốc độ không ngờ tới.

"Nhìn về tương lai có thể thấy điều chắc chắn nhất trong tương lai là không có gì chắc chắn cả. Báo cáo của các tổ chức thế giới viết 10 năm nữa thôi, 85% công việc mà nhân loại làm là chưa tồn tại. Vì vậy, các dân tộc đang bước vào cuộc đua số", ông Bình lý giải.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT (ảnh: Bộ giáo dục và Đào tạo)

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT (ảnh: Bộ giáo dục và Đào tạo)

Nhắc lại câu nói của huấn luyện viên Park Hang-seo "Bước vào cuộc đua, chúng ta không thể thiếu một ước mơ chiến thắng", "Đã đánh là phải thắng, quyết thắng từng trận một" và một nền bóng đá Việt Nam hoàn toàn khác, ông Bình cho rằng cuộc đua chuyển đổi số "cần vô cùng tận một quyết tâm chiến thắng".

Covid-19 ập đến và chúng ta có gì trong tay? Có phải chúng ta có một nền y tế cộng đồng phát triển hay không? Chúng ta không có gì cả nhưng chúng ta vẫn chiến thắng. Cho nên ngoài quyết tâm chiến thắng, ông Bình bày tỏ mong muốn, hy vọng Bộ trưởng giáo dục và đào tạo cùng Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông "mở tất cả cánh cửa để có một cuộc chiến thần tốc". Ông cũng kêu gọi cộng đồng công nghệ thông tin dốc lực cùng thực hiện ước mơ này.

Còn ông Phạm Đức Long - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VNPT, đề xuất việc đầu tiên cần làm là xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Trên môi trường số, các quyết định đều dựa trên dữ liệu nên việc này rất quan trọng.

"Chúng tôi nhận thấy để xây dựng thành công và khai thác hiệu quả thì cần xây dựng cơ chế mở để vừa bảo đảm an toàn bảo mật thông tin, vừa cho phép doanh nghiệp công nghệ phân tích khai thác dữ liệu (tài nguyên số) để nâng cao chất lượng dạy và học, phát triển sản phẩm dịch vụ phục vụ ngành giáo dục", ông Long nói, cho rằng Bộ cần tiếp tục bổ sung cơ sở dữ liệu thành phần như dữ liệu về giáo dục thể chất, tài chính để tạo ra bức tranh toàn diện.

Theo ông Long, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần triển khai chuyển đổi số trên môi trường dạy và học nhằm thu hút học sinh, sinh viên. Muốn làm được điều này, quá trình chuyển đổi số cần đảm bảo một số yếu tố như người học được tự chọn những gì muốn học; được ứng dụng ngay kiến thức vào cuộc sống và làm cho nó trở nên thiết thực, thú vị hơn.

Ông Long còn đề xuất Bộ xây dựng nền tảng học và thi trực tuyến dùng chung để có thể tận dụng được các nguồn tài nguyên, tri thức số từ các thầy cô giáo, chuyên gia đang hàng ngày giảng dạy; sớm ban hành quy định, công nhận kết quả, khuyến khích hình thành thói quen học và thi trực tuyến.

Ngoài ra, lãnh đạo VNPT kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển kỹ năng số cho học sinh, sinh viên bằng cách xây dựng chương trình cùng bộ tiêu chí đánh giá cho từng cấp học; phát triển nhân lực chất lượng cao bằng cách kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp.

"Chúng ta cần xây dựng hội đồng chuyên môn, lộ trình đào tạo, các bài thực hành chuẩn bị cho thế hệ công dân số. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp chuyên gia công nghệ để cùng tư vấn, làm việc với nhà trường về việc đào tạo này", ông Long chia sẻ.

Thùy Linh