Mấy tháng qua, dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bùng phát ở nhiều tỉnh phía Nam và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chững lại nên lực lượng các ngành Y tế, Công an, Quân đội và các cấp chính quyền ở từng địa phương phải tham gia chống dịch liên tục trong một thời gian dài.
Bên cạnh đó, có nhiều lực lượng cũng cùng tham gia hỗ trợ ngành Y tế trong việc truy vết, xét nghiệm tầm soát trên diện rộng với mong muốn nhanh chóng bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng nhằm làm sạch địa bàn để cuộc sống bình yên sớm trở lại với mọi người.
Và trong vô vàn những lực lượng tình nguyện tham gia chống dịch Covid-19 có những thầy cô giáo ở nhiều trường học cũng được huy động hoặc họ tình nguyện tham gia xét nghiệm tầm soát cộng đồng ở nhiều địa bàn thuộc những khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, có những thầy cô giáo đang công tác tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh An Giang.
Một số thầy cô giáo chụp hình lưu niệm trước lúc làm nhiệm vụ, ảnh: CTV |
Khi thầy cô giáo khoác lên bộ đồ bảo hộ ngành Y
Thời gian qua, đối với nhiều tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì việc những thầy cô giáo tham gia vào các đội chống dịch Covid-19 tại các địa phương này không còn là hiếm nữa.
Trên địa bàn An Giang đã có nhiều thầy cô giáo đã và đang góp phần vào công việc chung của tỉnh nhà. Họ có thể tham gia vào các đội nấu ăn từ thiện, làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch.
Có người đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và góp mặt ở nhiều công việc trong khả năng của mình ở tại địa phương nơi mình sinh sống và công tác.
Những ngày qua, tại một số huyện, thị ở An Giang đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tầm soát trên diện rộng tại nhà cho tất cả các hộ dân thì trong những nhóm làm nhiệm vụ này đã có nhiều thầy cô giáo cùng tham gia.
Bởi vì với một khối lượng công việc rất nhiều như vậy nên nhiều khu vực đã huy động thêm một số nhân lực trong xã hội hỗ trợ, tham gia, nhất là những cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trên địa bàn. Trong đó, có lực lượng giáo viên cũng đã được huy động với số lượng tương đối lớn tham gia vào đội bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Lâu nay, họ quen với bảng đen, phấn trắng và giáo án dạy học, nào biết “test nhanh”, “mẫu gộp”…là gì. Tuy nhiên, sau khi được tập huấn nhiều thầy cô giáo đã bắt tay vào những việc mà lâu nay chỉ có nhân lực ngành Y thực hiện.
Từng nhóm nhỏ đi vào từng nhà dân để xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng, ảnh: CTV |
Lần đầu tiên mặc đồ bảo hộ y tế, đeo khẩu trang N95, mũ bảo hộ, kính bảo hộ, tấm che mặt, mang găng tay y tế nên nhiều thầy cô còn bỡ ngỡ, chưa quen.
Thế nhưng, lúc trời về trưa và đầu giờ chiều thì nóng nực, mồ hôi ướt đầm khi phải đi lại ngoài trời nắng nóng nhưng ai nấy đều thể hiện sự lạc quan về công việc mà mình đang trải nghiệm.
Những thầy cô giáo không chỉ làm những việc đơn thuần như ghi tên, đọc tên những người tham gia test nhanh mà có nhiều thầy cô được tập huấn để trực tiếp lấy mẫu, tách chiết mẫu, xét nghiệm, đọc kết quả xét nghiệm…
Điều đáng mừng là dù biết tham gia vào đội lấy mẫu xét nghiệm tầm soát trên diện rộng tại nhà người dân sẽ đối mặt với nhiều nguy hiểm nhưng khi có kế hoạch thì nhiều thầy cô giáo đã xung phong tham gia vào lực lượng chống dịch.
Dấn thân để hiểu và trân quý hơn những người đang vất vả ở tuyến đầu
Gần 2 năm qua, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện ở nước ta cho đến nay vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khó lường. Đội ngũ y, bác sĩ cùng các lực lượng Công an, Quân đội đã luôn có mặt ở những nơi hiểm nguy, vất vả nhất.
Nhiều người xa nhà đằng đẵng nhiều tháng trời, họ đã âm thầm hy sinh những hạnh phúc riêng tư để cống hiến cho Tổ quốc, Nhân dân và tận tụy với công việc, nhiệm vụ của mình.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, ảnh: CTV |
Hiểu và trân quý sự hy sinh này nên nhiều thầy cô giáo cũng mong muốn góp sức mình vào công việc phòng chống dịch bệnh tại địa phương của mình trong điều kiện mà mình có thể làm được.
Nhiều thầy cô sau những ngày ít ỏi mặc trên mình bộ đồ bảo hộ y tế, tiếp xúc trực tiếp với người dân khi lấy mẫu xét nghiệm tầm soát trên diện rộng tại nhà đều cảm nhận được sự vất vả, hiểm nguy của đội ngũ y tế và các lực lượng chức năng đã và đang trực tiếp truy vết, hoặc chữa trị cho những bệnh nhân Covid-19.
Những khó khăn, vất vả sẽ khó hết bằng lời.
Vì thế, khi được hỏi về cảm xúc của mình khi tham gia vào đội lấy mẫu xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng thì những thầy cô giáo đều có chung một nỗi miền cảm phục, trân quý những người đang hàng ngày, hàng giờ đối mặt với những bệnh nhân hay những đêm mưa gió đứng ngoài chốt chống dịch tại các ngả đường.
Hy vọng, một ngày gần nhất thì tất cả các địa phương trên cả nước sẽ đẩy lùi được dịch bệnh, cuộc sống bình yên sẽ trở lại với mọi người, mọi nhà và chúng tôi- những thầy cô giáo sẽ được lên bục giảng mỗi ngày để giảng dạy trực tiếp cho học trò.
“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”