Năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho Đại học Bách Khoa Hà Nội thành lập mô hình hệ thống doanh nghiệp sáng tạo BK Holdings, tiên phong trở thành mô hình doanh nghiệp đầu tiên thành lập trong một trường đại học ở Việt Nam.
Ngày 28/05 vừa qua, trong Hội thảo “University Technology Commercialization: Pathways and Challenges” (Thương mại hóa công nghệ đại học: Con đường và thách thức) diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc Quỹ đầu tư BK Fund trực thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội đã chia sẻ về hệ thống Đổi mới sáng tạo của đơn vị và hiện đang hỗ trợ gần 100 nhóm nghiên cứu.
Để các nhóm nghiên cứu không phải “lẻ loi” tự start-up
Chia sẻ trong Hội thảo, ông Phạm Tuấn Hiệp tự hào về truyền thống khởi nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội: “Nói về câu chuyện đổi mới sáng tạo, về thương mại hóa công nghệ thì có thể kể câu chuyện của Đại học Bách khoa Hà Nội cách đây 30 năm.
Từ thời cuối bao cấp, mới mở cửa thị trường, lúc ấy ở Việt Nam chỉ có doanh nghiệp nhà nước, chưa có doanh nghiệp tư nhân. Lúc đó, có không ít doanh nghiệp gặp bài toán thị trường không giải được, phải mời các thầy Bách Khoa về triển khai các giải pháp công nghệ mới. Từ gạch bông Bách Khoa, nước sạch, môi trường… các giảng viên Bách Khoa cùng họ ứng dụng các giải pháp mới.
Đại học Bách khoa Hà Nội thường xuyên có những buổi gặp gỡ với các tập đoàn công nghệ, có trao đổi hai chiều, vừa giới thiệu tiến bộ nghiên cứu để cùng họ hợp tác thương mại hóa.
Chúng tôi mong muốn hình thành hệ thống Đổi mới sáng tạo. Ở Bách Khoa Hà Nội, chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn đầu và vẫn đang kết nối những mắt xích rời rạc để hình thành các đơn vị chuyên trách, đưa các chủ trương của ban giám hiệu vào thực tế”.
BK Holdings là một phần của hệ thống Đổi mới sáng tạo Bách khoa Hà Nội, với nhiệm vụ đồng hành cùng các nhóm nghiên cứu ngay từ giai đoạn “ươm tạo”.
Ông Hiệp chia sẻ: “Các nhóm nghiên cứu trong trường đại học là những người xuất sắc, tài năng, có khả năng sáng tạo tri thức rất tốt. Nhưng họ cần thêm những người mang hơi thở thị trường, mang lại thách thức và cùng đồng hành với họ. Vì tự bản thân họ start-up thì rất lẻ loi”.
BK Holdings là Hệ thống doanh nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội do các cựu sinh viên thành lập. Đơn vị được hình thành với sứ mệnh để mua bán, thương mại hóa công nghệ và cùng tham gia xây dựng chính sách về lĩnh vực này.
Từ trăn trở về “cục sạc xe điện” đến các công ty spin-off
Một trong những trách nhiệm của BK Holdings là hỗ trợ thành lập các Công ty Spin-off - công ty được tạo ra từ kết quả nghiên cứu và công nghệ, hoặc sáng kiến của trường đại học hoặc viện nghiên cứu.
Ông Hiệp lấy ví dụ về truyền điện không dây là vấn đề rất phổ biến ở các trường đại học kỹ thuật công nghệ, vì họ thực hiện trong phòng thí nghiệm 20 năm nay rồi. Tuy nhiên, chưa có một sản phẩm truyền điện không dây nào “made in Vietnam” cả.
Trong thời gian vừa qua, BK Holdings cùng tham gia với Ban Khoa học - Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội và các tác giả để hình thành 3 công ty Spin-off bao gồm Advanced Carbon Technology Corporation, Công ty cổ phần công nghệ lưu điện khối lớn BK và DTP Battcom.
Ngoài ra phải kể đến Chương trình ươm tạo đưa sáng chế ra thị trường đầu tiên tại Việt Nam Lab2Market, được tổ chức bởi BK Holdings và đồng tổ chức bởi Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss EP) và Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội (BK Fund).
Yếu tố nào để Trung tâm Đổi mới Sáng tạo thành công?
Trong Hội thảo, ông Phạm Tuấn Hiệp đưa ra các yếu tố đảm bảo thành công cho các Trung tâm Đổi mới Sáng tạo trong trường đại học.
Một là, cam kết dài hạn của lãnh đạo nhà trường trong thực hiện sứ mệnh thứ 3 - khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ/dịch vụ.
Hai là, số lượng nghiên cứu và chất lượng nghiên cứu của nhà trường.
Ba là, chính sách rõ ràng cho tác giả đối với kết quả nghiên cứu: về sở hữu, tự chủ, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ phát triển.
Bốn là, nhà trường đầu tư tài chính và cơ sở vật chất cho Trung tâm Đổi mới Sáng tạo trong giai đoạn ban đầu.
Năm là, tăng tự chủ cho Trung tâm Đổi mới Sáng tạo để chủ động kết nối, hợp tác, đầu tư.
Sáu là, nhân sự phù hợp gắn bó với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo: các Entrepreneur (người lập nghiệp).
Cũng theo ông Hiệp, nếu chỉ riêng nhà nghiên cứu sẽ không đủ thấu hiểu để giải quyết vấn đề của thị trường, khách hàng. Vì thế, phải thêm doanh nghiệp bên ngoài. BK Holdings sở hữu các doanh nghiệp cùng ngành nhìn thấy cơ hội, cung cấp kinh phí, thị trường thử, thị trường sớm cho nhà khoa học.