Tại Hội thảo giáo dục 2017 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức (22/9), nhiều chuyên gia có ý kiến nên bỏ hệ đào tạo Cao đẳng Sư phạm như hiện nay để thay vào đó là hệ đào tạo cử nhân sư phạm.
Lý do được đưa ra, chương trình phổ thông mới sẽ đòi hỏi giáo viên ở trình độ cao nên đào tạo cao đẳng sư phạm không còn đáp ứng được điều kiện thực tế.
Xung quanh ý kiến trên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Mỹ Lộc, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc Gia Hà Nội).
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mỹ Lộc (ảnh vinschool.com). |
Bà Nguyễn Mỹ Lộc cho rằng, theo Luật Giáo dục, trình độ cao đẳng sư phạm đang là trình độ chuẩn đối với giáo viên dạy bậc trung học cơ sở, nếu, xóa trình độ đào tạo này, cần thiết bắt đầu từ Luật Giáo dục.
Xét riêng về khía cạnh chuyên môn, bà Nguyễn Mỹ Lộc có quan điểm:
"Việc muốn nâng cao trình độ chuyên môn, thay đổi trình độ giáo viên cho các bậc học để nâng tầm trình độ giáo viên thực sự cần thiết.
Nhiều nước trên thế giới, trình độ giáo viên của họ yêu cầu rất cao. Thí dụ như ở Phần Lan, giáo viên tiểu học bắt buộc phải là thạc sĩ".
Theo nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục:
"Ngành giáo dục nên đặt mục tiêu cụ thể đến năm bao nhiêu giáo viên của Việt Nam (kể cả giáo viên mầm non, tiểu học) không còn trình độ cao đẳng nữa mà chỉ còn đại học trở lên để phấn đấu".
Đôi điều trao đổi với Giáo sư Đỗ Đức Thái về nhận định “giáo viên ngại thay đổi” |
Vị chuyên gia này đưa ra giải pháp:
"Vấn đề hiện nay, chúng ta phải xem xét mục tiêu chiến lược đến năm bao nhiêu đạt được trình độ trên, để đón đầu và có lộ trình giảm dần các trường cao đẳng sư phạm.
Bậc cao đẳng sư phạm muốn giảm thì phải có lộ trình như giảm bậc trung cấp sư phạm.
Không nên chấm dứt hệ đào tạo này ngay tức khắc vì điều đó là chuyện không tưởng và duy ý chí".
Có thể thấy nâng tầm trình độ giáo viên Việt Nam là nhu cầu thiết thực, đặt trong bối cảnh quốc tế thì Việt Nam đã thực sự chậm hơn so với nhiều nước trên thế giới.
Nên chuyên gia này ủng hộ cần thiết có một lộ trình để nâng trình độ giáo viên ở nước ta lên trình độ đại học.
Muốn làm được điều đó cần thống kê được hiện có bao nhiêu % giáo viên trình độ cao đẳng, dự báo rất là chính xác để xác định thời gian quyết toán hết trình độ cao đẳng và đại học hóa đội ngũ giáo viên.
"Việc nâng trình độ giáo viên của mình lên đại học là mong muốn rất tốt đẹp. Đào tạo đại học phải đáp ứng đúng chất lượng đại học thì đến một thời điểm Việt Nam chỉ có trình độ đại học của cả bậc mầm non, tiểu học, các bậc học khác đó là một thành tựu. Cái này cần lộ trình.
Trước mắt chúng ta nên rà soát lại các trường cao đẳng, những trường chất lượng tốt giữ lại thực hiện bồi dưỡng, đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình. Còn lại nên có phương án sáp nhập hoặc giải thể.
Riêng hệ đào tạo đại học, chúng ta cũng cần có quan điểm mới về nguồn nhân lực.
Những cử nhân phải thực sự là người chuyên nghiệp trong lĩnh vực được đào tạo. Phải hiểu thấu đáo, cặn kẽ công việc cụ thể chứ không phải đào tạo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” được.
Gần một nửa giáo viên hiện tại rất khó theo được chương trình mới |
Điều này có thể sinh viên tốt nghiệp sư phạm cần có thời gian thâm nhập nghề, thích nghi với nghề ở các nhà trường rồi được đánh giá để cấp một chứng chỉ (giống như giấy phép hành nghề) lúc đó mới trở thành giáo viên thực thụ."
Chia sẻ thêm về những thử thách của giáo viên trong chương trình mới, chuyên gia này cho rằng, đương nhiên dạy một môn dễ hơn dạy tích hợp.
Dạy học tích hợp là giúp cho người học phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, qua đó phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho người học.
Giáo viên tham gia dạy tích hợp có một phông nền rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, cái quan trọng dạy tích hợp là gắn với thực tiễn.
Tính tích hợp thể hiện qua sự huy động, liên hệ các yếu tố có liên quan với nhau của nhiều lĩnh vực, nhiều môn học để giải quyết có hiệu quả một vấn đề.
Đó là vấn đề quan trọng, vì thực tiễn không có gì tồn tại riêng biệt, độc lập mà luôn lệ thuộc nhau trong mọi vấn đề của cuộc sống.
Nhưng nói như vậy, dạy tích hợp không phải là cái gì cũng dạy, cũng đòi hỏi giáo viên dạy được hết.
Dạy học tích hợp có nhiều mức độ khác nhau. Nếu hiểu, cô dạy hóa dạy phần của cô dạy sinh thế là hiểu sai về dạy tích hợp."