Máy bay ném bom chiến lược H-6K Trung Quốc |
Ngày 11 tháng 11, Không quân Trung Quốc chào đón tròn 64 năm thành lập. Những năm gần đây, vũ khí trang bị hàng không của Trung Quốc đã có sự phát triển theo kiểu "giếng phun", đã nghiên cứu chế tạo được các máy bay chiến đấu mới như máy bay vận tải cỡ lớn Y-20, máy bay chiến đấu J-10, máy bay cảnh báo sớm KJ-2000...
Về việc phát triển máy bay ném bom chiến lược trong tương lai, chuyên gia bay thử không quân Từ Dũng Lăng cho rằng, Không quân Trung Quốc sẽ còn tập trung vào phát triển máy bay ném bom chiến lược, trước hết xây dựng năng lực, sau đó tiến hành đột phá.
"Sách trắng Quốc phòng" Trung Quốc công bố tháng 4 năm 2013 cho biết, dựa vào yêu cầu chiến lược kiêm tấn công-phòng thủ, Không quân Trung Quốc tăng cường xây dựng hệ thống tác chiến lập thể lấy trinh sát, cảnh báo sớm, tấn công đường không, điều động chiến lược phòng không, phòng thủ tên lửa làm trọng điểm; phát triển các vũ khí trang bị tiên tiến như máy bay tác chiến thế hệ mới, tên lửa tấn công đối đất mới và radar mới; hoàn thiện mạng lưới cảnh báo sớm, chỉ huy và thông tin, nâng cao năng lực cảnh báo sớm, răn đe chiến lược và tấn công đường không tầm xa.
Máy bay ném bom chiến lược siêu âm Tu-22M3 Nga |
Nói đến việc Trung Quốc phát triển máy bay ném bom chiến lược, Từ Dũng Lăng cho rằng, máy bay ném bom chiến lược từng phát huy vai trò rất lớn trong lịch sử tác chiến, đặc biệt là sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, loại trang bị cỡ lớn tấn công tầm xa chiến lược và mang được vài chục tấn này đã làm cho hính thái của chiến tranh hiện đại có sự thay đổi mang tính căn bản.
Nhưng mặt khác, trong giới khoa học cũng đã xuất hiện một số tranh luận, bàn về việc giữa vũ khí tấn công chiến lược trên không và vũ khí tấn công tầm xa chiến lược phóng từ mặt đất hoặc từ tàu ngầm thì loại nào có hiệu quả hơn.
Từ Dũng Lăng cho rằng, mô hình tấn công trên không dù sao cũng đã phát huy vai trò quan trọng trong lịch sử, còn đối với Trung Quốc, trong tình hình đến nay vẫn chưa đạt được đột phá, không bằng thực sự bắt đầu từ con số "không", trước tiên xây dựng năng lực, sau thực hiện đột phá.
Có quan điểm cho rằng, máy bay ném bom chiến lược không còn thế phát triển mạnh, có tên lửa là đủ. Chuyên gia Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, tranh cãi giữa máy bay và tên lửa đã bắt đầu từ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đến nay vẫn chưa kết thúc. Máy bay ném bom chiến lược và tên lửa đều cần thiết, cần áp dụng mô hình kết hợp giữa máy bay và tên lửa.
Đỗ Văn Long phân tích, bất kể là chiến tranh cục bộ hiện đại hay là mô hình xung đột tưởng tượng, đều là một loại nhu cầu sức mạnh đồng thời cả răn đe và chiến đấu thực tế. Máy bay ném bom chiến lược vừa là một loại vũ khí tấn công hiệu quả cao có thể đưa vào chiến đấu thực tế, vừa là một loại vũ khí răn đe chiến lược hiệu quả cao.
Máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Mỹ |
Chẳng hạn ở bán đảo Triều tiên, một khi xảy ra biến cố, máy bay ném bom B-2, B-52 của Mỹ cho dù là có thể phát động tấn công mục tiêu trong bán kính tấn công, cũng nhất định phải đến một căn cứ nào đó của Hàn Quốc để cất cánh, hơn nữa phải đưa ra các loại đạn mô phỏng để tiến hành răn đe tâm lý.
Năng lực đột phá phòng không của tên lửa chiến lược tuy mạnh hơn một máy bay ném bom, chi phí chế tạo cũng thấp hơn nhiều máy bay ném bom, nhưng do mục tiêu tấn công không rõ ràng, năng lực răn đe của nó có lẽ còn lâu mới đủ để hỗ trợ cho toàn bộ quá trình tấn công, chức năng chiến đấu thực tế không đủ.
Trong khi đó, máy bay ném bom chiến lược kết hợp giữa năng lực răn đe và năng lực chiến đấu thực tế để phát động tấn công đối với các mục tiêu chiến thuật, mục tiêu chiến dịch, vì vậy, trong chiến tranh Afghanistan, chiến tranh Iraq đều có bóng dáng của máy bay ném bom chiến lược Mỹ.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 Mỹ |