Vì sao nhiều năm qua, Hải Phòng không tổ chức thi thăng hạng cho giáo viên?

05/12/2024 08:50
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhiều giáo viên Hải Phòng đủ điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhưng địa phương không tổ chức thi trong những năm qua nên không thể thăng hạng.

Mức lương của giáo viên từng cấp học đều quy định rõ từng hạng như giáo viên hạng I, hạng II, hạng III, hạng IV. Mỗi hạng có mức lương khác nhau và chênh nhau khá lớn.

Sau khi tăng lương cơ sở theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP thì giáo viên trung học phổ thông hạng III, mức lương dao động từ 5,475,600 - 11,653,200 đồng/ tháng; hạng II dao động từ 9,360,000 - 14,929,200 đồng/tháng; hạng I dao động từ 10,296,000 - 15,865,200 đồng/tháng.

Chính vì thế, nhiều thầy cô đều mong mỏi được thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp để có thể cải thiện mức lương.

Nhiều năm Hải Phòng chưa tổ chức thi thăng hạng

Tuy nhiên, số đợt thi thăng hạng giáo viên mỗi năm ở từng tỉnh, thành khác nhau, thậm chí có những tỉnh, thành phố đã nhiều năm không tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên dẫn đến tình trạng giáo viên có thâm niên, thành tích ngang nhau nhưng được xếp ở các hạng khác nhau.

GDVN_hshp-on-thi-vao-10-1.jpg
Nhiều giáo viên phản ánh từ năm 2020 đến nay, Hải Phòng không tổ chức thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Phản ánh tới phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều giáo viên ở thành phố Hải Phòng cho biết, từ năm 2020 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo, các quận, huyện không tổ chức thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên.

Điều này dẫn đến nhiều giáo viên dù đủ tiêu chuẩn xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhưng không được thăng hạng kịp thời, ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ lương.

Cô giáo L. (đề nghị không nêu tên) đã có hơn 15 năm công tác tại một trường công trên địa bàn quận Kiến An), đang là giáo viên hạng III. Từ cuối năm 2019, cô L. đã đủ điều kiện để thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, ngành giáo dục địa phương không tổ chức bất kỳ một cuộc thi, xét thăng hạng nào cho giáo viên khiến cô và nhiều đồng nghiệp trong trường bị thiệt thòi.

“Tôi đủ điều kiện được thi thăng hạng lên giáo viên hạng II. Nếu các cơ quan chức năng quan tâm và tổ chức thi thăng hạng sớm thì mức lương của tôi đã được cải thiện đáng kể”, cô L. nói.

Theo tài liệu của phóng viên, ngày 1/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 910/TB-BGDĐT thông báo kết quả kiểm tra công tác quản lý nhà nước về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đối với Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng.

Tại văn bản này, Bộ nêu rõ công tác bổ nhiệm, xếp lương, tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trên địa bàn Hải Phòng còn nhiều tồn tại, hạn chế như công tác bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên chậm hoàn thành so với thời hạn yêu cầu tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT. Việc chậm hoàn thành chuyển xếp chức danh nghề nghiệp theo quy định mới làm ảnh hưởng đến công tác thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Công tác bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương chưa linh hoạt, nhiều giáo viên đã đạt đủ các tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nhưng chưa được bổ nhiệm mà phải đợi hoàn thành phương án xử lý đối với tất cả các trường hợp khác. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi được hưởng chính sách tiền lương mới của giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp từ hạng II cũ sang hạng II mới, nhiều trường hợp không được tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội để xếp lương đối với giáo viên tuyển dụng mới; lấy cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp mới áp cho việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp theo quy định tại các Thông tư số 01,02,03,04 và Thông tư số 08...

Mặc dù Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã phân cấp cho Uỷ ban nhân dân các huyện tổ chức xét thăng hạng trên cơ sở kế hoạch được Sở Nội vụ thẩm định, tuy nhiên các địa phương chưa chủ động tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mà trông chờ vào kế hoạch của thành phố.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng phối hợp với Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, Sở Nội vụ, các ban ngành thành phố hoàn thành việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với giáo viên; tham mưu các cấp có thẩm quyền tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên.

Tại huyện Thủy Nguyên, công tác bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương triển khai chậm, thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra toàn bộ giáo viên của huyện Thủy Nguyên chưa được bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp theo quy định mới.

Những giáo viên đáp ứng đủ tất cả điều kiện cũng chưa được bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp mà đợi xử lý các trường hợp vướng mắc. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của đội ngũ về tiền lương và việc thăng hạng.

Số lượng giáo viên được bổ nhiệm ngay vào hạng cao nhiều (954 người), đồng thời, khi tuyển dụng chính thức, thời gian công tác trước đó của giáo viên không được tính được xếp lương nên trong thực tế giáo viên dù bổ nhiệm hạng cao vẫn thiệt thòi về lương (do xếp lại từ bậc 1).

Địa phương chưa có hướng dẫn cụ thể về việc bổ nhiệm lại các trường hợp bổ nhiệm sai vào hạng chức danh nghề nghiệp cao theo trình độ đào tạo theo quy định tại khoản 12 Điều 5 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT.

Về thăng hạng giáo viên, từ năm 2022 đến nay, huyện Thủy Nguyên chưa tổ chức đợt thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông để giáo viên của huyện tham gia. Tại thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra huyện đang thực hiện báo cáo đăng ký tham gia đối với giáo viên mầm non là 823 người; giáo viên tiểu học là 317 người; giáo viên trung học là 151 người.

Sở Giáo dục và Đào tạo nói gì?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Vũ Thắng - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho hay: “Toàn thành phố Hải Phòng đã thực hiện xong việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp theo các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc xét thăng hạng lên hạng II, hạng I đối với viên chức giáo viên thuộc thẩm quyền của Sở Nội vụ”.

Ông Thắng cho biết thêm, trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện đã có 19.200 cán bộ giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp, trong đó có: 218 giáo viên hạng I; 7563 hạng II và 11329 hạng III.

“Để đảm bảo quyền lợi và đồng bộ về xếp hạng chức danh nghề nghiệp cho cán bộ giáo viên thì sau khi ủy ban nhân dân quận, huyện hoàn thành bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp theo các Thông tư của Bộ giáo dục và Đào tạo và hướng dẫn tại Thông tư 13/2024 có hiệu lực thì thành phố mới tổ chức xét thăng hạng”, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng nhấn mạnh.

GDVN_giao-vien-hai-phong.jpg
Việc chậm được thăng hạng chức danh nghề nghiệp dù đủ tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ lương của giáo viên. (Ảnh: Lã Tiến)

Ngày 30/10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học thay thế Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT ngày 30/11/2021. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2024.

Theo đó, điểm đổi mới đáng chú ý so với quy định cũ là không quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi thăng hạng do Chính phủ đã bỏ hình thức thi thăng hạng; không quy định nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng do Chính phủ đã quy định chi tiết tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP.

Ngoài ra, Thông tư mới quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng lên hạng II và hạng I đối với giáo viên mầm non, phổ thông, giáo viên dự bị đại học.

Như vậy, thay vì phải thi, giáo viên được đăng ký xét thăng hạng nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, số năm công tác.

Chẳng hạn, giáo viên mầm non hạng III muốn được xét lên hạng II phải có hai năm liền trước được xếp loại "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên. Giáo viên phổ thông và dự bị đại học phải ba năm đạt điều kiện này.

Để được xét từ hạng II lên hạng I, giáo viên cần có 5 năm liền trước "Hoàn thành tốt nhiệm vụ" trở lên, trong đó có ít nhất hai năm "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". Ngoài ra, trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II và tương đương, có 5 năm trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm được xếp loại chất lượng ở mức “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tiêu chuẩn trên sẽ giúp đảm bảo yêu cầu tỷ lệ giáo viên hạng I tối đa 10%, hạng II không quá 50%, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, cũng như lựa chọn được những người xứng đáng.

Ông Đặng Vũ Thắng - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết: Ý kiến của Bộ Nội vụ: “Quá trình thi rất tốn kém, phải chi phí rất nhiều cho ban tổ chức, thí sinh cũng phải bỏ thời gian ôn thi, đi lại tốn kém và chi phí xã hội rất lớn... Như vậy có thể thấy bỏ thi sẽ tiết kiệm được chi xã hội và hạn chế, giảm được thủ tục hành chính, không tạo tâm lý áp lực căng thẳng đối với người dự thi”.

LÃ TIẾN