Dạy con bằng tình yêu thương, nhưng đừng dung túng những gì sai trái

04/01/2021 06:19
Khánh Văn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi hành động, lời nói của cha mẹ, hay đơn giản từ câu chuyện bên mâm cơm gia đình cũng có thể hình thành thói quen tốt hoặc thói quen xấu cho con.

Nhiều người luôn thắc mắc là tại sao ông bà, cha mẹ khi xưa nuôi cả chục người con vẫn đều trưởng thành mà nhiều gia đình bây giờ có 1-2 đứa nhưng đôi lúc vẫn lầm đường, lạc bước.

Trẻ em ngày nay sớm được tiếp cận với công nghệ, có sự ảnh hưởng bởi các môi trường văn hoá, giải trí khác nhau. Chính vì thế, cha mẹ cần gần gũi, định hướng với các phương pháp giáo dục phù hợp, giúp trẻ tránh tối đa những thói xấu.

Việc dạy con được bắt đầu từ những hành động, lời nói, từ những câu chuyện nhỏ bên mâm cơm gia đình hàng ngày của cha mẹ cũng có thể hình thành thói quen tốt hoặc thói quen xấu cho con về sau.

Sự mẫu mực của cha mẹ sẽ là tấm gương tốt cho con (Ảnh minh họa: Thoidai.com.vn)

Sự mẫu mực của cha mẹ sẽ là tấm gương tốt cho con (Ảnh minh họa: Thoidai.com.vn)

Dạy con bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất

Sáng chủ nhật, hai cha con cu Tí ngồi chơi ở ban công, sau khi thằng bé ăn hết cây kem thì bất ngờ ném luôn cái que xuống sân chung cư và xem như chẳng hề có chuyện gì xảy ra.

Thấy vậy, người cha vội vàng mở cửa chạy xuống sân rồi chạy lên nhà mình, trên tay cầm que kem của đứa con trai vừa ném xuống.

Thấy lạ, cu Tí hỏi ba mình: ba nhặt que kem của con ném xuống sân làm gì vậy ba? Cái đó nhà mình đâu có cần mà con ném xuống sân bẩn mất rồi.

Người cha nghiêm sắc mặt, nhẹ nhàng nói với con: que kem này cả ba và con đều không cần và ba nhặt lên cũng chỉ bỏ nó vào thùng rác, nhưng ba muốn nói với con là hành động của con vừa rồi khiến ba buồn lòng.

Lúc con ném xuống sân, không may người nào đó đi qua vô tình ngước mắt nhìn lên mà bị rơi trúng thì sao? Hành động của con không chỉ là một thói quen xấu mà biết đâu vô tình làm khổ cho một người khác.

Cu Tí nghe ba nói vậy thì đã hiểu chuyện và nhận lỗi!

Buổi chiều, cu Tí được ba cho ra công viên chơi và được ba mua cho một ly nước mía. Nó tung tăng chạy nhảy khắp công viên với mấy đứa trẻ cùng tuổi. Khi uống xong, không cần đợi ba nó nhắc nhở, nó chạy lại cái thùng rác gần đó và ném cái ly mũ vào đó rồi chạy lại hồ hởi nói với ba:

- Ba ơi, con đã ném cái ly mũ vào thùng rác rồi nhé, con không ném bậy bạ như hồi sáng nữa!

Ba nó cười và trong lòng cảm thấy vui hơn vì thấy con mình đã thay đổi từ một hành động làm gương của mình lúc sáng đã giúp cho con hình thành thành một thói quen tốt.

Dạy con từ về văn hóa ứng xử

Cuối tuần, cu Tí được ba, mẹ cho đi ăn sáng và uống nước ở bên ngoài. Suốt thời gian ngồi ở quán, cu Tí chứng kiến rất nhiều người đến chào mua vé số nhưng nó chỉ thấy ba nó mua cho người đến chào đầu tiên còn những người sau thì đều nói: “Dạ, tôi mua rồi”.

Nó đem những thắc mắc hỏi lại ba mình là sao người nào ba cũng trả lời người ta như vậy mà không lắc đầu hay ba không mua cho người ta vài tờ nữa.

Ba nó cười rồi nói: ba đâu có nhiều tiền mà mua hết cho mọi người được con nhưng mình trả lời như vậy sẽ khiến cho người đến chào mình mua không phải chạnh lòng.

Bất chợt, một bà lão đến bên bàn, bàn tay bà lão chìa ra xin tiền ba nó. Nó nhìn ba, thấy ba lấy tiền nhưng lại không đưa cho bà lão mà đưa cho cu Tí và nói rằng con biếu bà đi.

Cu Tí cầm đồng tiền ba vừa đưa cho mình và đặt lên tay bà lão đang đứng cạnh mình rồi vội vàng ngồi ngay ngắn trở lại và tiếp tục xem điện thoại.

Khi bà lão đi khuất rồi, ba nó mới lên tiếng: sao con đưa tiền cho bà lão mà lại đưa một tay vậy? Cu Tí hồn nhiên trả lời: vì bà đó xin tiền mà ba, mình cho thì mình có quyền. Con đưa vậy nhưng bà ăn mày đâu có nói gì mà vẫn nhận bình thường đó ba.

Đúng, bà lão sẽ không nói gì nhưng ba thấy con chưa được. Đáng ra, ba sẽ đưa tiền đó cho bà lão nhưng ba lại đưa cho con vì ba muốn con thay ba làm một việc tử tế. Con còn nhỏ, khi đưa hoặc cho ai cái gì thì nên nhớ là con phải đưa bằng hai tay.

Trong một xã hội thì luôn có những người giàu nhưng cũng không ít những người nghèo khó. Khi khó khăn lắm mới phải ra đường đi xin ăn, nếu con cho bằng cả tấm lòng, bằng sự tử tế thì người nhận cũng ấm lòng con ạ.

Mình cho họ là đang nhân lên lòng tử tế chứ không phải là cho kiểu giống như con lúc nãy. Như vậy, rất dễ khiến họ tổn thương mà những người xung quanh nhìn vào con sẽ thấy một hành động chưa đẹp.

Dạy con kính trọng người lớn

Buổi tối, khi cu Tí đang học bài thì chú hàng xóm sang chơi. Vừa đến cửa, chú đã cất tiếng oang oang: ba mày đâu rồi Tí?

Nghe tiếng, ba nó từ trong nhà đi ra và cất tiếng mời chú hàng xóm ngồi uống nước chơi. Vừa ngồi xuống, chú hàng xóm như gặp được người để trút bầu tâm sự:

- Ông bà già tôi chán quá, ở nhà cả ngày mà nấu bữa cơm cũng chẳng nên hồn. Cơm thì nguội ngắt mà thức ăn thì mặn đắng.

Nói thì cả hai ông bà lên tiếng chửi, đau hết cả đầu. Cha mẹ người ta sống lâu thì đỡ đần cho con cái, còn ông bà nhà tôi chỉ trở thành gánh nặng cho con thôi.

Cu Tí nghe nghe ba mình lên tiếng khuyên can và tìm cách để chuyển sang một chủ đề khác. Lúc sau, thấy hai người chuyện trò rôm rả, bàn luận về đội bóng này đá dở, cầu thủ nọ chơi hay…

Khi chú hàng xóm ra về, cu Tí chạy đến bên ba và hỏi: sao chú hàng xóm lại gọi ba mẹ mình là “ông bà” và nói họ “trở thành gánh nặng cho con” hả ba? Sao ba lại phải khuyên can và tìm cách lái câu chuyện sang hướng khác hả ba?

- Ừ, chắc là chú ấy có chuyện buồn với ba mẹ mình con ạ. Khi mà cha mẹ về già thường khó tính và có cả những lúc nhầm lẫn nữa. Là con, phải hiếu thảo với cha mẹ mình, việc cha mẹ già khó tính, nói nhiều cũng là một quy luật bình thường thôi con.

Điều quan trọng là dù cha mẹ già hay trẻ, dù khỏe mạnh hay ốm đau thì phận làm con phải biết cư xử cho đúng mực. Cha mẹ không sống mãi với mình ở trên đời nhưng có cha mẹ mới có mình. Mình không kính trọng, yêu thương cha mẹ mình thì không làm gương tốt cho con cháu được….

Trong cuộc sống, chúng ta luôn thấy sự đan xen giữa những cái tốt, cái xấu, giữa thế hệ này với thế hệ khác trong gia đình. Một khi cha mẹ sống tử tế, nhân hậu, có trách nhiệm cũng là lúc đang hướng con mình đến điều tốt đẹp cho sau này.

Vì thế, hãy dạy con bằng tất cả tình thương và trách nhiệm, bằng cả sự bao dung nhưng cũng cần thiết phải nằm trong một khuôn phép nhất định. Chỉ cần một hành động thiếu suy nghĩ, một việc làm vô thức cũng có thể trở thành gương xấu cho con em mình về sau.

Khánh Văn