USTH: Những dấu ấn vàng son trong hành trình 15 năm xây dựng và phát triển

USTH: Những dấu ấn vàng son trong hành trình 15 năm xây dựng và phát triển

28/11/2024 06:27
Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - USTH ra đời mang theo sứ mệnh trở thành một trường đại học nghiên cứu xuất sắc, kiến tạo môi trường đào tạo và nghiên cứu chuẩn mực quốc tế.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, sự chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành nhiệm vụ cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Do đó, hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo đại học là yêu cầu tất yếu khách quan.

Việt Nam và Pháp có mối quan hệ lịch sử đặc biệt, trong đó nhân dân, và đặc biệt là giới trí thức hai nước, luôn dành cho nhau tình cảm sâu sắc, sự đồng cảm và hỗ trợ lẫn nhau.

Ngay từ năm 1983, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực.

Từ nền tảng này, ý tưởng về việc thành lập Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã hình thành một cách rất tự nhiên. Đó là sự kết tinh sức mạnh và trí tuệ của Việt Nam cùng với kinh nghiệm và tri thức của Pháp.

Ngày 12/11/2009, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân - Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ, và bà Valérie Précesse - Bộ trưởng Bộ nghiên cứu và Giáo dục đại học Pháp đại diện 2 chính phủ ký hiệp định về việc xây dựng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Trên cơ sở đó, ngày 9/12/2009, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định số 2067/QĐ-TTG thành lập Trường.

Sứ mệnh kiến tạo môi trường đào tạo và nghiên cứu chuẩn mực quốc tế

USTH ra đời mang theo sứ mệnh trở thành một trường đại học nghiên cứu xuất sắc, kiến tạo môi trường đào tạo và nghiên cứu chuẩn mực quốc tế cho các tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước.

Ngày 9/12/2009 cũng đánh dấu sự khởi đầu của hành trình vượt qua giới hạn của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên nhà trường - của cộng đồng USTH. Đó là quyết tâm vượt qua những khuôn mẫu thông thường, thử nghiệm một mô hình quản trị đại học hoàn toàn mới.

Tại Việt Nam, USTH nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – cơ quan nghiên cứu hàng đầu của quốc gia. Từ phía Pháp, USTH nhận được sự đồng hành của Liên minh USTH Consortium, bao gồm hơn 30 trường đại học và viện nghiên cứu uy tín hàng đầu của Pháp.

Hội đồng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, gồm 10 đại diện từ Việt Nam và 10 đại diện từ Pháp, là cơ quan quyết định cao nhất về các chính sách phát triển của Trường. Hội đồng nội trị, hội đồng khoa học - đào tạo, Ban Giám hiệu, cho đến Ban lãnh đạo các khoa, phòng, ban đều có sự song hành của các chuyên gia, nhà quản lý và các nhà khoa học từ cả Việt Nam và Pháp.

Mặc dù gặp không ít khó khăn thuở ban đầu, tuy nhiên, qua thời gian, cơ chế đồng lãnh đạo đã dần phát huy giá trị. Sự trưởng thành nhanh chóng của nhiều cán bộ, giảng viên người Việt tại USTH trong 15 năm qua chính là thành quả nổi bật từ mô hình này.

Hành trình xây dựng USTH là hành trình vượt qua nhiều chông gai, khẳng định giá trị của một tập thể với tinh thần mạnh mẽ. Chỉ hơn 9 tháng sau ngày thành lập, vào tháng 10/2010, USTH đã khai giảng khóa đầu tiên với 23 sinh viên cử nhân và 21 học viên cao học từ 2 chương trình đào tạo bậc đại học và 2 chương trình thạc sĩ. Đây là dấu mốc vô cùng ý nghĩa, khi USTH quyết tâm khai giảng khóa đầu tiên cùng với thời điểm tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. USTH – ngôi trường đại học ra đời trên đất Thăng Long – cũng mang trong mình khát vọng phát triển và hội nhập, hòa nhịp với khát vọng chuyển mình mạnh mẽ của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Đặc biệt, dù gặp không ít thiếu thốn về trụ sở và giảng đường, USTH đã được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hỗ trợ một phần cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, nhà trường nhận được sự đồng hành của các nhà khoa học uy tín, giàu kinh nghiệm từ các viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Các chuyên gia sẵn sàng đóng góp thời gian và trí tuệ cho sự phát triển của trường, giúp giải quyết bài toán thiếu hụt giảng viên và lãnh đạo học thuật.

Đồng thời, nhiều cán bộ trẻ cũng được tuyển chọn và cử đi đào tạo tại các phòng thí nghiệm ở Pháp, chuẩn bị cho đội ngũ giảng viên cơ hữu của USTH trong tương lai.

Có thể nói, USTH đã biến những khó khăn thành cơ hội để xây dựng một môi trường năng động, luôn sẵn sàng thích ứng và đổi mới sáng tạo. Từ 2 chương trình đào tạo cử nhân và 2 chương trình thạc sĩ ban đầu vào năm 2010, đến nay trường đã mở rộng với 20 chương trình đào tạo cử nhân, 6 chương trình thạc sĩ và 7 chương trình tiến sĩ. Trong đó, 3 chương trình cử nhân và 5 chương trình thạc sĩ được đào tạo cấp song bằng Việt - Pháp.

Về quy mô đào tạo, tăng từ 88 sinh viên cả ba trình độ cử nhân - thạc sĩ - tiến sĩ năm 2010 đến nay đã đạt gần 3.500 sinh viên.

gdvn_INFO.png

701 công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín

Hành trình xây dựng USTH còn là hành trình vượt qua giới hạn địa lý và khác biệt văn hóa để hướng đến giá trị xuất sắc và cống hiến.

Theo đó, mỗi năm, hơn 100 lượt giảng viên và chuyên gia từ các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc USTH Consortium và các đối tác quốc tế đã đến USTH để giảng dạy và nghiên cứu.

USTH cũng đang dần trở thành điểm đến đáng tin cậy của nhiều sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên Pháp đến trao đổi học tập 1-2 học kỳ hoặc nghiên cứu ngắn hạn từ 1-6 tháng. Ngược lại, giảng viên USTH cũng tích cực tham gia trao đổi học thuật với các đối tác tại Pháp, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á.

Đến nay, USTH đã ký kết 180 thỏa thuận hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, mở ra nhiều cơ hội trao đổi học thuật, nghiên cứu và thực tập cho cán bộ, sinh viên và giảng viên của trường. Sinh viên USTH đã đưa tên tuổi của nhà trường đến với hơn 20 quốc gia trên thế giới qua các chương trình trao đổi. Thương hiệu USTH ngày càng vững mạnh qua từng bước chân vươn mình ra thế giới, chinh phục tri thức của những con người USTH.

gdvn_12.png

Hành trình USTH còn là hành trình khoa học vượt qua giới hạn của các chuyên ngành hẹp hướng tới giải quyết những bài toán khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Nghiên cứu tại USTH đang được xây dựng với 4 trụ cột xuất sắc: Biến đổi khí hậu - Môi trường; Hóa học - Khoa học Vật liệu - Năng lượng; Công nghệ sinh học - Khoa học sức khỏe; Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo và Học máy.

Trong khuôn khổ dự án xây dựng trường từ nguồn vốn vay ADB, các phòng thí nghiệm của USTH được đầu tư bài bản, đồng bộ và hiện đại. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển năng lực nghiên cứu của trường theo hướng thực chất, bền vững.

Đáng chú ý, USTH cũng có nhiều chính sách hợp tác với các đối tác nghiên cứu lớn của Pháp như Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD), Ủy ban Năng lượng Nguyên tử và Năng lượng Thay thế (CEA)...

Hơn thế nữa, xây dựng các tập thể nghiên cứu quốc tế là một “thương hiệu” của USTH. Đến nay, USTH đã có 701 công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc hệ thống SCI, SCI-E. Trung bình khoảng 1,2 bài báo thuộc danh mục SCI & SCI-E/ giảng viên/ năm.

Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, USTH vươn lên đứng thứ 3 trong các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về năng suất công bố quốc tế chất lượng cao, tỷ lệ công bố chất lượng cao/tổng số công bố quốc tế.

USTH xây dựng môi trường học tập và rèn luyện toàn diện

Nhìn lại chặng đường 15 năm xây dựng và phát triển, có thể thấy hành trình của USTH là hành trình của những người trẻ đem nhiệt huyết của mình đóng góp phát triển xã hội.

GDVN (2).png

USTH đã không ngừng nỗ lực xây dựng môi trường học tập và rèn luyện toàn diện, nơi sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức chuyên môn vững chắc mà còn cả những kỹ năng mềm thiết yếu để trở thành công dân toàn cầu, tự tin hòa nhập và thành công trong mọi môi trường quốc tế của kỷ nguyên công nghệ 4.0.

Thông qua các hoạt động sinh viên sôi nổi của Đoàn Thanh niên; Hội sinh viên; Trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp USTH; các câu lạc bộ Thể thao, Âm nhạc, Tình nguyện, sinh viên USTH được khuyến khích thể hiện cá tính, phát huy sự sáng tạo và năng động. Đồng thời, thông qua đó, các em có thể bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và trách nhiệm với cộng đồng.

Từ cái “nôi” USTH, với tri thức và bản lĩnh, các thế hệ sinh viên không ngừng chinh phục thử thách, bứt phá mọi giới hạn để tỏa sáng, cống hiến ở nhiều vị trí và lĩnh vực khác nhau, đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của nền khoa học công nghệ Việt Nam và thế giới.

Trong hành trình gian nan ấy, tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên USTH đã cùng nhau đoàn kết và nỗ lực bền bỉ để chinh phục mọi thách thức.

GDVN (6).png

Năm 2023 đánh dấu một bước tiến quan trọng của USTH khi Trường được Hội đồng Cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) kiểm định và công nhận đạt chuẩn quốc tế về cơ sở đào tạo. Với thành tựu này, USTH trở thành trường đại học công lập trẻ nhất của Việt Nam được công nhận đạt chuẩn kiểm định cơ sở đào tạo bởi HCERES, đồng thời nằm trong danh sách 11 trường đại học Việt Nam được công nhận đạt chuẩn quốc tế bởi tổ chức kiểm định nước ngoài.

USTH – không chỉ là một trường đại học, mà còn là nơi ươm mầm cho những khát vọng vươn xa, vượt qua mọi giới hạn. Nhà trường tự hào về hành trình 15 năm đầy thử thách và sẵn sàng hướng tới tương lai để kiến tạo một USTH xuất sắc cho các thế hệ trẻ Việt Nam mai sau.

Sứ mệnh của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Khoa học - Công nghệ. Đồng thời phát triển nghiên cứu xuất sắc và đẩy mạnh chuyển giao công nghệ.

Tầm nhìn đến năm 2030, USTH là top 3 trường đại học đào tạo về khoa học công nghệ tại Việt Nam; đến năm 2045 trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực Khoa học - Công nghệ tại Đông Nam Á.

Thi Thi