Tuyển trình độ CĐ: Sẽ không còn cảnh GV ở nhà làm nông hoặc làm trái ngành

28/10/2022 06:49
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sẽ không còn cảnh giáo viên quanh quẩn ở nhà làm nông, làm trái ngành nếu nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng giáo viên cao đẳng được ban hành. 

Tại buổi làm việc với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030.

Nhiều ý kiến bày tỏ tán thành và đồng thời đưa ra một số lưu ý để giảm vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tuyển giáo viên trình độ cao đẳng sẽ đáp ứng 80% các môn còn thiếu

Trước đó, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có bài viết “Kiến nghị hạ chuẩn trình độ xuống cao đẳng đối với những môn đang thiếu giáo viên” ghi nhận những trăn trở và phương án đề xuất của thầy Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) trước thực trạng thiếu nguồn tuyển giáo viên, nhất là các môn phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 Tiếng Anh, Tin học…

Thầy Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: NVCC).

Thầy Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: NVCC).

Qua các phương tiện thông tin đại chúng được lắng nghe đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Trường Chinh cho rằng nghị quyết nếu được ban hành sẽ phù hợp, giải quyết nhiều vấn đề về đội ngũ giáo viên của thị xã nói riêng, của ngành giáo dục tỉnh Lào Cai và cả nước nói chung.

Bàn về vấn đề này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho biết, năm học 2022-2023 đã đi được nửa học kỳ I, song thị xã Sa Pa vẫn còn thiếu nhiều giáo viên.

Lý giải điều này, vị Trưởng phòng cho biết, chỉ tiêu biên chế vẫn còn nhưng công tác tuyển dụng giáo viên đợt đầu năm gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là do thay đổi chuẩn trình độ giáo viên theo Luật Giáo dục 2019.

Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên là:

“b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;”.

Với quy định này, theo thầy Chinh, nếu nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030 được ban hành và thực hiện ngay sẽ tạo ra nhiều thuận lợi.

Thứ nhất, bổ sung nguồn nhân lực giáo viên đang còn thiếu.

Đối với thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai nói riêng, việc cho phép tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sẽ giúp tận dụng sẵn nguồn nhân lực đang được đào tạo tại các trường cao đẳng sư phạm. Hay nói cách khác, là tạo đầu ra việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm hệ cao đẳng.

Thứ hai, cơ hội để sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đang làm trái ngành trở lại với nghề.

Một điểm thuận lợi là sẽ tạo cơ hội để một số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trong những năm học trước chưa đi làm được ký hợp đồng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục.

Thầy Chinh cho biết, những giáo viên được tuyển dụng này thuộc 2 đối tượng, một là sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng sư phạm của những năm học trước đến nay chưa đi dạy, làm trái ngành; hai là những sinh viên trình độ cao đẳng đang ở nhà chỉ tập trung nâng chuẩn trình độ.

Thứ ba, đáp ứng khoảng 80% các môn còn thiếu giáo viên của thị xã.

“Hiện tại, thị xã vẫn đang thiếu giáo viên. Đầu năm nay, khi thông báo tuyển dụng, đã có khoảng 20 ứng viên môn Tiếng Anh, Tin học là người địa phương nộp hồ sơ. Tuy nhiên, do bằng cấp dưới chuẩn nên không được ký hợp đồng. Nếu được tuyển giáo viên trình độ cao đẳng thì toàn thị xã Sa Pa sẽ tuyển 20 giáo viên này, để bổ sung đội ngũ còn thiếu, đảm bảo triển khai chương trình mới”, thầy Chinh cho biết.

Thầy Chinh chia sẻ thêm, trong các đợt tuyển dụng giáo viên trước đó, thị xã Sa Pa không tuyển đủ số lượng là do phần lớn những ứng viên này không đạt yêu cầu về bằng cấp theo Luật Giáo dục 2019. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên, nhất là Tiếng Anh, Tin học trong khi sinh viên tốt nghiệp sư phạm muốn đi dạy cũng không được.

"Trong số những giáo viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng không được tuyển dụng, một số ít các em đi làm công nhân, hoặc quanh quẩn ở nhà làm nông nghiệp, đồng áng, cuộc sống vất vả, một số ít chỉ tập trung học để nâng chuẩn trình độ, không tạo ra thu nhập ổn định.

Thành tích học tập của những ứng viên này cao, kỹ năng hành nghề sư phạm tốt nhưng không được tuyển dụng vì chỉ có bằng tốt nghiệp sư phạm hệ cao đẳng.

Bỏ lỡ những ứng viên này, thực sự vừa lãng phí, vừa tiếc. Trước hết là vì thị xã đang trong tình trạng thiếu giáo viên cấp bách, tiếp đến là những ứng viên này dạy môn Tin học, Tiếng Anh (là các môn thị xã đang thiếu giáo viên), có kỹ năng sư phạm tốt, nhanh nhẹn, có tiềm năng đổi mới sáng tạo và khả năng ứng dụng thành thạo công nghệ số trong quá trình giảng dạy. Có được đội ngũ giáo viên này sẽ rất tốt nhưng điều đáng buồn là các em không đủ điều kiện tuyển dụng.

Hy vọng tới đây, sẽ không còn cảnh giáo viên ở nhà, làm trái ngành nếu nghị quyết cho phép tuyển dụng giáo viên cao đẳng được ban hành”, vị Trưởng phòng kỳ vọng.

Cũng theo thầy Chinh, thời điểm Luật Giáo dục 2019 được ban hành và có hiệu lực cũng là lúc một bộ phận sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng sư phạm chưa kịp học để nâng chuẩn trình độ lên đại học.

"Trước khi Luật có hiệu lực, thị xã Sa Pa cũng tuyển được một số giáo viên trình độ cao đẳng, qua kiểm tra đánh giá, giáo viên này thể hiện được kiến thức, kỹ năng dạy học tốt.

Đơn cử, có những giáo viên dạy Ngữ văn – Lịch sử trước đây chỉ tốt nghiệp hệ cao đẳng sư phạm nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu giảng dạy. Luật thay đổi, họ chưa kịp nâng chuẩn lên đại học nên bị chậm. Để đáp ứng yêu cầu, những giáo viên này hiện đang vừa dạy, vừa tham gia đào tạo để nâng chuẩn”, thầy Chinh nói.

Linh hoạt thời gian hoàn thành nâng chuẩn với từng điều kiện vùng, miền

Trao đổi với phóng viên, thầy Chinh cho rằng, trong giai đoạn thiếu giáo viên như hiện nay, nghị quyết được ban hành thì nên triển khai càng sớm càng tốt để có giáo viên chưa đạt chuẩn bù lấp vào "khoảng trống" giáo viên.

“Nghị quyết cho phép tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng nếu được ban hành sẽ tạo cơ hội để giáo viên này vừa đi học, vừa đi làm, có thu nhập ổn định cuộc sống. Hơn nữa, khi được ký hợp đồng thì cũng tăng tính thực tiễn, kết hợp giữa việc học và đi dạy song song thì vấn đề thi tuyển sau này của các em sẽ rất thuận, có nền tảng, thành thạo”, thầy Chinh cho biết.

Một vấn đề đặt ra đó là giáo viên vừa đi học nâng chuẩn, vừa đi dạy sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến số lượng, cũng như chất lượng giờ giảng.

Song, theo thầy Chinh, thời gian đào tạo kéo dài 1-2 năm và thường vào cuối tuần, dịp hè nên không ảnh hưởng đến số giờ giảng, đảm bảo được vừa học vừa làm của những giáo viên này.

Liên quan đến việc chi trả tiền lương giáo viên, thầy Chinh cho biết: "Việc trả tiền lương giáo viên vẫn sẽ theo quy định. Theo tôi, những giáo viên trình độ cao đẳng đã đi dạy và có bằng đại học thì sẽ được miễn thời gian tập sự và được đăng ký thi tuyển biên chế để hưởng tiền lương, chế độ theo bằng cấp".

Vị trưởng phòng cũng đề ra một số lưu ý trong quá trình tuyển dụng giáo viên này (nếu có) như sau:

Một là, trong công tác tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng, cần yêu cầu giáo viên phải hoàn thành nâng trình độ lên đúng chuẩn hoặc cận chuẩn theo quy định. Điều này nhằm thực hiện đúng theo Luật Giáo dục 2019.

Hai là, gắn rõ trách nhiệm của giáo viên cao đẳng khi được tuyển dụng.

Mọi năm, các trường đại học đào tạo sư phạm đều có thông báo mở lớp học tại chức cho giáo viên mầm non và trung học cơ sở. Thị xã Sa Pa có nhiều người đăng ký học. Đặc biệt, có những giáo viên mầm non đang làm tại các cơ sở giáo dục đã đạt trình độ cao đẳng theo yêu cầu cũng tự nguyện đăng ký học. Và chỉ sau 1 năm, những giáo viên này đã có bằng đại học.

Bên cạnh cải thiện mức lương, ổn định cuộc sống, hơn hết, giáo viên phải xác định, việc nâng chuẩn là nhiệm vụ, trách nhiệm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và kỹ năng hành nghề sư phạm.

Ba là, không nên tạo sức ép thời gian đối với giáo viên.

Theo thầy Chinh, chỉ nên có văn bản hướng dẫn, khuyến khích động viên để giáo viên hệ cao đẳng sư phạm chủ động học, thực hiện nâng chuẩn chứ không nên áp đặt thời gian cụ thể khi nào phải hoàn thành nâng chuẩn trình độ.

“Giáo viên trình độ cao đẳng không phải là yếu kém về kiến thức, kỹ năng sư phạm. Bởi, bản thân giáo viên này tốt nghiệp ra trường đều đã được hội đồng chuyên môn đánh giá, đủ điều kiện đảm bảo giảng dạy (như vậy mới được tốt nghiệp).

Hơn nữa, ở các trường vùng cao, người học chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên việc các em biết đọc, biết ghép vần hay viết được bài văn miêu tả đơn giản đã là một kỳ tích, phấn khởi cho gia đình, cũng như thầy, cô giáo.

Đặc biệt, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, thị xã Sa Pa có 1 em học sinh học ở một trường nằm ở vùng sâu, vùng xa của xã Ngũ Chỉ Sơn (thuộc thị xã Sa Pa) gia đình, điều kiện học khó khăn nhưng em đã đỗ vào trường nội trú của tỉnh với số điểm rất cao (đứng thứ 2/300 học sinh toàn tỉnh thi vào).

Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của em học sinh, bản thân nhà giáo không chỉ dạy bằng năng lực mà còn bằng cả tấm lòng, tâm huyết, sự kiên trì.

Không áp quy định giáo viên cao đẳng phải có bằng đại học ngay là để tránh tạo thêm sức ép, áp lực cho giáo viên, nhất là những giáo viên đang công tác tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn.

Song, thời gian từ nay đến 2030 được coi là thước đo, quy chuẩn chung, phù hợp để đội ngũ giáo viên hoàn thành nhiệm vụ nâng trình độ đào tạo theo đúng luật quy định”, thầy Chinh chia sẻ.

Có thể thấy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030 được đánh giá là phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Ngọc Mai