Được thành lập từ ngày 24/4/2018 với hơn 20 thành viên trong thời gian đầu, đến nay, Câu lạc bộ Các trường cao đẳng Y Dược thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng khi có gần 100 thành viên với nhiều hoạt động tích cực được diễn ra thường xuyên.
Theo chia sẻ từ lãnh đạo một số trường cao đẳng y, dược, Câu lạc bộ các trường cao đẳng Y Dược nói riêng và Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nói chung đã tác động rất lớn đến sự phát triển của mỗi nhà trường trong hơn 6 năm qua. Nhờ đó, các trường cao đẳng y, dược trực thuộc câu lạc bộ được phát triển đúng hướng, phù hợp với chiến lược và xu thế phát triển của xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động ở cả trong và ngoài nước.
Nhiều khó khăn trong tuyển sinh, đào tạo nhân lực y tế được khắc phục
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Văn Tân – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường cao đẳng Y Dược bày tỏ, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam là cầu nối giúp các thành viên câu lạc bộ gắn kết để trao đổi về chuyên môn, học thuật nhằm mục tiêu chung là phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp về khối ngành sức khỏe.
Thông tin về những hoạt động của câu lạc bộ, thầy Tân cho hay, từ khi thành lập đến nay, hàng năm câu lạc bộ đều tổ chức định kỳ từ 2-3 hội nghị, hội thảo khoa học, tọa đàm. Đặc biệt là khi các Bộ, ban ngành có liên quan công bố những văn bản, dự thảo mới, ngành nghề mới, …để lấy ý kiến đóng góp.
Hơn nữa, câu lạc bộ cũng thường xuyên tổ chức những khóa tập huấn, hội thảo trực tuyến để các trường cùng nhau học tập, trao đổi, chia sẻ và đóng góp kinh nghiệm.
Chính nhờ sự hoạt động sôi nổi ấy đã giúp cho Câu lạc bộ Các trường cao đẳng Y Dược ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, Câu lạc bộ có gần 100 thành viên là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo khối ngành sức khỏe trên cả nước. Hơn nữa, các trường đều nhiệt tình tham gia tích cực các hoạt động của câu lạc bộ.
Qua những hội thảo, tọa đàm ý nghĩa và thiết thực, thông qua Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, câu lạc bộ đã có nhiều góp ý về chính sách, góp phần làm thay đổi tích cực hoạt động đào tạo, tuyển sinh của các trường cao đẳng y, dược.
Đơn cử, đề xuất về việc cần quan tâm đến công tác đào tạo nhân lực y tế trình độ trung cấp, cao đẳng; khắc phục tình trạng một số trường cao đẳng y dược trực thuộc Sở Y tế được chuyển về trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố theo đúng quy định hiện hành.
Ngoài ra, nhờ có hoạt động của câu lạc bộ cũng giúp các trường cao đẳng y dược chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển được tốt hơn như vấn đề về tự chủ trong đào tạo nhân lực y tế, liên kết với các đối tác nước ngoài giúp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể học tập và làm việc ở nước ngoài, thuận lợi thực hiện công tác kết nối thư viện số giữa trường đại học với các trường cao đẳng y dược, …; Đồng thời, các trường cũng chia sẻ với nhau về giáo trình, phương pháp giảng dạy trong công tác đào tạo.
Với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường cao đẳng Y Dược, thầy Tân khẳng định: “Có thể nói, câu lạc bộ khá thành công khi có được sự gắn kết giữa các thành viên để cùng nhau phát triển và tồn tại, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng đội ngũ nhân lực y tế cho thị trường lao động trong và ngoài nước. Sự thành công ấy cũng được thể hiện thông qua việc câu lạc bộ nhận được sự ghi nhận từ phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam”.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, theo thầy Tân, đào tạo nhân lực y tế là đào tạo những ngành nghề đặc thù nhưng việc tự chủ về chi đầu tư của các trường còn hạn chế. Trong khi, xã hội đang rất thiếu nguồn nhân lực y tế nhưng chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này chưa được cao, xu hướng phổ cập hóa đại học gia tăng, … Những lý do này dẫn đến tình trạng số người học các ngành nghề về sức khỏe trình độ trung cấp, cao đẳng ngày càng hạn chế.
Chính vì vậy, câu lạc bộ mong muốn Hiệp hội ngày càng quan tâm sâu sát để từ đó có đề xuất giải pháp nhằm gỡ khó cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nhân lực y tế nhằm đáp ứng được với nhu cầu của xã hội đang ngày càng gia tăng cả số lượng và chất lượng hiện nay.
“Cầu nối” để các trường cao đẳng y dược cùng nhau phát triển
Là một trong những thành viên của Câu lạc bộ Các trường cao đẳng Y Dược, thầy Lê Tấn Cường – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu nhận định, từ khi là thành viên của câu lạc bộ đã giúp nhà trường có nhiều thay đổi tích cực trong thời gian qua đặc biệt giúp tăng cường hoạt động truyền thông, cập nhật được nhiều thông tin liên quan.
Thầy Cường thông tin, câu lạc bộ là cầu nối để các trường cao đẳng y dược dễ dàng tương tác, trao đổi thông tin với nhau. Trên thực tế, mỗi trường cao đẳng y tế thường nằm ở mỗi địa phương khác nhau, do đó việc gặp gỡ trực tiếp giữa tất cả các trường là khá khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có hoạt động, trao đổi của câu lạc bộ trên những nền tảng mạng xã hội đã giúp cho các trường dễ tiếp cận thông tin chính xác, đầy đủ, cần thiết để bổ sung cho hoạt động của đơn vị mà lại tiết kiệm được chi phí.
Hơn nữa, hầu hết các trường cao đẳng y dược thuộc câu lạc bộ đều trao đổi thông tin trên tinh thần cùng nhau xây dựng, hỗ trợ, để cùng phát triển. Bởi, mục đích cuối cùng của các trường là giúp cho hệ thống y tế của nước ta phát triển, thực hiện được sứ mệnh cao cả phục vụ, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Cũng theo thầy Cường, việc tham gia câu lạc bộ giúp nhà trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh tốt hơn bởi có nhiều thông tin, học hỏi kinh nghiệm của những trường khác.
Có thể thấy, đối với mỗi cơ sở giáo dục, công tác tuyển sinh là khâu rất quan trọng trong quy trình hoạt động. Chính vì vậy, nếu không có kế hoạch tuyển sinh phù hợp, quy trình hoạt động bị ảnh hưởng, các trường sẽ rất khó phát triển.
Trên thực tế, mặc dù gần như mỗi tỉnh chỉ có một trường cao đẳng y dược nhưng không phải trường nào cũng đạt được chỉ tiêu, mục tiêu tuyển sinh.
Công tác đào tạo, tuyển sinh, đầu ra của nhà trường nói riêng và một số trường cao đẳng y dược khác đang còn những tồn tại, hạn chế do chưa tư vấn hướng nghiệp một cách đầy đủ, xã hội ít nắm được thông tin về nghề nghiệp (Điều dưỡng, Hộ sinh, Y sỹ, Kỹ thuật viên y tế, …). Do đó sự quan tâm của người học còn hạn chế, chất lượng đầu ra chưa cao, công tác tổ chức đào tạo chưa tốt.
Không những vậy, việc thực hiện các quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp hiện nay tại một số trường còn chưa đầy đủ. Ngoài ra, tính chất công việc vất vả nhưng chế độ, thu nhập chưa cao cũng khiến nhiều người không khỏi băn khoăn khi lựa chọn vào học khối ngành sức khỏe tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Vậy nên, việc tham gia câu lạc bộ đã giúp cho nhà trường thay đổi chính mình và mở rộng được định hướng đào tạo của mình để đáp ứng nhu cầu xã hội nhìn từ kinh nghiệm của trường bạn.
Tạo nên một cộng đồng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của xã hội
Cũng theo thầy Cường, việc có Câu lạc bộ Các trường cao đẳng Y Dược đã mang “đậm” tính nhân văn và ý nghĩa đối với các trường cao đẳng y dược vì có nhiều thông tin hữu ích, góp ý xây dựng và phát triển hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với các trường đào tạo khối ngành sức khỏe. Qua đó, tạo sân chơi, môi trường năng động, tích cực cho mỗi cơ sở đào tạo. Vậy nên, hầu hết các trường cao đẳng y dược trên cả nước đều muốn tham gia vào Câu lạc bộ.
Đồng thời, Câu lạc bộ cũng tạo nên một cộng đồng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội trong và ngoài nước, góp phần thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước, đặc biệt là quán triệt quan điểm “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt” tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Nhờ vậy, việc học tập cách làm và mô hình của các trường đã góp phần giải quyết các tồn tại về tổ chức và nguồn lực, cùng nhau khắc phục khó khăn để phát triển theo xu hướng chung.
Mặt khác, thầy Cường khẳng định, vai trò của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khối ngành sức khỏe hiện nay là rất quan trọng, không thể thiếu ở mỗi địa phương. Bởi, trong bối cảnh hiện nay, khi điều kiện kinh tế ngày càng tốt hơn trước kia, nhu nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng gia tăng, được người dân đề cao hơn so với trước kia.
Trên thực tế, chỉ tính riêng nhu cầu chăm sóc sức khỏe thiết yếu trong nhiều bệnh viện hiện nay còn đang thiếu nhiều nhân lực y tế chứ chưa tính đến việc chăm sóc sức khỏe toàn diện. Có thể nói, chúng ta đang trong giai đoạn khủng hoảng về nhân lực y tế khi nhiều địa phương trên cả nước hiện nay đang thiếu trầm trọng đội ngũ này.
Chính vì vậy, mỗi trường cao đẳng y tế đều có sứ mệnh rất quan trọng trong việc đào tạo, đáp ứng kịp thời số lượng và chất lượng nhân lực y tế cho địa phương mình nói riêng và cả nước nói chung.
Thầy Cường thông tin, hiện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay đang thiếu 1500 giường bệnh và theo lộ trình đến năm 2030 tỉnh sẽ cố gắng có đủ số lượng trên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc từ nay đến năm 2030, Trường Cao đẳng Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu phải đào tạo được ít nhất 1000 nhân viên y tế để đáp ứng số giường bệnh tăng thêm.
Do đó, thầy Cường cũng mong rằng, các trường cao đẳng y dược trong câu lạc bộ tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để các trường có thể tăng được số lượng tuyển sinh, đào tạo kịp thời, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
“Chỉ khi tất cả các trường cao đẳng y tế phát triển đồng bộ thì mới hy vọng đáp ứng được nguồn nhân lực y tế tại địa phương, và tiến tới lao động tại nước ngoài. Để làm được việc này, mỗi nhà trường trong câu lạc bộ cần có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển bền vững. Từ đó, đào tạo ra những nhân viên y tế có ích cho xã hội, đúng với phẩm chất cao quý của người thầy thuốc là ‘lương y như từ mẫu’”, thầy Cường khẳng định.