TT 08 yêu cầu kê thông tin GV một đằng, đề án của Đại học Thăng Long kê một kiểu

23/07/2024 06:23
Thanh Thúy
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Thăng Long có một số nội dung không được công khai theo đúng quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

Trên website thông tin về sứ mạng của trường như sau: "Trường Đại học Thăng Long là cơ sở đào tạo đa ngành, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ theo định hướng ứng dụng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước”.

Hiện, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Đăng là Quyền Hiệu trưởng nhà trường.

Theo tìm hiểu, ngày 28/06/2024, Trường Đại học Thăng Long công bố đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 trên trang thông tin điện tử của nhà trường.

Từ thông tin tại đề án, được biết năm 2024 Trường Đại học Thăng Long tuyển sinh 5 theo phương thức:

Phương thức 1: Xét tuyển dựa theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024

Phương thức 2: Xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 với chứng chỉ quốc tế

Phương thức 3: Xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hoặc kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức

Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông

Phương thức 5: Xét tuyển kết hợp kết quả học tập cấp trung học phổ thông với điểm thi năng khiếu

Điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất chưa được kê khai chi tiết theo quy định

Qua tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, các nội dung công khai tại Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Thăng Long nhìn chung đã thực hiện theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, trong đề án vẫn còn một số thông tin chưa được công khai theo quy định của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

Cụ thể, tại mục 8.2 tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có quy định mẫu về bảng thống kê điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất. Trong đó có các đầu mục như: Lĩnh vực/Ngành/Nhóm ngành/tổ hợp xét tuyển; Phương thức xét tuyển; thống kê về chỉ tiêu, số nhập học, điểm trúng tuyển trong 2 năm gần nhất.

Mục 8.2 của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định về thống kê điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất trong đề án tuyển sinh. Ảnh chụp màn hình.
Mục 8.2 của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định về thống kê điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất trong đề án tuyển sinh. Ảnh chụp màn hình.

Năm 2022 nhà trường xét tuyển theo các phương thức: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển theo kết hợp kết quả kỳ thi trung học phổ thông với kết quả thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức; Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; Xét tuyển theo kết quả học tập trong học bạ và kết hợp thi môn năng khiếu; Xét tuyển dựa trên kết quả học tập môn Toán ở trung học phổ thông; Xét tuyển dựa trên thành tích về nghệ thuật, thể thao.

Đến năm 2023, nhà trường không xét tuyển theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập môn Toán ở trung học phổ thông và xét tuyển dựa trên thành tích về nghệ thuật, thể thao mà xét tuyển bằng phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kết hợp thi môn năng khiếu. Còn các phương thức khác vẫn giữ nguyên.

Tuy nhiên, đối chiếu với bảng kê điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất được kê khai trong đề án tuyển sinh cho thấy, Trường Đại học Thăng Long chỉ kê khai thông tin về chỉ tiêu, số nhập học, điểm trúng của từng chuyên ngành, từng tổ hợp theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Các thông tin về số thí sinh nhập học của từng phương thức và điểm chuẩn của các phương thức còn lại không được nhà trường kê khai chi tiết.

Thông tin điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất của Trường Đại học Thăng Long. Ảnh chụp từ đề án tuyển sinh năm 2024.
Thông tin điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất của Trường Đại học Thăng Long. Ảnh chụp từ đề án tuyển sinh năm 2024.

Chưa kê khai diện tích sàn trên một sinh viên chính quy

Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu, theo thông tin tại đề án tuyển sinh, tổng diện tích đất của trường là 20.372m2.

Quy định kê khai thông tin về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu được nêu tại Biểu mẫu 03, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Ảnh: Chụp màn hình
Quy định kê khai thông tin về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu được nêu tại Biểu mẫu 03, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Ảnh: Chụp màn hình

Ngoài tổng diện tích đất, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT yêu cầu cơ sở đào tạo phải kê khai “diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy", tuy nhiên thông tin này không được đề cập tại phần kê khai của Trường Đại học Thăng Long.

Thông tin cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu của Trường Đại học Thăng Long. Ảnh chụp màn hình
Thông tin cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu của Trường Đại học Thăng Long. Ảnh chụp màn hình

Tiêu chí 3.1 tại Tiêu chuẩn 3 của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT Chuẩn cơ sở giáo dục đại học nêu rõ: “Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m2;

Diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 2,8m2; ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt.

Kê khai thông tin về giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng không đầy đủ

Tại mục 10 về Điều kiện bảo đảm chất lượng (Mẫu số 03), Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT yêu cầu dẫn Đường link công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên khi đối chiếu với đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Thăng Long, nhà trường không kê khai theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT mà dẫn đường link của ba công khai.

Đường link công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng trên trang thông tin điện tử của CSĐT được kê khai tại đề án của Trường Đại học Thăng Long. Ảnh: Chụp màn hình
Đường link công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng trên trang thông tin điện tử của CSĐT được kê khai tại đề án của Trường Đại học Thăng Long. Ảnh: Chụp màn hình
Các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2024 của Trường Đại học Thăng Long được dẫn link trong ba công khai. Ảnh: Chụp màn hình
Các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2024 của Trường Đại học Thăng Long được dẫn link trong ba công khai. Ảnh: Chụp màn hình

Tại mục 10.3, chương I về danh sách giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, theo quy định tại biểu mẫu số 03: Báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT yêu cầu thông tin giảng viên toàn thời gian phải được kê khai đầy đủ các nội dung từ họ tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn, chuyên môn đào tạo và tên ngành tham gia giảng dạy, cụ thể như sau:

Mẫu kê khai danh sách giảng viên toàn thời gian theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Ảnh chụp màn hình
Mẫu kê khai danh sách giảng viên toàn thời gian theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Ảnh chụp màn hình

Khi truy cập và đối chiếu với đường link công khai về các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2024 của Trường Đại học Thăng Long cho thấy, các thông tin về họ và tên, chức danh khoa học, trình độ đào tạo đều được kê khai. Tuy nhiên thông tin về chuyên môn đào tạo của giảng viên toàn thời gian lại không được kê khai theo yêu cầu tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

Thông tin giảng viên toàn thời gian của Trường Đại học Thăng Long. Ảnh chụp màn hình
Thông tin giảng viên toàn thời gian của Trường Đại học Thăng Long. Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh đó, theo báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT yêu cầu thông tin về giảng viên thỉnh giảng ngoài những mục như đối với giảng viên toàn thời gian thì phải kê khai thông tin về cơ quan công tác, cụ thể theo mẫu sau:

Mẫu kê khai danh sách giảng viên thỉnh giảng theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Ảnh chụp màn hình
Mẫu kê khai danh sách giảng viên thỉnh giảng theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Ảnh chụp màn hình

Khi đối sánh với kê khai của Trường Đại học Thăng Long cho thấy chuyên môn đào tạo của từng giảng viên thỉnh giảng cũng như cơ quan công tác đều không có.

Thông tin giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy và tính chỉ tiêu tuyển sinh được Trường Đại Thăng Long. Ảnh chụp màn hình
Thông tin giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy và tính chỉ tiêu tuyển sinh được Trường Đại Thăng Long. Ảnh chụp màn hình

Cũng qua báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng tại Đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Thăng Long cho thấy, về quy mô đào tạo hình thức chính quy tính đến ngày 31/12/2023 như sau:

Đào tạo trình độ tiến sĩ có 2 người học; đào tạo trình độ thạc sĩ có 490 người học

Đối với quy mô đào tạo của đại học chính quy có 11180 sinh viên

Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy quy mô đào tạo đại học vừa làm vừa học của trường là 110 sinh viên.

Cũng theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của trường, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường năm 2023 là 335 tỷ đồng (dự tính)

Tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của năm 2023 là 30 triệu đồng (dự tính)

Theo đề án tuyển sinh, học phí đại học chính quy năm 2024-2025 theo ngành/chương trình học năm 2024 khoảng từ 27 triệu đồng đến 45 triệu đồng/năm học.

Lộ trình tăng học phí tối đa 15% cho từng năm và thực hiện theo Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 27/08/2021 của Chính phủ.

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Mục 2 của Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ:

"Điều 8. Vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành;..."

Thanh Thúy