Hàng chục học viên từ các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung lặn lội vào Đà Nẵng đi học suốt hơn một năm qua với chi phí lên đến cả trăm triệu đồng/người nhưng đành chịu “mất trắng”, rút hồ sơ ra về.
1.000 euro “phí chuyển giao công nghệ” là gì?
Những ngày qua, nhiều phụ huynh, học viên của lớp tiếng Đức trường Cao đẳng nghề Nguyễn Văn Trỗi (số 69 đường Đoàn Hữu Trưng, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã có đơn kiến nghị gửi đến cơ quan chức năng.
Theo đó, đề nghị nhà trường làm rõ khoản thu 1.000 euro mà các học viên này phải nộp với lý do là "phí chuyển giao công nghệ" là gì?
Nhiều phụ huynh, học viên lớp tiếng Đức muốn được nhận lại khoản phí 1.000 euro đã đóng. Ảnh: An Nguyên |
Học viên Nguyễn Thị Hải Lâm (quê Quảng Ninh, Quảng Bình) cho biết, sau khi tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng, trong thời gian chờ xin việc thì có người giới thiệu về khóa “tu nghiệp sinh đi đào tạo và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức”.
"Không thể cứ đào tạo trên trời, sau đó người ta đi dưới đất, đi đâu thì đi" |
Chương trình này được giới thiệu là có sự phối hợp giữa Hiệp hội hỗ trợ dạy nghề (BFW) của Đức với Trường Cao đẳng nghề Nguyễn Văn Trỗi.
Từ những thông tin trên tờ rơi này, tháng 9/2015, Lâm vào Trường nghề đăng ký học.
“Ngoài các khoản học phí 25 triệu đồng/khóa, tiền thi tiếng, tiền nộp lúc mới vào.
Đến tháng 1/2016, các học viên nhận được thông báo phải nộp khoản tiền là 1.000 euro với nội dung: đóng tiền hợp đồng. Lúc đó, chúng tôi không hiểu tiền hợp đồng là như thế nào?
Nhưng cô Hường (ban đào tạo của Trường) nói là nếu không nộp thì sẽ không có hợp đồng và sẽ không đi được.
Lúc đó, học viên phải tự chịu trách nhiệm. Do đó, các học viên phải nộp khoản tiền này đầy đủ” Lâm cho biết.
Nhiều học viên khác cùng khóa với Lâm cũng búc xúc vì họ chưa đủ điều kiện để sang Đức (buộc phải có chứng chỉ B1 tiếng Đức), tại sao nhà trường vẫn bắt buộc đóng tiền hợp đồng.
“Sau này tìm hiểu, chúng tôi mới biết số tiền 1.000 euro ấy là khoản chi phí phải bỏ ra để làm lệ phí cho học viên được ký hợp đồng với công ty đối tác tại Đức (sau này học viên sẽ theo học và thực hành tại công ty đó).
Nhưng điều này cũng hết sức vô lý vì học viên chưa hoàn thành khóa học, chưa được cấp visa thì sao lại làm hợp đồng trước” một phụ huynh lớp tiếng Đức trình bày.
Trong khi cô Hường thông báo với con chúng tôi đó là tiền hợp đồng và phí hồ sơ. Nhưng trong hóa đơn thu lệ phí lại ghi là: “tiền chuyển giao công nghệ”.
“Lúc này, các học viên có hỏi về vấn đề tại sao lại ghi là: “tiền chuyển giao công nghệ” thì nhận lại sự giải thích không rõ ràng.
Nay chúng tôi là những phụ huynh ở xa, đã cất công đến nhà trường để giải quyết và yêu cầu được gặp cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Nhạn nhưng không gặp.
Khi gặp cô Hường để giải quyết thì cô bỏ ra ngoài, không quay lại nữa, gọi điện thoại thì không nghe máy” ông Hoàng Công Khoa (phụ huynh học viên tiếng Đức) bức xúc.
Cũng như ông Khoa, nhiều phụ huynh khác cũng cho rằng, khoản thu làm hợp đồng hay là “phí chuyển giao công nghệ” lên đến 1.000 euro là quá cao và vô lý.
Do đó, cần làm rõ những khuất tất về khoản thu này và học viên mong muốn nhận lại số tiền đó.
"1.000 euro là chi phí hồ sơ..."
Chiều ngày 22/2, chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với cô Nhạn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Nguyễn Văn Trỗi nhưng không thành công.
Trường Cao đẳng nghề Nguyễn Văn Trỗi cần làm việc lại với phụ huynh, học viên để giải thích rõ các khoản thu và những kiến nghị của học viên. Ảnh: An Nguyên |
Khi đến phòng hành chính, chúng tôi gặp bà Hường cùng nhiều nhân viên đang làm việc tại đây. Phóng viên đặt vấn đề được làm việc với ban giám hiệu nhưng bà Hường cho biết, lãnh đạo đã đi họp, đi công tác...
Khi được hỏi về khoản tiền 1.000 euro mà các học viên lớp tiếng Đức phải nộp là tiền gì thì bà Hường nói là các học viên biết hết rồi, tại sao họ không biết được?
Bà Hường giải thích: “Nó bao gồm rất nhiều khoản trong đó như: các chi phí giáo dục định hướng, chí phí hồ sơ, hợp đồng đào tạo...”.
Lý giải về nhiều trường hợp học viên chưa có bằng B1 tiếng Đức nhưng nhà trường vẫn cho nộp hồ sơ vào Lãnh sứ quán Đức tại TP.HCM để xin visa đi, bà Hường nói: “Quy định là các em phải có đủ bằng B1 tiếng Đức. Nhưng nếu em nào muốn nộp để tăng thêm cơ hội được cấp visa thì cứ vào nộp. Các em nộp rồi thi bổ sung sau”.
Bà Hường cũng phủ nhận việc nhà trường “ngâm” hồ sơ, không thông báo cho học viên biết việc họ trượt phỏng vấn, bị Lãnh sứ quán Đức trả hồ sơ.
Tốn cả ngàn euro vẫn chưa thể “xuất ngoại”
Quyết định rút hồ sơ mang về sau hơn một năm học tiếng và bỏ ra chi phí gần cả trăm triệu đồng để có cơ hội “xuất ngoại”, học viên Nguyễn Xuân Hưng thở dài ngao ngán.
Nhân lực điều dưỡng đang bị bỏ ngỏ, sinh viên học xong đắt hàng |
“Ban đầu, dự kiến học chỉ từ 6-9 tháng là có thể làm thủ tục visa sang Đức. Tuy nhiên, đã hơn một năm mà nhiều bạn như em chưa học xong.
Lý do là vì chưa hoàn thành việc học tiếng Đức, một phần vì các thủ tục, giấy tờ quá khó khăn mà chi phí thì ngày càng tăng lên”.
Hưng cũng chia sẻ thêm, do tin tưởng vào thông tin “quảng cáo” nên nhiều bạn nghĩ việc đi học để sang Cộng hòa Liên bang Đức nâng cao tay nghề và làm việc khá đơn giản, dễ dàng.
“Lúc mới vào học, cứ nghĩ mình đã có sẵn tay nghề, chỉ cần học thêm vài tháng là có thể đi. Nhưng nộp vào trường một khoản tiền lớn mà hy vọng được cấp visa cứ tắt dần” Hưng chia sẻ.
Cũng như Hưng, Lâm và nhiều học viên khác, họ thừa nhận sai lầm khi không tìm hiểu kỹ càng về chương trình đào tạo, hợp tác để rồi giờ “tiền mất, tật mang”.
“Tụi em cũng không hy vọng sẽ nhận lại hết số tiền mà chỉ mong cảnh tỉnh cho các bạn đi sau, tránh lặp lại tình cảnh như chúng em.
Khóa tụi em có hơn 50 người mà số học viên xin được visa chỉ đếm đầu ngón tay” Hưng nói.