Ngày 27/1, tại Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) đã diễn ra hội thảo: “Vai trò của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong trường đại học” với sự tham gia của đại diện Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ);
Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia và đại diện các doanh nghiệp liên kết cùng các chuyên gia khoa học và công nghệ Viện nghiên cứu Đại học Đông Á.
Các chuyên gia chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp trong trường Đại học. Ảnh: AN |
Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ, một trong những định hướng trong đề án 844 về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia là tạo ra một mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia.
Trong đó, hạt nhân chính là những trường đại học dẫn dắt trong hệ sinh thái. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học không chỉ tạo động lực cho sinh viên mà còn có thể trở thành một “điểm đến” của các trường đại học trong nền kinh tế chia sẻ.
“Nhà trường trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết và những trải nghiệm cần thiết cho sinh viên.
Nhưng không đòi hỏi chỉ số quá cao về số lượng start up mà là khởi tạo tâm thế, tư duy khởi nghiệp và tinh thần doanh nhân, giúp sinh viên sáng tạo những dự án giải quyết các vấn đề tạo ra sự tác động đối với xã hội.
Đồng thời, tạo lập môi trường liên kết trao đổi sinh viên giữa các trường để sinh viên có thể tham gia vào các dự án khởi nghiệp ở trường khác hoặc ở khu vực tư nhân đang có.
Hoặc mời các start up tham gia không gian làm việc của mình để làm quen, trải nghiệm và dần dần phát triển các dự án”, ông Quất nói.
Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chuyên gia về khởi nghiệp, các nhà nghiên cứu đã đặt ra những thách thức cũng như cơ hội để vượt qua khó khăn nhằm có một start up thành công.
Theo thầy Lương Minh Sâm – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đông Á thì chuỗi hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp sẽ giúp các bạn sinh viên có được những góc nhìn mới, rõ ràng hơn về khởi nghiệp.
Đặc biệt là tư duy khởi nghiệp dựa trên thế mạnh công nghệ 4.0 cũng như linh hoạt để vượt lên những ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.
“Sinh viên bất cứ ngành nào cũng có thể khởi nghiệp được, do đó đều cần nắm rõ các kiến thức về thị trường, chiến lược kinh doanh, phát triển sản phẩm, khách hàng, xây dựng thương hiệu, thủ tục thành lập doanh nghiệp…
Qua đó thúc đẩy các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng và khởi nghiệp có tiềm năng thương mại hoá ngay từ các dự án của sinh viên trên giảng đường”, thầy Sâm chia sẻ thêm.
Cũng theo thầy Sâm, thì nhà trường hướng mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sinh viên, tạo đột phá trong hỗ trợ khởi nghiệp với 6 chương trình gồm:
Đưa vào giảng dạy chương trình đào tạo về khởi nghiệp; tổ chức các sân chơi ý tưởng sinh viên; Tạo nguồn quỹ hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp;
Hình thành không gian đổi mới sáng tạo sinh viên; kết nối thông tin đổi mới sáng tạo Đại học Đông Á vào mạng lưới các hoạt động đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia.
Cũng như thành lập Ban tư vấn thường trực hỗ trợ khởi nghiệp. Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của trường cũng dành 2 tỷ đồng thúc đẩy các dự án khởi nghiệp trong giảng viên và sinh viên năm 2021.
Tại cuộc thi sinh viên với ý tưởng đổi mới sáng tạo khởi nghiệp là hoạt động mở đầu, thu hút gần 30 dự án ứng dụng từ sinh viên các ngành đăng ký dự thi chỉ trong ngày đầu phát động.
Trải qua 3 vòng thi, các dự án sẽ hoàn thiện dần để bước vào vòng chung kết cuộc thi diễn ra từ 24/3 đến 15/4 tại Đại học Đông Á.