Trung Quốc không thể tấn công tàu chiến Nhật Bản ở vùng biển quốc tế

10/11/2013 10:04
Đông Bình
(GDVN) - Ở góc độ luật pháp quốc tế, Trung Quốc không thể nổ súng bắn tàu chiến, máy bay Nhật Bản trong vùng biển quốc tế, nhưng có thể dùng biện pháp khác.
Hạm đội Bắc Hải đến Tây Thái Bình Dương diễn tập biển xa (ảnh tư liệu)
Hạm đội Bắc Hải đến Tây Thái Bình Dương diễn tập biển xa (ảnh tư liệu)


Nhật Bản: Không hiểu tại sao Trung Quốc lại phản đối

Tờ "Tuần san tin tức Trung Quốc" ngày 5 tháng 11 có bài viết cho rằng, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành diễn tập ở Tây Thái Bình Dương từ ngày 24 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11 năm 2013. Trong thời gian diễn tập, Nhật Bản đã điều tàu chiến và máy bay trinh sát xông vào khu vực diễn tập của Trung Quốc, tiến hành theo dõi, trinh sát 3 ngày đối với hoạt động diễn tập quân sự của Hải quân Trung Quốc.

Về vấn đề này, ngày 31 tháng 10, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng phê phán Nhật Bản và cảnh báo, mọi hậu quả xảy ra sẽ do Nhật Bản gánh chịu, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện quyền lợi của họ.

Đối với sự phản đối của phía Trung Quốc, sáng ngày 1 tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói trong một cuộc họp báo, cho rằng: "Căn cứ vào luật pháp quốc tế, tiến hành cảnh giới, theo dõi thông thường không có bất cứ vấn đề gì", "hoàn toàn không hiểu được Trung Quốc tại sao lại phản đối Nhật Bản gây trở ngại cho Trung Quốc tổ chức diễn tập quân sự ở Tây Thái Bình Dương", đồng thời cho biết, Nhật Bản "tăng cường theo dõi và cảnh giới dựa vào luật pháp quốc tế".

Phó Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cũng nhấn mạnh, Nhật Bản "không có bất cứ hành vi nguy hiểm nào gây trở ngại cho diễn tập quân sự", cho biết sẽ tiếp tục theo dõi các động thái của Quân đội Trung Quốc.

Tàu khu trục Ikazuchi, số hiệu 107, lớp Harusame, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản vừa tiến hành do thám hoạt động diễn tập "Cơ động-5" của 3 hạm đội lớn Hải quân Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.
Tàu khu trục Ikazuchi, số hiệu 107, lớp Harusame, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản vừa tiến hành do thám hoạt động diễn tập "Cơ động-5" của 3 hạm đội lớn Hải quân Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.

Đối với vấn đề này, có chuyên gia quân sự cho rằng, đối với hành vi "xông vào khu vực diễn tập" của Nhật Bản mà báo chí Trung Quốc tuyên truyền, Trung Quốc có quyền tiến hành các biện pháp như cảnh cáo, cảnh cáo nghiêm túc, bắn cảnh báo, thậm chí xua đuổi bằng vũ lực, Trung Quốc thực hiện “tiên lễ hậu binh” (ngoại giao trước, vũ lực sau), lần sau sẽ “không khách khí” nữa; căn cứ vào nguyên tắc “đối đẳng”, trong tương lai nếu Nhật Bản hoặc Nhật-Mỹ tiến hành diễn tập quân sự, Trung Quốc cũng có thể “xông vào” khu vực diễn tập của họ để trinh sát, theo dõi, lấy “gậy ông đập lưng ông”.

Trung Quốc không thể nổ súng đáp trả Nhật ở vùng biển quốc tế

Theo bài báo, Hải quân Trung Quốc lần này tổ chức diễn tập quân sự ở vùng biển quốc tế là "hợp lý, hợp pháp". Ông Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, gần đây Nhật Bản một mặt liên tiếp tạo ra "bầu không khí chiến tranh", "chỉ trích vô cớ các hoạt động của Quân đội Trung Quốc", mặt khác Nhật Bản lại không thể không thừa nhận, những hoạt động này của Quân đội Trung Quốc hoàn toàn không vi phạm luật pháp quốc tế.

Trong thời gian Hải quân Trung Quốc tổ chức diễn tập ở vùng biển quốc tế Tây Thái Bình Dương, bất chấp sự cảnh báo, Nhật Bản vẫn cho tàu chiến, máy bay xâm nhập "khu vực diễn tập" để tiến hành theo dõi, trinh sát ở mức cao. Hành động này buộc Hải quân Trung Quốc phải điều chỉnh các khoa mục và tiến trình diễn tập, làm cho kế hoạch diễn tập bị gây phiền phức nghiêm trọng.

Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra cảnh cáo, đòi tàu chiến, máy bay Nhật Bản rút khỏi khu vực diễn tập, đồng thời thông qua con đường ngoại giao chỉ trích, giao thiệp với Nhật Bản, nhưng đều không đạt kết quả gì.

Tàu khu trục Ikazuchi Nhật Bản dài 151 m, rộng 17,4 m, mớn nước 5,2 m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 4.400 tấn, lượng giãn nước đầy 5.100 tấn. Tàu Ikazuchi là tàu khu trục tên lửa đa năng có năng lực tác chiến tổng hợp rất mạnh, lấy săn ngầm làm chính. Tàu Ikazuchi có thể dùng để săn ngầm và tấn công tàu chiến mặt nước, có khả năng phòng thủ nhất định đối với các mối đe dọa trên không; mức độ tự động hóa rất cao, biên chế 170 người.
Tàu khu trục Ikazuchi Nhật Bản dài 151 m, rộng 17,4 m, mớn nước 5,2 m, lượng giãn nước tiêu chuẩn 4.400 tấn, lượng giãn nước đầy 5.100 tấn. Tàu Ikazuchi là tàu khu trục tên lửa đa năng có năng lực tác chiến tổng hợp rất mạnh, lấy săn ngầm làm chính. Tàu Ikazuchi có thể dùng để săn ngầm và tấn công tàu chiến mặt nước, có khả năng phòng thủ nhất định đối với các mối đe dọa trên không; mức độ tự động hóa rất cao, biên chế 170 người.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, nếu tàu chiến, máy bay quân sự nước ngoài xâm nhập lãnh hải, bất kể có tổ chức diễn tập quân sự hay không, đều là xâm lược, trong tình hình này có thể tiến hành đáp trả, hợp lý, hợp pháp.

Nhưng, nếu ở vùng biển quốc tế, thì lại được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế. Vùng biển quốc tế không thuộc bất cứ nước nào, mỗi nước đều có quyền sử dụng. Trung Quốc diễn tập ở vùng biển quốc tế, nước khác xông vào để theo dõi, quan sát, thì nước diễn tập sẽ không thể làm gì, bởi vì điều này không vi phạm bất cứ bộ luật nào, cho nên nước diễn tập bắn chìm hoặc bắn rơi tàu chiến, máy bay quân sự của nước khác là không hợp lý, không hợp pháp.

Nhưng, hành động như Nhật Bản rõ ràng là một hành vi "khiêu khích", tuy không vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng có tính chất "khiêu khích", vì vậy chắc chắn phải có biện pháp "đáp trả", nhưng biện pháp mạnh nhất, hợp lý nhất chính là cảnh cáo về mặt ngoại giao, ngoài ra, cũng có thể sử dụng phương pháp tương tự răn đe đối phương. Theo bài báo, thực ra phương pháp đáp trả rất nhiều, chẳng hạn tiếp tục tổ chức diễn tập quân sự quy mô lớn hơn ở khu vực lân cận, chạy xuyên qua eo biển Miyako, Nhật Bản...

5 tàu chiến Hải quân Trung Quốc đi qua eo biển Miyako ngày 23 tháng 10 năm 2013 gồm: tàu khu trục Project 051C Thẩm Dương, Thạch Gia Trang (số hiệu 116), tàu hộ vệ Project 054A Yên Đài (số hiệu 538) của Hạm đội Bắc Hải; tàu hộ vệ 054A Từ Châu và Châu Sơn (số hiệu 529) của Hạm đội Đông Hải.
5 tàu chiến Hải quân Trung Quốc đi qua eo biển Miyako ngày 23 tháng 10 năm 2013 gồm: tàu khu trục Project 051C Thẩm Dương, Thạch Gia Trang (số hiệu 116), tàu hộ vệ Project 054A Yên Đài (số hiệu 538) của Hạm đội Bắc Hải; tàu hộ vệ 054A Từ Châu và Châu Sơn (số hiệu 529) của Hạm đội Đông Hải.

Bài báo còn cho rằng, ở vùng biển quốc tế, trong quá trình diễn tập quân sự, tàu chiến, máy bay nước khác xông vào khu vực diễn tập có thể coi là "hành vi gây phiền phức hoặc khiêu khích", mức độ nghiêm trọng phải xem hai nước đương sự xử lý thế nào.

Luật pháp quốc tế quy định tất cả các nước có quyền bình đẳng sử dụng vùng biển quốc tế, vùng biển quốc tế không thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào, bất cứ nước nào đều không thể coi vùng biển quốc tế là của mình, cũng không thể thực hiện quyền quản lý đối với vùng biển quốc tế, bất cứ tàu thuyền, máy bay nước nào đều có quyền đi lại tự do trên vùng biển quốc tế. Tàu chiến nước ngoài  vào khu vực diễn tập cũng chính là cảnh cáo xua đuổi, nhưng trực tiếp nổ súng là không được, cũng không có tiền lệ này.

Tuy nhiên, Hình Quảng Mai, chủ nhiệm Phòng nghiên cứu luật pháp, Viện nghiên cứu học thuật quân sự Hải quân Trung Quốc cho rằng, căn cứ vào nguyên tắc tự do trên vùng biển quốc tế, Hải quân Trung Quốc có quyền được tự do trên vùng biển quốc tế.

Khi lựa chọn khu vực diễn tập, Hải quân Trung Quốc đã tránh các tuyến đường hàng hải nhộn nhịp, khu đánh cá, vùng biển có ý nghĩa bảo vệ môi trường sinh thái và khu vực huấn luyện biển của nước khác, đã cân nhắc đầy đủ tính tiện lợi sử dụng vùng biển quốc tế của cộng đồng quốc tế, bố trí khu vực diễn tập với khả năng gây phiền phức ít nhất, thời gian diễn tập chỉ 1 tuần, đồng thời có thông báo cho Tổ chức hàng hải quốc tế, định vị là khu vực diễn tập bắn đạn thật, tức là khu cấm đi lại có ý nghĩa luật pháp quốc tế, tàu thuyền, máy bay các nước "có nghĩa vụ né tránh".

"Vì vậy, tàu chiến, máy bay Nhật Bản  vào khu vực diễn tập và tập trung do thám, đã "vi phạm nghiêm trọng" việc thực hiện quyền lợi của Trung Quốc đối với tự do ở vùng biển quốc tế". - chuyên gia này lớn tiếng cho biết.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ Project 056 của Hải quân Trung Quốc
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Project 056 của Hải quân Trung Quốc

Theo lập luận của bà Hình Quảng Mai, "căn cứ vào luật pháp quốc tế, thiết lập khu vực diễn tập có ba mục đích: (1) giúp cho tàu thuyền, máy bay tránh nguy hiểm khi qua lại; (2) ngăn chặn tàu chiến, máy bay nước ngoài gây phiền phức cho diễn tập; (3) tránh trách nhiệm quốc tế. Vì vậy, tàu chiến, máy bay Nhật Bản vào khu vực diễn tập thì nếu có bị "ăn đạn" cũng phải tự gánh chịu".

Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 18 tháng 10, Hải quân Trung Quốc tập kết 3 hạm đội lớn gồm Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải, Hạm đội Nam Hải, tổ chức diễn tập đối kháng thực binh biển xa mang tên "Cơ động-5" ở vùng biển Tây Thái Bình Dương. Tuy những năm gần đây Hải quân Trung Quốc liên tiếp đến Tây Thái Bình Dương tiến hành diễn tập, nhưng lần này, "Cơ động-5" đến Tây Thái Bình Dương tiến hành diễn tập quân sự xa bờ là lần đầu tiên trong lịch sử Hải quân Trung Quốc, cũng là cuộc diễn tập có quy mô lớn nhất của Hải quân Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.

Có chuyên gia quân sự cho rằng, từ năm 1991 đến nay, Hải quân Trung Quốc bắt đầu tổ chức diễn tập quân sự liên hợp hạm đội, đến nay đã tổ chức 5 lần, nhưng khu vực diễn tập trước đây chủ yếu tập trung ở "vùng biển đông nam" của Trung Quốc. Lần này diễn tập đã đến vùng biển phức tạp - đây là một điều đáng quan tâm.

Tàu vận tải đổ bộ Project 071 của Hải quân Trung Quốc, trang bị cho Hạm đội Nam Hải
Tàu vận tải đổ bộ Project 071 của Hải quân Trung Quốc, trang bị cho Hạm đội Nam Hải

Tài liệu thống kê của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, năm 2012, Trung Quốc có tổng cộng 20 đợt, 90 lần tàu chiến tiến hành huấn luyện biển xa ở vùng biển Tây Thái Bình Dương, những hoạt động diễn tập này gồm có tìm hiểu vùng biển, khí tượng, thủy văn, tuyến đường. Vì vậy, 3 hạm đội lớn lần này cùng điều động diễn tập, có thể nói là một cuộc sát hạch tổng hợp đối với Hải quân Trung Quốc trong những năm gần đây.

Trung Quốc phát triển hải quân tầm xa vì lợi ích và tham vọng

Có phân tích cho rằng, Trung Quốc liên tiếp tiến hành diễn tập quân sự trên biển, mục đích là muốn khẳng định họ có quyết tâm đòi hỏi những điều mà Bắc Kinh tuyên bố là “chủ quyền lãnh thổ trên biển”, nhưng đó không phải là toàn bộ. Ra sức phát triển hải quân và tiến hành diễn tập quân sự trên biển là kế hoạch phát triển lâu dài, chứ không phải nhằm đối phó với tình hình trong ngắn hạn.

Theo bài báo, Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào năm 2012, Ban lãnh đạo mới Trung Quốc đã đưa ra tư tưởng chiến lược "xây dựng cường quốc biển" với 3 mục tiêu: Một là bảo vệ "quyền lợi biển"; hai là bảo vệ môi trường biển; ba là khai thác, sử dụng biển. Tăng cường xây dựng hải quân có quan hệ chặt chẽ với chính sách hiện hành của Trung Quốc.

Biên đội vận tải đổ bộ Trung Quốc cơ động trên biển (ảnh tư liệu)
Biên đội vận tải đổ bộ Trung Quốc cơ động trên biển (ảnh tư liệu)

Dồn dập tiến hành diễn tập quân sự trên biển cũng là để kiểm tra trang bị mới của Hải quân Trung Quốc. Những năm gần đây, rất nhiều trang bị mới như tàu chiến của Hải quân Trung Quốc liên tục hạ thủy, đưa vào biên chế, được các nước phương Tây cho là phát triển kiểu "giếng phun".

Điều này một mặt đã thể hiện năng lực đóng tàu của Trung Quốc, mặt khác giúp Hải quân Trung Quốc thay thế một phần tàu cũ đã hoạt động trên 30 năm (biên chế từ thập niên 1980). Thông qua diễn tập quân sự nhiều lần có thể kiểm tra và thúc đẩy đổi mới trang bị cho Hải quân Trung Quốc.

Theo bài báo, Hải quân Trung Quốc đi ra biển xa vừa là nhu cầu cải cách mở cửa của Trung Quốc, vừa là nhu cầu thực hiện nghĩa vụ nước lớn. Trung Quốc đi ra biển xa, nhưng Trung Quốc có tuyên bố không thay đổi chiến lược phòng thủ. Căn cứ vào Sách trắng Quốc phòng mới nhất, hiện nay, chiến lược phát triển của Hải quân Trung Quốc vẫn nhấn mạnh phòng thủ biển gần, nhưng cũng nhấn mạnh tác chiến biển xa và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống ở biển xa với các nước khác.

Tốp biên đội tàu chiến hộ tống Trung Quốc
Tốp biên đội tàu chiến hộ tống Trung Quốc

Bài báo cho rằng, những cuộc diễn tập này một mặt đã kiểm tra năng lực tác chiến của quân đội, khả năng sử dụng của vũ khí trang bị, đồng thời trong tình hình hiện nay, cũng có tác dụng răn đe một số nước mà Trung Quốc coi là có "ý đồ thù địch", "xâm phạm chủ quyền" của Trung Quốc.
Đông Bình