Hải quân Mỹ và đồng minh Nhật Bản tập trận chung. |
Ngày 18/5, Lầu Năm Góc công bố “Báo cáo phát triển tình hình quân sự và an ninh Trung Quốc năm 2012”, đã đề cập tới lực lượng hạt nhân của Trung Quốc, cho biết Trung Quốc hiện có 50-75 quả tên lửa xuyên lục địa thể lỏng phóng giếng và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thể rắn cơ động đường bộ.
Ngày 22/5, trang mạng tạp chí “Học giả Ngoại giao” Nhật Bản có bài viết của tác giả Robert Kagan, nhà nghiên cứu cấp cao Viện Brookings Mỹ, đã không đồng ý với những quan điểm về sự suy thoái của nền chính trị Mỹ, cho rằng thắng lợi của Chiến tranh Lạnh tăng thêm lòng tin cho những người Mỹ có sự lo lắng.
Kagan cho rằng, thách thức hiện nay của Mỹ “không lớn như thách thức thời kỳ Chiến tranh Lạnh”, khi đó để ngăn chặn Liên Xô, Washington đã phát triển quan hệ với các nước xung quanh Liên Xô.
Còn hiện nay, Mỹ đã xác lập quan hệ đồng minh chiến lược với một số nước láng giềng của Trung Quốc, Bắc Kinh đối mặt với những hạn chế rất lớn, người phải lo lắng hiện nay là Trung Quốc, còn Mỹ chỉ cần “lặng lẽ quan sát”, “giữ vững những gì đã có” và giữ vững vị trí của mình.
Hạm đội liên hợp giữa Mỹ và đồng minh Hàn Quốc tuần tra trên biển. |
Quan điểm này có lý lẽ nhất định, nhưng nếu cho rằng Mỹ có thể bỏ qua sự tăng cường vai trò ảnh hưởng và cạnh tranh của Trung Quốc, thì có vấn đề. Nền tảng thành công của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh là, có thể chuyển hóa sự tăng trưởng kinh tế thành sức mạnh quân sự và sức mạnh mềm, trong khi Liên Xô lại không làm được điều đó, bởi vì kinh tế của họ suy yếu, đầu tư cho quân sự quá nhiều.
Trong khi đó, hiện nay khả năng tăng trưởng liên tục về chi tiêu quân sự của Trung Quốc tốt hơn nhiều so với Liên Xô. Ngoài ra, thập niên 1980, Liên Xô tăng chi tiêu quân sự dẫn tới gián đoạn sản xuất dân dụng khác.
Chi tiêu quân sự của Trung Quốc hoàn toàn không tiêu hao nguồn lực như vậy, cũng không trói buộc sự phát triển kinh tế như Liên Xô. Kinh tế Liên Xô lạc hậu so với Mỹ, trong khi đó, theo đánh giá, đến năm 2020 GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ.
Rõ ràng là, hiện nay xung quanh Trung Quốc là đồng minh của Mỹ, nhưng ở đây còn có một số nhân tố không xác định. Trước hết, rất nhiều đồng minh của Mỹ ở khu vực này và Trung Quốc có sự phụ thuộc lẫn nhau.
Thứ hai, giống như Mỹ phát triển đồng minh và vai trò ảnh hưởng ở châu Âu, Trung Đông và Đông Á trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc duy trì liên tục việc đầu tư các nguồn lực kinh tế và chính trị, lôi kéo quan hệ với Mỹ Latinh và châu Âu, mở rộng vai trò ảnh hưởng ở Trung Đông và lấy lòng châu Phi. Đến lúc đó, Trung Quốc có thể có biện pháp thoát ra khỏi bất cứ vòng vây ngoại giao nào.
Hải quân Mỹ và các nước Đông Nam Á tập trận chung. |
Còn có một điểm khác gây lo ngại cho Mỹ. Liên Xô sụp đổ là do chính sách đối nội thất bại. Những chính sách này buộc Liên Xô đi xuống theo kiểu xoắn ốc. Hiện nay, Mỹ có thể cũng đang suy yếu kiểu xoắn ốc, kinh tế rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thâm hụt khổng lồ, thể chế chính trị chia rẽ luôn bị tê liệt.
Tin tốt cho Mỹ là, hiệu quả xây dựng hình tượng và mở rộng sức mạnh mềm của Trung Quốc ở nước ngoài có hạn.
Từ châu Âu đến Đông Á, ở nhiều nơi mô hình của Mỹ vẫn được hoan nghênh hơn. Nhưng muốn duy trì vị thế thống trị này, Mỹ phải duy trì ưu thế. Chỉ khi nào chế độ của Mỹ có thể hoạt động, thực hiện cam kết mà các chế độ khác không thể thực hiện, vai trò ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ mới tăng lên.
Mấy tháng gần đây, Washington tái khẳng định cam kết đối với châu Á, đưa tiêu điểm chú ý của quốc tế lại chuyển tới “sân sau” của Trung Quốc, buộc Trung Quốc đánh giá lại tham vọng của họ tại khu vực xung quanh.
Nhưng chỉ có chính quyền Obama và những người kế nhiệm có thể chứng minh, sự tiếp cận trở lại này là nghiêm túc và lâu dài, thực chất nhiều hơn lời nói, chiến lược này mới có thể thành công.
Tất cả những điều này có nghĩa là Mỹ phải lấy sự cấp bách đáp trả lại sự cấp bách của Trung Quốc cả ở trong và ngoài nước. Chỉ ngồi nhìn thì không thể đạt được gì cả.
Không quân Mỹ và Ấn Độ tập trận chung. |