Trong trường mẫu giáo, nếu trẻ xưng "tôi" với giáo viên liệu có dễ nghe ?

19/02/2022 07:05
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không nên cứng nhắc trong xưng hô ở nhà trường, làm sao để trẻ không sợ sệt và nâng cao được chất lượng học tập mới là quan trọng nhất.

Dư luận vẫn chưa hết tranh cãi với bài đăng trên trang cá nhân của nhà nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân, khi ông bày tỏ quan điểm rằng, yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là “con”.

Vị này cũng đồng thời yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm thảo một quy chế về xưng hô trong nhà trường, yêu cầu giáo viên và học sinh, sinh viên cần thay đổi cách gọi.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cũng chỉ ra 3 điều thiết yếu trong quy chế trong đó có đề xuất đáng chú ý rằng, cấm giáo viên không gọi học trò là “con”, “các con”; phải gọi là “trò”, “các trò”, “các em”, “các bạn”.

Đồng thời cho rằng, khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng "tôi" trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học [1].

Cô Diên Thị An - Hiệu trưởng Trường mầm non Lục Dạ, Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: T.D

Cô Diên Thị An - Hiệu trưởng Trường mầm non Lục Dạ, Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: T.D

Sau sự việc này, dư luận đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng việc xưng hô giữa giáo viên và học sinh như thế nào thực ra cũng chỉ là một phương thức giao tiếp, không nên quá đặt nặng và cầu kỳ những tiểu tiết như vậy.

Điều quan trọng và cốt lõi ở các nhà trường là làm sao để có thể đạt được một môi trường giáo dục thân thiện, chất lượng giáo dục được nâng cao.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Diên Thị An - Hiệu trưởng Trường mầm non Lục Dạ (Con Cuông, Nghệ An) cho biết: “Với các cấp học khác, có thể việc giáo viên và cán bộ trong trường dùng cách gọi học trò là “con” không phổ biến. Nhưng với bậc học mầm non, cách gọi học trò là “con” hầu như là đại trà và nhiều giáo viên trong các trường vẫn thường sử dụng cách gọi này.

Theo tôi, có thể là do từ bao lâu nay, cách xưng hô này đã tạo ra được cảm giác gần gũi, thân thiện giữa giáo viên và học sinh nhất. Điều này khiến cho trẻ mầm non thấy được cảm giác an toàn như khi các em đang ở bên cạnh mẹ của mình vậy.

Hơn nữa, nhiều khi nếu chúng ta áp dụng cách gọi học trò mẫu giáo bằng các từ ngữ khác thay vì cách gọi “con” như cũ, rất dễ tạo cho trẻ cảm giác xa lạ. Vì trên thực tế, với các trường mầm non, là nơi mà các em chập chững bước những bước đầu tiên đến trường. Khi rời xa vòng tay cha mẹ để ở trong môi trường mới và lạ lẫm, thì giáo viên gọi các em là “con” cũng phần nào giúp các em bớt đi sự sợ sệt.

Còn với các bậc học khác cao hơn, khi các học sinh đã hình thành tương đối hoàn chỉnh về mặt tâm sinh lý, hoàn toàn có thể cho giáo viên áp dụng cách gọi là “em” hoặc “các em”. Nhưng dù sao, cũng nên dựa trên tình hình thực tế ở môi trường mà các em đang tiếp cận.

Tóm lại, cách giáo viên gọi học sinh như thế nào nên để ở trạng thái tự nhiên, linh hoạt và tùy cách ứng xử với học sinh của từng cấp học. Không nên đưa việc này vào khuôn khổ và quy định cứng rằng phải gọi như thế này hoặc phải gọi như thế kia.

Chẳng hạn, giờ ở cấp học mầm non, nếu chúng ta không cho giáo viên gọi học trò là “con” như cũ nữa mà gọi với tên gọi khác. Còn với học trò mẫu giáo, chúng ta yêu cầu các em gọi giáo viên của mình là “cô” nhưng xưng “tôi” thì liệu có hợp lý?”.

Để làm rõ hơn về việc xưng hô trong nhà trường, cô An cũng cho biết rằng, tại trường mầm non Lục Dạ, từ trước cũng đã có một bộ quy tắc ứng xử. Theo vị Hiệu trưởng này, trong bộ quy tắc đó cũng đưa ra những quy tắc về cách xưng hô giữa giáo viên với học sinh nhưng đều dựa trên sự linh hoạt chứ không cứng nhắc, áp đặt.

Cô An nhấn mạnh thêm: “Bộ quy tắc về ứng xử với cách xưng hô như thế nào chúng tôi cũng dựa trên tình hình thực tế và có khảo sát để đưa vào. Qua đó, chúng tôi khuyến khích cán bộ, giáo viên nên thực hiện theo chứ cũng không bắt ép mọi người phải thực hiện theo khuôn mẫu chung nào cả.

Việc gọi học sinh như thế nào cho hợp lý nhà trường cũng để giáo viên chủ động trong cách dùng từ, nhưng phải nhẹ nhàng và thân thiện với học sinh nhất. Mục đích cuối cùng thông qua việc giao tiếp đó, khoảng cách giữa cô và trò được rút ngắn lại, tạo ra tâm lý hứng thú, tiếp thu bài giảng thật tốt của học sinh với các giáo viên”.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI) cho rằng: “Xét về góc độ pháp lý, trong Luật Giáo dục từ trước tới nay, những nhà làm luật họ cũng không đưa ra điều khoản nào để quy định bắt buộc, yêu cầu giáo viên phải xưng hô thế nào.

Điều đó là do xuất phát từ thực tế, khi thực hiện việc giao tiếp ứng xử trong các nhà trường, tùy từng cấp học, từng địa phương mỗi nơi họ cũng sẽ có những cách xưng hô khác nhau để phù hợp với điều kiện của nhà trường đó.

Chẳng hạn, ở khu vực miền Nam thì không chỉ trong các nhà trường học sinh mới xưng là “con” với các giáo viên mà khi giao tiếp ngoài xã hội, các em nhỏ cũng xưng là “con” với người lớn. Qua nhiều thế hệ, họ sử dụng cách xưng hô như thế trong giao tiếp nó như một thói quen và trở thành “câu cửa miệng” ở khu vực đó.

Khi ấy, phần vì cách xưng hô ấy là thuận tiện, tạo khoảng cách gần gũi cho các bên nên họ sử dụng từ xưng hô đó vào đại trà và trên diện rộng. Ở trong các nhà trường cũng vậy, nếu chúng ta đưa cách xưng hô theo kiểu bắt buộc phải là phải như thế nào, mang tính ép buộc thì rất dễ tạo ra tranh cãi không cần thiết. Một đề xuất mà không dựa trên thực tế cuộc sống, dựa trên các quy định của pháp luật đã có từ trước thì đề xuất đó là vô nghĩa, thiếu tính thực tế”.

Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan - Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI). Ảnh: T.D

Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan - Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI). Ảnh: T.D

Thầy Thoan chia sẻ thêm: “Còn dưới góc độ phong tục, tập quán của dân tộc, từ xa xưa các thầy đồ dạy học cũng đã sử dụng cách gọi các học trò của mình là “con”, và người học thời đó cũng xưng “con” với thầy giáo của mình. Từ những cách gọi thân thương, gần gũi như thế, sau này trong dân gian mới truyền nhau câu nói “cô giáo như mẹ hiền”.

Tất nhiên, trong thời buổi hiện đại, nhiều biến cố của giáo dục đã xảy ra, mối quan hệ thầy trò cũng đã có nhiều thay đổi chứ không vẹn nguyên như trước. Vì thế, các trường ở mỗi địa phương cũng đã sử dụng các cách gọi khách nhau để phù hợp với lứa tuổi, đặc trưng vùng miền. Nhưng cái cốt lõi là làm sao để giữ lại sự kỷ cương, tôn trọng giữa thầy và trò.

Theo tôi, không nên đưa ra quy định cứng việc xưng hô giữa giáo viên với các học sinh trong nhà trường làm gì cả. Việc này cần tùy theo tình hình của khu vực, sự linh hoạt của từng giáo viên ở các cấp học. Làm sao để vừa đảm bảo được sự tôn kính, lễ phép nhưng cũng phải đảm bảo được sự thân thiện và tiếp thu kiến thức tốt nhất của học trò”.

Tư liệu tham khảo:

[1]. https://laodong.vn/ban-doc/tranh-cai-gay-gat-truoc-de-xuat-giao-vien-khong-goi-hoc-sinh-la-con

Trung Dũng