TP.HCM: Hương liệu bò bỗng dưng… mất tích

26/04/2011 09:39
Ngay thời điểm đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra tại các chợ, hương liệu bò không nguồn gốc bỗng dưng… mất hút.

Ngay thời điểm đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra tại các chợ, hương liệu bò không nguồn gốc bỗng dưng… mất hút.

>> Cận cảnh quy trình "hô biến" thịt lợn thành thịt bò
>> 16 tấn “thịt bò” có thể gây chết người bị tung ra thị trường

Sáng 25/4, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) phối hợp cùng Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh hương liệu có khả năng biến thịt heo thành thịt bò trên địa bàn TP.HCM.

Đủ loại, đủ giá


Trước thời điểm kiểm tra một ngày, Chi cục ATVSTP TP.HCM chỉ đạo một số nhân viên khảo sát hoạt động kinh doanh hương liệu thịt bò ở chợ Kim Biên (quận 5). Kết quả khảo sát cho thấy, có khá nhiều sạp kinh doanh hương liệu bò dạng nước và bột không nguồn gốc với giá mỗi kg khoảng 300.000 đồng. Các sạp còn hứa sẽ cung cấp đầy đủ lượng hàng theo yêu cầu của khách. Tuy nhiên, ngay thời điểm kiểm tra, hương liệu bò không nguồn gốc bỗng dưng… mất hút.

Một số sản phẩm hương bò được bày bán ở chợ Kim Biên

Một số sản phẩm hương bò được bày bán ở
chợ Kim Biên.

Tại sạp NN, đoàn kiểm tra phát hiện nơi này kinh doanh hương bò dạng bột của Công ty TNHH Hương liệu phụ gia thực phẩm Hồng Á (198 Lãnh Binh Thăng, quận 11) với giá 290.000 đồng/kg. Nhãn của loại hương liệu này ghi nguyên liệu ngoại nhập, đóng gói tại Việt Nam với thành phần gồm hương tổng hợp, hương tự nhiên, dung môi thực phẩm. Ngoài ra, sạp còn kinh doanh hương bò dạng nước với giá 125.000 đồng/kg nhưng không có nhãn. Tuy nhiên, chủ sạp cho biết hương bò dạng nước cũng được lấy từ Công ty Hồng Á.

Tại sạp TH, đoàn kiểm tra phát hiện nơi này bày bán hương bò dạng nước của Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại hương liệu Minh Anh (157 Lý Thánh Tông, phường Tân Thới Hòa, Tân Phú) với giá 230.000 đồng/kg. Nhãn ghi thành phần gồm hương tổng hợp, hương tự nhiên, dung môi thực phẩm.

Mặc dù nhãn của các sản phẩm hương bò nói trên đều có ghi số chứng nhận công bố chất lượng nhưng Chi cục ATVSTP và Thanh tra Sở Y tế TP.HCM vẫn lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời thực hiện kiểm tra địa điểm sản xuất.

Thực phẩm, phụ gia không an toàn của Trung Quốc đã thâm nhập vào Việt Nam?

Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Công ty Minh Anh, cho biết nguyên liệu để sản xuất hương bò được mua từ Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Ếch Vàng (huyện Thuận An, Bình Dương). Trong khi đó, Công ty Ếch Vàng nhập nguyên liệu hương bò từ Singapore. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, Công ty Minh Anh chưa xuất trình đầy đủ hóa đơn nguồn gốc nguyên liệu hương bò và hứa sẽ bổ sung sau.

Đại diện Công ty Hồng Á cho rằng, nguyên liệu sản xuất hương bò được công ty này nhập khẩu từ Đài Loan. Đoàn kiểm tra ghi nhận công ty thực hiện không đầy đủ quy định ghi nhãn. Đoàn còn phát hiện điểm chiết rót hương liệu của Công ty Hồng Á tại 127 Công Chúa Ngọc Hân (quận 11) không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Ngoài lấy mẫu xét nghiệm, đoàn kiểm tra còn quyết định đình chỉ hoạt động điểm chiết rót hương liệu của Công ty Hồng Á.

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, cơ quan chức năng Trung Quốc từng phát hiện người chăn nuôi trộn phụ gia độc hại có tên gọi “bột thịt nạc” (clenbuterol) vào thức ăn gia súc để heo nhiều nạc, thịt tươi lâu. Chất phụ gia này có khả năng gây run cơ, đau tim, tăng huyết áp, choáng váng, thậm chí chết… Nay Trung Quốc lại phát hiện phụ gia có thể biến thịt heo thành thịt bò giống cả hình thức  lẫn mùi vị chỉ trong vài phút nhưng có chứa các chất có nguy cơ gây ngộ độc nếu hấp thụ nhiều.

“Trước thực trạng trên, không loại trừ khả năng thực phẩm và phụ gia không an toàn của Trung Quốc đã thâm nhập vào Việt Nam. Để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, ngành y tế TP.HCM sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra thực phẩm và phụ gia có nguồn gốc từ Trung Quốc để kịp thời khuyến cáo người tiêu dùng” - ông Hòa nhấn mạnh.

Theo Trần Ngọc/Pháp luật TP.HCM

>> Cận cảnh quy trình "hô biến" thịt lợn thành thịt bò
>> 16 tấn “thịt bò” có thể gây chết người bị tung ra thị trường