Tình trạng số lượng thí sinh ảo luôn là nỗi lo với các trường ĐH mùa tuyển sinh

10/07/2023 06:31
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu không tính toán được số lượng thí sinh ảo chính xác thì trường đại học sẽ có nguy cơ tuyển sinh thiếu hoặc dư chỉ tiêu.

Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thí sinh sẽ nhập và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học tiếp tục thực hiện công tác tuyển sinh.

Đến nay, qua những phương thức xét tuyển sớm, các trường đại học đã tuyển được số lượng thí sinh nhất định.

Trường đại học mở nhiều ngành học mới

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh vừa được đổi tên thành Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Những năm qua, công tác tuyển sinh của trường khá thành công và đạt được các mục tiêu đề ra. Năm 2022, điểm chuẩn phương thức xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông tăng lên khá cao, tạo phản ứng bất ngờ đối với thí sinh và phụ huynh, nhưng năm nay, dự kiến điểm chuẩn của các phương thức xét tuyển sớm đa phần các ngành có chiều hướng giảm so với năm 2022.

Năm 2023, trường đã mở thêm 03 ngành mới: Thương mại điện tử, khoa học dữ liệu và ngành Công nghệ tài chính với mong muốn mở rộng thêm nhiều ngành học, nhiều lựa chọn hơn cho thí sinh.

Chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm nay của trường là 6300, tăng hơn 2100 chỉ tiêu so với năm 2022

Thầy Thanh cho biết, các ngành thuộc lĩnh vực kinh doanh quản lý (Quản trị kinh doanh, Marketing, Thương mại điện tử, kế toán, tài chính ngân hàng, kinh doanh quốc tế, công nghệ tài chính), Công nghệ thông tin (Công nghệ thông tin, an toàn thông tin), Ngôn ngữ (ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung), Công nghệ thực phẩm là những ngành học thu hút nhiều thí sinh.

Sinh viên Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ thực hành. Ảnh: NVCC

Sinh viên Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ thực hành. Ảnh: NVCC

Đặc biệt, ngành Công nghệ thực phẩm là ngành xếp thứ 2 trong 3 nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực đến năm 2025, hứa hẹn trở thành ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khi đó, các ngành Công nghệ chế biến thủy sản, Công nghệ kỹ thuật môi trường khó tuyển sinh hơn.

“Một số ngành kén thí sinh chọn bởi tính chất ngành học, công việc và môi trường làm việc sau tốt nghiệp như các nhóm ngành về công nghệ kỹ thuật; ngoài ra có sự ảnh hưởng trong quá trình học tập ở bậc phổ thông, sự hướng nghiệp chưa đạt được mục tiêu, cho các bạn học sinh hiểu đúng; đa số chạy theo trào lưu, theo thị hiếu đám đông.

Với những ngành khó tuyển, nhà trường tăng cường công tác hướng nghiệp, các chính sách cho người học, như: hỗ trợ học bổng, giới thiệu việc làm, quan tâm các em nhiều hơn trong các hoạt động học tập.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã xét tuyển sớm được khoảng 40 % thí sinh”, Tiến sĩ Thái Doãn Thanh cho hay.

50% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp

Chia sẻ với phóng viên về công tác tuyển sinh, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết, trong những năm qua, kết quả tuyển sinh của nhà trường luôn giữ được sự ổn định, đạt chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm đối với các phương thức xét tuyển, điểm chuẩn đầu vào của đại đa số các ngành đều ở mức cao.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: NVCC

Trong năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh của trường đối với 25 ngành/chương trình đào tạo chính quy trình độ đại học là 2.805 (chưa kể 300 chỉ tiêu ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam). Trường đã thực hiện xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển kết hợp với số thí sinh trúng tuyển là 1.489. Số chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp trung học phổ thông là 50%.

Năm nay, trường bổ sung 1 tiêu chí của phương thức xét tuyển kết hợp theo quy định của Trường, theo đó, bên cạnh các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng việc sử dụng chứng chỉ năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam của 1 trong các cơ sở giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ và cấp chứng chỉ.

Những ngành học có số hồ sơ đăng ký ứng tuyển nhiều và có điểm chuẩn đầu vào cao gồm có: ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, và một số ngành đào tạo bằng tiếng Anh như: Marketing, Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành.

Hơn 1400 thí sinh trúng tuyển vào Trường Đại học Hà Nội theo các phương thức xét tuyển sớm. Ảnh: NTCC

Hơn 1400 thí sinh trúng tuyển vào Trường Đại học Hà Nội theo các phương thức xét tuyển sớm. Ảnh: NTCC

Là trường đại học chuyên về đào tạo các ngành ngôn ngữ, Trường Đại học Hà Nội đào tạo ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam dành cho sinh viên người nước ngoài đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Năm nay, trường tiếp tục tuyển sinh ngành học này với 300 chỉ tiêu.

“Trước khi diễn ra đại dịch Covid-19, ngành này tuyển sinh luôn đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, số lượng sinh viên tuyển sinh thấp hơn chỉ tiêu do những khó khăn trong việc xuất nhập cảnh. Hy vọng năm nay tình hình hình tuyển sinh sẽ khả quan hơn.

Thực tế cho thấy, sinh viên tốt nghiệp ngành này đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước, và có nhiều cựu sinh viên người nước ngoài hiện đang làm việc và giữ các vị trí quan trọng tại các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam”, thầy Dũng cho biết.

Tăng cường lọc ảo, giảm số lượng thí sinh ảo thấp nhất

Chia sẻ về khó khăn trong công tác tuyển sinh, Tiến sĩ Thái Doãn Thanh cho rằng, tình trạng số lượng thí sinh ảo luôn là nỗi lo của các cơ sở giáo dục đại học, do thí sinh xét tuyển và trúng tuyển cùng lúc vào nhiều trường, điển hình là số lượng thí sinh nhập học ngày càng giảm, số lượng thí sinh ảo làm mất cơ hội của nhiều thí sinh khác.

Mặt khác, nếu không tính toán được số lượng thí sinh ảo chính xác thì nhà trường sẽ có nguy cơ tuyển sinh thiếu hoặc dư chỉ tiêu, từ đó có thể gây ra các hệ lụy không mong muốn.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật, thực hiện lọc ảo chung tất cả phương thức xét tuyển, đồng thời Bộ đã thường xuyên họp giao ban trực tuyến với các sở giáo dục và đào tạo, với cơ cơ sở đào tạo để thống nhất về chủ trương, hoàn thiện chính sách, hoàn thiện các thông tư và văn bản, kế hoạch về tuyển sinh; đồng thời trao đổi, thống nhất về mặt kỹ thuật với cán bộ trực tiếp làm công tác tuyển sinh của các trường, các nhóm trường.

Việc này không làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo, các trường vẫn có thể xét tuyển sớm và thông báo danh sách đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông) cho thí sinh.

Các trường tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc xét tuyển, quyết định điểm trúng tuyển và đưa lên hệ thống để lọc ảo.

Ngoài ra, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng tham gia nhóm lọc ảo phía nam do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì. Vì thế tỉ lệ ảo thấp, tạo điều kiện cho việc gọi nhập học của trường thuận lợi.

Tiến sĩ Thanh cũng lưu ý, hiện vẫn còn tình trạng thí sinh lơ là việc kiểm tra lại thông tin ngày giờ, thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, thời gian đăng kí nguyện vọng, dẫn đến hết hạn đăng ký, và thí sinh lỡ mất cơ hội xét tuyển. Vì vậy, các thí sinh phải nắm rõ thông tin ngành cũng như trường mà các em muốn xét tuyển vào để học tập.

Theo Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo mỗi năm mỗi thay đổi, mặc dù không thay đổi nhiều nhưng các trường cũng mong muốn Bộ ban hành quy chế tuyển sinh sớm nhất có thể để thí sinh cũng như các cơ sở giáo dục an tâm, đủ thời gian nắm bắt, hiểu rõ và chuẩn bị thật tốt mọi công đoạn.

Phạm Minh