Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Thủ tục sang tên xe khi chủ cũ qua đời

01/12/2012 15:50
Theo Vnexpress
Khi chủ xe - người ủy quyền - chết thì hợp đồng giữa bạn và chủ xe đương nhiên hết hiệu lực. Chiếc xe bạn đang đi thành di sản thừa kế. Bạn không thể chuyển quyền sở hữu nếu không được các đồng thừa kế của chủ xe đồng ý.
Theo quy định tại Điều 581 Bộ luật Dân sự, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy, bản chất của hợp đồng ủy quyền là quyền của bên ủy quyền không hề mất đi mà chỉ chuyển giao lại cho bên được ủy quyền thực hiện thay cho họ một hoặc một số công việc nào đó trong thời hạn ủy quyền. Chủ xe và bạn đã ký kết hợp đồng ủy quyền thì bạn - tư cách người được ủy quyền, chỉ được quyền quản lý, sử dụng và định đoạt chiếc xe trong thời hạn ủy quyền.

Bên cạnh đó, Điều 589 Bộ luật Dân sự cũng quy định hợp đồng ủy quyền chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

“1. Hợp đồng ủy quyền hết hạn;

2. Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;

3. Bên ủy quyền, bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 588 của bộ luật này;

4. Bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết”.

Trong trường hợp của bạn, khi chủ xe - người ủy quyền - chết thì hợp đồng ủy quyền giữa bạn và chủ xe đương nhiên hết hiệu lực (bị chấm dứt). Lúc này, chiếc xe sẽ trở thành di sản thừa kế của chủ xe để lại cho các đồng thừa kế. Khi đó, bạn không thể làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu chiếc xe nếu không được các đồng thừa kế của chủ xe đồng ý.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự, trong trường hợp chủ xe chết không để lại di chúc (hoặc có để lại di chúc nhưng không định đoạt về chiếc xe vì thực tế đã bán cho bạn) chiếc xe (cùng với những tài sản khác của người chết) sẽ được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Sau khi, những người này làm xong thủ tục khai nhận di sản thừa kế, bạn phải thương thảo với họ để làm hợp đồng chuyển nhượng (hay giấy bán) chiếc xe. Các giấy tờ cần thiết cho việc đăng ký sang tên xe được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ Công an quy định việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Cụ thể, bạn phải xuất trình giấy CMND; giấy khai đăng ký xe (theo mẫu của cơ quan Công an); giấy chứng nhận đăng ký xe; chứng từ chuyển nhượng xe (hợp đồng mua bán và văn bản thừa kế theo quy định của pháp luật); chứng từ lệ phí trước bạ.

Thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình

Công ty Luật Bảo Ngọc

Theo Vnexpress