Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Kỳ thi tốt nghiệp là nguồn tin cậy để tuyển sinh ĐH

11/03/2024 17:59
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Chiều nay (11/3), tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo công tác chuẩn bị đề thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Tham dự và chỉ đạo hội thảo có ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban chỉ đạo; ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng.

Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo một số vụ, cục (Bộ Giáo dục và Đào tạo); đại diện lãnh đạo của một số cơ sở giáo dục đại học cùng đại diện lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo trên phạm vi cả nước, các chuyên gia đã từng tham gia xây dựng thành công cấu trúc định dạng đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025.

DSC_0387.JPG
Toàn cảnh hội thảo

Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 đảm bảo giảm áp lực, tốn kém cho xã hội

Phát biểu khai mạc, chỉ đạo hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ từ 2025 là 1 trong 9 nhiệm vụ quan trọng của giáo dục và đào tạo đã được nêu ra tại Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Đây là công việc khó khăn vì có tác động rộng lớn tới xã hội, học sinh, phụ huynh học sinh, các thầy cô giáo, tới quá trình không chỉ dạy học trong nhà trường mà còn tác động tới cả quá trình bồi dưỡng đào tạo giáo viên… Xác định tầm quan trọng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sớm thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến thực hiện,...

DSC_0361.JPG
Ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban chỉ đạo

Thứ trưởng bày tỏ công việc triển khai có nhiều tín hiệu khả quan khi phương án thi tốt nghiệp, cũng như cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 đã nhận được sự đồng thuận, ghi nhận và đánh giá cao của xã hội.

Song, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng nhấn mạnh, hiện nay với yêu cầu đổi mới và xã hội hóa công tác sách giáo khoa, đặc biệt việc chuyển phương pháp giảng dạy từ truyền thụ kiến thức là chính sang định hình phẩm chất và năng lực của học sinh, do đó đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá không chỉ là đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên của học sinh, mà còn kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và kết thúc kỳ, kết thúc năm học, chương trình học.

Theo đó, xây dựng ngân hàng đề thi là công việc hết sức quan trọng. Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với tinh thần một chương trình nhiều sách giáo khoa, học sinh học một trong ba bộ sách đều có thể làm được bài thi và đều có thể đánh giá được năng lực và phẩm chất của thí sinh.

Bên cạnh đó, kỳ thi đáp ứng các mục tiêu về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, của Chính phủ và yêu cầu của giáo dục đào tạo đã đặt ra.

“Một, phải giảm áp lực và giảm tốn kém cho xã hội. Hai, đảm bảo tính trung thực, khách quan. Ba, đủ độ tin cậy để làm cơ sở cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học thực hiện công tác tuyển sinh của mình”, Thứ trưởng phát biểu.

Với sự tham gia của đại diện cơ sở giáo dục đại học tại hội thảo, Trưởng Ban chỉ đạo chia sẻ mong muốn các đại biểu cùng tham gia thảo luận vấn đề sử dụng kết quả thi tốt nghiệp từ năm 2025 cho tuyển sinh đại học..

“Về luật, các cơ sở giáo dục đại học có thể tuyển sinh theo hình thức và phương thức của mình như kiểm tra đánh giá năng lực, có thể tổ chức các kỳ thi riêng, nhưng nếu cân nhắc trên nhiều phương diện thì đây là một trong những nguồn có thể lấy kết quả chính, không những giảm tốn kém cho phụ huynh, học sinh mà chính các trường cũng không phải huy động lực lượng, nhân lực, vật tư để lo công tác tuyển sinh này.

Ngoài ra, còn có những yếu tố khác nếu chúng ta làm không tốt, không chặt chẽ, không đảm bảo thì có thể xảy ra những hệ lụy khác không đáng có, nên chúng tôi mong các thầy cùng thảo luận”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đặt vấn đề.

Tháng 6/2025, thí sinh sẽ chính thức tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng hy vọng hội thảo sẽ có những trao đổi chuyên môn thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng, tập trung chủ đề chính của hội thảo là xây dựng thư viện ngân hàng chuẩn bị cho việc xây dựng đề thi sau năm 2025.

Số lượng thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học vẫn chiếm 1 tỷ lệ lớn

DSC_0400.JPG
Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Báo cáo về công tác tổ chức thi từ năm 2025, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương cho biết, nguyên tắc cốt lõi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là bám sát chủ trương, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Bám sát quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đồng thời kế thừa những kinh nghiệm quý báu từ các kỳ thi đã tổ chức.

Khẳng định kỳ thi tốt nghiệp là một trong những dữ liệu tuyển sinh đáng tin cậy, Cục trưởng Huỳnh Văn Chương cho biết, hiện nay, khối ngành Khoa học sức khỏe và nhiều ngành khác với chuẩn đầu vào thuộc tốp cao nhất các cơ sở giáo dục đại học vẫn lấy đầu vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

anh-0101.png
Số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo Cục trưởng Huỳnh Văn Chương, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 được tổ chức với 3 mục đích chính.

Thứ nhất, đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông (Giáo dục phổ thông) 2018;

Thứ hai, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy và học tại các cơ sở Giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục;

Thứ ba, cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Nội dung đề thi sẽ bám sát nội dung của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Phương thức xét công nhận tốt nghiệp và các mục tiêu sau đó sẽ được thực hiện qua việc kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

DSC_0337.JPG
Đại biểu tham dự hội thảo

Cuối cùng, nhấn mạnh và quan tâm tới tính phân cấp, phân quyền trong tổ chức thi và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng chia sẻ, trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ vai trò chỉ đạo chung, ban hành các văn bản, hướng dẫn, kế hoạch; Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức kỳ thi; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; Phối hợp với Bộ Công an, các địa phương phòng, chống hiệu quả việc ứng dụng công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi.

Với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vẫn tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương; chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật lực, các điều kiện khác để tổ chức kỳ thi; Thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát và xét công nhận tốt nghiệp.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp, chủ động sử dụng kết quả thi làm căn cứ xét tuyển sinh đại học theo hướng tự chủ và bảo đảm chất lượng, đúng quy định tuyển sinh.

Doãn Nhàn